Có Một Đồng Lộc ở Lèn Hà… - Tuổi Trẻ Online
Có thể bạn quan tâm
Trong lúc thông tuyến đường vận tải vào chiến trường miền Nam, 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã vĩnh viễn nằm xuống cùng một ngày khi hầm bị ném bom.
Hơn 4 năm sau, 13 chiến sĩ thông tin Trạm A69 đang ở tuổi đôi mươi trong đó cũng có 10 cô gái, làm nhiệm vụ nối liền mạch máu thông tin từ hậu phương ra chiến trường cũng tức tưởi hy sinh cùng một thời điểm khi trúng bom từ máy bay Mỹ tại hang Lèn Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Đền tưởng niệm 13 liệt sĩ được đặt dưới chân núi Lèn Hà để thuận tiện hương khói - Ảnh: Q.NAM
Sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc trở thành câu chuyện bi tráng hằn sâu vào lịch sử dân tộc như một bản hùng ca bất tử.
Và câu chuyện về "ngã ba Đồng Lộc" ở Lèn Hà cũng là một tượng đài…
Ông Nguyễn Phú Cương - ở Tam Điệp (Ninh Bình) - năm nay đã bước qua tuổi 76.
Thời điểm xảy ra sự kiện 13 chiến sĩ thông tin Trạm A69 Lèn Hà hy sinh, ông Cương đang là chuẩn úy, phụ trách chính trị tư tưởng của trạm.
Đó là một buổi trưa đau thương của Trạm thông tin cơ vụ A69, trưa 2-7-1972. Đau đớn đến mức, ông Cương kể lại câu chuyện mà nấc nghẹn mấy lần. Ông bảo, một trong những ám ảnh nhất với ông là những đồng đội đã hy sinh khi còn quá trẻ.
Trạm A69 đặt trong một hang đá nằm lưng chừng núi đá vôi mà người dân địa phương thường gọi là Lèn Hà. Sau bữa cơm trưa vội vàng, tổ 3 người làm nhiệm vụ lên hang trực máy. Những người còn lại như thường lệ ở tại vị trí của tổ mình.
13h05. Tiếng vù vù của máy bay địch ập tới. Chỉ thoáng chốc, máy bay đã thả 2 quả bom hỏa mù xuống gần cửa trạm. Cũng sau đó tích tắc, những tiếng nổ của loạt bom đầu tiên dội ngay bậc thang dẫn lên hang. Rồi liên tiếp những loạt bom: bom phạt và bom cháy.
Núi Lèn Hà - nơi đặt Trạm A69 nhìn từ trên cao - Ảnh: Q.NAM
Ông Cương nhớ lại, thời điểm đó ông ở tổ phụ trách nguồn điện, Lèn Hà phía dưới, cách gần trăm mét: "Tôi chết trân người, nói không thành lời khi chứng kiến cả một vùng dưới chân núi đã thành biển lửa".
Lặng tiếng bom, ông Cương cùng những người còn sống hét gọi tên đồng đội, nhanh chóng chạy xuống chân núi Lèn Hà. Nhưng càng tới gần, càng thắt tim gan khi trong hầm 10 chiến sĩ nữ trú ẩn lúc trước, giờ chỉ thấy một người bị bỏng nặng đang cố bò ra khỏi đống đổ nát.
Bà Nguyễn Thị Thanh - một trong những người may mắn sống sót của buổi trưa định mệnh ở Lèn Hà - nay đã qua tuổi 60 và đang sống ở Đống Đa (Hà Nội). Loạt bom cướp đi sinh mạng 13 đồng đội của bà chỉ diễn ra trong khoảng 5 phút. Nhưng nó trở thành nỗi ám ảnh với bà suốt 50 năm qua.
Thời điểm đó, bà Thanh cùng 2 đồng đội là Phạm Thị Vang và Nguyễn Thị Nghiêm lên hang vào phiên trực. Vào hang chưa được 20 phút, tiếng máy bay gầm rú xé toang bầu trời. Một loạt bom rải xuống chân núi Lèn Hà.
Sau loạt bom, ngoài 13 cán bộ chiến sĩ của trạm hy sinh, trạm máy chính bị hư hỏng nặng, mạng cáp nhập đài và khoảng 1.500m đường dây quanh khu vực trạm bị đứt.
Nhìn những đồng đội hy sinh nằm chồng lên nhau, ông Cương và những người sống sót không cầm được nước mắt. Nhưng họ phải nén đau thương vì sự thông suốt không thể chậm trễ của đường dây liên lạc.
Chỉ huy trạm yêu cầu những cán bộ chiến sĩ còn sống vừa tập trung thu dọn đống đổ nát và lo hậu sự cho các chiến sĩ hy sinh, vừa phải chia nhóm khắc phục đường dây, bám máy tìm cách liên lạc.
Sau hơn một giờ đồng hồ khắc phục sự cố, đường dây thông tin liên lạc khôi phục, trạm máy trở lại hoạt động.
Thi thể của 13 cán bộ chiến sĩ được an táng chiều muộn cùng ngày. Tất cả đều được chôn trên một ngọn đồi gần trạm Lèn Hà. Trạm qua một trận bom, mọi thứ đều đổ nát. Lễ truy điệu chỉ có vài nén nhang.
13 người hy sinh giữa mùa hè, cũng là mùa sim nở. Ông Cương cùng đồng đội chia nhau qua những ngọn đồi quanh đó hái được ít cành hoa sim mang về cắm lên mộ họ. Ở khoảnh khắc bom đạn tạm yên. Bóng chiều đổ xuống. Lòng người quặn thắt.
