Cô Gái 'chu Du' 30 Nước Và 'trái Dừa Cười' Bến Tre - PLO

Chẳng ai biết đích xác cây dừa Việt Nam có tự bao giờ nhưng có lẽ sau bao năm tháng, dừa Việt ít nhiều ghi bao dấu ấn trong lòng người đến và đi. Và thực sự, trái dừa Việt đã du ngoạn trời Tây qua bàn tay của biết bao người trẻ, đam mê với dừa.

Phạm Thị Vân, cô gái tạo lập thương hiệu trái dừa nắp khoen 100% tự nhiên không chất bảo quản, tiện lợi cho người tiêu dùng, là một trong những người trẻ miệt mài trên hành trình tìm ra lối đi mới cho dừa xiêm xanh.

Hơn 800 triệu tích góp... ra đi

“Khi 30 tuổi phải đặt chân tới 30 quốc gia trên thế giới, với những trải nghiệm tôi sẽ dừng chân, làm một cái gì đó cho riêng mình, mới mẻ và thật khác biệt. Đó là cách tôi bắt đầu tìm kiếm sự nghiệp của chính mình” - Vân nói.

Phạm Thị Vân, sinh năm 1986, cô hướng dẫn viên du lịch quốc tế người Hưng Yên, một thân một mình lặn lội vào miền Nam lập nghiệp, lại đang bắt đầu một công việc mới, công việc với những trái dừa xiêm Bến Tre.

Vân bảo mọi sự xảy ra đều có nguyên do của nó, khi đi qua mỗi đất nước chị luôn cố gắng quan sát, để ý xem họ có gì hay mà mình chưa có để mang về và cái gì mình có nhiều mà họ không có. Đi dạo hơn 50 siêu thị lớn nhỏ của các nước, chẳng thấy có mấy sản phẩm trái cây của Việt Nam.

Vân kể: “Trong một lần đặt chân đến đất Úc, một người bạn mang cho tôi vài quả trái dừa có nắp bật để uống, lúc ấy trong đầu không mường tượng được đó là rượu hay một thứ nước gì nằm trong lớp vỏ dừa kia, cho tới khi bạn tôi nói đó chỉ là một trái dừa tự nhiên có khoen nắp để mở dễ dàng. Và điều khiến tôi bất ngờ hơn là mỗi quả có giá lên đến 5 đô Úc nhưng chất lượng nước không ngon bằng trái dừa xiêm Việt Nam tôi từng uống”.

“Tôi có một suy nghĩ lóe lên trong đầu rằng tại sao mình không làm cái gì đó với trái dừa của quê hương mình, nhưng lúc ấy hộ chiếu chưa đủ 30 con dấu trên thế giới nên cái suy nghĩ ấy vẫn nằm yên trong đầu mà thôi”.

Song khi quay trở về Việt Nam, để thỏa lòng, Vân lại bắt đầu tìm hiểu và dò hỏi các cơ sở dừa lớn nhất Bến Tre xem có ai làm chưa, thất vọng nhận được câu trả lời chỉ bán dừa nguyên trái hoặc gọt kim cương. Lúc bấy giờ là đầu năm 2015, lại có thông tin thương lái Trung Quốc ép giá dừa của nông dân Bến Tre.

Chị dần hiểu ra rằng vì sao nông sản Việt không bằng nông sản các nước khác, mà gần nhất là Thái Lan, là bởi chúng ta không nâng được giá trị của nông sản mà chỉ bán nguyên liệu thô.

Khoảng một năm sau đó, Vân được giới thiệu có một nhóm bạn trẻ đang thực hiện dự án dừa nắp khoen, chị vô cùng mừng rỡ vì đã đến lúc tìm ra một con đường mới cho chính trái dừa Việt Nam. Với khả năng ngoại giao, sự tinh tế và nhanh nhạy trong việc đánh giá thị trường các nước trên thế giới, Vân đã trao đổi cùng nhóm bạn trẻ về kế hoạch của mình.

Vì không giỏi trong việc sản xuất nên Vân đã mạnh dạn đề nghị làm thị trường cùng các bạn, tìm lối ra cho sản phẩm, cô gái lấy gần hết số tiền bao năm tích góp để đầu tư cho nhóm bạn trẻ ấy.

Những ngày đầu lập nghiệp, mọi sự khó khăn hơn Vân tưởng. Những quả dừa không được chọn lọc kỹ càng, quá trình đóng nắp khoen không khớp, trái dừa không thể bật nắp như dự tính.

