Cơ Hội Việc Làm Tại Mỹ Cho Người Việt Mới Nhập Cư - Kornova

Đối với đa số những người mới nhập cư vào Mỹ thì vấn đề tìm việc làm ở Mỹ thật sự là một thách thức rất lớn chưa kể phải kiếm được 1 công việc ổn định lâu dài. Trên thực tế, cơ hội tìm được một công việc với mức thu nhập cao đối với người bản xứ cũng không phải dễ dàng, vì vậy với người mới nhập cư thì việc có 1 công việc với thu nhập tốt càng gặp nhiều thử thách hơn nữa. Có thể nói, việc có được việc làm tại Mỹ ổn định chính là yếu tố đảm bảo nguồn thu nhập giúp bạn an cư và ổn định cuộc sống ở Mỹ.

Nhằm mang đến thông tin khách quan về cơ hội việc làm cho người mới nhập cư tại Mỹ, Kornova xin chia sẻ những hướng dẫn tìm việc giúp người mới nhập cư tự tin hơn trong hành trình tìm kiếm cơ hội việc làm tại xứ cờ hoa này

Những khó khăn đối với người nhập cư trong quá trình tìm kiếm việc làm ở Mỹ

Khó khăn về tiếng Anh khi xin việc làm ở Mỹ

Đây là rào cản đầu tiên với phần đông những người mới nhập cư đó là khả năng sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ trong giao tiếp và làm việc hàng ngày.

Ở Mỹ, việc sử dụng tiếng Anh trong công việc và sinh hoạt hàng ngày là điều bắt buộc nếu như bạn muốn nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng nơi đây. Mặc dù sẽ có nhiều người né tránh việc học tiếng Anh vì nhiều lý do, hoặc chấp nhận làm công việc lao động tay chân với mức lương thấp, tuy nhiên nếu muốn tìm được một công việc ổn định với thu nhập tốt hơn đồng thời giúp bản thân mau chóng hòa nhập với cộng đồng mới thì việc học tiếng Anh là bắt buộc và cần thiết với những người mới nhập cư vào Mỹ.

Cải thiện ngôn ngữ giao tiếp trước khi tìm việc làm ở Mỹ

Tại Mỹ, các trung tâm dạy tiếng Anh hỗ trợ người mới nhập cư đều có thể dễ dàng được tìm thấy ở mọi thành phố, các khu vực cộng đồng dân cư. Có nhiều nơi tổ chức lớp học nói, đọc, và viết tiếng Anh. Nhiều trẻ em và người lớn ghi danh học Tiếng Anh của lớp học Ngôn Ngữ Thứ Hai – ESL (English as a Second Language) mục đích để giúp những người không biết tiếng Anh có thể học được ngôn ngữ này. Ngoài ra còn có Lớp Tiếng Anh cho Người Nói Thứ Tiếng Khác – ESOL (English for Speakers of Other Languages) hoặc những lớp dạy đọc viết tiếng Anh nâng cao.

Trẻ em sẽ được học tiếng Anh trong trường. Các trường học công lập tại Mỹ đều có những chương trình giảng dạy đặc biệt cho học sinh cần học tiếng Anh. Học sinh mới bắt đầu học tiếng Anh có thể học lớp ESL thay thế cho lớp Anh Văn chính quy. Học sinh có trình độ tiếng Anh cao hơn có thể được xếp trong những lớp chính quy nhưng được trợ giúp thêm. Đối với trường hợp học sinh có trình độ hạn chế cần sự trợ giúp thêm thì sẽ được theo học Lớp dành cho các em có Khả Năng Tiếng Anh Hạn Chế – LEP (Limited English Proficient). Một số trường học cũng đưa ra những đề xuất về chương trình học Tiếng Anh sau giờ học hoặc dạy kèm để giúp học sinh học tiếng Anh.

Người lớn không hiểu tiếng Anh hoặc trình độ tiếng Anh Sơ – Trung Cấp cũng có thể ghi danh học lớp ESL của những trường công cho người lớn và các trung tâm giáo dục cộng đồng hoặc trường ngôn ngữ tư nhân hoặc tham gia học trực tuyến trên Internet. 

