Cỏ Mần Trầu Là Gì Mà được "ca Ngợi" Nhiều đến Vậy? - YouMed

Nội dung bài viết

  • Mô tả dược liệu Cỏ mần trầu
  • Thành phần hóa học 
  • Tác dụng của cỏ mần trầu theo Y học cổ truyền 
  • Cỏ mần trầu có tác dụng gì theo y học hiện đại
  • Cỏ mần trầu trị bệnh gì?
  • Lưu ý, kiêng kỵ

Cỏ mần trầu – từ lâu đã được biết đến và sử dụng rất nhiều trong Y học cổ truyền. Là loại cỏ bất trị với khả năng kháng Glyphosate – hoạt chất trừ cỏ phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, cỏ mần trầu lại là vị thuốc quý, với nhiều công dụng bất ngờ. Từ hỗ trợ làm đẹp đến điều trị các bệnh mạn tính. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về công dụng của Cỏ mần trầu qua bài viết sau đây. 

Mô tả dược liệu Cỏ mần trầu

Cỏ mần trầu có tên gọi khác là Ngưu cân thảo, thanh tâm thảo, cỏ vườn trầu, cỏ chì tía, cỏ bắc…(tên khoa học là Eleusine indica (L.) Gaertn), thuộc họ Lúa (Poaceae).

Là cây thảo nhỏ, sống hàng năm, mọc sum suê thành cụm. Thân phân nhánh, mọc bò dài sau đứng thẳng, cao 30 – 50cm. Lá mọc so le, hình dải nhọn, xếp thành hai dãy cách nhau; phiến lá nhẵn, mềm; bẹ lá mỏng có lông.

Cụm hoa mọc thành bông, gồm 5 đến 7 bông mọc ở ngọn và có đến 2 bông khác mọc thấp hơn trên cán hoa, trông như những ngón tay. Quả thuôn dài gần như 3 cạnh, dài 3 – 4 mm.

Mùa hoa quả : tháng 5 – 7

Chú ý phân biệt: Cỏ mần trầu thường dễ nhầm lẫn với Cỏ chân vịt, tên khoa học là Dactyloctenium aegyptium (L.) Richt, cùng họ, không có bông tách rời, mọc thấp hơn. 

Cỏ mần trầu
Cỏ mần trầu là cây thảo nhỏ, có nhiều công dụng chữa bệnh phổ biến

Đặc điểm phân bố, bộ phận dùng 

Cỏ mần trầu phân bố ở nhiều nước thuộc vùng nhiệt đới châu Á, châu Mỹ và Australia. Là loài cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể chịu bóng.

Ở Việt Nam, cỏ mần trầu có ở khắp nơi, thường mọc thành đám trong các bãi đất, ở vùng đồng bằng, trung du đến vùng núi cao.

Cây con mọc từ hạt xuất hiện vào cuối mùa xuân. Sau mùa hoa quả, cây bị tàn lụi trong ngay trong mùa hè. Ở những vùng núi cao với điều kiện mưa ẩm khác nhau, có thể thấy cây mọc từ hạt gần như quanh năm.

Tuy nhiên, thường mọc lấn át cây trồng, ở thời kỳ cây còn non là nguồn thức ăn tốt cho gia súc. Bộ phận sử dụng: Cả cây, thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô. 

Thành phần hóa học 

Phần trên mặt đất chứa 3 – 0 – β – D – glucopy ranosyl – β – sitosterol và dẫn chất 6 – 0 – palmitoyl. Cành, lá tươi có chứa flavonoid.

Tác dụng của cỏ mần trầu theo Y học cổ truyền 

Cỏ mần trầu có vị ngọt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, hạ sốt, làm ra mồ hôi, giải độc làm mát gan, lợi tiểu, điều trị ho. 

Cỏ mần trầu có tác dụng gì theo y học hiện đại

Tác dụng kháng viêm, hạ sốt 

Hoạt chất C-glycosylflavones chiết suất có tác dụng kháng viêm hiệu quả trên đường hô hấp ở nhóm chuột mắc cúm hoặc viêm phổi.  

