Có Một Ngô Phương Lan Không Phải Là Hoa Hậu

Có một Ngô Phương Lan không phải là Hoa hậu ảnh 1
Tiến sĩ Ngô Phương Lan (thứ 3 từ trái sang) cuàng đại gia đình nghệ sĩ.

Sau khi cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt kết thúc, những người bạn thân của gia đình chị đã “ trêu chọc“ nhắn tin chúc mừng phu quân của Ngô Phương Lan - anh Đinh Trọng Tuấn, TBT tạp chí Thế giới điện ảnh là đã “có vợ đăng quang hoa hậu”! Hai vợ chồng được một mẻ cười vui.

Thật ra hai vợ chồng Ngô Phương Lan vẫn còn trẻ. Họ đang ở tuổi sung sức nhất của cuộc đời. Họ rất đẹp đôi và hiện đã có hai con đủ cả nếp lẫn tẻ.

Con trai đầu vừa đỗ vào Khoa Đạo diễn -Trường ĐH SK&ĐA Hà Nội. Như vậy gia đình của Ngô Phương Lan đã có 3 đời nối tiếp nhau làm điện ảnh. Hai cụ thân sinh ra chị chính là hai nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng : NSND đạo diễn Ngô Mạnh Lân và NSƯT - diễn viên Ngọc Lan.

Trong giới nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng đa phần có quá nhiều chông chênh, quá nhiều đổ vỡ trong đời sống riêng tư thì ngược lại, gia đình Ngô Phương Lan lại là một gia đình mẫu mực về sự thuỷ chung, bền vững.

Tấm gương này có lẽ họ đã học tập và thừa hưởng được ở bố mẹ của cả hai bên gia đình nội ngoại. Gia đình của NSND Ngô Mạnh Lân cũng là một gia đình mẫu mực về sự thủy chung, hạnh phúc mà trong giới vẫn đùa rằng “kể từ ngày họ yêu nhau đến lúc đầu bạc (nhưng răng chưa long, lạy chúa) cấm bị “vương vãi” đi đâu tí gì!”

Tôi quen biết Ngô Phương Lan từ những năm 80 của thế kỷ trước. Khi ấy chúng tôi đều là sinh viên của trường Điện ảnh Matxcơva (VGIK) lại cùng học chung một Khoa Biên kịch - Lý luận phê bình.

Mang tiếng là sinh viên vậy thôi nhưng tôi là cán bộ đi học, hơn Ngô Phương Lan một giáp. Khi đi học cũng là lúc tôi đã để lại sau lưng một cuộc sống ngổn ngang rất nhiều bế tắc.

Còn Ngô Phương Lan thì nhẹ nhõm vô cùng vì khi ấy chị là một cô gái trong sáng mới lớn, tốt nghiệp phổ thông, học hết năm thứ nhất ĐH Tổng hợp Văn thì được chọn sang học tiếp ở Liên Xô.

Chị mới 20 tuổi, để lại VN mối tình đầu (chồng chị bây giờ) và đằng đẵng trong suốt 6 năm xa cách họ đã yêu nhau, chờ nhau qua hàng kí lô thư từ qua lại.

Đây có lẽ là một trong không nhiều những mối tình bền chặt hiếm hoi mà tôi được chứng kiến từ khi họ yêu nhau cho đến tận bây giờ. Nhất là trong cuộc sống hiện đại hôm nay khi mà nhiều giá trị về tình yêu hạnh phúc đang bị đảo lộn hoặc có nhiều điều mong manh bất ổn.

Người ta nói tính cách tạo nên số phận...phải chăng Ngô Phương Lan từ bé tính cách đã ổn định, trầm tĩnh, chắc chắn và “không đi đâu mà vội” rồi nên trong cuộc sống của chị cũng không có gì phải hấp tấp, vội vàng.

Trong suy nghĩ cũng vậy, tuy còn ít tuổi nhưng chị luôn chững chạc, đàng hoàng. Phải chăng đó cũng là những tố chất cần có, hay nói đúng hơn là bản lĩnh cần có của một nhà lý luận phê bình?

Mặc dù tôi lớn tuổi hơn chị, cuộc sống nhiều dãi dầu hơn nhưng nhiều lúc tôi có cảm giác Ngô Phương Lan như là “chị” của mình chứ không phải ngược lại.

Chị có những nhận xét tỉnh táo, chí lý về bản ngã của con người tinh hơn tôi. Bởi thế, Ngô Phương Lan luôn có những lời động viên cũng như khuyên nhủ đích đáng những khi cần thiết cho đội bạn trong cuộc sống xa nhà nơi đất khách.

Ở cái nơi mà mọi thứ chỉ là tạm bợ, chỉ là gió thoảng mây trôi thì cái sự một dạ hai lòng diễn ra nhan nhản cũng chẳng có gì là lạ... Phải thế chăng mà Ngô Phương Lan dù còn rất trẻ nhưng chẳng bao giờ chao đảo trước bất kỳ sự tỏ tình nào (dù là chân thành) đến từ các chàng trai trẻ người Việt ở các trường Đại học tại CCCP (tên viết tắt của Liên bang Xô Viết cũ).

Biết chị “rào lòng” rất kỹ nên dù có ai trót “mê” chị cũng không dám bén mảng tìm đến. Nhiều người trong chúng tôi phải ngả mũ kính chào sự kiên gan của chị khi thấy tối nào dù trời đẹp đến mấy Ngô Phương Lan cũng chẳng đi đâu chỉ ở nhà đọc sách và mang thư của người yêu ra “tụng!” là hết.