  • Có hơn 1,200 cơ sở cộng đồng và các trường cao đẳng nằm rải rác khắp nước Mỹ và đa số họ đều cung cấp các lớp ESL cho người mới nhập cư. Lợi thế hấp dẫn nhất của các trường cao đẳng cộng đồng là chi phí học giá rẻ hơn từ 20% – 80% so với việc theo học tại các trường đại học trong bốn năm. Nhiều trường cũng cung cấp các chương trình dạy ESL vào buổi tối để phù hợp với lịch làm việc của người mới nhập cư. Các khóa ESL tại trường đại học cũng được xây dựng trên giáo trình thuận lợi nhất nhằm để giúp người nhập cư hiểu rõ hơn về văn hóa Mỹ, cải thiện cơ hội việc làm và cũng như có tác dụng giáo dục cho các trẻ em nhập cư.
Trong 1 lớp học tiếng Anh của người mới nhập cư
  • Các chương trình ở trường công, giáo dục cộng đồng dành cho người lớn thường được tổ chức trong cộng đồng khu vực có nhiều người Việt sinh sống. Các khoá học ESL này thường do tình nguyện viên địa phương dạy theo lịch học ngày hoặc đêm. Hầu hết các lớp này thường miễn phí hoặc người học có thể trả một khoản học phí rất nhỏ. Thời gian học có thể ban ngày hoặc ban đêm. Ngoài ra còn có các trường tư dạy các lớp ESL ban ngày hoặc đêm với học phí được tính dựa trên số giờ giáo viên giảng dạy. Vì vậy các lớp học ngôn ngữ ở trường tư thường đắt hơn những lớp học công.
  • Các tổ chức cộng đồng, thư viện, và những nhóm tôn giáo cũng có những lớp học ESL miễn phí hoặc giá rẻ.
  • Ngoài ra người mới nhập cư còn có thể tham gia học các khoá tiếng Anh ESL trực tuyến miễn phí trên mạng dành cho cả người lớn và trẻ em. Các khoá học này cũng vô cùng tiện lợi đối với những người mới nhập cư vì một số lý do nào đó không đến các lớp học. Để tham dự các lớp ESL trực tuyến miễn phí này, người mới nhập cư cần có Internet băng thông rộng với tốc độ nhanh, loa hoặc tai nghe …trang bị tại nhà. Các khóa học sẽ cung cấp các chương trình giảng dạy đầy đủ các kỹ năng: nghe, đọc, viết và nói. Nhiều khóa học sẽ dạy thêm các kỹ năng sống rất quan trọng để người mới nhập cư có thể thành công tại nơi làm việc và  hoà nhập trong một cộng đồng mới, các tài liệu giảng dạy hầu như luôn có trực tuyến.
Kinh nghiệm làm việc tại Mỹ

Bên cạnh rào cản về ngoại ngữ thì việc chứng minh trình độ học vấn cũng như có kinh nghiệm làm việc theo yêu cầu công việc cũng là một thách thức cần phải vượt qua của những người mới nhập cư xin việc làm ở Mỹ.

Các công việc thường yêu cầu đến bằng cấp tương đương với các tiêu chuẩn tại Mỹ. Việc quy đổi các bằng cấp của người xin việc thường không thuận lợi bởi tiêu chuẩn và nền tảng giáo dục tại Mỹ có chất lượng cao hơn vì thế các tiêu chuẩn đòi hỏi cũng cao.

Đối với các trường hợp người mới nhập cư tiếp tục việc học tập lên các bậc cao hơn thì việc xin công nhận bằng cấp tương đối dễ dàng hơn ( ví dụ như bằng tốt nghiệp cấp 3), tuy nhiên sẽ khó hơn trong việc xin công nhận bằng cấp để hành nghề.

Để các bằng cấp, chứng chỉ được công nhận sẽ phải qua khâu đánh giá (evaluation), thường là của một tổ chức, công ty… được đa số các trường đại học, học viện của Mỹ thừa nhận.

Một lớp học  nghề cho người mới định cư tại Mỹ
Một lớp học nghề cho người mới định cư tại Mỹ

Mỹ là một nước cộng hòa liên bang có hệ thống giáo dục phân quyền (về địa phương). Việc công nhận bằng cấp, chứng chỉ không do chính quyền liên bang quy định. Ở Mỹ, không có một cơ quan, tổ chức nào của chính phủ trực tiếp phụ trách việc đánh giá bằng cấp. Thay vào đó, chính quyền liên bang cũng như chính quyền tiểu bang, các địa phương dựa vào và công nhận, đánh giá các bằng cấp, chứng chỉ nghề… của nước ngoài do các trường, các học viện của Mỹ tự làm lấy, hoặc thường là do các tổ chức, công ty tư nhân đảm nhiệm.

