Có đúng Là Thân Lừa ưa Nặng? - Công An Nhân Dân

  • Văn hóa ứng xử mùa COVID

Tôi đã tra cứu đủ loại và không tìm ra bất cứ bằng chứng khoa học nào là loài lừa ưa mang vác nặng mà không ưa nhẹ. Loài vật có thể trí tuệ thua xa loài người nhưng với bản năng sinh tồn, thích ứng tự nhiên chắc chắn sẽ không bao giờ có cách ứng xử kì cục như thế. Câu chuyện dân gian đã ngoa dụ khi nói về loài lừa và cũng không hiểu sao người ta lại không mấy thiện cảm về loài lừa khi thường so sánh với những loài gần tương đồng, ví dụ như ngựa chẳng hạn.

Không những câu chuyện của văn hoá phương Đông "nói xấu" loài lừa, người phương Tây cũng gán cho chúng những giá trị chẳng mấy hay ho. Ví dụ để trừng phạt vua Midas không thích thứ âm nhạc của mình, thần Apolo đã biến tai ông ta thành tai lừa, ý rằng nhà vua có đôi tai nghe nhạc rất kém. Với đôi ta lừa, vua Midas đã vô cùng xấu hổ và nhiều người thợ cắt tóc cho nhà vua đã bị giết chỉ vì họ dám nói ông ta có đôi tai lừa.

Cuối cùng một người thợ cắt tóc khôn ngoan đã thoát chết vì anh ta bảo tai nhà vua cũng giống hệt như tai mọi người! Vấn đề là tại sao lại đưa đôi tai lừa ra chế giễu mà không phải tai ngựa, tai bò hoặc tai dê, tai lợn? Nhất định có một ngầm ý sâu xa hoặc có sự giao hoà bí ẩn giữa văn hoá phương Tây, phương Đông cùng không ưa một loài vật và con lừa đã trở thành nạn nhân!

Con lừa còn được họa sĩ biếm họa người Mỹ Thomas Nast vẽ làm biểu tượng cho đảng Dân chủ của Mỹ và con voi biểu tượng cho đảng Cộng hoà. Những người cộng hoà thì sung sướng vì họ được ví như chú voi khoẻ mạnh, to lớn còn những người dân chủ một cách chính thức, họ chưa bao giờ công nhận biểu tượng con lừa cho đảng của mình dù số đông công chúng và truyền thống lâu năm vẫn mặc định như vậy.

Xa xôi hơn, con lừa từng xuất hiện trong một tác phẩm được coi là mở đầu của nền tiểu thuyết hiện đại, một tác phẩm kinh điển của văn học thế giới. Đó là con lừa trong tác phẩm “Đôn Kihôtê nhà quý tộc tài ba xứ Mancha” của Cerventes.

Trong cuốn tiểu thuyết lừng danh này, một nhà quý tộc nghèo xứ Mancha vì quá ham các cuốn tiểu thuyết phiêu lưu đã quyết định trở thành một hiệp sĩ lừng danh và đi phiêu lưu cứu giúp thiên hạ. Hiệp sĩ Đôn Kihôtê cưỡi một con ngựa gầy nhom, còn người hầu Sancho của anh ta thì cưỡi một con lừa béo ú để đi thi hành lí thuyết nghĩa hiệp của mình.

Một lần nữa, lừa lại bị so sánh với ngựa một cách cố ý và ở địa vị kém hơn. Ông chủ cưỡi ngựa và đầy tớ cưỡi lừa! Con lừa, một cách nào đó đã bị chọn dùng làm biểu tượng cho những thứ ngốc ngếch, chậm chạp, thấp kém; điều này khá bất công vì cấu tạo sinh học của mỗi loài vật khác nhau, người ta có thể vì quá yêu con ngựa mà mỉa mai con lừa!

Lừa có đặc điểm gần gũi với ngựa vì thế chúng có thể giao phối với nhau. Sự giao phối giữa ngựa cái với lừa đực thì sinh ra con la, còn giao phối giữa ngựa đực và la cái thì ra sản phẩm là con lừa la! Người ta hay chê bôi con lừa nhưng sữa lừa thì quý hiếm và đắt gấp nhiều lần sữa bò. Ngày xưa, tương truyền rằng để giữ gìn và chăm sóc vẻ đẹp của mình, nữ hoàng nổi tiếng Cleopatra xứ Ai Cập thường xuyên tắm trong bồn sữa lừa và cái mốt này đang được nhiều phụ nữ hiện đại học tập.

Ví dụ về trí tuệ của lừa và sữa của chúng là một mâu thuẫn rất lớn. Chúng ta hay chê cười một ai đó xấu xí, thô kệch nhưng lại luôn tìm cách lợi dụng họ. Sự khác biệt giữa hình thức và chất lượng cũng là một điểm lớn mà ít người nhận ra. Một con lừa trông có vẻ ngỗ ngược, khó ưa không những chuyên cần thồ hàng hoá cho loài người mà còn cho da, sữa rất chất lượng.

Nhưng dù thế nào, tôi cũng không đánh đổ nổi câu chuyện ngụ ngôn đã mặc định "thân lừa ưa nặng!" Giả dụ điều ấy là đúng thì nó cũng có những ý nghĩa xã hội nhất định. Vì sao lại ưa nặng mà không ưa nhẹ? Vấn đề nằm ở ý thức chấp hành chứ không phải ở sự ngu dốt hay bướng bỉnh.

