Cô Giáo Không Lành Lặn Gieo Mầm Xanh Nơi "thung Lũng Trắng"
1. Vụ tai nạn 3 năm trước trên đường từ trường về nhà cướp mất chân bên phải tưởng như sẽ buộc cô giáo Vì Thị Nhân phải mãi mãi chia tay nghề dạy học, chia tay đồng nghiệp và học trò ở các điểm bản. Không chịu khuất phục trước nghịch cảnh, cô giáo Nhân vẫn nỗ lực để tiếp tục với đam mê với nghề, với những đứa trẻ thân thương.
Trường Săm Cài những ngày nắng hạ, mặt trời lấp ló nơi "thung lũng trắng", nắng mai xuyên qua từng tán cây, kẽ lá, tiếng trống trường giục giã cho một ngày tới lớp. Nở nụ cười trên môi, cô giáo Vì Thị Nhân dang rộng vòng tay đón đàn "chim non" ríu rít ngay từ đầu cổng. Cái khoanh tay lễ phép của những đứa trẻ người Mông "con chào cô ạ!" cùng cái xoa đầu của cô giáo Nhân đã cho chúng tôi thấy sự ấm áp và tình yêu trẻ của cô giáo dân tộc Thái ấy to lớn biết nhường nào.
Ở đây đồng bào chủ yếu là người Mông, người Dao, trình độ và nhận thức của bà con vẫn còn nhiều hạn chế, quanh năm lấy mảnh vườn sau nhà, lấy con trâu, con bò, con lợn là nguồn thu nhập chính. Khó khăn chồng chất khó khăn. Và, những "con nghiện" đi cùng "cái chết trắng" là nỗi ám ảnh nơi đỉnh dốc cheo leo này.
Ngược dòng thời gian của những ngày tháng cũ, năm 2008 cô gái Vì Thị Nhân được điều động về công tác tại xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu (nay là huyện Vân Hồ) ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Lúc ấy, bà con của bản Phiêng Hạ ai cũng vui mừng, phấn khởi bởi đã lâu lắm rồi mới có một người con ưu tú đến như vậy. Dân bản Phiêng Hạ hãnh diện ra mặt bởi có đứa con đầu tiên của bản trở thành cô giáo. Nhớ lại những ngày tháng hạnh phúc ấy, cô giáo Vì Thị Nhân vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc "Chính các thầy cô dưới xuôi lên bản dạy chữ đã khơi gợi mơ ước làm giáo viên trong tôi".
Ngày mới ra trường, cô giáo trẻ Vì Thị Nhân được phân công nhận nhiệm vụ giảng dạy tại điểm bản Suối Bon. Lớp có 16 học sinh, đều là người dân tộc Dao, các em có độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi. Hồi ấy điểm bản cách nhà gần 30 km, nếu đi trong ngày thì cả đi và về gần 60km, sáng đi trời mù giăng lối, lúc về sương cũng phủ kín đường. Đi lại vất vả khôn cùng. Thời điểm hơn chục năm trước, con đường như đánh bẫy người cầm lái, dốc lên thẳng đứng, có đoạn xóc ngược lưng, có chỗ lại tuột dốc thăm thẳm, con đường chỉ rộng vỏn vẹn chưa đầy 2m, tay phải là vách núi, tay trái là vực sâu hun hút. Cánh đàn ông đi qua con đường này cũng phải "khiếp vía". Trên con đường ấy, không biết bao lần cô giáo trẻ đã ngã. Cứ ngã lại lồm cồm bò dậy, chân tay bầm tím, đau điếng, nhiều khi khóc òa như một đứa trẻ vì tủi nhưng rồi lại gạt nước mắt để đi tiếp vì học sinh điểm bản đang chờ.
Gọi là điểm trường nhưng thực chất đây là một căn nhà gỗ ọp ẹp dựng tạm trên nền đất ẩm thấp, mỗi khi mưa xuống nước ngập ngang bắp chân, những ngày mưa to, gió lớn lớp học như muốn đổ ập xuống. Và, những ngày như vậy, cô cùng trò lại khăn gói đi nhờ nhà dân.
Cô hay khoe với đồng nghiệp được công tác tại điểm trường "4 không": không điện, không nước, không sóng điện thoại và không nhà vệ sinh. Những thứ "không" ấy cũng là nguồn động lực, là nguồn thôi thúc, động viên cô cố gắng nhiều hơn nữa vì đàn em thơ, vì học trò của mình, vì nếu như mình không lên lớp sẽ chẳng có ai đủ kiên nhẫn dạy ở những nơi khó khăn, vất vả thế này.