Hội đồng Quốc gia thẩm định việc thừa nhận các chứng từ nước ngoài (National Council for the Recognition of Foreign Academic Credentials) là cơ quan cấp liên bang ở Mỹ chịu trách nhiệm về việc phát triển và công bố bản báo cáo về mức độ thích hợp để so sánh nhằm giúp cho các nhà quản lý giáo dục cũng như những chuyên viên lượng giá của Mỹ trong việc quyết định văn bằng, chứng chỉ… nước ngoài đó tương đương với loại bằng cấp, chứng chỉ nào của Mỹ. Hầu hết các trường đều yêu cầu qua đánh giá của một tổ chức trung gian. Có nhiều tổ chức tư thực hiện việc này và chính quyền không chính thức giới thiệu hay hậu thuẫn cho bất cứ một công ty, tổ chức tư nhân cụ thể nào.

Một số đơn vị thẩm định bằng cấp từ nước ngoài các anh/ chị có thể tham khảo như: Tổ chức NACES (National Association Of Credential Evaluation Services), Tổ chức lượng giá khá phổ biến ở Mỹ & Canada – World Education Services (WES)… hoặc tìm kiếm trực tuyến đơn giản và nhanh chóng bằng cách truy cập vào các trang Google, Excite, Lycos, Alta Vista… và gõ các nhóm từ khóa: “credential evaluation” hoặc “credential evaluation service” để tìm kiếm những thông tin cần thiết cho việc quy đổi bằng cấp từ nước sở tại theo tiêu chuẩn Mỹ.

Tìm kiếm cơ hội việc làm tại Mỹ

Tìm được việc làm có thu nhập tốt ở Mỹ cũng không hề dễ dàng cho dù bạn nói được tiếng Anh và chứng minh bản thân sở hữu trình độ, kỹ năng cần thiết với công việc. Có nhiều cách để bạn tìm kiếm cơ hội việc làm tại Mỹ như:

Dựa vào mối quan hệ

Nếu bạn có các mối quan hệ, bạn có thể chủ động hỏi người trong gia đình, bạn bè, hàng xóm hoặc những người khác về những nơi đang tuyển người làm hoặc những nơi làm việc tốt đang tuyển người.

Trung tâm giới thiệu việc làm ở Mỹ

Liên hệ các trung tâm giới thiệu việc làm, hoặc các phòng dịch vụ việc làm của tiểu bang hoặc tại địa phương mà bạn đang cư trú. Bạn đừng ngần ngại việc liên hệ thường xuyên với các trung tâm này nhất là khi bạn vừa mới đến và chưa có nhiều kinh nghiệm về thị trường tuyển dụng tại Mỹ.

Tìm kiếm cơ hội việc làm tại Mỹ qua báo chí, internet

Tìm kiếm các cơ hội việc làm tại Mỹ thông qua internet, trên báo chí trong mục “Việc làm – Employment’  hoặc mục “Rao vặt – Classifieds”; Tìm kiếm thông tin tuyển dụng việc làm từ các bảng thông báo  “Cần người – Help Wanted” tại các cơ sở thương mại/ doanh nghiệp/ trong thư viện/ cửa hàng tiện lợi ở địa phương và các trung tâm cộng đồng.

Tự ứng cử xin việc

Tự ứng cử – gửi hồ sơ xin việc đến các phòng nhân sự của những các ty, cơ sở kinh doanh trong vùng để hỏi xem họ đang cần người hay không.

Ngoài những cách nêu trên ra những người mới nhập cư nếu cảm thấy chưa đủ tự tin với tay nghề hiện có của mình có thể đăng ký học nghề tại những trung tâm dành cho người mới nhập cư, lúc này cơ hội được nhận làm việc ở Mỹ vào các công việc yêu thích và ổn định lâu dài sẽ cao hơn.

Những kênh thông tin việc làm ở Mỹ

Dưới đây là một số kênh thông tin việc làm tại Mỹ hữu ích cho những người mới nhập cư:

Sở Lao động Mỹ (DOL)

Cơ quan liên bang chịu trách nhiệm giúp đỡ người đã nghỉ hưu, người lao động và người đang tìm việc. Tại website của Sở Lao Động Mỹ (DOL) có tất cả các thông tin tuyển dụng cho đối tượng người sử dụng lao động, người lao động, sinh viên và các tổ chức khác. 

