Có Một Bài Thơ 'Tây Tiến' Khác

Skip to content
Redsvn
  • Posted on 14/10/202214/10/2022
  • Văn học⠀Nghệ thuật⠀

Gần đây đọc báo ở Thư viện Trung ương Quân đội, tôi thấy trên Báo Vệ quốc quân số 31 ngày 1/11/1948 có bài thơ “Tây Tiến” của Duy Liên, giấy báo loại cũ, mỏng tang, màu vàng ố, chữ in mờ, không ghi thời gian sáng tác, cuối bài có viết: Mai Châu một buổi chiều.

Có một bài thơ ‘Tây Tiến’ khác

Tây Tiến – Duy Liên

Có những chàng trai trẻ Nhựa sống ngập đường gân Đã từng đi xa đi gần Đem máu thề rửa hận Muôn dặm chẳng chồn chân.

Rồi một mùa xuân thắm sắc cờ Ghi vào ký ức mấy dòng thơ “Chiều nay Tây Tiến sương bàng bạc Gió vút ngàn hương khói biếc mờ” Chiều ấy họ ra đi Qua miền quê bát ngát Qua đồng lúa xanh rì Đồi núi trập trùng xa chờ đón Nhạc xuân sôi réo chí nam nhi

Đây là tiếng suối reo Róc rách chảy lưng đèo Đây rừng xanh rậm rạp Đây núi đá cheo leo Đây sơn thôn cô quạnh Khói lam chiều tỏa nhanh Đây nhà sàn bạc mái Pha lẫn áo chàm xanh Từ bao năm cũ ôm màu chết Lộng thổi chiều nay ngọn gió lành Họ đã qua đây mang ánh sáng Mang cờ đỏ rực máu hùng anh

Thế rồi hai năm qua Trên biên giới nước nhà Xương xác đem xây nền chiến lũy Họ quên ngày tháng đổi màu da Hồn căm ứ nước sông Đà Trường Sơn còn vẳng lời ca diệt thù Gió biên khu, lửa biên khu Quân đi chiều xuống mịt mù sương rơi Quân đi quên lãng cuộc đời Thề tô thắm lại nẻo trời miền Tây.

(Mai Châu một buổi chiều)

Trang báo Vệ Quốc Quân số ra ngày 1/11/1948 có in bài thơ ”Tây Tiến” của tác giả Duy Liên. Tôi háo hức đọc, thấy dạt dào cảm xúc như ngày nào đọc “Tây Tiến” của Quang Dũng và mong muốn được giới thiệu bài thơ này với bạn đọc.

Với “Tây Tiến” của Quang Dũng, chúng ta thấy rõ cái hào hùng, lãng mạn của những chàng trai trẻ xuất thân nơi thị thành ra đi chiến đấu theo tiếng gọi của non sông:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm

Người lính Tây Tiến của Duy Liên được giới thiệu là những con người mộc mạc:

Có những chàng trai trẻ Nhựa sống ngập đường gân

Nhưng cũng có nét thơ mộng như những chàng trai của Quang Dũng:

Rồi một mùa xuân thắm sắc cờ Ghi vào ký ức mấy dòng thơ “Chiều nay Tây Tiến sương bàng bạc Gió vút ngàn hương khói biếc mờ”

So với những người lính có gốc gác bình dân trong “Nhớ” của Hồng Nguyên:

Lũ chúng tôi Bọn người tứ xứ Gặp nhau hồi chưa biết chữ Quen nhau từ buổi “một, hai”

Hay xuất thân nông thôn trong “Đồng chí” của Chính Hữu:

Quê hương anh nước mặn đồng chua Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Thì người lính trong “Tây Tiến” của Quang Dũng và Duy Liên có chân dung độc đáo riêng.

Quang Dũng mô tả người lính Tây Tiến với bao gian lao cực khổ: hành quân vất vả, bệnh tật, hy sinh bằng sự tài hoa của người thi sĩ. Duy Liên mô tả các anh với những dòng thơ chân chất, cho thấy nơi các anh xuất phát có thể từ một xóm làng đồng bằng lên Tây Bắc xa xôi.

Chiều ấy họ ra đi Qua miền quê bát ngát Qua đồng lúa xanh rì Đồi núi trập trùng xa chờ đón

Và tiếp theo là “tiếng suối reo”, “róc rách chảy lưng đèo”, “rừng xanh rậm rạp”, “núi đá cheo leo”, “sơn thôn cô quạnh”.

