CÓ ĐƯỢC NHẬN LẠI SỐ TIỀN ĐẶT CỌC?
Có thể bạn quan tâm
Hình ảnh minh họa
Trong nền kinh tế “mở” hiện nay, để thỏa mãn các nhu cầu về vật chất hoặc tinh thần của mình, các tổ chức, cá nhân chủ yếu thông qua các giao dịch dân sự. Khi xác lập giao dịch, đa số các bên đều mong muốn thực hiện đầy đủ các cam kết của mình nhưng cũng có những trường hợp vì lý do khách quan hay chủ quan mà một bên trong quan hệ dân sự đó đã vi phạm nghĩa vụ qua việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình. Việc vi phạm đó đã gây ảnh hưởng cho chủ thể có quyền trong giao dịch và có thể là nguyên nhân gây ra những tranh chấp, bất ổn trong xã hội.
Pháp luật dân sự hiện hành quy định 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: Cầm cố tài sản; Thế chấp tài sản; Đặt cọc; Ký cược; Ký quỹ;Bảo lưu quyền sở hữu; Bảo lãnh; Tín chấp và cầm giữ tài sản.
Biện pháp đặt cọc, với ưu điểm là dễ thực hiện vừa bảo đảm cho giao kết hợp đồng vừa có chức năng thanh toán nên được sử dụng khá phổ biến trong các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, không phải ai cũng am hiểu các quy định này của pháp luật để thực hiện cho đúng, cho đầy đủ.
Tiểu phẩm dưới đây với tên gọi “Có được nhận lại số tiền đặt cọc” sẽ giúp người đọc, người nghe hiểu rõ hơn về điều đó.
I. Nhân vật:
- Nghĩa: Người mua xe.
- Nam: Người bán xe.
- Bác Hùng.
II. Nội dung tiểu phẩm:
Nghĩa và Nam là hàng xóm của nhau, người ở đầu ngõ, người ở cuối ngõ. Tháng trước, con trai Nghĩa đủ điểm trúng tuyển trường Đại học Hàng hải, vợ chồng anh bàn nhau mua cho con chiếc xe máy để đi học thay cho chiếc xe đạp con vẫn đi hồi học cấp ba. Biết Nam có ý định bán xe máy để mua ô tô mà chiếc xe còn khá tốt nên Nghĩa đã hỏi mua lại xe của Nam. Hai bên đã thống nhất giá cả, thống nhất cả “ngày đẹp” để nhận xe - giao xe. Nghĩa cũng đã gửi Nam 2 triệu đồng tiền đặt cọc.
Phần 1. Tại nhà Nam
Nghĩa: Anh Nam ơi!
Nam: Anh Nghĩa đấy à? Anh đúng hẹn quá nhỉ!
Nghĩa: Vâng, tôi chào anh! Nhưng mà khoan đã anh Nam ơi!
Nam: Còn “khoan, hò” gì nữa. Hôm nay là mùng 8 đẹp ngày, chúng ta đã thống nhất rồi mà. Anh đúng hẹn, tôi đúng hẹn, không sai vào đâu được.
Nghĩa: Thế này anh Nam ạ. Nhà tôi có việc phải chi tiêu đột xuất, nên không đủ tiền mua xe máy của anh như đã hẹn.
(Cười) Thôi thì làm phúc cũng như làm giàu, anh làm ơn cho tôi xin lại 2 triệu đồng là số tiền tôi đã đặt cọc anh bữa trước.
Nam: Ơ… anh nói hay nhỉ - giấy trắng, mực đen hẳn hoi, hợp đồng ghi rõ ràng đây này. (Đọc giấy): Tôi là Lê Văn Nghĩa, ở địa chỉ…. số nhà….đã thỏa thuận với anh Phạm Văn Nam tại địa chỉ số…. Tôi và anh Nam thống nhất về việc mua chiếc xe máy của anh Nam với giá 15 triệu đồng. Tôi xin đặt trước 2 triệu đồng, hẹn đến ngày…. tháng… năm….(tức ngày 8/8 âm lịch), tôi đến trả nốt tiền và nhận xe máy tại nhà anh Nam.