DOL cũng phát hành một cuốn cẩm nang có tên Resumes, Applications, and Cover Letters (Sơ yếu lí lịch, đơn xin việc, thư xin việc) dưới dạng ấn phẩm và dạng file. Bạn sẽ tìm thấy trong đó các hướng dẫn chi tiết về quá trình chuẩn bị hồ sơ xin việc. Ứng viên có thể tham khảo thêm cuốn cẩm nang “Sổ tay nghề nghiệp” (The Occupational Outlook Handbook) cung cấp thông tin về hàng trăm việc làm tại Mỹ bao gồm mức thu nhập bình quân, mô tả công việc, cách thức nộp đơn, điều kiện làm việc, các kỹ năng cần thiết và các thông tin khác liên quan.

Bộ Lao động Mỹ

Được biết đến là cơ quan liên bang hỗ trợ việc làm cho nhiều đối tượng tìm việc.

Kênh thông tin tuyển dụng việc làm ở Mỹ trực tuyến

Mạng lưới Trung tâm hỗ trợ việc làm ở Mỹ cung cấp một cổng thông tin cho các chương trình tuyển dụng quan trọng của liên bang cũng như địa phương nhằm hỗ trợ người tìm việc tiếp cận với các chương trình đào tạo, tăng cường các kỹ năng trong những lĩnh vực đang phát triển.

Các kênh thông tin tuyển dụng khác 

Trang Thông Tin Tuyển Dụng Việc Làm Careeronestop là website do Sở Lao động Mỹ tài trợ. Tại đây bạn có thể tìm thấy thông tin tuyển dụng, công cụ quản lý hồ sơ, công cụ hỗ trợ cho sinh viên, doanh nghiệp cũng như các chuyên gia. Bên cạnh đó để giúp người ứng tuyển tăng tỉ lệ trúng tuyển hơn, trang này còn cung cấp các hướng dẫn để đánh giá như: thư mời làm việc, các mô tả nghề nghiệp, các mẹo phỏng vấn xin việc hiệu quả, hướng dẫn viết hồ sơ xin việc…

Dịch vụ hỗ trợ việc làm ở khu vực và địa phương Mỹ

Đối với việc tìm kiếm việc làm ở địa phương, bạn hãy tìm kiếm địa chỉ của Trung tâm hỗ trợ việc làm việc gần nhất. Thông thường trung tâm sẽ hỗ trợ trọn gói cho các đối tượng tìm việc bao gồm: chuẩn bị hồ sơ, tìm việc làm cũng như các khóa đào tạo, huấn luyện ngay trên website One-Stop Career Centers được biết đến với tên gọi “Trung tâm hỗ trợ việc làm 1 cửa”  nay được gọi là American Job Center “Trung tâm hỗ trợ việc làm tại Mỹ”.

Các ấn phẩm việc làm miễn phí

Bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy cơ hội nghề nghiệp cho mình với các ấn phẩm miễn phí về thị trường tuyển dụng bao gồm phúc lợi của các công ty, bí quyết tìm việc ở Mỹ, thông tin nghề nghiêp và nhiều thông tin khác tại website: USA.gov

Tìm kiếm các công việc liên bang tại Mỹ

Truy cập website: USAJOBS để tìm kiếm các công việc phạm vi liên bang, đây là website chính thức về vấn đề việc làm ở Mỹ của chính phủ liên bang.

Xác nhận bản thân đủ điều kiện làm việc tại Mỹ

Dịch vụ tự kiểm tra thông tin của Sở Di Trú Mỹ (USCIS) sẽ đối chiếu thông tin với các dữ liệu khác nhau của chính phủ xem các thông tin cá nhân cung cấp của người tìm việc hiện tại đã đủ điều kiện làm việc tại Mỹ hay chưa. Đây là một tiện ích thuận tiện cho người xin việc làm tại Mỹ.

Sau khi đã tìm được việc làm phù hợp để xin ứng tuyển, các nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu người xin việc phải điền và nộp mẫu đơn xin việc. Mẫu đơn này có những câu hỏi về địa chỉ, trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc trước đây. Bạn cũng cần chuẩn bị sơ yếu lý lịch (resume) cung cấp các thông tin cá nhân và kinh nghiệm làm việc của mình.