Nói một lần những lời nhẹ nhàng và chưa bị trừng phạt thì rất ít người tuân theo hoặc thậm chí không ai tuân theo. Chỉ khi sự việc đã trở nên nghiêm trọng, bị trừng phạt hoặc nguy cơ trừng phạt thực sự, người ta mới chịu nghe lời. Về điều này tôi lại nhớ đến chuyện Tôn Vũ huấn luyện cung nữ làm quân chiến đấu.

Tôn Vũ được Ngô vương Hạp Lư giao cho binh quyền nhưng còn chưa tin lắm, liền giao cho ông một đội toàn cung nữ và yêu cầu ông huấn luyện. Tôn Vũ nhận quân, đưa ra thao trường và giải thích ba bốn lần thật tỉ mỉ, kĩ càng nhưng đến khi hiệu lệnh đưa ra, đám cung nữ được nuông chiều vẫn cười ngặt nghẽo, không chịu làm theo.

Chỉ khi họ Tôn cho chém đầu ngay tức khắc hai người thiếp được sủng ái nhất của vua Hạp Lư thì đám cung nữ mới bàng hoàng run sợ. Sau đấy hiệu lệnh phát ra được thực hiện răm rắp đâu ra đấy. Ví thử không có hai cái đầu rơi xuống đất thì Tôn Vũ còn khó mà luyện được quân!

Tất nhiên chém đầu để ra uy là chuyện của ngày xưa, bây giờ luật pháp đều có các khung hình phạt tăng dần để răn đe và có tác dụng ngăn chặn những vi phạm. Nhưng thực tế, rất nhiều người khi được nhắc nhở nhẹ nhàng thường không muốn nghe theo, họ cho rằng, đó chỉ là những lời đe dọa suông hoặc không thật sự có thể chạm đến họ.

Chỉ khi vấn đề đã trở nên nghiêm trọng hoặc những người có trách nhiệm buộc phải đưa ra các hành động cứng rắn thì luật lệ mới được thi hành, khi ấy ít nhiều đã có những hậu quả rõ ràng với người vi phạm.

Tôi cũng thích một câu ngạn ngữ khác trong trường hợp này: "Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ." Ý của câu nói là có người chết thì mới khóc hoặc có thể theo một nghĩa khác: chưa bị nguy hiểm thì còn chưa biết sợ mà khinh nhờn. Thông thường, con người ta không ai thích tuân theo bất cứ quy định, luật lệ nào bởi quy định, luật lệ để ràng buộc con người, kiềm chế họ không vượt qua những ranh giới nhất định. Bản chất của con người là yêu thích tự do tuyệt đối, muốn được làm theo ý mình và bất chấp việc ấy sẽ hậu quả thế nào. Không có quy định và luật pháp thì xã hội sẽ hỗn loạn, mất kiểm soát. Con người lắm lúc cũng giống như con lừa trong truyện ngụ ngôn, phải quất thật đau, phải chất thật nặng lên lưng thì mới ngoan ngoãn bước đi.

Nhưng không phải bao giờ hình ảnh con lừa cũng xấu xí hoặc ngang bướng. "Con lừa và tôi" là một tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Ramon Jmenez, người đoạt giải Nobel Văn học năm 1956 là một trường hợp khác. Con lừa Platero trong tác phẩm là một người bạn rất dễ thương, thi sĩ đã trò chuyện với chú lừa như một người đồng hành thân thiết và khi chú lừa chết, anh ta đã vô cùng buồn đau thương tiếc. Chú lừa không còn là con vật xấu xí, khó ưa nữa, nó là người bạn được yêu quý thật sự.

Ta dễ thấy trong văn hóa nhân loại, thỉnh thoảng có những con vật được sùng bái hơn các con vật khác vì đặc tính nổi trội của chúng như sư tử, đại bàng. Lại có những loài dù không gây hại cho loài người nhưng vẫn bị nhìn nhận ở hàng thấp kém như bò, lừa, lợn, cừu... dù thực tế bò, lừa, lợn, cừu đóng góp ích lợi cho con người gấp nhiều lần sư tử hoặc đại bàng. Người ta có xu hướng sùng bái những thứ dữ tợn và nguy hiểm, còn những thứ an toàn, hiền lành thì bị coi thấp kém, ít giá trị. Đây là một mâu thuẫn phổ biến và chắc chắn còn tồn tại lâu dài.

Loài lừa chắc chắn không vui gì khi chúng bị gán cho những đặc tính xấu chúng không có. Loài người cũng không vui gì khi bị những chiếc roi quất vào lưng mới chịu tuân theo luật lệ.

Nhưng lúc nào cũng răm rắp tuân theo luật lệ thì loài người sẽ ra sao? Loài người khi ấy sẽ thành những con cừu, cả nghìn năm không có một biến chuyển nhỏ nào hoặc không xuất hiện những mầm mống cho những cuộc cách mạng thay đổi trời đất.

Quá chịu đựng thì thành con cừu, bướng bỉnh quá thì thành con lừa. Con người ta đứng trước hai khả năng ấy và buộc phải chọn lựa. Và tôi biết loài người không ai thích trở thành cừu, cũng không thích trở thành lừa!

Nhưng thực tế thì luôn luôn khác biệt!

Từ khóa » Thân Lừa ưa Cử Tạ