Đấy, nội dung ghi chính xác như thế. Còn đây là chữ ký của ai, anh nhìn đi, nhìn đi…
Nghĩa: Vâng! Đúng là giấy đó tôi viết, chữ đó cũng là chữ của tôi. Nhưng hiện giờ tôi có việc đột xuất, không thu xếp đủ tiền để mua xe và tôi cũng chưa nhận xe của anh nên anh làm ơn cho tôi xin lại số tiền đặt cọc.
Nam: Anh nói chuyện buồn cười nhỉ. Tại sao anh không đến sớm, không nói sớm mà đợi đúng hôm hết hạn anh mới đến. Anh làm lỡ việc của tôi vì hôm trước có mấy người hỏi mua nhưng tôi nể anh hàng xóm đã để lại cho anh với giá phải chăng… Mà thôi, tôi không biết việc riêng của anh nhưng “bước chân đi cấm kỳ trở lại”, “thuận mua, vừa bán”, trước đó anh hoàn toàn tự nguyện, có ai ép buộc anh đâu!
Nghĩa: Vâng, chúng ta không ai ép buộc ai cả. Đây là tôi sai, tôi xin lỗi anh. Nếu không có việc phải chi tiêu đột xuất thì tôi vẫn mua xe của anh chứ không phải là tôi có ý gì đâu. Mong anh thông cảm, cho tôi xin lại 2 triệu, nhà tôi đang rất cần số tiền đó.
Nam: Chúng ta đều là người lớn chứ không phải là trẻ con. Mà trẻ con bây giờ chúng nó cũng sòng phẳng lắm, không đứa nào được chơi “ăn gian” cả đâu.
Nghĩa: Thực tình là tôi kẹt quá, anh cho tôi xin lại 2 triệu đã đặt cọc, anh Nam ơi!
Nam: Tôi đã nói rồi. Tôi không thể nào hoàn lại số tiền đó cho anh được.
Nghĩa: Vậy anh định cướp không 2 triệu của tôi à?
Nam: Anh Nghĩa, là chỗ người lớn, anh ăn nói phải đàng hoàng và cư xử cho đúng mực nhé! Tôi không cướp tiền của anh. Tôi chỉ làm đúng những gì mà chúng ta đã thỏa thuận. Anh cứ đi hỏi bác Hùng mà xem. Bác ấy trước đây làm Thẩm phán, giờ đã về hưu nhưng vẫn còn tinh thông, am tường lắm. Anh thử hỏi bác ấy xem tôi nói có đúng không.
Nghĩa: Nếu anh cứ khăng khăng như vậy, thì tôi với anh sang hỏi bác Hùng xem ai đúng, ai sai.
Phần 2. Tại nhà bác Hùng
Nghĩa và Nam kéo nhau sang nhà bác Hùng. Bác Hùng đang ngồi đọc báo ở đầu hè. Thấy hai anh sang, bác đứng lên vui vẻ:
Bác Hùng: Hai anh em sang tôi chơi hay có việc gì không mà mặt có vẻ không vui nhỉ?
Nghĩa: Thưa bác, cho cháu vào đề luôn bác nhé. Anh, em cháu sang đây muốn hỏi bác chuyện này. Chả là, cháu có thỏa thuận mua của anh Nam cái xe máy của anh ấy trị giá 15 triệu đồng. Cháu đã đặt cọc trước 2 triệu và hẹn hôm nay trả nốt tiền rồi lấy xe. Nhưng kẹt quá bác ạ, nhà cháu cũng không dư dả gì. Hôm nay, vợ chồng cháu có việc đột xuất nên giờ không đủ tiền mua xe nữa. Cháu xin anh Nam cho cháu xin lại 2 triệu tiền đặt cọc nhưng anh ấy nhất định không đồng ý. Chỗ hàng xóm láng giềng ra trông thấy nhau, vào trông thấy nhau mà anh ấy cư xử như vậy, bác xem có được không ạ?
Nam: Bác Hùng ơi, anh ấy nói nhà anh ấy có việc nhưng không nói sớm cho cháu để cháu thu xếp việc của cháu nữa chứ. Hôm nay là ngày thỏa thuận nhận tiền, giao xe, anh ấy mới nói. Cháu cũng đang cần tiền, anh ấy làm lỡ việc của cháu. 2 triệu tiền anh ấy đặt cọc làm tin, nếu anh ấy không mua xe nữa thì tiền này là của cháu, có đúng không bác?
