Cờ đỏ Sao Vàng Trong Trái Tim Người Dân Nước Việt

leftcenterrightdel
Đường phố rợp cờ hoa mừng chiến thắng của thể thao Việt Nam. 

Quốc kỳ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (quốc kỳ Việt Nam còn gọi là cờ đỏ sao vàng hay cờ Tổ quốc) có nền đỏ, ở giữa là ngôi sao 5 cánh lớn. Cờ Tổ quốc được thiết kế hình chữ nhật, có chiều rộng bằng 2/3 chiều dài. Quốc kỳ Việt Nam có những thành tố kết tinh giá trị tinh thần của núi sông, con người, dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước với những phẩm chất, truyền thống cao đẹp, hào hùng của bao thế hệ con Lạc, cháu Hồng. Trong đó, nền màu đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng, lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất với biết bao hy sinh của muôn triệu đồng bào, đồng chí; là màu máu của các anh hùng, liệt sĩ đã đổ xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. 5 cánh ngôi sao tượng trưng cho các tầng lớp nhân dân (sĩ, nông, công, thương, binh) tham gia cách mạng, cùng đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đó cũng là biểu tượng cho đường lối cách mạng, là chiến lược, sách lược của cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Màu vàng tượng trưng cho truyền thống văn hóa với phẩm chất và bản lĩnh con người Việt Nam. Đó cũng là linh hồn dân tộc, là biểu tượng của con đường cách mạng mà Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn. 

Quốc kỳ Việt Nam xuất hiện lần đầu trong sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa ngày 23/11/1940. Và kể từ đó, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng vẫn luôn tung bay trước gió, là biểu tượng của "Hồn thiêng sông núi", của khí phách và bản lĩnh Việt Nam. Cờ đỏ sao vàng đã phấp phới tung bay khắp mọi miền Tổ quốc trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử trong Ngày lễ độc lập (2/9/1945); cờ đỏ sao vàng đã theo sát cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc và tung bay trên nắp hầm giặc Pháp trong chiến thắng Điện Biên Phủ (1954)... Và nay, lá Quốc kỳ tươi thắm ấy vẫn luôn hiện diện trong đời sống cách mạng, luôn “sống” trong trái tim của hàng triệu người Việt Nam yêu nước dù trải qua biết bao thăng trầm, dâu bể của lịch sử dân tộc...

Đã hơn 8 thập kỷ kể từ khi xuất hiện lần đầu vào năm 1940, cờ đỏ sao vàng vẫn luôn là biểu tượng sáng ngời về truyền thống hào hùng, vẻ vang của dân tộc Việt Nam mà đỉnh cao là chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Có lẽ trên khắp dải đất hình chữ S thân yêu này và bất cứ ở đâu trên thế giới này, nơi nào có hình bóng của lá cờ đỏ sao vàng là nơi đó có nụ cười rạng rỡ Việt Nam, có "Hồn thiêng sông núi", có bóng dáng cha ông ta trong mỗi bước trường chinh. Cũng có thể nói, trong cuộc trường chinh hơn 90 năm qua, kể từ khi có Đảng lãnh đạo và lá cờ xuất hiện, trong mỗi sự kiện lớn, nhỏ hay trong mỗi dịp lễ tết, kỷ niệm đều có hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay như lời hiệu triệu núi sông, như vẫy gọi cả dân tộc vững bước tiến lên, đạp bằng mọi chông gai để vươn ra biển lớn, để đi tới chân trời hạnh phúc văn minh và giàu đẹp. Không những thế, có thời điểm hay những không gian - thời gian, sự có mặt của lá cờ đỏ sao vàng đã đánh dấu thời khắc thiêng liêng nhất, xúc động nhất và là dấu ấn không thể phai mờ với mỗi người trong cuộc. Ấy là trong các lần Việt Nam tham dự sự kiện quốc tế ở các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao...

Và trong những khoảnh khắc cái tên Việt Nam được xướng lên, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, nhất là khi các vận động viên đoạt Huy chương Vàng tại các Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) hay Đại hội thể thao châu Á (Á vận hội - ASIAD) thì niềm kiêu hãnh, tự hào dân tộc lại thăng hoa. Lá cờ Tổ quốc còn tung bay, rợp các đường phố theo từng dòng người hâm mộ đổ xuống đường để cổ vũ, ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam… 

leftcenterrightdel
Cư dân tại một toà nhà chung cư đồng loạt treo cờ Tổ quốc thể hiện quyết tâm chung tay ủng hộ Việt Nam chiến thắng đại dịch. 

Với những ý nghĩa minh triết, sâu sắc như vậy, lá cờ Tổ quốc xứng đáng được mỗi công dân Việt Nam trân quý và treo trang trọng vào mỗi dịp lễ tết, kỷ niệm với niềm tự hào, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc. Có thể nói, trên khắp mọi miền đất nước và hầu hết gia đình Việt Nam đều đã thực hiện tốt việc treo cờ Tổ quốc như để bày tỏ tấm lòng tri ân, thể hiện trách nhiệm công dân và hình thành nếp sống đẹp. Tôi đã từng đi đến nhiều vùng, miền của đất nước, nhất là những ngày nghỉ lễ và có nhiều xúc cảm về lá cờ Tổ quốc trong ngày hội non sông. Tôi xao động, rưng rưng trước rừng cờ đỏ sao vàng, rừng cờ hoa của “Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa” (Tố Hữu); bâng khuâng khi trở về vùng đất của quê hương Xô Viết anh hùng (Hà Tĩnh, quê tôi) và thấy những dãy phố đỏ rực màu cờ trong những ngày tết cổ truyền, dịp lễ kỷ niệm; dâng trào niềm tự hào khi hòa cùng dòng người cổ vũ, ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Và trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, hình ảnh cư dân tại các toà nhà chung cư đồng loạt treo cờ Tổ quốc thể hiện quyết tâm chung tay ủng hộ Việt Nam chiến thắng đại dịch càng khiến tôi xúc động, nghẹn ngào. Điều đó nói lên rằng, mỗi công dân dù có theo một tín ngưỡng nào, có thuộc dân tộc nào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam thì chúng ta cũng chỉ có duy nhất một đất nước, một Tổ quốc Việt Nam để yêu thương và tự hào. Và, theo tôi, yêu nước được thể hiện ngay từ những việc nhỏ (mà có ý nghĩa) như việc treo cờ Tổ quốc trong những dịp lễ tết, kỷ niệm chứ không nhất thiết phải là những việc to lớn, cao xa… 

Những chia sẻ này tựa như tiếng lòng tôi khi ngẫm về những giá trị truyền thống tốt đẹp đã được gìn giữ và phát huy suốt hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Và tôi nghĩ, việc treo cờ Tổ quốc trong những dịp lễ tết, kỷ niệm cũng là một biểu hiện của niềm tự hào dân tộc, một nét đẹp trong đời sống sinh hoạt, trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Nét đẹp ấy cần được phát huy, lan tỏa để màu cờ Tổ quốc - “hồn dân tộc” mãi bừng sáng trong bức tranh hiện thực của cách mạng Việt Namq.

Từ khóa » đất Nước Sao Vàng