Tiêu chuẩn của bản sơ yếu lý lịch xin việc làm ở Mỹ

Đầy là điều cơ bản nhất bắt buộc bạn phải hoàn thành theo đúng tiêu chuẩn tránh trường hợp bị loại “ngay từ vòng giữ xe” nhé. Một bản sơ yếu lý lịch tốt cần phải đáp ứng các yêu cầu như sau:

  • Có thông tin đầy đủ của người xin việc như: Họ & tên, địa chỉ, số điện thoại và địa chỉ email của người xin việc;
  • Thông tin về trình độ học vấn, các kỹ năng đặc biệt của bản thân;
  • Liệt kê thông tin chi tiết bao gồm ngày tháng của những công việc đã làm trước đây.

Lưu ý: Bản sơ yếu lý lịch này cần trình bày dễ đọc, không nên cầu kỳ trang trí loè loẹt và không được mắc lỗi chính tả. Người mới nhập cư có thể tìm đến những cơ quan dịch vụ cộng đồng tại địa phương hoặc những cơ sở tư nhân để được hỗ trợ về việc soạn các sơ yếu lý lịch hoặc tham khảo các mẫu trên mạng.

Một số việc làm tại Mỹ với mức thu nhập gần 100,000 USD/ năm

Theo công bố mới nhất từ báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh doanh Mỹ AEI (American Enterprise Institute) mặc dù tại Mỹ hầu hết các công việc đều đòi hỏi bằng cấp từ cử nhân trở lên và yêu cầu công việc ở mức cao, tuy nhiên vẫn có những công việc có mức thu nhập từ 60,000 USD  – 100,000 USD/ năm mà không cần bằng Đại học. Sau đây là danh sách 1 số công việc gợi ý cho những người mới nhập cư vào Mỹ:

Kỹ thuật viên phòng cháy và đảm bảo an toàn (lương khoảng 70,000 – 75,000 USD/ năm)

Trách nhiệm theo dõi màn hình của các camera tại các khu chung cư, nhà máy, 1 tòa nhà cao tầng,… khi có dấu hiệu bất thường như trộm cướp, cháy nổ để tiến hành cảnh báo kịp thời.

Thợ bảo dưỡng máy móc (lương khoảng 85,000 USD/ năm)

Trách nhiệm kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ máy móc cũng như thiết bị sử dụng trong nhà máy, yêu cầu ứng viên phải có sự tỉ mỉ, tập trung và kiên nhẫn.

Thợ sửa thang máy (lương khoảng 110,000 USD/ năm)

Công việc này đòi hỏi sự cần cù học hỏi và kinh nghiệm vì tính chất công việc đòi hỏi sự chuẩn xác và an toàn cao. Ngoài ra, công việc cũng có độ rủi ro, tuy nhiên nếu bạn đã nắm được hết kiến thức và kinh nghiệm làm việc thì sẽ không quá khó khăn. Mức lương hơn 100,000 USD/ năm mà ứng viên nhận được khá xứng đáng.

Trợ lý y tế ( lương khoảng 115,000 USD/ năm)

Trợ lý y tế là một trong những nghề được trả lương cao trong số các việc làm tại Mỹ mà không cần bằng Đại học. Công việc này không yêu cầu quá khắt khe về bằng cấp nhưng công việc khá phức tạp, đòi hỏi bạn phải đáp ứng tốt bởi đặc trưng công việc này bạn sẽ là chuyên gia về y tế, trực tiếp tham gia giám định cho bệnh nhân, nhiều trường hợp có thể trợ giúp các bác sĩ. Cơ hội tìm được công việc trợ lý y tế tại Mỹ khá cao vì không yêu cầu bằng đại học, chỉ cần chứng chỉ chứng nhận bạn đã hoàn thành khóa đào tạo với những kiến thức cơ bản về y tế. Phần còn lại là kinh nghiệm làm việc thực tiễn.

Điều khiển máy móc hạng nặng (lương khoảng 80,000 USD/năm)

Công việc này khá giống với một số công việc tại Việt Nam như điều khiển xe cẩu, xe nâng, xe trộn bê tông,… ở Mỹ những người này sẽ sẽ làm theo chỉ đạo của người giám sát công trình để thực hiện công việc điều khiển máy xúc, cần cẩu hay những máy khoan khổng lồ.

