Có Một Hà Nội Hoài Niệm Với Những Gánh Hàng Rong - VOVlive

Video: Phóng sự Gánh phố- VOVTV

Chúng tôi nhớ về Hà Nội những đêm mùa đông...

Phố phường im lìm trong cái rét tê buốt, hàng phở gánh nơi góc phố vẫn ồn ào tấp nập tiếng người nói cười, tiếng xuýt xoa vị phở, tiếng xì xụp từng miếng nước dùng ngọt thơm. Những thứ thanh âm ấy như làm sống động cả một góc đường.

Khách ăn phở gánh có đủ mọi tầng lớp, từ những người lao động đêm tìm đến phở để đẩy lùi cơn đói tới những người đi làm sớm ghé vào mở đầu ngày mới bằng bát phở đủ hương vị phở. Vốn là linh hồn, là nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người Hà Nội nhưng gánh phở lại càng trở nên đặc biệt trong lòng phố cổ này.

“Trong đêm ngủ, nhất là đêm mùa đông, có  người đi bán hàng đêm là nghe tiếng trục trặc trục trặc của đôi quang gánh. Thế thì khi nghe cái tiếng nó buồn lắm. Hay cái tiếng phở kéo dài, theo cái tiếng ấy là cả một dải gương dài, cái mùi phở nó chạy dọc các con phố mùa đông. Nó gợi nhớ và có cái cảm xúc ấn tượng ghê gớm đối với đời người, một con người, những người đã gắn bó với phố phường Hà Nội này từ lúc còn tuổi ấu thơ đến tận già. Gợi nhớ một cái gì đó rất xa, một cái gì rất cũ kỹ, nhưng mà cũng rất ấm áp của Hà Nội, của chúng ta.” Nhà văn Nguyễn Văn Thọ xúc động chia sẻ.

tieng-pho(1).png

Một góc khác, sự lặng yên của đêm mùa đông được trả lại nguyên vẹn, lẩn khuất đâu đó bóng đôi quang gánh liêu xiêu dưới ánh đèn vàng đô thị. Từ mọi ngả đường, những bước chân vội vã để tới chợ. Khu chợ đầu mối Long Biên thường được gọi là chợ không ngủ ở Hà Nội, cuộc sống luôn hối hả.

Cuộc sống của những con người trong khu chợ này cũng vậy. Những gánh hàng nặng nề, chất đầy những mặt hàng nông sản nối đuôi nhau bước ra khỏi cổng chợ, tản về các hướng khác nhau để chuẩn bị cho phiên chợ sớm mai của mình và họ bắt đầu ngày thật dài, lênh đênh trên mọi nẻo đường của Hà Nội.

“Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Âm thanh quen thuộc phát ra từ loa phường. Âm thanh của một ngày mới…

Hà Nội 36 phố phường với những mái ngói xô nghiêng, những gánh hàng rong bạc màu rêu phong của phố cũ. Theo thời gian, Hà Nội đã khoác cho mình một màu áo mới, những bức tường rêu phong nơi phố cổ không còn nữa, thay vào đó là những dãy nhà cao tầng, là những khu trung tâm thương mại rộng lớn hơn. Người ta chỉ còn thấy một Hà Nội xa xưa trong đáy của Hồ Gươm, Hồ Tây và cả ở những gánh hàng rong.

hang-rong-ngay-xua.png

“Những món quà quê buổi sáng hoặc là những gánh mà có sắn luộc, ngô luộc, khoai lang luộc, rồi cả cơm nắm muối vừng thì gần như là lúc nào cũng thấp tha, thấp thoáng trên những con phố của Hà Nội. Sự lựa chọn của các họa sĩ đương đại Việt Nam thì thực ra họ lại thích vẽ những  làng hoa, những chợ hoa, chứ còn những con người cụ thể của những gánh hàng rong thì ít khi xuất hiện trong tranh, kể cả tranh phố nổi tiếng của họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng vậy. Nhưng thực ra chúng tôi được thừa hưởng những vẻ đẹp cũ ấy để nuôi dưỡng cái tâm hồn mình chứ không phải để cho nó hiện hình trên tác phẩm. Và điều ấy cũng là cách tôi chọn một bảo vật cần được bảo trọng. Bởi vì rõ ràng không gian của tác phẩm có tiếng nói, của ngôn ngữ tạo hình cái đĩa màu mà mình dùng. Gần như nó vẫn ẩn chứa bên trong nó cái nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, của tâm hồn người Hà Nội.”Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, chủ tịch Hội Mỹ Thuật Việt Nam tâm sự.

Hàng rong của Hà Nội có lẽ đẹp theo mùa, khi những ngày hạ sang thu đến tận chớm đông, nhiều người thích ngắm những gánh hàng hoa. Ở trên ấy bồng bềnh những sắc hương riêng có của Hà Nội. Và có lẽ chẳng ai có thể trả lời những gánh hàng rong thân thuộc ấy của Hà Nội có tự bao giờ.

