CỐ ĐÔ HOA LƯ - Khách Sạn Vissai

GIỚI THIỆU

Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam đồng thời là 1 trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận. Hệ thống di tích ở Hoa Lư liên quan đến sự nghiệp của các nhân vật lịch sử thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong lịch sử.

Cố đô Hoa Lư

Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ… Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích quy hoạch 13,87 km² thuộc tỉnh Ninh Bình. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.

KHU DI TÍCH CỐ DÔ HOA LƯ

Ngày 29/4/2003, Thủ tướng chính phủ Việt Nam ra quyết định 82/2003/QĐ-TTG việc việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của khu di tích cố đô Hoa Lư. Theo Quyết định này, toàn bộ khu di tích Cố đô Hoa Lư nằm trên địa bàn giáp ranh giới 2 huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình. Đây là khu vực khá bằng phẳng nằm trong hệ thống núi đá vôi kéo dài từ tỉnh Hòa Bình xuống. Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư có diện tích 13,87 km² bao gồm:

Cố Đô Hoa Lư

Cố Đô Hoa Lư

Vùng bảo vệ đặc biệt có diện tích 3 km² gồm toàn bộ khu vực bên trong thành Hoa Lư, trong vùng có các di tích lịch sử: đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, lăng vua Đinh, lăng vua Lê, đền thờ Công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, bia Câu Dền, chùa Kim Ngân, hang Bim, chùa Cổ Am, chùa Duyên Ninh, phủ Chợ, sông Sào Khê, một phần khu sinh thái Tràng An và các đoạn tường thành, nền cung điện nằm dưới lòng đất…

Vùng đệm có diện tích 10,87 km² gồm cảnh quan hai bên sông Sào Khê và quần thể Tràng An. Trong vùng có các di tích lịch sử: động Am Tiên, hang Quàn, hang Muối, đình Yên Trạch, chùa Bà Ngô, hang Luồn, hang Sinh Dược, hang Địa Linh, hang Nấu Rượu, hang Ba Giọt, động Liên Hoa, đền Trần, phủ Khống, phủ Đột, hang Bói… Các di tích liên quan trực tiếp gồm các di tích không nằm trong 2 vùng trên nhưng có vai trò quan trọng đối với quê hương và sự nghiệp của triều đại nhà Đinh như chùa Bái Đính, cổng Đông, cổng Nam, động Thiên Tôn, động Hoa Lư, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh…

CÁC NHÓM DI TÍCH

Ngay sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, dân chúng từ bên ngoài kéo vào kinh thành sinh sống. Chính vì vậy mà ngoại trừ khu trung tâm cung điện giới hạn bởi ba cửa: cửa Bắc, cửa Đông và cửa Nam thì rất nhiều các công trình kiến trúc của cố đô Hoa Lư hiện tại nằm rải rác trong khu dân cư. Các di tích do 2 triều Đinh-Lê xây dựng gồm: dấu tích kinh thành, cung điện, các chùa cổ và các đền thờ thần. Các di tích do các triều đại sau xây dựng gồm hệ thống lăng mộ, đền, đình thờ các danh nhân thời Đinh Lê. Tuy nhiên, các di tích thường có sự pha trộn kiến trúc do hoạt động tu bổ vì vậy mà các nhà nghiên cứu phân nhóm các di tích Hoa Lư theo loại di tích. Từ những di tích này các nhà nghiên cứu có thể hình dung được hình thức bố trí cung điện của kinh đô xưa.

KIẾN TRÚC ĐỀN THỜ

mảnh đất Cố Đô

Đền Vua Đinh Tiên Hoàng và đền Vua Lê Đại Hành được xây dựng từ thời nhà Lý và xây dựng lại từ thời Hậu Lê theo kiểu nội công ngoại quốc và mô phỏng kiến trúc kinh đô xưa là 2 di tích quan trọng của khu di tích. Trước mặt đền Đinh là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa, trên núi có lăng mộ vua Đinh. Đền Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17 và là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn.

Đền Vua Lê Đại Hành nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng 300 mét. Đền vua Lê quy mô nhỏ hơn nên không gian trong đền khá gần gũi và huyền ảo. Nét độc đáo ở đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm gỗ thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Đền thờ Công chúa Phất Kim được xây dựng từ thời nhà Tiền Lê. Đền nằm gần đền thờ Lê Hoàn và chùa Nhất Trụ.

