“Có Mười Thì Tốt, Có Một Vô Duyên”: Lời Cảnh Tỉnh Với Mọi Gia đình

“Có mười thì tốt, có một vô duyên” là câu tục ngữ quen thuộc trong kho tàng tục ngữ Việt Nam. Trong cuốn Từ điển Tục ngữ Việt(NXB. Tổng hợp TP.HCM, 2010), tác giả Nguyễn Đức Dương lại thống kế 2 biến thể: 1. "Có mười mà tốt, có một mà vô duyên"; 2. "Có mười mà tốt, có một mà xấu" và giải nghĩa là: "Có mười (đứa con) thì cả mười đứa đều tốt nết, chỉ có một đứa thôi thì chính đứa ấy chẳng ra gì. Hay dùng để than phiền về sự dễ hư hỏng của lắm đứa con một".

Cắt nghĩa như vậy có thể nói là chưa thật đầy đủ.

Ảnh: TL

Đây đúng là câu tục ngữ nói về chuyện con cái của mọi nhà. Trai gái đến tuổi trưởng thành sẽ kết duyên thành vợ chồng. Tiếng Việt nói "lập gia đình" với hàm ý anh chị nọ cùng nhau dựng nên tổ ấm. Họ sẽ sinh con đẻ cái và nuôi nấng chúng nên người. Âu cũng là quy luật ngàn đời của tạo hóa lâu nay.

Nhưng có điều này, không theo quy luật tạo hóa nhưng lại là lẽ thường hay xảy ra. Thực tế có nhiều gia đình sinh nhiều con (2 hoặc nhiều hơn thế). Nhưng cũng không ít gia đình thì chỉ sinh duy nhất có một.

Lý do thì có nhiều: do quan niệm cũ (cứ đẻ nhiều, đông con thì đông của; hay theo lẽ tự nhiên "trời sinh voi trời sinh cỏ"; hay muốn "có nếp có tẻ", nhà chưa có con trai khát con trai nối dõi, nhà chưa có con gái thêm cô "công chúa" cho đẹp đội hình...). Nhưng xu hướng đẻ nhiều con đang giảm dần.

Cũng bởi do áp lực giảm dân số mà Nhà nước có chủ trương hạn chế (có nơi quy định rất khắt khe) hay do điều kiện kinh tế không cho phép và cũng bởi quan niệm bây giờ đẻ ít con để có điều kiện nuôi nấng con tốt hơn, chu đáo hơn. Chứ nuôi cho một đứa con lớn lên thành tài phải lo lắng vất vả trăm bề. Chúng ta tôn trọng sở nguyện và điều kiện của mỗi gia đình trong chuyện này. Quan niệm xưa kia, phải sinh con trai nối dõi cũng cũng không còn gay gắt như trước.

Song éo le, có nhà con đông cháu đống, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, ấy vậy mà các con của họ đều lớn lên khỏe mạnh và điều đáng nói là đều phương trưởng, giỏi giang. Nhà hai con, ba con, thậm chí bảy tám chín người con tất cả đều thành đạt, nghề nghiệp ổn định, có nhà cửa đàng hoàng, rất đáng mở mày mở mặt với thiên hạ. Ấy thế nhưng lại có nhà con một, hoàn cảnh kinh tế và gia cảnh không đến nỗi (có khi vượt lên nhiều người về điều kiện mọi nhẽ) mà "hoàng tử" hay '"công chúa" của họ lại không được như ý.

Sức khoẻ có thể không được tốt (ốm đau quặt quẹo). Thôi cũng là điều không may. Nhưng buồn hơn cả là quý tử này lại không được như ý nguyện gia đình về nghiệp học hành, tu dưỡng. Được chiều chuộng đủ thứ, những đứa trẻ trở nên sang chảnh. Ăn uống cảnh vẻ kén cá chọn canh. Không chịu học hành nghiêm chỉnh (chỉ thích chơi bời đủ thứ). Không chịu tham gia, giúp đỡ gia đình những công việc thường nhật "thổi cơm chẳng chín, quét nhà chẳng nên" (thành kẻ lười biếng, vụng về, không tạo cho mình những kĩ năng lao động cần có).

Đặc biệt, không ít những đứa trẻ lớn lên lệch lạc về nhân cách: ích kỷ, vô tâm vô tình với gia đình và mọi người xung quanh. Chúng dửng dưng với niềm vui nỗi khổ của cộng đồng. Chúng xa lạ ngay chính với bố mẹ, người thân trong gia đình của chúng.

Thật buồn, có những quý tử được coi là niềm hi vọng lớn lao của các gia đình cuối cùng lại trở thành nỗi thất vọng vô bờ. Không ít những đứa con suốt đời ăn báo cô cha mẹ, chẳng giúp cho cha mẹ điều gì, ngay cả lời hỏi han chia sẻ làm ấm lòng các bậc sinh thành cũng không.

Trẻ cậy cha, già cậy con. Nhiều ông bố bà mẹ tuổi cao ốm yếu, rất cần sự chăm sóc của đứa con duy nhất đã hoàn toàn mất chỗ dựa. Họ không những phải tự lo cho cuộc đời của họ mà còn tiếp tục phải lo cho đứa con dứt ruột của mình.

Cũng có trường hợp, đứa con của gia đình nọ cũng học hành đến nơi đến chốn, được thừa hưởng nền nếp gia phong và có khi cả gia tài không nhỏ của bố mẹ để lại.

Nói tóm lại là họ không khó khăn, kém cạnh gì. Nhưng họ lại vô tâm, thiếu trách nhiệm thực hiện bổn phận của con cái. Sẵn tiền, họ bỏ mặc cha già mẹ yếu cho người giúp việc, cho bệnh viện, cho nhà dưỡng lão... để rảnh rang với cuộc sống riêng, mặc cho bố mẹ ngày đêm mong ngóng con mình, dù chỉ là một lời an ủi lúc trái gió trở trời.

Ca dao Việt Nam có câu: "Người ta có năm có mười thì tốt/ Còn tôi sao có một lại vô duyên" (cũng có trường hợp không chỉ con độc nhất - mà là con trai hay con gái duy nhất trong một gia đình đông anh em, do ít mà được chiều chuộng thì cũng giống như thế). Lời than thân trách phận này chính là lời cảnh tỉnh với mọi gia đình. Tiên trách kỉ hậu trách nhân. Bố mẹ trách con cái một phần thì cũng phải trách mình nhiều phần. Bởi vì chưng nên nỗi?

Chính thái độ, cách giáo dục và sự nuông chiều của bố mẹ nhiều khi là tác nhân làm cho mọi thứ không như ý mình. Đến khi nhận ra và nghĩ lại, hỡi ôi, đã muộn mất rồi.

Tưởng ít sẽ hoá thành vàng

Ai dè cái dở lại càng dở thêm…

PGS-TS. Phạm Văn Tình

Từ khóa » Nói Về Sự Vô Duyên