Cuốn “Hàng rong và tiếng rao trên phố Hà Nội” của Fennik xuất bản năm 1929 in 28 bức ký họa do sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã cho thấy có rất nhiều những mặt hàng rong như tào phớ, kem, quả, mía tiệt hay khoai lang.

ganh-hang-rong(2).png

Rồi đến sau này, cùng với những con Sen, thằng Xe, cơm đầu ghế, gánh hàng rong với đầy thân phận cũng được phản ánh trong các tác phẩm văn học của nhà văn hiện thực.

“Bên cạnh một cái văn hóa của người Tràng An, Hà Nội xưa và nay thì đời sống cần lao của người Hà Nội vẫn cứ lặng lẽ ẩn khuất. Như chúng ta biết, từ thời “Hà Nội băm mươi sáu phố phường” của nhà văn Thạch Lam, "Thương nhớ Mười Hai" của nhà văn Vũ Bằng. Rồi những tản văn tinh tế của nhà văn Nguyễn Tuân… đều thương nhớ những điều mà đã làm nên cái không gian sống của người Hà Nội.

Tôi nghĩ rằng một Hà Nội ngày thường, một Hà Nội đời thường, một Hà Nội của những người bình thường nhất…nếu như Hà Nội thiếu đi cái hình ảnh ấy thì chắc chắn nó không còn là Hà Nội dù Hà Nội có hiện đại và phát triển như thế nào.” Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, chủ tịch Hội Mỹ Thuật Việt Nam chia sẻ.

hang-rong-4.png

Những tiếng rao, những gánh hàng rong là một phần không thể thiếu của đời sống đô thị. Với đôi quang gánh trên vai, những người bán rong lang thang trên khắp khu phố, rao bán đủ các loại hàng mà người mua cần đến. Hầu hết những người bán rong đều là dân tỉnh lẻ hoặc vùng lân cận của Hà Nội. Việc ruộng đồng không đủ rủ nhau ra thành phố để kiếm sống bằng những gánh hàng rong. Với số tiền ít ỏi kiếm được từ những gánh hàng rong mỗi ngày, những người phụ nữ ấy đã gánh trên vai cả gánh nặng cuộc đời, gánh thêm cả tương lai của những đứa con và cả một chút gì đó văn hóa đất kinh kỳ.

Dù đôi lúc những gánh hàng rong vẫn còn nhiều điều để người ta phải phiền lòng, nhưng đây vẫn là nét đẹp riêng của Hà Nội, toát lên từ những thứ bình dị và mộc mạc.

“Nhịp sống làm nên cả khuôn mặt của Hà Nội nhờ những con người hết sức bình dị, chấp nhận một lao động thầm lặng và  cũng không có sự tủi thân khi làm những lao động thầm lặng. Mỗi một cái xã hội được phân công, mỗi người có một cái cuộc sống riêng, một lựa chọn riêng, một hành trang riêng để tồn tại và để sống. Trong tâm tưởng của bất kỳ ai đã từng sống từ bé cho đến khi trưởng thành và bây giờ đã có tuổi thì đều không bao giờ quên trong tâm hồn mình. Những hình ảnh mà đã làm nên  đời sống tinh thần, cũng làm nên cái hồn vía mà bản thân họ, bất kể một biến động nào thì cũng không làm phai nhạt được cái cái khuôn mặt bên trong khuôn mặt của người Hà Nội.”

Gánh hàng rong như một mắt xích mà thời gian đã lưu giữ lại những nét văn hóa xưa cũ với hiện tại, trong ký ức, trong tâm hồn của những đứa con Hà Nội, hình ảnh gánh hàng rong và những tiếng rao đã in dấu rất sâu, đã cũ kỹ, và rất đỗi êm đềm.

“Tôi nhớ một lần tôi sang Đức ,trên một con ga vắng nơi chúng tôi đón tàu. Trong đêm tự nhiên có tiếng “xôi ơi, xôi nào”. Lúc đó mới nghe thấy một cô gái cũng cắp một cái rổ xôi đi rao như tiếng rao ở Hà Nội. Lập tức cái ký ức của cả cái thành phố Hà Nội, của quê hương nó ùa vào.” Nhà văn Nguyễn Văn Thọ xúc động nhớ lại.

xoi-oi(1).png

Khi màn đêm buông xuống trên thành phố, lẩn khuất đâu đó, nơi những con đường vắng lặng, những gánh hàng chênh vênh cùng tiếng rao vẫn tiếp tục cất lên rồi khuất dần nơi cuối phố. Và cứ vậy, Hà Nội có thể già đi nhưng những gánh hàng rong sẽ chẳng bao giờ là cũ./.

Từ khóa » Những Gánh Hàng Rong ở Hà Nội