Cắm bản Suối Bon được 4 năm, cô giáo Nhân được điều chuyển về điểm trường Lũng Xá - Tà Dê (vẫn thuộc Trường Mầm non Lóng Luông). Những ngày tháng ấy, Lũng Xá - Tà Dê chìm trong khói thuốc phiện, phức tạp về địa lý và mất an ninh trật tự, ma túy phủ từng nóc nhà người Mông. Nhà nhà nghiện, người người nghiện. Có những khoảng thời gian người nghiện ở Lũng Xá - Tà Dê còn nhiều hơn người không nghiện. "Cái chết trắng" thống trị ở mảnh đất Lũng Xá - Tà Dê nhiều năm ròng nên bản làng ngày ấy tan hoang như vừa có một "cơn lốc trắng" ngang qua. Vài ngày lại có một đối tượng bị công an bắt, không vì tội nghiện hút thì cũng là buôn bán ma túy qua biên giới. Chuyện ra tù vào tội đã trở thành chuyện cơm bữa ở "vùng đất nóng". Nhiều năm, Tà Dê - Lũng Xá chẳng có mùa xuân, quanh năm chỉ có mỗi một mùa, mà người ta gọi là mùa tang thương bởi sức tàn phá của ma túy.
Đến thời điểm hiện tại, nhớ lại những ngày tháng căng thẳng ấy, cô giáo Nhân vẫn không khỏi rùng mình bởi những tiếng súng đạn bên kia vách núi, có những lúc tim như nhảy ra khỏi lồng ngực. "Nhiều lúc đang dạy, tôi giật mình khi thấy tiếng súng vang lên bên kia sườn núi trong bản. Chẳng rõ chuyện gì nhưng cô trò đều co rúm người vì sợ", cô giáo Nhân hồi tưởng.
Căm bản ở vùng cao, vận động trẻ đi học đã khó, làm hồ sơ xin trợ cấp xã hội cho học sinh trong bản cũng không phải là chuyện dễ dàng. Chuyện này nghe tưởng lạ nhưng hóa ra lại là chuyện có thật ở mảnh đất Tà Dê - Lũng Xá, bởi các em học sinh trong bản gia đình đều đi theo tiếng gọi của ma túy, không nghiện thì cũng buôn bán. Do vậy, trong tư tưởng của các gia đình thì họ đều cho rằng các cô giáo sẽ giúp sức công an đến điều tra, bắt bỏ tù nên lúc nào cũng phải thật cảnh giác. Việc tuyên truyền, vận động để làm thủ tục cho các em chẳng dễ dàng chút nào. Không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần cô giáo Nhân bị gia đình, bố mẹ các em học sinh đuổi thẳng thừng... Có những lần tủi thân đến phát khóc nhưng không phải vì thế mà nản chí, mà bỏ cuộc, cô Nhân cùng đồng nghiệp vẫn kiên trì, dựa vào các mối quan hệ tốt trong bản mà tuyên truyền, thuyết phục phụ huynh dần dần. Ấy vậy, cô giáo Nhân cũng đã giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trong lớp học của mình có thêm kinh phí hỗ trợ, giúp các em và gia đình yên tâm hơn những ngày tới lớp.
2. Tháng 11-2018, một vụ va chạm với xe tải trên đường đi làm về khiến cô giáo Vì Thị Nhân vĩnh viễn mất đi chiếc chân phải. Từ đây, một cuộc sống mới bắt đầu, những cung bậc cảm xúc thật khó diễn tả thành lời. Nhớ lại những ngày tháng đó, cô giáo Nhân vừa trở lại công tác tại điểm trường Săn Cài được 2 tháng, sau khi mới sinh con thứ hai.
Khi biết tin vợ mình gặp tai nạn nặng, anh Cầm Trung Thông bàng hoàng, tưởng chừng chân đi không vững, nhưng vẫn cố sốc lại tinh thần, bởi anh xác định mình chính là nguồn động lực lớn nhất mà vợ cần lúc này. Đưa vợ xuống bệnh viện ở Hà Nội, trên đôi mắt người đàn ông ấy vẫn chực trào nước mắt, thương vợ vất vả sớm hôm, nay lại gặp tai nạn. Lúc này trong suy nghĩ của anh chỉ cần biết phải tìm được bác sĩ giỏi với hy vọng giữ được đôi chân cho vợ. Nhưng, mọi hy vọng hóa thành vô vọng khi vết thương quá nặng, bác sĩ khuyên nên cắt bỏ qua đầu gối để giữ tính mạng.
Tỉnh lại sau ca mổ, cô giáo Nhân đau đớn nhìn chiếc chân từng lành lặn, nay đã mất, quấn băng trắng ngang đùi. Kể lại giây phút đó, cô giáo Nhân không kìm được lòng. Cô kể "Lúc này trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất đó là mình sẽ là kẻ tàn phế, làm khổ gia đình, không biết có được đến lớp nữa hay không". Sợ vợ buồn tủi, anh Thông liên tục động viên vợ "hãy coi anh là chiếc chân phải của em!...". "Những lời động viên đó phần nào giúp tôi nguôi ngoai nỗi đau, học cách dùng nạng và tập làm lại việc nhà", cô giáo Nhân nhớ lại.