Đền thờ vua Lý Thái Tổ

Đền Vua Lý Thái Tổ là dự án được xây dựng từ nguồn vốn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Sự xuất hiện ngôi đền này ở Hoa Lư khẳng định lại nhận thức của người Việt về vai trò của Hoa Lư đối với Lý Thái Tổ và ngược lại. Đây là ngôi đền đầu tiên thờ riêng Lý Thái Tổ, có phối thờ cùng Lý Thái Tông và hoàng hậu Lê Thị Phất Ngân – những người con của kinh đô Hoa Lư. Ngôi đền này không có kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc như đền Đinh Lê mà nó mang dáng dấp của một ngôi chùa. Dự án đang triển khai thì phải đình lại do phát hiện các di tích khảo cổ trong lòng đất. Các vị thần trấn giữ ba hướng cửa vào thành ngoài, thành trong và thành nam được Vua Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng đền thờ gồm trấn đông, trấn tây và trấn nam.

KIẾN TRÚC ĐÌNH LÀNG

Kiến trúc đình làng

Ngoài các đền thờ 2 vua Đinh, Lê thuộc sở hữu cộng đồng thì ngay trong kinh thành Hoa Lư, người dân cố đô vẫn lập những ngôi đình riêng của mỗi làng để thờ 2 vị vua này, đó là các di tích thuộc sở hữu của 7 làng cổ thuộc xã Trường Yên.

Đình Yên Thành nằm cạnh chùa Nhất Trụ, thuộc làng cổ Yên Thành là nơi trung tâm nhất của cung điện Hoa Lư xưa. Đình làng Yên Thành thờ cả 2 vua Đinh – Lê làm thành hoàng. Làng cổ Yên Thành được giới hạn bởi 3 cổng chốt: cửa bắc vào trung tâm di tích Hoa Lư, cửa bắc vào kinh đô Hoa Lư xưa tại vị trí cầu Dền và cầu Đông nối với làng Yên Thượng. Đây là một làng cổ có vai trò trung tâm kết nối không gian giao thông và văn hóa với các làng lân cận của Hoa Lư tứ trấn. Làng nằm khá biệt lập, ba mặt giáp sông Sào Khê ngăn cách với làng Yên Thượng, phía nam giáp với các di tích trung tâm cố đô Hoa Lư, phía tây giáp với núi Đìa, núi Chợ. Làng Yên Thành được chia thành 4 thôn: Đông, Đoài, Nam, Bắc. Đây là làng duy nhất ở Trường Yên chia thôn theo các hướng cổ truyền Việt Nam. Trung tâm xã Trường Yên thuộc làng này. Đình Yên Trạch thờ Vua Đinh Tiên Hoàng. Đình nằm ở làng cổ Yên Trạch, cách trung tâm quảng trường cố đô 2 km. Đình Yên Trạch nằm phía đông bắc của xóm Đình. Phía nam giáp đất thổ cư của dân xóm Đình, ba phía còn lại giáp với hồ, ruộng canh tác. Đình toạ lạc trên khoảng đất rộng, cao ráo. Đình được xây dựng quay hướng đông bắc, trông ra dãy núi Bên Bến, bên phải có núi Sách Sẻ cheo leo, bên trái xa xa có núi Rùa, tạo thế núi chống đỡ với trời cao. Phía trước có sông Phúc Hầu chảy từ sông Hoàng Long, qua núi Đông Lâm, vòng qua bên phải của Đình, tạo thuỷ tụ về. Theo thuật phong thuỷ và theo các cụ trong làng cho rằng có sơn tất có thuỷ tạo cảnh hữu tình nên đã cho đào hồ trước cửa và bên trái của Đình. Bên phải của Đình là đường đi giáp với sông Phúc Hầu. Đình Yên Hạ thờ Vua Lê Đại Hành. Các đình làng Yên Trung, Yên Thượng, Chi Phong, Lạc Hối đã bị phá hủy trong chiến tranh, hiện đã có kế hoạch phục dựng.