Nghiên cứu mới đây trên nhóm chuột được gây sốt, dịch chiết Cỏ mần trầu (liều 600 mg/kg), có tác dụng hạ sốt rõ rệt, tương đương với nhóm được điều trị bằng acetylsalicylic acid (100mg/kg). Cơ chế giảm sốt có thể do dịch chiết ức chế biểu hiện cyclooxygenase-2, do đó ức chế sinh tổng hợp PGE2. 

Tác dụng của cỏ mần trầu trong hạ áp 

Dịch chiết cỏ mần trầu cho thấy hiệu quả hạ áp tương đương với Lorsatan (12.5mg/kg) trên nhóm chuột được gây tăng huyết áp bởi L-NAME (chất ức chế sản sinh ra NO, gây tăng huyết áp).  

Công dụng cỏ mần trầu trong kháng khuẩn

Cỏ có tác dụng kháng khuẩn mức độ từ thấp tới vừa đối với các loại vi khuẩn: Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Salmonella choleraesuis. 

Hỗ trợ bảo vệ chức năng thận 

Trong nghiên cứu trên chuột được tiêm L – NAME, nhóm được điều trị với dịch chiết cỏ mần trầu ( 200mg/kg) cho thấy hiệu quả tương đương trong việc kiểm soát các chỉ số Createnine, Urea, ion Na+ và K+ so với nhóm điều trị bằng Lorsatan (12.5mg/kg). Qua đó cho thấy tác dụng cao của dịch chiết cỏ mần trầu trong việc bảo vệ chức năng thận.

Hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu, bảo vệ gan

Nghiên cứu trên nhóm chuột được gây béo phì, nhóm điều trị với cao chiết cỏ mần trầu với dung môi Hexane có tác dụng làm giảm cholesterol toàn phần, LDL và tăng HDL so với nhóm đối chứng. Các chỉ số AST, ALT cũng được cải thiện. Qua đó cho thấy hiệu quả của Cỏ mần trầu trong việc hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu, cải thiện và hỗ trợ chức năng gan. 

Cỏ mần trầu có nhiều công dụng trị bệnh tốt cho sức khỏe
Cỏ mần trầu có nhiều công dụng trị bệnh tốt cho sức khỏe

Cỏ mần trầu trị bệnh gì?

Chữa cao huyết áp

Cả cây (500g) rửa sạch, băm nhỏ, giã nát, thêm một bát nước sôi để nguội, lọc lấy nước cốt, thêm ít đường uống. ngày 2 lần sáng và chiều

Chữa sốt cao

Cỏ mần trầu tươi 120g, nước 600ml, sắc còn 400ml, thêm ít muối, uống làm nhiều lần trong 12 giờ.

Chữa bệnh gan

Cỏ tươi 60g, sơn chi ma 30g. Sắc nước uống.

Chữa chứng nhiệt, nổi mẩn, ghẻ lở, tiểu són

Ngày dùng 80 – 120g sắc nước uống hoặc phối hợp với rễ cỏ tranh và ngấy tía mỗi thứ 40g cùng sắc uống.

Chống rụng tóc 

Kết hợp với bồ kết đun nước gội giúp giảm rụng tóc.

Lưu ý, kiêng kỵ

  • Bạn cần làm sạch cỏ mần trầu trước khi sử dụng. Bởi đây là loại cỏ mọc dại nên bụi bẩn thường bám vào rất nhiều.
  • Khi sử dụng cỏ mần trầu cho những người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính, cần tham khảo ý kiến bác sĩ. 
  • Những đối tượng cần chú ý sử dụng: người có cơ địa nhạy cảm, trẻ nhỏ.
  • Không lạm dụng dược liệu này trong thời gian dài. 

Qua bài viết, YouMed đã cung cấp góc nhìn tổng quan về công dụng của Cỏ mần trầu. Với hiệu quả đã được chứng minh trong hỗ trợ làm giảm huyết áp, hạ sốt, rối loạn lipid máu, cải thiện chức năng gan… Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện mới chỉ thử nghiệm trên động vật, thời gian sử dụng, liều lượng và tác dụng phụ chưa được nghiên cứu. Vì vậy, Quý độc giả lưu ý tham khảo ý kiến của Bác sĩ chuyên môn trước khi sử dụng thảo dược. 

Từ khóa » Cây Cỏ Mần Trầu Có Tác Dụng Gì