Cơ Hội Thành Nghề Sớm Với Mô Hình Phổ Thông Cao đẳng - VnExpress

Nguyễn Bình Minh (sinh năm 2004, Hà Nội) từng học lớp 10 tại một trường THPT. Tuy nhiên, em dần nhận thấy trải nghiệm của mình trong 10 năm học mô hình truyền thống không còn phù hợp và bắt đầu tìm kiếm hướng đi mới để phát triển bản thân.

Với mong muốn tìm môi trường học đáp ứng sở trường của con, bố mẹ Bình Minh đã tìm hiểu về Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic và dẫn em đến thăm trường. Sau chuyến đi này, cô bé Gen Z thích thú với mô hình học tập mới và sự năng động của sinh viên - những người đưa Minh tham quan trường.

"Khi thấy hệ Phổ thông Cao đẳng mới mẻ, em nghĩ nên thử xem sao. Bố mẹ cũng ủng hộ quyết định này", Bình Minh kể lại.

Nguyễn Bình Minh (sinh năm 2004, Hà Nội) - sinh viên Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Bình Minh - sinh viên Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Minh cho biết cô ấn tượng với chương trình học tập trung vào 4 môn văn hóa có tính ứng dụng cao trong việc học các môn chuyên ngành sau này, bao gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học và tiếng Anh giao tiếp theo giáo trình quốc tế. Ngoài ra, trường còn chú trọng phát triển năng khiếu cho sinh viên qua các môn như võ Vovinam, dancesport, vẽ...

Tương tự, em Nguyễn Duy Thành Nam (sinh năm 2004, Hà Nội) cũng được bố mẹ định hướng theo học Phổ thông Cao đẳng sau khi thi tuyển sinh 10 không đạt nguyện vọng một như ý. Khác với quan điểm rập khuôn "đại học là con đường thành công duy nhất", ông Nguyễn Duy Long (Thanh Xuân, Hà Nội) - bố Thành Nam tư duy mục tiêu cuối cùng của việc học là có thể tự chủ tài chính, độc lập trong cuộc sống, sự nghiệp.

"Tôi muốn con học đúng sở thích và thế mạnh. Lúc đó, con mới vui vẻ khi học và làm việc. Nhiều gia đình ép con theo ý muốn của mình nhưng sau con lại không thích, thậm chí bỏ dở, như vậy, vừa mất thời gian của con, vừa tổn thất tài chính", ông nhấn mạnh.

Theo lời bố tư vấn, sau một tuần tìm hiểu về mô hình đào tạo, chuyên ngành và bằng cấp, Thành Nam quyết định chọn FPT Polytechnic để theo đuổi đam mê với ngành công nghệ. "Ấn tượng ban đầu của em là sinh viên được học các môn văn hóa sát với công việc hướng tới sau này và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp", nam sinh chia sẻ.

Nguyễn Duy Thành Nam (sinh năm 2004, Hà Nội) - sinh viên ngành Digital Marketing và Thương mại điện tử tại Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Duy Thành Nam, sinh viên ngành Digital Marketing và Thương mại điện tử tại Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tại Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic, sinh viên học 3 năm 8 tháng. Trong đó, khi hoàn thành 8 học kỳ đầu tiên tương đương thời gian 2 năm 8 tháng, các bạn sẽ nhận được Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cùng với bằng Trung cấp chuyên ngành được đào tạo.

Tiếp theo, sinh viên sẽ học tiếp chuyên môn ngành theo quy định và chương trình chuyển tiếp Cao đẳng. Lúc này, người học có thể nhận được bằng Cao đẳng do Trường Cao đẳng FPT Polytechnic thuộc Tổ chức Giáo dục FPT của Tập đoàn FPT cấp.

Hiện, Bình Minh và Thành Nam đều học chuyên ngành Thương mại điện tử. Trước khi bước vào môn chuyên ngành, hai bạn trẻ cùng bạn bè đã tham gia nhiều buổi tư vấn với thầy cô và chương trình hướng nghiệp do nhà trường tổ chức.

Với đặc thù cho phép học sinh tiếp xúc với nghề sớm, khi chỉ mới 15-16 tuổi, FPT Polytechnic thường xuyên tổ chức các sự kiện, tọa đàm để học sinh có cơ hội giao lưu với chuyên gia trong ngành và cựu sinh viên.

