Có Nên Kỳ Vọng Vào Cổ Phiếu Ngành Bán Lẻ? - Vnbusiness

Theo quan sát của VnBusiness, tuần qua (18 - 22/7), nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ đang có tín hiệu tích cực trở lại khi ghi nhận nhiều phiên tăng giá liên tiếp.

67301-1658743538-1658743768-8941-1658743

Mẫu hình cổ phiếu MWG. (Ảnh chụp bảng giá SSI ngày 25/7)

Dấu hiệu tăng trở lại

Chẳng hạn, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động từ 61.000 đồng/cp lên 64.500 đồng/cp, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan tăng từ 102.000 đồng/cp lên 108.500 đồng/cp, cổ phiếu FRT của FPT Retail tăng từ 70.600 đồng/cp lên 76.500 đồng/cp, cổ phiếu PNJ của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng từ 110.500 đồng/cp lên 114.500 đồng/cp…

Trước đó, từ đầu tháng 6 đến chốt phiên ngày 19/7, nhiều cổ phiếu ngành bán lẻ đã ghi nhận mức sụt giảm khá lớn như cổ phiếu PNJ giảm từ vùng 128.000 đồng/cp xuống 110.500 đồng/cp (-13,6%); cổ phiếu DWG của Digiworld giảm từ 139.000 đồng/cp xuống 55.600 đồng/cp (-60%), cổ phiếu FRT giảm từ 136.000 đồng/cp xuống 70.600 đồng/cp (-48%), cổ phiếu PET của Dịch vụ tổng hợp dầu khí giảm từ 45.900 đồng/cp xuống 34.000 đồng/cp (-26%)...

Tương tự, cổ phiếu MWG của “ông lớn” ngành bán lẻ Thế giới Di động cũng rơi vào xu thế giảm giá như các cổ phiếu cùng nhóm ngành.

Trong bài viết “Cổ phiếu MWG đang mất dần vị thế?” đăng ngày 18/7/2022, VnBusiness đã phản ánh, tính từ phiên 6/6 đến chốt phiên ngày 15/7, cổ phiếu MWG đã giảm từ 154.700 đồng/cp xuống 61.500 đồng/cp, tương đương giảm hơn 60% chỉ trong vòng 5 tuần. Còn nếu tính từ mức đỉnh 160.200 đồng/cp (phiên 15/4), cổ phiếu này đã giảm gần 62%.

Lý giải vì sao giá cổ phiếu MWG trong thời gian qua lại có sự chênh lệch giảm lớn như vậy, đại diện của Thế giới di động, ông Trịnh Quang Khải cho VnBusines biết là do doanh nghiệp này đã thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 1:1, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1 cổ phiếu phát hành thêm. "Do phát hành thêm cổ phiếu, dẫn tới giá trị của mỗi cổ phiếu MWG trên thị trường chứng khoán từ ngày 16/6/2022 (thời điểm Thế giới Di động chi trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu) sẽ tự động giảm đi 50% giá trị, mà không phải do ảnh hưởng của thị trường hay phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của công ty", ông Khải giải thích.

Chia sẻ với VnBusiness, chuyên viên tư vấn chứng khoán Đào Đình Tùng, Chứng khoán Mirae Asset cho biết, xét về kỹ thuật, cổ phiếu MWG đang xác nhận mẫu hình 2 đỉnh đảo chiều sang xu hướng giảm. Hiện tại, cổ phiếu đang có xu hướng hồi ngắn hạn khi chạm mốc hỗ trợ 64, đường MA200, tương ứng với vùng giá 68 đang là kháng cự của cổ phiếu này.

“Kết hợp với các yếu tố chia cổ tức làm nguồn cung gia tăng thì khuyến nghị cần quan sát theo dõi thêm, chưa nên có động thái mua cổ phiếu MWG ở thời điểm hiện tại”, ông Tùng nói.

Nhìn chung, đà giảm của nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ trong thời gian qua được cho là rơi vào áp lực chốt lời ngắn hạn sau khi tăng quá mạnh trong thời gian trước.

Bên cạnh đó, những con số cho thấy lạm phát không ngừng tăng cao, nhu cầu tích trữ của người dân suy giảm, nên sức mua kém hơn trước, điều này dự báo đà tăng trưởng của ngành bán lẻ có thể sẽ không được “tươi” như trong quý I/2022.