Nhân viên kỹ thuật điện (lương khoảng 95,000 USD/ năm)

Ưu điểm của công việc này là chỉ cần có bằng trung cấp và nắm được các kiến thức cơ bản về kỹ thuật, máy móc. Họ sẽ trở thành người phát triển, thiết kế những thiết bị giám sát, truyền thông và điều hướng y tế. Công việc đòi hỏi ứng viên cố gắng học hỏi nhiều trong quá trình làm việc tại đây.

Nhân viên kỹ thuật làm việc trong kho hàng của Amazon ở Romeoville, Illinois (Mỹ)
Nhân viên kỹ thuật làm việc trong kho hàng của Amazon ở Romeoville, Illinois (Mỹ)
Nhân viên kỹ thuật không gian vũ trụ (Mức lương trung bình: 58,080 USD/ người)

Duy trì thiết bị được sử dụng trong việc phát triển, thử nghiệm và sản xuất máy bay và tàu vũ trụ với bằng cấp yêu cầu là bằng cao đẳng. Không yêu cầu kinh nghiệm làm việc. Hiện dự kiến ​​nhu cầu công việc đến năm 2020 là 1,700 lao động.

Khi đã được nhận vào làm việc ở Mỹ bạn cần điền 1 số mẫu đơn cung cấp thông tin
  • Mẫu đơn I-9, Đơn xác nhận hội đủ điều kiện làm việc (Employment Eligibility Verification Form) tại Mỹ. Trong mẫu đơn này, bạn sẽ ghi thông tin của thẻ thường trú nhân hoặc thẻ an sinh xã hội hoặc thông tin bằng lái xe do tiểu bang cấp.
  • Bạn cũng sẽ cần điền thông tin vào mẫu đơn W – 4, giấy chứng nhận cho phép chủ sử dụng lao động khấu trừ lương của bạn (Employee’s Withholding Allowance Certificate) để đóng thuế cho chính quyền liên bang (gọi là thuế tạm thu – withholding tax).
  • Các mẫu đơn khác: Bạn cũng có thể cần điền vào mẫu đơn cho phép khấu trừ thuế tạm thu cho tiểu bang mình đang sống và các mẫu đơn khác để sau này có thể lãnh tiền trợ cấp khi nghỉ việc hoặc về hưu.
Cách thanh toán lương khi làm việc tại Mỹ

Tại Mỹ thông thường lương có thể được trả hàng tuần, hai tuần/ lần hoặc mỗi tháng thông qua tài khoản ngân hàng của bạn. Trong phần lương bạn được nhận, bạn sẽ thấy thông tin về số tiền đã được trích ra để đóng thuế cho liên bang và tiểu bang, thuế An Sinh Xã Hội…

Thực hiện đầu tư/ kinh doanh để sinh lời

Ngoài việc tìm kiếm các công việc thì đối với những người mới nhập cư muốn kinh doanh hoặc đầu tư tại Mỹ thì cũng có khá nhiều lựa chọn để tự mình tiến hành việc đầu tư/ kinh doanh sinh lời.

Mỹ có mức lãi suất ngân hàng khá thấp và tiền thuê mặt bằng rẻ nên người nhập cư có nhiều cơ hội để làm ăn, kinh doanh. Khi đã ở Mỹ một thời gian và có những mối quan hệ nhất định cùng với kinh nghiệm thực tế từ bản thân, bạn bè và người thân đã sống lâu năm tại Mỹ thì bạn cũng có thể tự thành lập doanh nghiệp kinh doanh.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Mỹ tương đối đơn giản, quy trình rõ ràng từ nhân sự, thuế, hệ thống luật,… nên người nhập cư hoàn toàn có thể tìm hiểu và tiến hành thực hiện công việc kinh doanh – đầu tư của riêng bản thân mà không cần quá lo lắng.

Nhà hàng Phở 79 có 40 năm tuổi tại thành phố Garden Grove, khu Little Saigon, Nam California.
Nhà hàng Phở 79 có 40 năm tuổi tại thành phố Garden Grove, khu Little Saigon, Nam California.

Hy vọng với những thông tin hỗ trợ việc làm tại Mỹ trên sẽ giúp ích cho các anh/ chị đang chuẩn bị vững vàng hành trang định cư Mỹ.

(Kornova  dịch & tổng hợp)

Nội dung tham khảo:

  • Đầu tư EB-5
  • Tư vấn định cư
  • Chương trình định cư Mỹ

“>

Từ khóa » Xin Việc It ở Mỹ