Có được Quảng Cáo Rượu, Bia Trên Phương Tiện Giao Thông Không ...

Xin chào Thư Viện Pháp Luật, tôi muốn quảng cáo rượu, bia có nồng độ cồn là 6,5 độ trên các phương tiện giao thông như xe tải, xe ô tô, xe máy,...có được không? Theo tôi biết quảng cáo rượu, bia phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia, có nghĩa là gì? Mục lục bài viết Nội dung chính
  • Rượu, bia là gì? Tác hại của rượu, bia được hiểu như thế nào?
  • Có được quảng cáo rượu, bia trên phương tiện giao thông không?
  • Quảng cáo phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia được hiểu như thế nào?

Rượu, bia là gì? Tác hại của rượu, bia được hiểu như thế nào?

Theo Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 thì rượu, bia và tác hại của rượu, bia được quy định như sau:

- Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.

- Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.

- Tác hại của rượu, bia là ảnh hưởng, tác động có hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác.

Quảng cáo rượu

Quảng cáo rượu

Có được quảng cáo rượu, bia trên phương tiện giao thông không?

Theo Điều 12 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 thì việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ được quy định như sau:

- Tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo rượu, bia phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật về quảng cáo.

- Quảng cáo không thể hiện các nội dung sau đây:

+ Có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia; thông tin rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;

+ Sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi hoặc hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi trong quảng cáo rượu, bia.

- Không thực hiện quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo trong trường hợp sau đây:

+ Sự kiện, phương tiện quảng cáo, sản phẩm dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;

+ Phương tiện giao thông;

+ Báo nói, báo hình ngay trước, trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em; trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;

+ Phương tiện quảng cáo ngoài trời vi phạm quy định về kích thước, khoảng cách đặt phương tiện quảng cáo tính từ khuôn viên của cơ sở giáo dục, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

- Quảng cáo phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia.

- Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.

Theo Điều 13 Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 thì quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên được quy định như sau:

- Tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải tuân thủ quy định tại Điều 12 của Luật này và không quảng cáo trong trường hợp sau đây:

+ Trong các chương trình, hoạt động văn hóa, sân khấu, điện ảnh, thể thao;

+ Trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời, trừ biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia.

Như vậy, bạn không được thực hiện quảng cáo rượu, bia có nồng độ cồn 6,5 độ trên các phương tiện giao thông như xe tải, xe ô tô, xe máy…

Quảng cáo phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia được hiểu như thế nào?

Theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 24/2020/NĐ-CP thì quảng cáo phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia được quy định như sau:

- Có một trong các nội dung cảnh báo: "uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông", "uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi", "người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia";

- Quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình, đài phát thanh, sản phẩm quảng cáo rượu, bia ghi âm, ghi hình phải đọc rõ nội dung cảnh báo theo quy định tại điểm a khoản này với tốc độ đọc tương đương tốc độ đọc các nội dung khác trong cùng một quảng cáo;

- Quảng cáo rượu, bia trên báo hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, đài phát thanh có hình, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác có hình ảnh, sản phẩm quảng cáo rượu, bia ghi hình phải thể hiện nội dung cảnh báo theo quy định tại điểm a khoản này bằng chữ viết có màu tương phản với màu nền bảo đảm dễ nhìn, chiếm tối thiểu 10% diện tích quảng cáo. Trường hợp quảng cáo rượu, bia trên truyền hình thì cảnh báo bằng chữ viết phải thể hiện theo hết chiều ngang của màn hình;

- Quảng cáo tại địa điểm kinh doanh rượu, bia phải có nội dung cảnh báo theo quy định tại điểm a khoản này bằng chữ viết bảo đảm rõ nét, dễ nhìn hoặc bản ghi âm, ghi hình quảng cáo đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm b, điểm c khoản này;

- Quảng cáo rượu, bia khác ngoài các trường hợp quy định tại các điểm b, c và điểm d khoản này phải có nội dung cảnh báo theo quy định tại điểm a khoản này bằng chữ viết bảo đảm rõ nét, dễ nhìn.

Từ khóa » Hình ảnh Nói Không Với Rượu Bia