Rồi quá trình bảo quản không đúng quy trình khiến sản phẩm bị hỏng hoặc không giữ được lâu. Và cứ thế mất ba tháng trời, số tiền Vân đầu tư cùng nhóm bạn trẻ dần dần ra đi cùng với hàng ngàn trái dừa bị đập bỏ.

Phải mất thời gian lâu sau đó, nhóm mới hoàn thiện được sản phẩm và được khách hàng đón nhận tích cực. Nhưng khi tạo được lòng tin cho khách hàng cũng là lúc bắt đầu có doanh thu thì bao sự phát sinh, cũng như con đường hướng tới sản phẩm thiên nhiên 100% của Vân xảy ra mâu thuẫn, hơn 800 triệu đồng tích góp ra đi cùng với công sức sáu tháng trời.

Vân tự tay gọt những trái dừa. Ảnh: T.HÀ

Rồi chị hiểu ra rằng đã đến lúc tự làm nên thương hiệu cho chính mình, một thương hiệu an toàn với sức khỏe, một thương hiệu không xuất phát từ nhu cầu kinh tế, chỉ đơn giản là tình yêu, lời hứa với tuổi trẻ của chính mình.

Hành trình nâng cao giá trị của trái dừa Bến Tre

Khi Vân tách khỏi nhóm bạn trẻ cũng là lúc trên thị trường xuất hiện một, hai doanh nghiệp bắt đầu với loại hình dừa khoen nắp. Thêm vào đó, các mối khách hàng của Vân tạo lập trước đó liên tục yêu cầu sản phẩm ráo riết, nguồn cung nguyên liệu cũng cần Vân tiêu thụ. Mọi vùng trũng bắt đầu xuất hiện dưới chân cô gái nhỏ.

Lúc này chị nghĩ: Từ bỏ một việc làm rất dễ dàng nhưng từ bỏ một lòng tin thì có nghĩa bạn đang tự kết thúc con đường đi của mình. Vân nói rằng: “Trong những lúc khó khăn như thế, lạ thay ở con người tôi vẫn giữ được tinh thần lạc quan đến lạ lùng. Cũng nhờ sự lạc quan ấy khiến con đường tôi đi bớt gập ghềnh hơn”.

Và người dân trồng dừa xiêm xanh ở xứ Bến Tre đã quen với hình ảnh một cô gái giọng Bắc nhỏ thóm, đem nhẻm vì nắng, chọn dừa siêu “khó tính” xách một cây bút đo độ ngọt rong ruổi giữa những buổi trưa nắng gắt lùng sục các vườn dừa để xin mua.

Để rồi bạn bè chị vẫn thường đùa rằng: “Đi mua dừa cùng Vân có ngày bị quýnh”, Vân không mua dừa đại trà mà chọn lựa những vùng, những loại dừa có độ ngọt đúng quy chuẩn, nếu như độ BRIX (độ ngọt) để xuất khẩu là 7 thì Vân luôn chọn độ ngọt ở mức 7,5 trở lên.

Những trái dừa được Vân tuyển chọn kỹ càng. Ảnh: TH

Suốt mấy tháng trời, Vân cùng với những người hái dừa chuyên nghiệp của xứ dừa Bến Tre dành thời gian để chọn ra những trái dừa xiêm xanh ngon nhất của huyện Giồng Trôm và huyện Châu Thành.

Để tạo điều kiện kiếm thêm thu nhập cho người dân địa phương, chị thuê người cắt gọt trái dừa tại chỗ, cho họ lấy phần vỏ dừa phơi khô làm chất đốt hoặc nghiền làm phân bón hữu cơ, không những tạo ra việc làm cho bà con Bến Tre mà còn giảm thiểu diện tích, chi phí vận chuyển lên thành phố, lại vừa không thải ra rác trên các khu đô thị.

Cô gái nhỏ với sự động viên và giúp đỡ của bạn bè lại đích thân qua nước ngoài mày mò, tìm hiểu về máy cắt laser, về quy chuẩn chất liệu của nắp khoen, đinh rút, về công nghệ bảo quản. Tìm hiểu những thứ chưa bao giờ chị nghĩ rằng mình sẽ phải trực tiếp mày mò cả.

