Có Nên Tắm Cho Trẻ Sau Khi Tiêm Phòng Hay Không? Đừng Bỏ Lỡ!

Sau khi bé được chủng ngừa, việc gặp phải các phản ứng nhẹ như sốt hay sưng tại chỗ tiêm có thể khiến ba mẹ lo lắng không biết có nên tắm cho trẻ sau khi tiêm phòng không. Thật ra, những phản ứng này là bình thường và bạn vẫn nên duy trì việc giữ vệ sinh cơ thể cho bé.

Việc chủng ngừa bằng vắc xin sẽ bảo vệ con bạn khỏi các bệnh nghiêm trọng như viêm não, bại liệt, sởi, ho gà… Tuy nhiên, vắc xin cũng có thể có tác dụng phụ như các loại thuốc khác. Đôi khi, những phản ứng sau khi tiêm phòng này có thể khiến ba mẹ lo lắng và tránh tắm cho con vì sợ bé sẽ bị nặng hơn. Thế nhưng, ba mẹ cần biết những phản ứng nào là bình thường để quyết định có nên tắm cho trẻ sau khi tiêm phòng không.

Các phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin cho trẻ

Các loại vắc xin giúp bé tạo ra kháng thể, một loại protein trong máu có chức năng phòng chống bệnh. Sau khi tiêm vắc xin, bé có thể có một số phản ứng nhẹ và đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể con đang tạo ra các kháng thể. Thông thường, những phản ứng phụ sau tiêm sẽ tự biến mất trong vòng vài ngày. 

Các phản ứng sau tiêm phổ biến nhất mà bé có thể gặp bao gồm:

  • Sốt nhẹ
  • Khó ngủ
  • Khó chịu
  • Sưng nhẹ tại chỗ tiêm
  • Đau hoặc nổi mẩn đỏ tại chỗ tiêm

Đôi khi, việc chủng ngừa vắc xin DTaP và vắc xin phế cầu khuẩn còn có thể gây ra các phản ứng phụ khác như sưng toàn bộ chân hoặc cánh tay.

Ngoài các phản ứng thường thấy trên, bé cũng có thể gặp một số phản ứng ít phổ biến hơn bao gồm:

  • Nôn
  • Uể oải
  • Chán ăn… 

Có nên tắm cho trẻ sau khi tiêm phòng không?

có nên tắm cho trẻ sau khi tiêm phòng

Tâm lý sợ vết tiêm nhiễm trùng hay các phản ứng phụ nặng thêm có thể khiến các bậc cha mẹ băn khoăn tự hỏi có nên tắm cho trẻ sau khi tiêm phòng không. Thế nhưng, bé vẫn có thể tắm hoặc thậm chí là đi bơi dù có gặp các phản ứng phụ nhẹ kể trên. Việc tắm cho bé sau khi tiêm vắc xin sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và những phản ứng phụ sẽ tự khỏi trong khoảng 2 – 3 ngày.

Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc hoãn việc tắm cho bé nếu thấy con bị sốt cao trên 38 độ C sau khi tiêm. Bên cạnh đó, các bé bị sốt hoặc khó chịu kéo dài vài ngày hoặc vài tuần sau khi tiêm có thể chưa thể đi bơi. Nếu bé gặp những tình trạng này, bạn cần đưa con đi khám sớm để bác sĩ tư vấn cách chăm sóc phù hợp.

Mách mẹ cách chăm sóc bé sau khi tiêm vắc xin

Bên cạnh việc vệ sinh cơ thể cho con sau khi tiêm phòng, bạn cũng có thể giúp bé bớt khó chịu bằng một số cách như:

  • Dỗ dành bé nhiều hơn
  • Cho con bú, uống sữa hay uống nước thường xuyên hơn
  • Nếu chỗ tiêm bị đỏ hoặc ấm, bạn có thể chườm khăn ướt lên tay hoặc chân bé. Tuy nhiên, bạn không nên chườm lạnh (khăn ướp lạnh hay đá) cho bé.
  • Nếu bé cảm thấy nóng, bạn hãy cho con mặc đồ thoáng mát và tránh đắp nhiều chăn cho con.
  • Nếu bé bị sốt hoặc bị đau, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để cho con uống thuốc giảm đau hạ sốt có paracetamol hoặc ibuprofen. 

Phản ứng nguy hiểm sau tiêm bạn cần chú ý

Bên cạnh việc theo dõi các phản ứng thông thường để quyết định có nên tắm cho trẻ sau khi tiêm phòng không, bạn cũng cần chú ý một số phản ứng nguy hiểm. Một số bé có thể bị dị ứng với một số loại vắc xin nhất định và sẽ gặp các phản ứng nguy hiểm trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi tiêm. 

Bạn cần quan sát bé và báo cho bác sĩ biết nếu con gặp các dấu hiệu như:

  • Co giật
  • Nổi mẩn
  • Khàn tiếng
  • Da nhợt nhạt
  • Choáng váng
  • Tim đập nhanh
  • Sốt trên 40 độ C
  • Thấy yếu trong người
  • Bị sưng ở mặt hoặc cổ họng
  • Gặp khó khăn khi thở, ví dụ như thở khò khè… 

Bạn cũng cần cho bé đi gặp bác sĩ nếu con quấy khóc trong 3 giờ hoặc lâu hơn mà bạn không thể dỗ con nín.

Ba mẹ không nên quá lo lắng về việc mình có nên tắm cho trẻ sau khi tiêm phòng hay không nếu con chỉ gặp một số phản ứng phụ như sưng nhẹ ở chỗ tiêm hay hơi khó chịu. Những phản ứng phụ này sẽ tự khỏi trong vài ngày và bạn cần duy trì việc vệ sinh cơ thể cho con. Tuy nhiên, bạn cần đưa bé đi khám và nhờ bác sĩ tư vấn cách chăm sóc thích hợp nếu tình trạng sốt hay khó chịu này kéo dài quá lâu.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Từ khóa » Tiêm Vaccine Bị Sốt Có Nên Tắm Không