Bác Hùng: Trường hợp các anh hỏi, bao năm công tác qua, bác đã gặp nhiều rồi. Thôi, cứ ngồi uống nước hẵng, chuyện đâu có đó. Để bác lấy văn bản pháp luật ra bác, cháu ta cùng xem lại. Các cụ ta đã dạy rồi, “nói có sách, mách có chứng” mới tin tưởng chứ, phải không các anh!
Bác Hùng chậm rãi rót nước mời hai người rồi thong thả đến bên giá sách, với tay lấy cuốn Bộ luật Dân sự năm 2015.
(Đây các cháu nghe này): Điều 328 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Nam: Đấy, ông thấy tôi đúng chưa?
Nghĩa: Pháp luật có quy định như vậy hả bác?
Bác Hùng: Đúng đấy Nghĩa ạ, nếu hai cháu không thỏa thuận được với nhau, thì khoản tiền mà cháu đã đặt cọc sẽ thuộc về Nam. Việc Nam không trả lại tiền đặt cọc do lỗi của cháu và việc này là phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo bác, Nam nên xem xét lại việc Nghĩa không mua xe được nữa là do nguyên nhân khách quan. Nam nên thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của Nghĩa mà có thể xem xét trả lại cho Nghĩa toàn bộ hoặc một phần số tiền đã đặt cọc được không. Dù sao cũng là chỗ quen biết, hàng xóm láng giềng của nhau. Giúp nhau lúc khó khăn là quý giá lắm. Rồi ông trời thương mình, lại cho mình “lộc” khác cháu ạ.
Nam: Vâng, cháu cũng chỉ muốn anh ấy hiểu, mỗi người cần phải giữ chữ tín, mua chiếc xe máy chứ có phải mớ rau đâu.
(Quay sang anh Nghĩa) Anh đã nắm rõ các quy định của pháp luật. Ai đúng, ai sai không bàn cãi nữa nhé. Nhưng bác Hùng đã nói vậy mà tôi cũng nể bác nên tôi sẽ trả lại cho anh 2 triệu đồng hôm trước. Nhưng anh phải nhớ rút kinh nghiệm cho lần sau nhé.
Nghĩa (cười ngượng nghịu): Vâng, vâng, xin cảm ơn anh, cảm ơn bác Hùng. Cháu có gì không phải, mong anh và bác bỏ qua cho cháu nhé!
Bác Hùng: Hai cháu thông cảm cho nhau như vậy tốt quá rồi. Chiều nay bác với anh Nam lại tiếp mấy séc bóng bàn ở sân chứ nhỉ!
Mọi người cùng nhìn nhau cười vui vẻ.
Từ khóa » đặt Cọc Mua Xe Oto Có Lấy Lại được Không
-
Có Lấy Lại được Tiền Sau Khi đã đặt Cọc Mua Bán Xe ô Tô Không?
-
Khách Hàng đã đặt Cọc Mua Xe VinFast Có Lấy Lại được Không?
-
Cách Lấy Lại Tiền đặt Cọc Mua Oto
-
Đặt Cọc Mua Xe ô Tô Có Lấy Lại được Không - Học Tốt
-
Dễ Dãi Trong Khâu đặt Cọc, Khách Mua ô Tô "bở Hơi Tai" đi đòi
-
Lấy Lại Tiền đặt Cọc Khi Không Mua Xe ở 286 Phố Huế
-
Thảo Luận - Mất Tiền đặt Cọc Nếu Không Mua Xe - OTOFUN
-
Kinh Nghiệm, Lưu ý Khi Ký Hợp đồng Mua Bán Xe ô Tô Mới
-
Khi Nào Tiền đặt Cọc Thuộc Về Bên Nhận đặt Cọc? - Luật Minh Gia
-
Quy định Của Pháp Luật Về Biện Pháp đặt Cọc
-
Làm Gì Khi đại Lý ô Tô Hủy Cọc, Tăng Giá đột Xuất?
-
Không Biết Có Lấy Lại Tiền đặt Cọc được Không? | Otosaigon
-
Điều Khoản Chung Về Việc đặt Cọc Mua Bán Xe Ô Tô VinFast
-
Đặt Cọc Mua ô Tô: Người Tiêu Dùng đang Bị Thiệt Mà Không Hay Biết