Có Hai Chú Cuội! - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Nhảy múa cùng chú cuội trên mặt trăng
  • Chàng câm và chú Cuội
  • Những “chú cuội” mặc comple

“Sự tích chú Cuội” giải thích vì sao trên cung trăng có hình người ngồi dưới gốc cây đa bằng một câu chuyện đầy tính nhân văn: chú Cuội vào rừng biết được bí mật hồi sinh của con hổ bằng lá từ một cây thuốc. Cuội đem về nhà trồng cứu được nhiều người, cứu được cả vợ đã chết. Nhưng từ đó vợ Cuội đãng trí quên lời chồng để cho cây thuốc bay lên trời. Cuội tiếc quá bám chặt vào gốc cây. Cây bay lên cung trăng hàng năm chỉ rơi một lá xuống biển Đông.

Cái vỏ truyện là để cắt nghĩa một hiện tượng tự nhiên nhưng thẳm sâu một cái lõi ý nghĩa là khát vọng tái sinh, hồi sinh của con người. Là anh nông dân lao động hiền hậu chất phác hay giúp đỡ người nghèo, từ tay trắng Cuội có tất cả, gia đình, nhà cửa... nhờ cây thuốc quý. Cũng vì nó mà anh ta vĩnh viễn ở trên cung trăng để mọi người chiêm ngưỡng, ngắm nhìn. Đấy là cách dân gian vĩnh cửu hóa cái tốt, người tốt cũng là vĩnh cửu hóa cái khát vọng trường sinh.

Ngày xưa các bậc vua chúa cho người vượt biển xa, núi cao, rừng sâu tìm phương thuốc bất tử. Đó là chuyện có thật trong lịch sử. Còn dân gian, với triết lý khỏe khoắn, thực tế thì cây thuốc chỉ có ở trên trời như nói rằng muốn bất tử thì chỉ có cách “lên trời” mà thôi!!!

image003.png -0

Ngày nay từ cái nhìn phê bình sinh thái học hiện đại có thể thấy truyện còn là bài học về sự hòa hợp con người với tự nhiên, biết ơn tự nhiên... Những con thú hoang dã chính là loài nắm giữ bí mật của tự nhiên nên con người phải biết tôn trọng chúng. Phải biết chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ tự nhiên, nếu không chúng sẽ bỏ đi. Chỉ một hành động vô tình vợ Cuội đái vào gốc cây thuốc, thế là nó bay mất. Huống hồ các hành vi tàn nhẫn khác... Những chi tiết ấy giáo dục trẻ em thật giản dị mà thấm thía!

Đấy là cổ tích, còn ca dao lại tạo ra một không gian khác tuân theo kết cấu nghệ thuật thể loại của riêng nó: “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/ Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời/ Cha còn cắt cỏ trên trời/ Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên/ Ông thì cầm bút, cầm nghiên/ Ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa”. Vì là đồng dao vần vè nên đừng bắt bẻ chữ nghĩa, hình tượng... vì mục đích của nó là “cho vui vẻ!”. Nhưng cũng cho thấy một “thằng Cuội” thật dân gian, gần gũi, sớm phải đi làm (chăn trâu) và rất mải chơi!!!  

Những cổ tích tương tự như truyện chú Cuội ngồi gốc cây đa có ở mọi nền văn hóa. Những cổ mẫu ấy theo con đường “liên văn hóa” đẻ ra những văn bản “mẫu con”, như bài thơ “Muốn làm thằng Cuội” của Tản Đà: “Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!/ Trần thế em nay chán nửa rồi/ Cung quế đã ai ngồi đó chửa?/ Cành đa xin chị nhắc lên chơi/ Có bầu, có bạn, can chi tủi/ Cùng gió, cùng mây, thế mới vui/ Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám/ Tựa nhau trông xuống thế gian cười!”. Các hình tượng “chị Hằng”, “cung quế” có từ văn hóa Trung Hoa, “thằng Cuội”, “cành đa” là “phái sinh” từ cổ tích Việt. Trong văn học nghệ thuật hiện đại nếu liệt kê cũng có tới hàng trăm bài thơ, hàng chục bản nhạc lấy cảm hứng từ hình tượng chú Cuội này!