KIẾN TRÚC CHÙA CỔ

Sau khi đã là kinh đô, Hoa Lư dần trở thành trung tâm Phật giáo. Theo các thư tịch và dấu vết còn sót lại, vào thế kỷ 10, tại đây đã có khá nhiều chùa tháp như chùa Bà Ngô, chùa Cổ Am, chùa Duyên Ninh, chùa Am Tiên, chùa Tháp, chùa Bàn Long, chùa động Thiên Tôn, chùa Hoa Sơn (nhà Đinh); chùa Kim Ngân, chùa Nhất Trụ, chùa Đẩu Long (nhà Tiền Lê). Theo chính sử, Vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên đặt chức tăng thống phật giáo trong lịch sử mà quốc sư đầu tiên của Việt Nam là Khuông Việt. Điều độc đáo ở đây là có khá nhiều chùa được xây dựng trong các hang núi đá vôi, dựa vào núi đá hoặc tận dụng hẳn núi đá làm chùa mà tiêu biểu là các động chùa: Hoa Sơn, Thiên Tôn, Bích Động, Địch Lộng, Bái Đính, Linh Cốc…

Chùa Nhất Trụ

Chùa Nhất Trụ (hay chùa Một Cột) cùng với đình Yên Thành tọa lạc ở gần đền Vua Lê Đại Hành, được Vua Lê Đại Hành xây dựng để mở mang phật giáo. Hiện còn cột kinh Phật trước chùa vẫn giữ nguyên vẹn từ nghìn năm trước, được coi là thạch kinh cổ nhất Việt Nam.

Chùa Bái Đính gồm có một khu chùa cổ và một khu chùa mới với đền thờ đức Thánh Nguyễn, hang động sáng thờ Phật, hang động tối thờ Tiên và đền thờ thần Cao Sơn. Quần thể chùa Bái Đính nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần Chùa Bái Đính được các báo giới tôn vinh là khu chùa lớn nhất Đông Nam Á. Đây là một siêu chùa thuộc khu di tích cố đô Hoa Lư với nhiều kỷ lục được xác lập. Chính vì vậy mà nơi đây sớm trở thành một điểm đến nổi tiếng…. vv

Chùa Kim Ngân là một ngôi chùa cổ nằm ở thôn Chi Phong, thuộc vòng thành trong ở phía tây, xưa là nơi cất giữ vàng bạc từ khi vua Lê Đại Hành cày tịch điền ở ruộng Kim Ngân. Chùa Duyên Ninh xưa là nơi vui chơi của các công chúa, nơi đây Lý Thái Tổ và công chúa Lê Thị Phất Ngân đã thề hẹn ở đó mà sinh ra Lý Thái Tông.

Hoa Sơn động nằm ở Áng Ngũ, xã Ninh Hòa, ở độ cao gần 70 mét. Tương truyền động Hoa Sơn là nơi nuôi Ấu chúa thời vua Đinh. Tên trước của động là chùa Bà Đẻ, sau vua Tự Đức đến thăm đã đặt lại tên động là Hoa Sơn.

HỆ THỐNG LĂNG BIA

Nhà bia Lý Thái Tổ là di tích được thành phố Hà Nội xây dựng tại cố đô Hoa Lư. Sau khi dời đô về Thăng Long, nhà Lý vấn kế thừa các thành quả có được từ kinh đô Hoa Lư trước đó. Để tưởng niệm công lao đặt nền móng xây dựng độc lập tự chủ của đất nước và nhớ đến Cố đô Hoa Lư, nhà Lý đã lấy tên một số công trình ở Hoa Lư đặt cho nhiều khu vực ở Thăng Long mà chúng vẫn tồn tại đến tận nay như: Ô Cầu Dền, phố Tràng Tiền, phố Cầu Đông, chùa Một Cột, ngã ba Bồ Đề, cống Trẹm, tháp Báo Thiên…

nhà bia Lý Thái Tổ

Lăng vua Đinh và lăng vua Lê đều xây từ năm 1840 và được trùng tu vào năm 1885 nên khá khiêm nhường và cổ kính. Lăng vua Đinh xây bằng đá, được đặt trên đỉnh núi. Trước lăng một tấm bia đá có đề chữ mà qua đó, người đời sau biết được lăng được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 21 và đến năm Hàm Nghi thứ nhất có trùng tu lại. Lăng Vua Lê Đại Hành cũng xây bằng đá nhưng nằm dưới chân Mã Yên Sơn đi về hướng nam. Trước lăng cũng có bia dựng từ đời Minh Mạng. Lăng mộ Đinh Bộ Lĩnh được đặt ở chính giữa núi, nơi võng xuống thấp mà dân gian hình dung là cái yên ngựa. Tương truyền, cách tôn thờ như vậy để đề cao tinh thần thượng võ của vua Đinh dù người đã mất.

tham quan Hoa Lư

Từ khóa » Giới Thiệu Về Cố đô Hoa Lư