Có lẽ thế nên sau khi tốt nghiệp về nước chị đã được đền bù xứng đáng chăng: “Chồng đẹp con khôn“? Và công việc cũng hanh thông may mắn. Suốt mấy chục năm nay chị chỉ làm việc duy nhất ở mỗi một nơi đó là Cục Điện ảnh.

Đôi khi có những lời mời mọc rất hấp dẫn ở những cơ quan khá có sức nặng nhưng Ngô Phương Lan vẫn từ chối, không đi.

Bởi, đơn giản là chị yêu công việc của mình. Yêu những bộ phim trong và ngoài nước mới được sản xuất mà chỉ ngồi ở Cục Điện ảnh chị mới có cơ hội được theo dõi, được tiếp cận. Từ đó mới có những đúc kết tốt cho công việc lý luận phê bình của mình.

Nhiều bài viết sắc sảo về phim VN và phim nước ngoài trong suốt mấy chục năm qua Ngô Phương Lan đã cho in đều đặn trên các báo. Với bất kỳ một sự tìm tòi nào dù nhỏ của các đạo diễn chị đều có bài khích lệ, động viên.

Chị nhìn thấy ở những bộ phim của Lê Hoàng sự thông minh hóm hỉnh, ngôn ngữ không kém phần đanh đá chua ngoa nhưng lòng dạ lại nhân ái.. Chị nhìn thấy ở Lưu Trọng Ninh những xử lý mảng miếng tài hoa, lãng mạn... Thấy ở Nguyễn Thanh Vân sự tinh tế, sâu sắc...

Ngô Phương Lan đã có loạt bài về lứa đạo diễn sung sức này và kỳ vọng rất nhiều ở họ. Và, có một thời chị say sưa viết những bộ phim của NSND Đặng Nhật Minh mà một vài đạo diễn có lẽ hơi ghen tỵ nên đã trêu chị là nhà “ Đặng Nhật Minh học !!!”

Kệ. Chị chẳng phiền lòng. Việc mình mình làm, đường mình mình đi. Đạn có bắn đến chân cũng vẫn thủng thẳng như thế. Chẳng sợ mất lòng ai, cũng chẳng cần phải o bế ai. Không cúi đầu trước bất kỳ cái gì trừ CÁI ĐẸP.

Làm phê bình là phải vậy. Phải giữ được sự công tâm của mình trước cái hay, cái đẹp của mỗi tác phẩm nghệ thuật. Là trưởng ban LLPB của Hội Điện ảnh Việt Nam, từ năm 2005, chị cùng các đồng nghiệp khởi xướng giải Báo chí Phê bình để vinh danh bộ phim hay nhất trong năm.

Chị cũng đứng ra tổ chức Diễn đàn đạo diễn trẻ để khẳng định tác phẩm của các đạo diễn như Bùi Thạc Chuyên, Đào Duy Phúc, Ngô Quang Hải, Bùi Tuấn Dũng từ khi phim của họ mới ra lò và còn chưa được trao giải thưởng cả ở trong và ngoài nước.

Năm 1999, Ngô Phương Lan trúng tuyển kỳ thi Nghiên cứu sinh của Viện Văn hóa -TT với đề tài “Tính dân tộc, tính hiện đại trong điện ảnh VN”. Phải nói đây là đề tài đang “hot”, đang rất được quan tâm. Sau 5 năm miệt mài vừa đi làm lại vừa đèn sách Ngô Phương Lan đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ.

Có nhiều tiến sĩ sau khi bảo vệ xong là chỉ muốn “quên “ luôn luận án của mình đi cho thật nhanh vì họ chỉ cần nó làm tròn số mệnh là lấy được cho chủ nhân cái mác TS để đi lo việc khác.... Nhưng Ngô Phương Lan không thế.

Chị công bố thành sách, được trình bày đẹp, là một công trình công phu và có tính đúc kết rất rõ. Thành công của luận án- cuốn sách đã không chỉ dừng ở đó. Nó đã vượt qua cả biên giới quốc gia: “Tính hiện đại, tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam” (Modernity and Nationality in Vietnammese Cinema) đã được Tổ chức phát triển điện ảnh châu Á (NETPAC- Network for the Promotion of Asian Cinema) xuất bản bằng tiếng Anh và phát hành ở các nước.

Đây cũng là cuốn sách đầu tiên được NETPAC chọn để xuất bản. Còn tác giả của nó thì liên tục có những chuyến giới thiệu sách long trọng với những nhà nghiên cứu điện ảnh quốc tế và công chúng tại các LHP quốc ở châu Á và một số nước khác.

Tính hiện đại, tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam không phải là thành công đầu tiên của Ngô Phương Lan. 9 năm trước, 1998, chị đã cho ra đời cuốn Đồng hành cùng màn ảnh rất có tiếng vang và từng được nhiều sinh viên trường Đại học SK & ĐA xem là cuốn sách “gối đầu giường” từ khi chuẩn bị thi vào cho đến lúc ra trường.

Say mê, làm việc hết lòng và có trách nhiệm với công việc, với những điều mình viết đó là bí quyết thành công của Ngô Phương Lan và chắc chắn chị còn đi rất xa nữa trên con đường nghề nghiệp của mình.

9/07

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát

Từ khóa » Ts Ngô Phương Lan