Đi kèm với cổ tích “Nói dối như Cuội” là các thành ngữ: “Nói dối như cuội”, “Nói nhăng nói cuội” để chê bai những kẻ ăn nói linh tinh, dối trá. Truyện kể Cuội mồ côi cả cha lẫn mẹ phải đi ở với chú thím. Từ nhỏ Cuội đã nổi tiếng láu lỉnh và lừa người rất giỏi. Một trọc phú không tin gọi đến bảo: Mày lừa tao ra ngoài cổng sẽ thưởng năm quan. Cuội nói ông ngồi đây sẵn, lại chủ ý đề phòng thì làm sao mà lừa được. Nếu ông ra ngoài cổng tôi mới lừa được. Ông ta làm theo. Đợi thế Cuội hét toáng lên: “Thế là lừa được ông rồi”!!!

Những chuyện tương tự như thế có nhiều chứng tỏ Cuội ta lém lỉnh, thông minh thật. Cuội lừa các quan, lừa nhà giàu nhưng cũng lừa cả những người nghèo, thậm chí nhẫn tâm lừa cả người hủi chết thay mình. Cuội lừa cả người thân là chú thím đã nuôi mình... Cú lừa cuối cùng lớn nhất là lừa vua. Cuội lừa cho con voi chết rồi lừa cả đàn chim chui vào bụng voi. Cuội trèo lên lưng voi để đàn chim vỗ cánh đưa voi bay lên trời. Cuội “hạ” xuống sân rồng. Cả vua và quần thần tưởng là người trời bèn tế Cuội như tế sao. Cuội lừa đổi hoàng bào rồi cho vua bay lên trời “ngắm cảnh”. Cuội nghiễm nhiên ngồi vào ngai vàng...

Như vậy truyện này khác hẳn với chuyện Cuội ngồi gốc cây đa!

Thằng Cuội này đáng trách, đáng chê nhiều hơn là đáng khen. Nó giống với Trạng Lợn ở chỗ may mắn nhưng nhân tính, ứng xử không bằng Trạng Lợn. Nó được kể ra để làm bài học cho trẻ con: không hay gì cái chuyện dối người, lừa người, hại người. Theo con đường “vô thức” hình tượng thằng cuội rơi vào và có lẽ còn sống mãi trong cuộc sống hiện đại. Khi nói về ai đó (nhất là trẻ trai) có hàm ý dè bỉu người ta sẽ nói: “Loại cuội!”, “Dối như cuội!”, “Nhăng nhít như cuội!”... Như một hình tượng mang tính phổ quát, “thằng cuội” có trong mọi nền văn hóa, dĩ nhiên có cái tên khác, thành phần xuất thân khác, nhưng về tính cách thì đại để giống nhau. Dân gian miền núi Trung bộ thì thêm nhiều tình tiết Cuội lừa cả hổ, cả voi... Cuội vào rừng chặt mây gặp hổ, hổ hỏi để làm gì, Cuội đáp vì sắp lụt to, chặt về treo họ hàng lên cây kẻo chết đuối. Hổ khẩn khoản nhờ treo cả họ hàng nhà mình...

