Có Nên Lén Cho Chồng Uống Thuốc Cai Nhậu? - Báo Tuổi Trẻ

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y dược TP.HCM:

- Thuốc có tên Espéral mà em hỏi chính là disulfiram (ngoài Espéral, disulfiram còn có tên biệt dược khác là Antabuse). Xin đặc biệt lưu ý việc em dự định mua thuốc Espéral về lén cho ông xã uống, nếu anh ấy uống mà không biết và đồng thời vẫn uống rượu thì việc làm của em hết sức nguy hiểm, không khác nào em đầu độc anh ấy.

Từ lâu, các nhà khoa học đã nỗ lực tìm ra thuốc trị nghiện rượu nhưng vẫn chưa tìm được thuốc cho tác dụng hoàn hảo. Hiện có thứ thuốc cho là chữa chứng nghiện rượu nhưng thực chất chỉ là ngăn chặn sự chuyển hóa và đào thải rượu, làm rượu tích lũy lại trong cơ thể dưới dạng độc chất gây phản ứng rất khó chịu đối với dân nhậu, khiến dân nhậu quá kinh hãi vì thế không dùng rượu nữa. Thuốc đó chính là disulfiram.

Rượu có chứa cồn etylic, chất này không có giá trị dinh dưỡng và cơ thể ta xem rượu là độc chất. Uống rượu vào, gan phải làm việc cật lực để chuyển hóa rượu nhằm loại trừ chất độc này. Tác dụng của disulfiram là ngăn chặn sự chuyển hóa rượu, chỉ cho nó chuyển hóa thành acetaldehyd rồi thôi, vì acetaldehyd rất độc sẽ làm người đã uống rượu lại thêm uống thuốc sẽ bị ngộ độc: tim đập mạnh, mặt bừng đỏ, ói mửa, đổ mồ hôi, hạ huyết áp, chóng mặt, nhức đầu dữ dội… Chính tác dụng gây vật vã khó chịu này (có thể làm người bị ngộ độc cứ tưởng mình sắp lìa trần đến nơi) khiến người uống rượu thấy ghê sợ không muốn uống rượu nữa.

Như vậy, em không thể tự ý mua thuốc Espéral về lén cho ông xã uống, anh ấy uống thuốc mà không biết và tiếp tục uống rượu sẽ “tẩu hỏa nhập ma” do thuốc và rượu hiện diện cùng lúc trong cơ thể gây ngộ độc, thường là rất nặng phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện, nếu không cấp cứu kịp có thể tử vong. Tốt nhất em nên thuyết phục anh ấy đến bác sĩ để được tư vấn chữa nghiện rượu.

Phương pháp dùng thuốc chữa nghiện rượu vừa kể có thể gọi là lấy độc trị độc, và chỉ có bác sĩ mới là người biết cách “lấy độc” bao nhiêu vừa đủ để “trị độc”. Ở nước ngoài, nghiện rượu thường được chữa trong bệnh viện, khi dùng thuốc disulfiram phải được bác sĩ theo dõi chặt chẽ vì dùng không đúng có thể bị tai biến. Để trị được chứng nghiện rượu, phải dùng thuốc lâu dài và đòi hỏi người nghiện rượu có quyết tâm từ bỏ rượu.

Gần đây, ở nước ngoài còn nghiên cứu dùng một số loại thuốc chữa nghiện rượu như: naltrexone (thuốc đã được dùng chữa ngộ độc ma túy), tiapride (thuốc an thần kinh dùng trong chuyên khoa tâm thần) hoặc thuốc mới nhất là Campral. Các thuốc sau có tác dụng sửa chữa một số rối loạn là làm giảm sự thèm rượu, nhưng vẫn đòi hỏi sự quyết tâm bỏ rượu của người nghiện rượu. Tất cả các thuốc vừa kể đều hoặc gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến hệ thần kinh chứ không thuốc nào hoàn toàn vô hại.

Từ khóa » Thuốc Cai Rượu Là Gì