Trong 13 người nằm lại Lèn Hà hôm đó, có những người tưởng như đã ở rất gần hạnh phúc. Tuổi thanh xuân giữa thời chiến, hạnh phúc thường mong manh.
Nhưng câu chuyện thắt lòng nhất với ông Cương là khi mở hòm đựng tư trang của các chiến sĩ hy sinh để làm công tác bàn giao. Hòm đựng đồ của liệt sĩ Chu Thị Mạnh, quê Phú Thọ, làm ông bật khóc. Trong hòm đồ có một con búp bê và một chiếc khăn quàng đỏ. Chị Mạnh hy sinh khi mới 16 tuổi.
Qua 15 tuổi, chị Mạnh viết đơn tình nguyện ra chiến trường. Thời điểm đó, có một người chị khác ở gần nhà chị Mạnh cùng đi. Khi ra chiến trường, chị Mạnh được phân về Trạm A69. Người chị gần nhà cùng đơn vị nhưng ở vòng ngoài.
Sau khi hy sinh, liệt sĩ Chu Thị Mạnh được an táng tại xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, gần hang Lèn Hà.
Tại hang đá lưng chừng núi Lèn Hà cũng đặt một tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh 50 năm trước - Ảnh: Q.NAM
Khi liệt sĩ Chu Thị Mạnh hy sinh, em trai chị là ông Chu Văn Hữu mới chỉ 4 tuổi. Năm 1990, ông Hữu cùng gia đình tìm vào xã Thanh Hóa đưa chị Mạnh về nghĩa trang quê nhà.
"Gia đình tôi đau đớn tột cùng khi nghe tin chị tôi hy sinh. Nhưng cũng rất tự hào về chị. Chị tôi đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước", ông Hữu nói.
Thượng tá Trần Quốc Thái - chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 134, thuộc Bộ tư lệnh thông tin - nói rằng 13 chiến sĩ thông tin Trạm A69 hy sinh hang Lèn Hà là một trong những câu chuyện bi tráng nhất của bộ đội thông tin.
Những người lính đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc trong thời chiến đóng vai trò quan trọng cũng giống như những người lính phá đá mở đường ra chiến trường.
Những dịp kỷ niệm, nơi này đón nhiều đoàn khách đến viếng, trong đó có các bạn học sinh tại các trường ở địa phương. Đây cũng là một nơi để học sinh được bồi đắp lòng yêu nước - Ảnh: Q.NAM
Thượng tá Thái kể, câu chuyện về Trạm A69 bắt đầu được "mở ra" từ năm 2012 - vào dịp kỷ niệm 40 năm xảy ra sự kiện này. Từ đó đến nay, lữ đoàn luôn dành hết tâm sức để tri ân, hỗ trợ thân nhân gia đình của 13 liệt sĩ.
Vào những dịp kỷ niệm tròn năm từ đó đến nay, gia đình 13 liệt sĩ đều được Lữ đoàn 134 đưa vào Lèn Hà để viếng và dự lễ kỷ niệm.
Hai gia đình khó khăn nhất trong số 13 gia đình liệt sĩ Lèn Hà là gia đình liệt sĩ Trần Văn Xây và liệt sĩ Lương Văn Chấn đã được Lữ đoàn 134 hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm.
Dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện Lèn Hà vào sáng 2-7, tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia hang Lèn Hà, huyện Tuyên Hóa và Binh chủng Thông tin liên lạc đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin A69.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thắp hương tưởng niệm 13 chiến sĩ thông tin thuộc Trạm cơ vụ A69 tại hang Lèn Hà nhân kỷ niệm 50 năm ngày xảy ra sự kiện này - Ảnh: Q.NAM
Buổi lễ có sự tham dự của ông Nguyễn Trọng Nghĩa - bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Tại buổi lễ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng chính quyền và người dân địa phương đã nghiêng mình tri ân, tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của 13 cán bộ chiến sĩ.
Với những hy sinh lớn lao, chiến công và thành tích xuất sắc, Trạm thông tin A69 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nội dung: QUỐC NAM Thiết kế: VÕ TÂNTừ khóa » Câu Chuyện Tâm Linh Ngã Ba đồng Lộc
-
Ngã Ba Đồng Lộc: Chuyện Giờ Mới Kể... - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
RỢN TÓC GÁY Khi Lần Đầu Phát Hiện HỒN THIÊNG Của 10 Cô ...
-
Chuyện Ly Kỳ,Linh Hồn 10 Cô Gái Ngã Ba Đồng Lộc Dẫn Đường ...
-
Chuyện Người Bán Hương ở Ngã Ba Đồng Lộc - Tiền Phong
-
Ngã Ba Đồng Lộc: Kỳ 1 Cõi Thiêng Bất Tử Và Giấc Mơ Kỳ Lạ
-
“Nhân Chứng Sống” Kể Chuyện 10 Trinh Nữ Ngã Ba Đồng Lộc
-
Huyền Thoại 10 Cô Gái Thanh Niên Xung Phong ở "toạ độ Chết" Ngã ...
-
Nơi Yên Nghỉ Của 10 Cô Gái Mở đường ở Ngã Ba Đồng Lộc
-
Ngã Ba Đồng Lộc Hà Tĩnh - Đất THIÊNG Của 10 đóa Hoa Bất Tử
-
Ngã Ba Đồng Lộc - Femmes Et Guerres
-
Chuyện Về Những Người 'bầu Bạn' Với 10 Cô Gái ở Ngã Ba Đồng Lộc
-
Cõi Thiêng Đồng Lộc - Báo Công An Nhân Dân điện Tử