Cơ Chế đặc Thù Cho đường Bộ Cao Tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Ngày 25-7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 89 triển khai Nghị quyết 58 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án cao tốc trọng điểm quốc gia: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, áp dụng hàng loạt cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện. Nghị quyết này tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ dự án.

Ngày 25-7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 89 triển khai Nghị quyết 58 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án cao tốc trọng điểm quốc gia: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, áp dụng hàng loạt cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện. Nghị quyết này tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ dự án.

Nhiều cơ chế đặc thù

Theo Nghị quyết số 89 của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được Thủ tướng Chính phủ phân cấp làm cơ quan chủ quản thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.

Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ đi song song với Quốc lộ 26.

Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ đi song song với Quốc lộ 26.

Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND tỉnh và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) và TĐC. Riêng gói thầu xây lắp các dự án thành phần (không bao gồm gói thầu xây lắp phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, GPMB và TĐC), việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).

Chính phủ cũng cho phép Bộ GTVT, UBND tỉnh triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án; triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư. Đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế tại Nghị quyết số 60 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 và Nghị quyết số 133 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60.

Riêng vấn đề mặt bằng, Chính phủ đề nghị tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC, địa phương phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30-6-2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31-12-2023.

Rà soát, chuẩn bị chu đáo mọi nguồn lực

Ông Nguyễn Thanh Hiến - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, ngay khi Quốc hội có nghị quyết chủ trương đầu tư cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, tỉnh đã rốt ráo vào cuộc, rà soát và chuẩn bị chu đáo mọi nguồn lực để bảo đảm dự án được triển khai thuận lợi. Về bố trí vốn thực hiện GPMB, HĐND tỉnh đã có nghị quyết cam kết phân bổ nguốn vốn đầu tư công để tham gia dự án (dự kiến gần 349 tỷ đồng). UBND tỉnh cũng thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc cho ban chỉ đạo dự án, xác định ban quản lý dự kiến làm chủ đầu tư dự án đoạn qua địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo, dự án có tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 345,2ha, với tổng số 364 hộ bị ảnh hưởng, số hộ TĐC khoảng 280 hộ, thuộc 7 phường, xã của thị xã Ninh Hòa. Diện tích đất rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng đoạn qua địa bàn tỉnh hơn 42ha. Thị xã Ninh Hòa đã chủ động chuẩn bị các khu TĐC để phục vụ dự án. Mới đây, trong cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan về triển khai dự án, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là công trình trọng điểm quốc gia, vì vậy, Thị ủy Ninh Hòa cần phải ban hành nghị quyết chuyên đề về triển khai thực hiện dự án cao tốc đi qua địa bàn, huy động hệ thống chính trị của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động người dân đồng thuận. Đồng thời, thị xã khẩn trương rà soát, kiểm đếm lại, xác định chính xác số lượng TĐC để tính toán cho phù hợp thực tế. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chuẩn bị, bố trí đủ vốn cho các đơn vị triển khai đúng theo quy định pháp luật, bảo đảm đúng tiến độ.

Trong báo cáo của UBND tỉnh về tiến độ triển khai dự án Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột gửi Văn phòng Chính phủ ngày 26-7 kiến nghị: Bộ GTVT chủ trì xây dựng và ban hành quy chế phối hợp, kế hoạch triển khai thực hiện cho các dự án thành phần, làm cơ sở tổ chức thực hiện, đồng bộ các bước thủ tục, đáp ứng tiến độ, đảm bảo yêu cầu về tính tổng thể, phát huy hiệu quả đầu tư khi đưa dự án vào khai thác. Về nguồn vốn, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm bố trí vốn trong năm 2022-2023 để triển khai các công việc cần thiết liên quan đến dự án thành phần, bảo đảm tiến độ yêu cầu.

Chính phủ yêu cầu tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 12-11 để Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt trước ngày 10-12. Tổ chức lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC cho dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 31-10 để Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra, bảo đảm trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-11. Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cọc GPMB của các dự án thành phần cho các địa phương trước ngày 20-1-2023. Tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 20-1-2023 và thực hiện các công việc tiếp theo bảo đảm khởi công trước ngày 30-6-2023.

_________________________________

Dự án Đường bộ Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5km. Sơ bộ tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 4 làn xe ô tô cao tốc, giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe phân kỳ, bề rộng nền đường 17m; dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

MẠNH HÙNG

Từ khóa » Thư Viện Tdc