Cỗ Máy Sản Xuất Sinh Khối Keo Dậu

Keo dậu hay keo giậu, còn có tên gọi khác là bình linh, táo nhơn hay bọ chét… Tên khoa học là Leucaena leucocephala, là một loài cây gỗ nhỏ, thường được trồng làm hàng rào nên người ta gọi là keo dậu.

Nội dung bài viết

  • 1. Đặc điểm hình thái và sinh thái
  • 2. Ứng dụng của keo dậu
  • 3. Cách trồng và sử dụng keo dậu

1. Đặc điểm hình thái và sinh thái

1.1 Đặc điểm hình thái

Keo dậu là một loài cây thuộc họ Đậu, phân họ Trinh nữ, sinh trưởng ở vùng nhiệt đới. Là cây gỗ nhỏ, cao tới 5m, không có gai, tán lá hẹp, vỏ cây màu xám. Lá thuộc dạng lá kép lông chim 2 lần chẵn, trên cuống lá cấp 1 có các tuyến hình chậu. Hoa tự đầu trạng, tràng hoa màu trắng. Quả tạo thành chùm, quả dẹt, màu xanh lục khi còn non, dài khoảng 13-15cm, đầu quả có mũi nhọn, mỗi quả có 15-20 hạt, hạt dẹt. Hạt khi xanh có thể ăn được và thường dùng làm thuốc trục giun, khi quả chín, hạt chuyển màu nâu đen.

Cây keo dậu thuộc họ đậu

1.2 Hàm lượng dinh dưỡng

Trong lá cây keo dậu có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là protein. Lá chứa tanin, quercitrin và là nguyên liệu cho protein và caroten. Lượng protein trong lá biến động từ 270 – 280 g/kg, tỷ lệ xơ thấp (155 g/kg) và hàm lượng caroten khá cao (200 mg).

Tuy nhiên, nó có hạn chế là chứa một lượng nhỏ độc tố mimosine (thường tập trung trong các phần non của cây như lá, chồi non). Vì vậy khi sử dụng keo dậu làm thực phẩm cho người và gia súc cần có biện pháp làm giảm hàm lượng mimosine (như xử lý nhiệt trên 70oC; nhúng trong nước qua đêm; ủ chua…) và khống chế lượng keo dậu chỉ chiếm < 5% khẩu phần đối với con người.

Bột lá keo dậu là thức ăn bổ sung caroten, vitamin, khoáng chất cho gia cầm và gia súc non. Trong hạt chứa dầu béo, trong đó có các acid béo (palmitic, stearic, behenic, lignoceric, oleic và linoleic); hạt còn chứa chất nhầy gồm mannan, galactan và xylan.

1.3 Đặc điểm sinh thái

Keo dậu phát triển ở hầu hết các vùng sinh thái của Việt Nam, nhưng nhiều ở nam Trung Bộ, như ở Khánh Hòa. Keo dậu sinh trưởng tốt trên đất thoát nước, ít chua, có thể thích ứng với đất mặn vừa ven biển. Keo dậu chịu khô hạn rất tốt nhưng không chịu úng đặc biệt là khi còn non.

2. Ứng dụng của keo dậu

2.1 Dùng làm rau và thức ăn cho gia súc

Ở Việt Nam, lá, đọt non của cây mềm, được dùng làm rau ăn. Có thể dùng làm rau sống, luộc, xào, nấu canh rau hay canh chua. Vị của nó giống như rau nhút nên được người dân Nam Bộ dùng để nấu canh chua thay cho rau nhút. Quả non của cây keo dậu giống như quả đậu ván, dùng để luộc, xào, nấu canh như đậu que, đậu bún…

Tuy nhiên các bộ phận của cây keo dậu đều có chứa độc tố mimosine ở hàm lượng thấp, tốt nhất không nên dùng các bộ phận của cây này làm thức ăn.

Bột lá keo dậu khô là thức ăn bổ sung caroten, vitamin, khoáng chất cho gia cầm và gia súc non. Lượng protein trong lá khá cao (270 – 280 g/kg) và hàm lượng caroten khá cao (200 mg).

