Có Một Nỗi Buồn Khác Trong Mùa Vu Lan - .vn

Tôi nhớ từng đọc đâu đó, họ kể rằng có 1 bộ phim, khi nói về nỗi đau mất con, một người cha đã thốt ra những lời đau xót: "Nếu một đứa trẻ mất đi cha (mẹ), thì người ta gọi nó là đứa trẻ mồ côi, đàn ông mất vợ thì gọi là goá, phụ nữ mất chồng thì gọi là quả phụ, nhưng anh biết tại sao không có tên gọi nào dành cho những người cha, người mẹ bị mất con? Ðó là vì không có một từ ngữ nào đủ để miêu tả về nỗi đau đó cả. Không một từ nào...".

Tôi đã bần thần day dứt và xót xa, ám ảnh mãi khi đọc những tin người ta viết trên báo về cái chết của em bé 6 tuổi trên ô tô những ngày gần đây. Tôi hoang mang, loay hoay với những ám ảnh của mình và không thể tin được đó là sự việc có thật.

Tôi biết, có những nước trên thế giới, hệ thống giáo dục của họ rất ưu việt, giáo viên mẫu giáo phải có bằng thạc sĩ. Quy trình đưa đón con trẻ đi học của các trường ở Mỹ mà tôi được biết bao gồm: Quy định về giờ giấc; cách đếm số lượng học sinh để nắm được có bao nhiêu học sinh cần đón hoặc trả; vùng bảo vệ quanh xe khi trẻ lên xuống; các tuyến vào ra trong trường và nhiều quy định khác.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ở Việt Nam, đặc biệt là những ngôi trường có sự đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, có lẽ những quy trình tương tự cũng được tham khảo, được thiết kế và áp dụng. Chúng ta hãy đi từ gốc rễ vấn đề, do đâu mà người ta phải xây dựng những hệ thống giáo dục với nhiều quy định khắt khe như vậy, do đâu mà người ta phải tạo lập quy trình đưa đón trẻ một cách bài bản cẩn trọng như vậy.

Không phải chỉ là để xây dựng hình ảnh một đất nước văn minh, xã hội tôn trọng quyền của con trẻ được chăm nom học tập tốt nhất. Không phải học hỏi chỉ để hội nhập, để chuyên nghiệp và đáp ứng yêu cầu như một xã hội hiện đại.

Tất cả những cố gắng của chúng ta - những người lớn đều cần xuất phát điểm từ tình yêu thương! Tình yêu thương dành cho con trẻ cùng với lối sống và cung cách hành xử xuất phát từ một nền tảng văn hóa được thẩm thấu trong tư tưởng cho đến việc xây dựng triết lý giáo dục.

Vấn đề văn hóa dân tộc, vấn đề ý nghĩa của ý thức bảo vệ và chăm sóc con trẻ đang nằm ở đâu trong khi chúng ta tham khảo và xây dựng hệ thống giáo dục của trường mình, của đất nước mình? Nếu không giải quyết được câu hỏi này thì dù trường xây dựng hiện đại đến đâu cũng chỉ là một sự sao chép, muốn “hòa tan” trong thời đại toàn cầu hóa, mà bất kỳ một sự sao chép nào nếu không thấu hiểu ý nghĩa căn cốt của vấn đề cũng sẽ dẫn đến thiếu đầu hụt đuôi.

Ý thức muốn “hội nhập” mà không có nền tảng văn hóa dân tộc thì sẽ phải trả giá bằng nhiều hệ lụy.

Nếu như một người làm thầy giáo, cô giáo, không hiểu được lợi ích của việc áp dụng quy trình đưa đón, chăm dạy trẻ thì mọi gạch đầu dòng trong quy định ấy trở thành bó buộc, khắt khe và thái độ cũng sẽ trở nên đối phó, cẩu thả. 

Với trẻ nhỏ, luôn có muôn vàn những tình huống khó dự liệu có thể xảy ra. Mỗi một con người, cô giáo, giáo vụ, người đưa đón, người phụ trách bữa ăn,... với các em như những mắt xích kết nối với nhau trong chuỗi hệ thống. Một sự bất cẩn, thái độ thiếu nghiêm túc đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Tất cả những cố gắng tham khảo, học hỏi, sao chép, sẽ đều trở nên phản tác dụng hoặc vô dụng nếu như người thực hiện nó không đủ nhận thức và thiếu tình yêu thương.

Trở lại việc cháu bé bị cho rằng đã bị bỏ quên trên ô tô đến chết. Rõ ràng, đây chính là hệ quả của một quy trình thiếu tính kết nối và vô cảm. Tôi không phủ nhận trình độ sư phạm và nhận thức cũng như tình cảm của những người giáo viên ở ngôi trường này. Tuy nhiên, có thể thấy sự chênh lệch trong trình độ nhận thức văn hóa, lối sống của những bộ phận trong hệ thống giáo dục tại trường.

Sự áp dụng một cách “hệ thống” nhưng vô cảm trong giáo dục sẽ trở thành tai họa cho con trẻ.

Ngôi trường - nơi người ta dạy các em về lòng nhân ái, về lối sống đẹp, về đạo đức, về vị tha, nơi ấy đã quên một em nhỏ và bỏ em lại như quên một món đồ.

Đương nhiên, họ không bao giờ “quên” thu học phí, tiền xe đưa đón và các khoản thu khác.

Đương nhiên, có thể có tới hơn 30 em bé thiệt mạng mỗi năm do bỏ quên trên ô tô ở Mỹ hay các đất nước nào đó khác. Nhưng đó là những trường hợp từ cá nhân, một con người thì họ có thể có sơ suất, chứ một hệ thống thì không thể gọi là sơ suất. 

Em bé bị bỏ quên trong ngày học thứ 2 khi được xe của trường đưa đón và có cô giáo đi cùng, ngày học đó lại đúng hôm giáo vụ nghỉ không thể thông báo với gia đình về sự vắng mặt của bé, cô giáo không được phép có số điện thoại phụ huynh. Đây là sự vô cảm cẩu thả và là tội ác của một tập thể.

Đây không phải chỉ là một tai nạn!

Mùa Vu Lan này, tôi luôn nao nức trong lòng về nỗi buồn đau khi người con mất đi mẹ, cha.

Nhưng nỗi đau của những người làm cha làm mẹ mất đi đứa con của mình...

Xin dừng lời, vì đó là điều không thể gọi thành tên!

Từ khóa » Ca Cổ Nỗi Buồn Mất Cha