2 tháng sau vụ tai nạn, cô giáo Nhân xin được đi làm lại vì nỗi nhớ học trò. Ban Giám hiệu Trường Mầm non Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La) ngay lập tức đồng ý, bởi cô giáo Nhân là một người có trình độ, có năng lực sư phạm, có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ vùng cao, đồng thời đã nhiều năm công tác tại các điểm bản nên rất hiểu phong tục tập quán của đồng bào và tâm lý các em nơi đây.
Cô giáo Nguyễn Thị Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lóng Luông bồi hồi kể lại: "Đã có lúc tôi tưởng phải chia tay một người đồng nghiệp đáng mến ấy, nhưng không ngờ cô giáo Nhân đã quay trở lại, làm chúng tôi thực sự vui, đồng thời khâm phục ý chí quyết tâm vượt khó của cô".
Sợ chồng và bố mẹ lo lắng, cô giáo Nhân quyết tâm tập luyện đi lại bằng chiếc nạng và bằng chiếc chân giả. Có nạng và chiếc chân ấy, cô giáo Nhân dường như đã có phần chắc chắn hơn trong mỗi bước tập đi của mình. Chỉ còn một chân, ngày ngày cô giáo Nhân vẫn ôm chiếc nạng dài 1,5m, nhờ người chị họ gần nhà chở hơn 20 km đến trường. Dù nắng hay mưa, dù là những ngày đông giá rét hay ngày hè nóng bỏng, cô giáo Nhân vẫn chưa bỏ bất cứ buổi nào tới lớp.
Quay trở lại công việc mà cô coi đó là tình yêu, là sự sống, là định mệnh, cô Nhân vui hơn bao giờ hết. Mọi hoạt động dạy học, cho trẻ ăn uống, cô đều làm thuần thục. Chỉ có điều bây giờ không thể đến tận nhà vận động học sinh đi học như những ngày tháng trước. Dù đã có chân giả để đi lại dễ dàng hơn, nhưng có không ít lần dừng đèn đỏ hoặc phanh gấp, cô ngã sõng soài ra đường, xây xước chân tay, bởi chân trụ không vững. "Đến trường mà quần áo vừa bẩn, vừa rách, chỉ mỗi chiếc chân giả là còn nguyên", cô giáo Nhân cười.
3 năm sau vụ tai nạn, phần vết thương vẫn đau nhức khi thời tiết thay đổi, nhưng cô giáo Nhân nói vui vì đã trở lại với công việc và cuộc sống cũ. Với một người lành lặn, công việc này đã là một sự vất vả, khó khăn. Với những người khuyết đi một phần cơ thể như cô giáo Nhân thì vất vả lại tăng lên gấp bội. Thấy vậy, nhiều người khuyên cô chuyển việc, thay vì phải vào bản xa gieo chữ như những ngày tháng cũ, nhưng cô lắc đầu vì không muốn xa các em học sinh.
"Mất một chân đâu phải mất tất cả, tôi vẫn muốn góp sức mình để những đứa trẻ vùng cao biết đọc, biết viết. Trừ phi nghề bỏ tôi, chứ bản thân nhất quyết không bỏ nghề", cô Nhân khẳng định. Những lời khẳng định chắc nịch cho thấy một tình yêu nồng nàn với công việc và tình yêu ấy sẽ còn lan tỏa mãi nơi thung lũng Lóng Luông.
Từ khóa » Gỗ Phúc Lộc Thọ
-
Nhà Gỗ 5 Gian Quanh Năm Thoáng Mát, Hút Tài Lộc Cho Gia Chủ
-
Người Sinh 3 Khung Giờ Phúc - Lộc - Thọ, Sau 35 Tuổi Có Nhà Lầu Xe ...
-
Nam Định: Phát Triển Kinh Tế Từ Làng Nghề Truyền Thống | Kinh Tế địa ...
-
Đất Khó Hóc Chọ Và Những Người Giỏi Trường đời
-
Tin Tức Tổng Hợp Hấp Dẫn Nhất Trên Số Báo In Ngày 16/7
-
Các Quốc Gia Xử Lý Và Kiếm Tiền Từ Rác Như Thế Nào?
-
Trình Thủ Tướng Báo Cáo đánh Giá Dự án Khai Thác Mỏ Sắt Thạch ...
-
Cú "bẻ Lái" Tài Lộc Của Chàng Trai Mê điêu Khắc
-
Phố đồ Gỗ Vào Mùa Tết
-
Ngược đỉnh Hô Tra Tìm Trà Cổ Thụ
-
Nghệ Nhân Hội An Phù Phép Gốc Tre Sần Sùi Thành Khuôn Mặt độc đáo
-
7 Phòng Thờ Hút Nghìn Like đẹp Nức Lòng Người: Trang Nghiêm ...
-
‘Sống Chậm’ ở Đà Lạt
-
Kết Duyên Với Tượng Tre Phúc - Lộc - Thọ