Cho đến khi quyết định vay mượn tiền mở xưởng thì Vân lại một lần nữa may mắn khi được bạn bè giới thiệu một nhà máy đang bỏ không, chuyên sản xuất dừa xuất khẩu có đầy đủ các chứng nhận Bio Organic, USDA Organic, vệ sinh an toàn thực phẩm. Và chị nhận ra một điều: “À thì ra lối đi ngay dưới chân mình”.

Cứ như thể trong cái rủi có cái may. Đến tháng 11-2017, Vân đã đứng dậy và bắt tay vào hành trình tạo ra sản phẩm của riêng mình. Sự khởi sự đến từ cái bất đắc dĩ.

Cô hướng dẫn viên du lịch năm nào giờ đây lại kiêm luôn chỉ đạo việc sản xuất, kiểm định từng sản phẩm đưa ra thị trường, thức khuya dậy sớm soạn email để giới thiệu sản phẩm và đàm phán với các đối tác trong và ngoài nước.

“Chỉ là một sự bất đắc dĩ đưa đẩy tôi đến với con đường khởi sự với sản xuất dừa. Nhưng càng làm tôi càng thấu hiểu, mỗi một quả dừa tựa như một câu chuyện đời rất dài, rất dài” - Vân nói.

"Trái dừa cười'

"Khi được hỏi: "Điều gì khiến chị tin, kiên trì với con đường ấy?", Vân bẽn lẽn cười: “Là tình yêu với dừa, thế thôi”. Và quả thật, vì tình yêu với dừa nên mỗi sản phẩm của chị là một sự kỳ công. Với tiêu chí bảo vệ sức khỏe, không sử dụng chất tẩy trắng hay bảo quản, Vân đã mất rất nhiều thời gian tìm hiểu về các chất bảo quản sinh học sao cho trái dừa không bị xâm nhập bởi nấm mốc, vi khuẩn, rồi quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất.

Tháng 12-2017, chị cùng cộng sự của mình cho ra mắt sản phẩm hoàn thiện. Sau hai tháng có mặt trên thị trường, cứ đều đặn mỗi ngày chị cho ra thị trường hơn 1.000 sản phẩm đi khắp mọi miền của Tổ quốc, từ các tiệm cà phê, các hội nghị hay cửa hàng thực phẩm sạch đến các khu resort...

Và “Sẽ sớm thôi, vài tháng nữa, trái dừa của chúng tôi sẽ có mặt tại Đài Loan, Singapore, Úc... Hy vọng rằng, dừa xiêm xanh Việt Nam sẽ tạo được một bước đi vững chắc ở xứ người” - Vân nói đầy tự tin.

Những quả dừa nắp khoen được "ra đời". Ảnh: TH

Có lẽ, cái năng lượng tươi vui tràn trề ở cô gái nhỏ đã lan tỏa trên từng quả dừa chị làm ra. Những trái dừa nhỏ xinh, có khắc miệng cười cùng logo sản phảm với hy vọng đem lại niềm vui cho ai đó vào một trưa nắng gắt, một nụ cười trong lúc buồn bã nhất.

Sẽ còn rất nhiều câu chuyện thú vị về Vân, về trái dừa xiêm của Việt Nam chờ ngày để kể. Và chắc hẳn, gần thôi, những người trẻ đầy nhiệt huyết khởi nghiệp sẽ làm ra bao điều đáng yêu cho đất nước như CôcôSmile - trái dừa cười của chị.

Ống hút bằng tre, cỏ

Điều khiến người ta nhớ về Vân không chỉ là câu chuyện làm ra trái dừa nắp khoen của riêng mình, tạo lối đi mới cho trái dừa Việt mà còn là cách cô gái ấy cùng với những người bạn đã và đang tìm mọi cách vận động cộng đồng hạn chế việc sử dụng ống hút bằng nhựa, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.

Chị tận dụng những phụ phẩm của ngành mây tre đan là những nhánh tre được bỏ ra để tạo thành ống hút bằng tre cho trái dừa. Mới đây, một người bạn của Vân đã cùng chị sử dụng thân của một loại cỏ để tạo ra những ống hút cỏ được tiệt trùng bởi tia UV kỹ càng, giảm thiểu lượng rác thải xấu cho môi trường.

Không chỉ thế, Vân - cô gái giọng Bắc giữa trời Nam kia cũng là một trong những tình nguyện viên trong một tổ chức dạy tiếng Anh từ thiện, dạy miễn phí cho trẻ em nghèo và các bạn thanh niên trong thành phố.

THU HÀ Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News N. HÀ

Từ khóa » Dừa Coco Smile Giá Bao Nhiều