FiinTrade ước tính, lợi nhuận quý II/2022 của các doanh nghiệp bán lẻ như Digiworld và FPT Retail có thể giảm tốc so với mức tăng trong hai quý liền trước, bởi sức mua các sản phẩm điện tử (nhất là laptop) sụt giảm. Điều này cũng đang diễn ra ở các doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ khác như Thế giới Di động.

SSI Research cho rằng, lạm phát gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ có thể không cao như kỳ vọng trước đây. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận của Digiworld và FPT Retail đã đạt đỉnh vào quý IV/2021, còn Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận có thể đạt đỉnh vào quý III/2022.

Vẫn sẽ có những câu chuyện hay

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Digiworld đánh giá, lạm phát ở Việt Nam hiện không cao, chỉ khoảng 2 - 3%, nên sức cầu tiêu dùng trong nước sẽ không ảnh hưởng nhiều. Do đó, các ngành hàng mà công ty đang kinh doanh không có sự thay đổi đáng kể.

Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng nội địa giai đoạn cuối năm nay sẽ tốt hơn, kinh tế vĩ mô dần tốt hơn với mức tăng trưởng GDP cao và việc làm quay trở lại, giúp thu nhập của người dân cao hơn. Vì vậy sức cầu tiêu dùng cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

“So với kế hoạch cả năm, công ty đã thực hiện được 45% chỉ tiêu đề ra. Thông thường, kết quả đạt được nửa đầu năm chiếm dưới 40% kế hoạch cả năm nên Digiworld tự tin sẽ đạt được mục tiêu kinh doanh năm 2022 là doanh thu 26.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 800 tỷ đồng”, ông Việt nói.

nganh-ban-le-jpeg-1658743354-8709-165874

Một số ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu vẫn có thể đạt mức tăng trưởng dài hạn ổn định nhờ mở rộng thị phần.

Mới đây, "đại gia" ngành trang sức Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với doanh thu thuần đạt gần 8.100 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 80% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế sau 6 tháng đạt 1.088 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng doanh thu. So với kế hoạch kinh doanh năm được đại hội đồng cổ đông thông qua, doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 70% chỉ tiêu doanh số và đạt 83% mục tiêu lợi nhuận chỉ sau 1/2 thời gian.

Nhìn chung, không thể phủ nhận lạm phát sẽ gây nên những nhịp chững lại về mặt tăng trưởng của tiêu dùng nội địa, song ở góc độ tích cực, một số ý kiến vẫn cho rằng, kinh tế đang dần hồi phục, thu nhập người dân cao hơn, sẽ bù đắp lại ảnh hưởng này. Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu vẫn có thể đạt mức tăng trưởng dài hạn ổn định nhờ mở rộng thị phần.

Báo cáo của Navigos Group cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, VietnamWorks đã ghi nhận hơn 65.000 tin đăng tuyển việc làm, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tăng cao trong quý III/2022 như tài chính, kiểm toán, bán lẻ, công nghệ thông tin...

Theo báo cáo, đối với ngành bán lẻ, các doanh nghiệp thuộc mảng này đang đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng, cần tuyển dụng số lượng lớn nhân sự trong vòng 3-6 tháng tới.

Hơn nữa, việc các “ông lớn” nước ngoài có động thái khai trương thêm cửa hàng, hay như có kế hoạch rót vốn mở rộng thêm quy mô như Uniqlo, Muji, AEON và gần đây nhất là Tập đoàn Central Retail, cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều sức hút. Mặc dù, điều này cũng sẽ gây áp lực đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, đòi hỏi các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần có chiến lược kinh doanh để duy trì được doanh thu của doanh nghiệp.

Đánh giá về cổ phiếu bán lẻ, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, chuyên gia cao cấp Chiến lược đầu tư Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Chứng khoán SSI cho rằng, cổ phiếu bán lẻ vẫn sẽ có những câu chuyện rất hay về mặt tăng trưởng dài hạn trong 2 - 3 năm tới.

“Nhà đầu tư nên tập trung vào những doanh nghiệp đầu ngành, có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng trong cả năm 2022 và 2023”, ông Tâm khuyến nghị.

Hải Giang

Từ khóa » định Giá Cổ Phiếu Bán Lẻ