Cơ Cấu “dân Số Vàng”, Nếu Không Tận Dụng, Sẽ Lỡ Thời Cơ - Bộ Y Tế

Truy cập nội dung luôn Cổng thông tin Bộ Y tế

Cơ cấu “dân số vàng”, nếu không tận dụng, sẽ lỡ thời cơ

27/11/2020 | 09:51 AM

|

Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" khi có 69% dân số trong tuổi lao động. Đây được xem là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Để phát huy được tối đa thế mạnh này, Nghị quyết số 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhấn mạnh: Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu "dân số vàng", tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.

news-relate

Cần nắm bắt và tận dụng cơ hội “dân số vàng” để sử dụng lực lượng “lao động vàng” hợp lý, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Ảnh: Chí Cường

Phát huy tối đa lợi thế "dân số vàng"

Ðặc điểm nổi bật trong thời kỳ "cơ cấu vàng" là dân số có khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, hiện nay chiếm khoảng 69% tổng dân số. Đây là thời kỳ mang lại cơ hội lớn để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Bắt đầu từ năm 2007, với tỷ số phụ thuộc chung (nhóm dân số 0-14 tuổi và nhóm dân số trên 65 tuổi tính trên nhóm dân số 15-64) dưới 50%, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu "dân số vàng". Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu "dân số vàng" thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 -50 năm. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy thời gian đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quí giá này. Nhiều quốc gia châu Á đã biết tận dụng triệt để cơ hội "dân số vàng" để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.

Thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" là một cơ hội hiếm hoi và đây chính là cơ hội để Việt Nam cất cánh như một số nước trong khu vực đã nói trên. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương, Việt Nam cần chớp lấy thời cơ "dân số vàng" để cải thiện năng suất lao động, vì cơ hội này sẽ không quay trở lại, nếu có phải ít nhất 100 - 200 năm sau.

Với tổng số dân là hơn 96 triệu người, hiện nay số người trong độ tuổi lao động ở nước ta chiếm 2/3 số dân. Theo GS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em, đây là dư lợi lớn của "dân số vàng" cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, với khoảng một nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi, thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề. Mỗi năm, nước ta có từ 1,5 - 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động, tuy nhiên lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế, vì có trên 70% là lao động giản đơn. Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch... là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu "dân số vàng".

Mối lo nếu không thực sự "vàng" về tri thức và tay nghề

Một thực tế là không ít những người học càng cao thì khi ra trường cơ hội có được việc làm tương xứng lại càng khó, nhiều sinh viên đại học ra trường 2-3 năm nhưng vẫn chưa thể kiếm được việc làm.

Theo thống kê trong 3 quý năm 2015 của Viện Khoa học Lao động và Xã hội có thể thấy một điều rất lạ là người có bằng cấp càng cao thì nguy cơ thất nghiệp càng lớn. Bức tranh toàn cảnh về thị trường lao động Việt Nam mới nhất do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê công bố ngày 4/4/2019 cho thấy, số người thất nghiệp dài hạn, trên 12 tháng có xu hướng gia tăng, chiếm 34,42% tổng số người thất nghiệp. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất vẫn ở nhóm có trình độ cao đẳng.

Gần đây, PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (ĐH Kinh tế Quốc dân) đã chỉ rõ: "Việt Nam chỉ có thể có "dư lợi" dân số tới năm 2018, nếu năng suất lao động không thay đổi". Theo ông Long với xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh trong tương lai, thâm hụt của nhóm cao tuổi ngày càng tăng thì thách thức chính sách đảm bảo an sinh xã hội là không nhỏ.

Nói về thực trạng cơ cấu lao động hiện nay, theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, tỷ trọng lao động của ngành nông, lâm, thủy sản trong tổng số lao động của nền kinh tế vẫn đang trong xu hướng giảm dần, trong khi tỷ trọng lao động của các ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ có xu hướng tăng dần.

Thực tế, cơ hội "dân số vàng" không tự động mang lại tác động tích cực mà nó phải được "giành lấy" để "đẻ" ra lực lượng lao động vàng, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Nếu giai đoạn "dân số vàng" diễn ra trùng với thời kỳ kinh tế ổn định, hệ thống giáo dục đảm đương tốt việc cung cấp tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động thì sẽ trở thành động lực mạnh của nền kinh tế. Ngược lại, nếu cơ hội không được chớp lấy thì đất nước phải đối mặt với những thách thức mới. Mà trước tiên là lực lượng đông đảo trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, người thất nghiệp dễ mắc tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển của đất nước. Như vậy, "dân số vàng" sẽ không có giá trị nhiều nếu không thực sự "vàng" về tri thức và tay nghề.

