Có Gì Khác Giữa Cúm A Và Cúm B? | Báo Dân Trí

Có gì khác giữa cúm A và cúm B? - 1

Nghẹt mũi, mệt mỏi và ho là những triệu chứng phổ biến của bệnh cúm.

Cúm là một bệnh hô hấp do virus phổ biến nhất trong những tháng mùa thu và mùa đông. Những virus này có thể lây lan khi người bệnh hắt hơi hoặc ho và những giọt nước nhỏ bắn vào mũi hoặc miệng của người khác.

Cúm khác với cảm lạnh thông thường. Nó có thể gây ra bệnh nặng và làm nặng thêm một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như hen, bệnh tim và tiểu đường. Trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến tử vong.

Các loại virus cúm

Có bốn loại virus cúm.

Cúm A

Virus cúm A gây ra dịch cúm mùa hàng năm tại Mỹ. Nó có thể nhiễm cho người và động vật.

Cúm A là loại duy nhất có thể gây ra đại dịch, là bệnh lây lan trên toàn cầu. Cả đại dịch cúm gia cầm và cúm heo đều là kết quả của virus cúm A.

Virus cúm A có hai loại protein bề mặt: hemagglutinin và neuraminidase, giúp các bác sĩ phân loại được chúng.

Cúm B

Virus cúm B cũng có thể gây ra dịch cúm mùa thường chỉ ảnh hưởng đến người. Có hai dòng cúm B: Victoria và Yamagata.

Virus cúm B đột biến chậm hơn virus cúm A.

Cúm C

Virus cúm C gây bệnh nhẹ - chúng có vẻ không gây ra dịch.

Cúm D

Virus cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và có vẻ không lây nhiễm cho người.

Triệu chứng

Các triệu chứng cúm có thể từ nhẹ đến nặng, và khác nhau tùy theo từng người.

Các triệu chứng phổ biến của cúm bao gồm:

• mệt mỏi

• nghẹt mũi

• ho

• đau đầu

• đau họng

• nhức mỏi cơ thể

• ớn lạnh

• sốt

• nôn hoặc tiêu chảy, thường gặp ở trẻ em

Một số người gặp các triệu chứng nghiêm trọng, có thể bao gồm:

• tức ngực

• khó thở

• đau nhiều

• yếu nhiều

• sốt cao

• co giật

• chóng mặt nhiều

• mất ý thức

Một người gặp bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nên được chăm sóc y tế.

So sánh giữa cúm A và B

Cúm A và B khác nhau về mức độ phổ biến của chúng.

Tỷ lệ mắc

Theo các nhà nghiên cứu, virus cúm A gây ra khoảng 75% số trường hợp cúm được xác nhận, trong khi virus cúm B đứng sau khoảng 25% số trường hợp.

Lây nhiễm

Cả cúm A và B đều rất dễ lây.

Khi một người bị cúm ho hoặc hắt hơi, những giọt nước bắn ra có thể xâm nhập vào mũi hoặc miệng của người khác và lây bệnh.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), virus cúm có thể lây nhiễm sang người ở khoảng cách đến 2m.

Ngoài ra, một người có thể bị cúm nếu họ chạm vào bề mặt bị nhiễm virus cúm, sau đó chạm vào miệng hoặc mũi của mình.

CDC báo cáo rằng những người bị cúm dễ lây nhất trong 3-4 ngày sau khi bị bệnh. Các triệu chứng có xu hướng phát triển 2 ngày sau khi bệnh bắt đầu, vì vậy người có thể truyền bệnh cúm trước khi họ cảm thấy bị bệnh.

Mức độ nặng

Đối với người khỏe mạnh, cúm thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số nhóm người nhất định, những người này nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay khi nghi ngờ có các triệu chứng cúm.

Những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm bao gồm:

• phụ nữ có thai

• người mắc một số bệnh mãn tính

• trẻ em dưới 5 tuổi

• người già từ 65 tuổi trở lên

Nhiều người cho rằng cúm A nặng hơn cúm B. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Một nghiên cứu năm 2014 đã kết luận rằng người lớn nhập viện do cúm A hoặc B có xu hướng nằm viện lâu như nhau. Họ cũng có tỷ lệ phải nằm khoa chăm sóc đặc biệt và tử vong trong khi nằm viện như nhau.

Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy virus cúm B dễ gây tử vong hơn ở trẻ 16 tuổi trở xuống phải nằm viện.

Các nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng trẻ em ở độ tuổi 10-16 bị nhiễm loại virus này dễ phải nằm khoa hồi sức tích cực hơn so với những trẻ bị cúm A.

Điều trị

Nhiều người thấy rằng các biện pháp điều trị tại nhà có thể giúp giảm bớt triệu chứng cúm, nhưng thuốc kháng virus kê đơn có thể là một ý tưởng tốt cho những người có nguy cơ cao bị biến chứng hoặc các triệu chứng nghiêm trọng.

Biện pháp điều trị tại nhà

Để giảm các triệu chứng cúm tại nhà:

• uống nhiều nước

• nghỉ ngơi nhiều

• dùng các loại thuốc không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm đau

Thuốc kháng virus

Thuốc kháng virus chỉ được bán theo đơn. Thuốc có thể rút ngắn thời gian của các triệu chứng hoặc ngăn ngừa các biến chứng, chẳng hạn như viêm phổi.

Thuốc chống virus có thể đặc biệt có lợi cho những người có nguy cơ biến chứng cúm cao hơn, bao gồm trẻ nhỏ, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và những người mắc một số bệnh mãn tính.

Thuốc kháng virus có tác dụng tốt nhất khi được dùng trong vòng 1-2 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng.

Có một số loại thuốc chống virus đối với bệnh cúm, bao gồm:

• oseltamivir

• zanamivir

• peramivir

• maroxil baloxavir

Chúng có thể ở dạng thuốc viên, thuốc nước, dạng bột hoặc dạng tiêm tĩnh mạch.

Phòng ngừa

Những biện pháp sau đây có thể giúp ngăn ngừa mắc hoặc lây cúm:

• hạn chế tiếp xúc với người bệnh

• ở nhà khi bị ốm

• che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho

• rửa tay thường xuyên

• khử trùng các bề mặt có thể chứa mầm bệnh cúm

• tránh chạm vào mắt, mũi và miệng

• đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà

Phương pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc-xin cúm hàng năm. Vắc-xin cúm có thể dạng thuốc tiêm hoặc thuốc xịt mũi.

Theo một nghiên cứu năm 2017, vắc-xin có thể làm giảm nguy cơ tử vong tại bệnh viện do cúm, ngăn ngừa nguy cơ phải vào khoa hồi sức tích cực và giảm thời gian nằm viện.

Tóm lại

Có bốn loại virus cúm và cúm A và B là phổ biến nhất.

Trong khi nhiều người khỏi bệnh cúm nhờ các biện pháp điều trị tại nhà, thì cúm A và B có thể gây ra bệnh nghiêm trọng và tử vong ở những người có nguy cơ biến chứng cao.

Không có cách điều trị đặc hiệu cúm, nhưng nghỉ ngơi và uống nước có thể giúp giảm triệu chứng. Thuốc kháng virus cũng có thể giúp rút ngắn thời gian mắc bệnh.

Những người gặp các triệu chứng cúm nặng hoặc biến chứng cần được chăm sóc y tế.

Cẩm Tú

Theo MNT

Từ khóa » Cúm A Và Cúm B