Có hai chú Cuội -0
 

Như thỏi nam châm, theo thời gian, cốt truyện hút vào nó nhiều tình tiết thấy phù hợp. Nhiều khảo dị kể Cuội lừa chú thím bán lợn rồi cắm đuôi xuống đất nói lợn chui xuống đất. Chi tiết này có từ chùm truyện về sự tích vua Đinh Tiên Hoàng lúc nhỏ chăn trâu cho người chú, vua giết trâu đãi các bạn rồi cắm đuôi vào khe đá về báo chú là trâu chui xuống âm ty. Chú lên núi nắm đuôi trâu kéo bị ngã ngửa... Truyện dân gian Ja-rai (Tây-nguyên) và Khơ-me… cũng có nhân vật tương tự với các tình tiết gần giống với chuyện Cuội người Kinh. Xét kỹ nhân vật Thơ-mênh Chây của người Khơ-me có bóng dáng cả hai nhân vật Trạng Quỳnh và Cuội. Ví dụ vua thách Thơ-mênh Chây lừa được mình. Chây đáp: “Việc lừa của tôi là nhờ vào một quyển sách nói dối. Nhưng quyển sách lại để ở nhà. Có nó mới lừa được vua”. Vua sai Chây về lấy. Chây nói đau chân. Vua sai viên quan về lấy không có. Vua nổi giận. Chây ung dung đáp: “Vậy là tôi đã lừa được nhà vua rồi!”...

Hầu như mọi dân tộc đều có loại truyện “thằng cuội” này. Ở châu Âu nó còn đi vào văn học và hình thành hẳn một thể tài có tên tiểu thuyết bợm nghịch (picaresque novel). Loại nhân vật “bợm nghịch” (pícaro tiếng Tây Ban Nha) trong tiểu thuyết thường xuất thân hạ lưu, ưa phiêu bạt mà trở thành những tên “bợm” thông minh, giỏi lừa gạt... Ở ta hình tượng Xuân Tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng có lẽ sống mãi vì có cái nguồn gốc “xuất thân” từ trong dân gian. Cơ bản hơn là nó có xu hướng kết tinh nhiều đặc trưng của các nhân vật cùng loại. Trong cấu trúc nhân vật này có thằng Cuội, có thằng Bờm, có Thơ-mênh Chây, có cả Trạng Lợn, Trạng Quỳnh, lại có dáng dấp cả nhân vật “bợm nghịch” phương Tây. Có thể có phản biện cho rằng với Xuân Tóc đỏ thì tác giả của nó không chịu ảnh hưởng phương Tây. Nhưng đặt trong hoàn cảnh tiếp biến văn hóa Việt – Pháp rầm rộ thời Vũ Trọng Phụng sống thì thấy nhận định trên có căn cứ. Nhà phê bình Hoài Thanh chẳng đã từng nói mỗi nhà thơ Việt đội trên đầu dăm bảy nhà thơ Pháp đó sao!?

Nhưng ít nhất hình tượng thằng cuội bước vào trang văn của hai người nổi tiếng. Về thơ, Nguyễn Khuyến với bài “Vũng lội đường Ngang” (1878), có những câu: “Đầu đường Ngang có một chỗ lội/ Có miếu ông Cuội cao vòi vọi/ Đàn bà đến đó vén quần lên/ Chỗ thời đến háng, chỗ đến gối/... Cho nên làng ấy sinh ra người/ Sinh ra dặt những thằng nói dối”. Dựa trên sự kiện có thật ở quê nhà thơ có con đường người ta không sửa thành lầy lội, lâu ngày thành vũng. Gần đó có cây đa, dưới gốc có đống đất to hình thằng cuội nên gọi “đống ông Cuội”. Nhà thơ phê phán cả quan cả dân đều là “cuội” cả vì nói sửa mà không làm để dân khổ!

 Thời hiện đại, Lê Lựu có hẳn một tiểu thuyết hay có tên “Chuyện làng Cuội” (1993) với cảm hứng phê phán những chuyện “cuội” mang tính bi kịch của một làng nọ từ sau 1945. Một giọng kể châm biếm cùng tài năng kiến tạo những hình tượng nghịch dị nhà văn đã phơi trần mặt trái của quyền lực, nhất là quyền lực lại được trao cho những kẻ dốt nát...Tác phẩm mang tính giáo dục và dự báo cao!

Từ khóa » Sự Tích Chú Cuội Cây đa Có đặc điểm Gì đặc Biệt