"Cầm vàng, đừng để vàng rơi"

Thời kỳ cơ hội "dân số vàng" là cơ hội có một không hai dành cho Việt Nam. Do đó đầu tư cho thế hệ trẻ về giáo dục, y tế, sức khỏe sinh sản có ý nghĩa quan trọng đối với năng suất lao động và sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có kế hoạch tận dụng cơ hội "dân số vàng" và ứng phó với những thách thức của giai đoạn già hóa hiện nay trước khi quá muộn… Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, đây là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi có cái nhìn tổng thể, không bó hẹp trong lĩnh vực dân số mà liên quan đến mọi ngành như: Giáo dục, y tế, văn hóa, lao động, việc làm, văn hóa, đoàn thanh niên, công đoàn…

Nếu không tận dụng được cơ cấu "dân số vàng", Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi tỷ số phụ thuộc chung lại có xu hướng tăng với tác động chủ yếu từ sự gia tăng tỷ số phụ thuộc người già. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: "Cơ hội "dân số vàng" đặt ra không ít thách thức. Trong vòng 20 – 30 năm nữa, tận dụng cơ hội "dân số vàng" để tăng năng suất lao động là vô cùng quan trọng. Điều này không thể chờ đợi được nữa, nếu như chúng ta không muốn già trước khi giàu, thậm chí già mà vẫn nghèo". Chuyên gia này cũng chỉ rõ, cần đẩy mạnh công tác thông tin và dự báo cung - cầu nhân lực theo nghề, ngành đào tạo trong các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động từ tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, thăng tiến… lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động. Việc dự báo nhu cầu nhân lực ở cấp độ này phải có tầm nhìn ít nhất 10 năm và điều chỉnh ít nhất là 5 năm/lần.

Nghị quyết số 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII nhấn mạnh: “Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu “dân số vàng”, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Nguồn: Báo Gia đình và Xã hội

  • Tweet
Tin liên quan
  • Xanh - sạch - đẹp ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa
  • Trao giải cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” lần thứ nhất năm 2024
  • Bệnh viện A Thái Nguyên: "Xanh - sạch - đẹp" hướng tới sự hài lòng của người bệnh
  • Quảng Trị xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp
  • Bệnh viện giữa tâm bão Yagi chuyển mình 'sáng, xanh, sạch, đẹp'
  • Tỷ lệ nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước sinh hoạt tại các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đều đạt chỉ tiêu
  • Ngành Y tế Yên Bái yêu cầu xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường sau bão lũ
Cải cách hành chính Bộ Y tế
Tin tức sự kiện
Hoạt động Lãnh đạo Bộ Tin tổng hợp Thông tin chỉ đạo điều hành Hoạt động của địa phương Điểm tin Y tế Chuyển đổi số y tế
Thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách
Tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật nói chung Chế độ chính sách lĩnh vực y tế
Chiến lược định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển
Công khai thông tin tài chính doanh nghiệp
Báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp đổi mới doanh nghiệp hàng năm Công bố KH sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm của doanh nghiệp Báo cáo chế độ tiền lương, thưởng của doanh nghiệp
Công khai ngân sách Bộ Y tế
Dự toán ngân sách năm đã được cấp có thẩm quyền giao Tình hình thực hiện dự toán ngân sách trong năm Quyết toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Tổng hợp tình hình công khai
Công khai tiếp nhận, phân bổ đóng góp hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19
Công bố thông tin liên quan đến lĩnh vực dược
Công bố thông tin liên quan đến lĩnh vực dược Thu hồi chứng chỉ hành nghề dược Thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược Thông tin liên quan đến thuốc nhập khẩu Thông tin cơ sở bán buôn thuốc của cơ sở có quyền nhập khẩu nhưng không được quyền phân phối Danh mục cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc Danh mục thuốc chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị công bố theo Điều 66 Nghị định 54/2017/NĐ-CP Thông tin đấu thầu
Thông cáo báo chí
Hỏi đáp y tế
Thống kê y tế
Lịch công tác

Liên kết

---Trang liên kết--- Cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ Các Bộ, Ngành Các đơn vị thuộc Bộ Khối Bệnh viện Khối Viện Khối trường Đại học, Cao đẳng Các Tổng công ty Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW Y tế các ngành

Thăm dò ý kiến

  • %
Bình chọn Kết quả Ghi lại

Từ khóa » Dân Thành Thị ít Chứng Tỏ điều Gì