“Tây Tiến” của Quang Dũng có những bản Mường êm đềm, làm dịu đi cái dữ dội của cuộc đời chinh chiến “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, thì “Tây Tiến” của Duy Liên cũng có:

Khói lam chiều tỏa nhanh Đây nhà sàn bạc mái Pha lẫn áo chàm xanh

Quang Dũng sáng tác bài thơ ở làng Phù Lưu Chanh, khi ông đã xa đơn vị trong nỗi nhớ đồng đội, nhớ Tây Tiến được Hoài Việt giới thiệu trong “Nhà văn trong nhà trường” tái bản lần thứ ba – Nhà xuất bản Giáo dục: Quang Dũng làm bài thơ này mùa hè 1948, được in trong tập “Thơ” do Nhà xuất bản Vệ quốc quân Liên khu III ấn hành năm 1949 với nhan đề “Nhớ Tây Tiến”. Năm 1957, khi đưa bài này vào tập “Rừng biển quê hương” (in chung với thơ Trần Lê Văn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 1957) tác giả bỏ “Nhớ”, chỉ giữ hai chữ “Tây Tiến”.

Duy Liên cũng không ghi rõ thời gian và hoàn cảnh sáng tác chỉ ghi: Mai Châu một buổi chiều – bài được in ở báo số 31 ngày 1/11/1948 và những câu cuối của bài thơ:

Gió biên khu, lửa biên khu Quân đi chiều xuống mịt mù sương rơi Quân đi quên lãng cuộc đời Thề tô thắm lại nẻo trời miền Tây

Cho thấy Duy Liên còn đang chiến đấu, công tác trong đội hình bộ đội Tây Tiến và có thể “Tây Tiến” này được đăng trước “Tây Tiến” của Quang Dũng?

Như vậy Tây Tiến của Duy Liên là “Tây Tiến”, Tây Tiến của Quang Dũng là “Nhớ Tây Tiến” như tên ban đầu của ông thì chính xác hơn. Chúng là một cặp song sinh, bổ sung cho nhau làm giàu thêm hình ảnh người lính Tây Tiến.

Đọc “Tây Tiến” của Quang Dũng và “Tây Tiến” của Duy Liên tôi đều thấy lòng mình lắng xuống, cảm thương, yêu mến những người lính Tây Tiến, thấy hình bóng các anh vẫn thấp thoáng trong sương chiều non ngàn Tây Bắc. Gần 70 năm rồi các anh vẫn hồn nhiên, tươi trẻ và sống mãi trong lòng chúng ta, Tây Tiến mãi thanh xuân.

Theo NGUYỄN TRỌNG VIỆN / VĂN NGHỆ CÔNG AN

Tags: Kháng chiến chống Pháp, Quân đội Nhân dân Việt Nam, Văn học
Redsvn
Tìm kiếm cho: Tìm kiếm

Toàn cảnh

  • Mỹ thuật của thiền qua góc nhìn Suzuki Daisetsu
  • Những học thuyết lý giải nguồn gốc ra đời của nghệ thuật
  • Một góc nhìn về bản chất của nghệ thuật
  • Thời cận đại: Giai đoạn huy hoàng của văn hóa – nghệ thuật nhân loại

Âm nhạc

  • Về bài Jingle Bells – ca khúc mùa Giáng sinh nổi tiếng nhất mọi thời đại
  • ‘Lặng cũng là âm nhạc’
  • Độc đáo xẩm tàu điện của người Hà thành
  • Khái quát về âm nhạc truyền thống ở các nước Đông Nam Á

Văn học

  • Cuốn theo chiều gió – từ văn học tới điện ảnh
  • Những tình bạn chân thành, cảm động trong các cuốn tiểu thuyết
  • Vài ý nghĩ về văn học chiến tranh Cách mạng và người chiến sĩ
  • Thử định vị Tự lực văn đoàn trong nền văn học Việt

Mỹ thuật – Tạo hình

  • Tìm hiểu khái niệm mảng khối trong tác phẩm hội họa
  • 8 họa sỹ người Italia đã làm thay đổi thế giới như thế nào?
  • Những điều cần biết về trường phái kiến trúc Gothic
  • ‘Người Vitruvius’ – bức vẽ trở thành biểu tượng của một kỷ nguyên lịch sử

Sân khấu – Điện ảnh

  • Một cái nhìn về chất thơ trong điện ảnh
  • Cuốn theo chiều gió – từ văn học tới điện ảnh
  • Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam: Lịch sử và hiện trạng
  • Những trào lưu quan trọng nhất trong lịch sử điện ảnh

Từ khóa » Bài Thơ Tây Tiến