Tuy nhiên trong lá và quả cây keo dậu có chứa độc tố mimosine nên chỉ sử dụng dưới 25% trong khẩu phần cho gia súc nhai lại, dưới 10% đối với lợn và dưới 5% đối với gia cầm.

Lưu ý: Con người, gia súc, gia cầm ăn nhiều hạt keo dậu có thể bị rụng tóc và lông.

2.2 Phủ đồi trọc, tạo sinh khối và cải tạo đất

Keo dậu là cây tiên phong trên vùng đất khô hạn, nó có thể phát triển trên đất khô cằn và đồi trọc nên được khuyến cáo trồng để cải thiện môi trường vùng cao bị sa mạc hóa.

Do khả năng sinh thái có thể tái sinh hạt rất tốt nên người ta thường sử dụng nó làm 1 loài cây tiên phong phục hồi rừng. Hạt keo dậu sẽ được gieo vãi trên đất mất tính chất đất rừng, hạt nảy mầm, phát triển và sẽ cải tạo dần tính chất đất ở đây, tạo hoàn cảnh cho các loài cây gỗ khác có thể sinh trưởng.

Keo dậu còn được xem là một “cỗ máy sản xuất sinh khối”, do sản lượng lá của nó tương đương với khối lượng khô khoảng 2-20 tấn/ha trong một năm và củi khoảng 30–40 m³/ha trong một năm, với sản lượng có thể gấp đôi trong những khu vực có khí hậu thích hợp.

Cây keo dậu là cỗ máy sản xuất sinh khối

Là một loài cây thuộc họ Đậu nên keo dậu cũng là loài cây rất hiệu quả trong việc cố định đạm, bổ sung Nitơ cho đất trồng với khối lượng lớn hơn 500 kg/ha mỗi năm.

Nó cũng được coi là một nguồn cung cấp than củi và năng lượng (tương đương 1 triệu thùng dầu hàng năm từ diện tích 120 km²) hay thuốc trừ giun ở Sumatra, Indonesia. Trong tiếng Indonesia nó được gọi là petai cina và trong tiếng Java là lamtoro hay lamotorogung.

3. Cách trồng và sử dụng keo dậu

Keo dậu là cây chịu hạn tốt, có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng thích hợp với đất dễ thoát nước. Thời điểm tốt nhất để trồng là đầu mùa mưa.

Keo dậu có thể trồng thâm canh trên đồi lớn, hoặc trồng xen canh trong vườn cây công nghiệp, cây ăn trái hoặc trồng làm hàng rào.

cây keo dậu có thể trồng thâm canh hoặc trồng xen canh

Trước khi gieo, cần phải xử lý hạt. Khâu này rất quan trọng, vì hạt keo dậu rất cứng, nếu không đánh thức trạng thái ngủ của nó thì hạt sẽ nảy mầm không đều. Nên trước khi trồng ta cần xử lý như sau: Ngâm hạt ở nhiệt độ nước 80 – 90o C trong 5 phút, sau đó vớt ra ngâm lại bằng nước lạnh 1 đêm, vớt ra để ráo sau đó đem gieo vào luống hoặc bầu đã chuẩn bị.

Gieo hạt theo hàng rạch, trung bình 1m dài gieo 20 hạt, lấp đất sâu khoảng 5 cm. Sau khi gieo hạt cần tưới giữ ẩm hàng ngày nếu trời ko mưa.

Sau khi trồng khoảng 4 – 5 tháng, có thể thu hoạch lần đầu. Cắt ngang từ mặt đất lên khoảng 80cm, sau khi thu hoạch cần tưới thường xuyên vài ngày đầu cho keo dậu đâm chồi mới, nếu chăm sóc kỹ thì sau 45 ngày thu hoạch lứa tiếp theo, thu hoạch lứa tiếp theo cần chừa lại 5cm cành mới cho keo dậu tái sinh chồi mới.

Để cây phát triển tốt và cho lượng sinh khối cao, nên bón lót thêm phân chuồng trước khi gieo và bón bổ sung hằng năm vào đầu mùa mưa.

Tổng hợp

Đọc tiếp:
  • Làm phân kali hữu cơ từ cây dã quỳ
  • Bổ sung đạm tự nhiên cho đất với bèo hoa dâu

Từ khóa » Hạt Giống Cây Keo Dậu