Bên cạnh hướng nghiệp, kiến thức chuyên ngành, kỹ năng mềm là yếu tố không thể thiếu đối với người lao động trong thời kỳ 4.0. Trước những biến động khó lường của thị trường lao động, mỗi người cần có bộ kỹ năng để thích ứng và giải quyết vấn đề nhanh chóng, đặc biệt là trong các ngành có sự thay đổi nhanh chóng như công nghệ.

Bình Minh chia sẻ, sau hơn hai năm học tập tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, em đã học 5 trên 7 môn kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng đọc hiểu, thuyết trình, nhận thức bản thân, sức khỏe và giá trị sống...

Ngoài các tiết học chuyên sâu, sinh viên có thể nâng cao kỹ năng mềm thông qua môi trường sinh hoạt, học tập hàng ngày. Thành Nam cho biết, một trong những điều em thích nhất ở ngôi trường này là bản thân được tự do chia sẻ ý kiến cá nhân, gần gũi với thầy cô như những người bạn đồng hành. Đồng thời, giáo viên luôn khuyến khích sinh viên học và làm bài tập theo nhóm để nâng cao kỹ năng làm việc tập thể.

"So với thời học THCS, Nam tự tin hơn rất nhiều. Con kể tôi, lần đầu thuyết trình, con không nhớ mình phải nói gì. Đến nay, Nam đã mạnh dạn nói chuyện trước đám đông", ông Duy Long nói.

Thực tế, cơ chế đào tạo này đã được chứng minh hiệu quả. Tại Công ty Alta Corp (TP HCM) - đơn vị đang có hơn 20 thực tập sinh tuổi 18, 19 cho vị trí lập trình và thiết kế đồ họa từ FPT Polytechnic.

Bà Đinh Thị Tuyết Trinh - Giám đốc Nhân sự nhận định, về việc học, các bạn 18 hay 22 tuổi (tốt nghiệp đại học) đều ngang bằng. Khi tiếp xúc với nghề sớm, ngay từ khi hoàn thành chương trình THCS, các bạn giống như một trang giấy trắng, do đó, năng lực tiếp thu có thể tốt hơn những bạn lớn tuổi và có nhiều mối quan tâm phân tán hơn.

"Với lợi thế tiếp cận công nghệ mới nhất từ Tập đoàn FPT và đào tạo chú trọng kỹ năng mềm, thực tập sinh từ FPT Polytechnic có kiến thức, kỹ năng thích hợp với doanh nghiệp. Hơn hết, mỗi năm, Alta nhận 2-3 đợt thực tập sinh nhưng hoàn toàn không có bạn nào vi phạm kỷ luật", Giám đốc Nhân sự của Alta Corp chia sẻ.

Ông Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng FPT Polytechnic cho biết, trước đây học nghề là một sự lựa chọn sau cùng, thường bị định kiến chỉ dành cho học sinh yếu. Tuy nhiên, hiện tại, đây lại là sự lựa chọn chủ động theo nhu cầu của gia đình và học sinh. Tại FPT Polytechnic, nhờ kết nối liên kết với nhiều doanh nghiệp đơn vị nên có đến 97,7% sinh viên tốt nghiệp tại trường có việc làm trong một năm.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tính đến giữa năm 2021, cả nước có hơn 300.000 học sinh THPT vừa học văn hóa, vừa học nghề, cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho thị trường lao động. Tổng phân luồng học sinh sau THCS vào giáo dục nghề nghiệp hiện chiếm khoảng 15%. Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu về phân luồng sau THCS và sau THPT vào giáo dục nghề nghiệp đạt 30% vào 2030.

Đánh giá về xu hướng "học nhanh làm sớm", ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá việc học tập, đào tạo gần đây chuyển dần từ thời gian dài sang ngắn, diện hẹp sang diện rộng, tức là đi từ kiến thức bao quát đến chuyên sâu, từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ nhằm tạo ra sự linh hoạt cho người học. Việc phân luồng học sinh sau THCS trở thành một trong những chiến lược quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực của Nhà nước.

Nhật Lệ

Từ khóa » Trường Nghề Cấp 3 Fpt