Cổ Phiếu Giảm Về Dưới 77.000 đồng, Vinamilk Rớt Top 10 Vốn Hóa

Sau đợt giảm cuối tuần trước, cổ phiếu VNM đã hồi phục 2,11% trong phiên đầu tuần. Vậy nhưng tình trạng giảm giá lại trở lại trong phiên 22/3 khi mã này đánh mất 0,9% và đóng cửa tại 76.900 đồng/cổ phiếu.

Thị giá của VNM thời điểm này vẫn chưa cải thiện là bao so với mức đáy 75.100 đồng/cổ phiếu thiết lập hôm 9/3. Giá trị vốn hóa thị trường của Vinamilk đang là 160.717,6 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp rớt khỏi top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường. Vị trí cuối cùng trong top 10 vốn hóa là VPBank với giá trị vốn hóa đạt 163.815,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu giảm về dưới 77.000 đồng, Vinamilk rớt top 10 vốn hóa - 1

Top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán hiện nay (Ảnh chụp màn hình).

VNM phiên 22/3 giảm trong khi toàn thị trường chứng khoán có đến 650 mã tăng giá, 63 mã tăng trần so với 404 mã giảm, 15 mã giảm sàn. VNM cũng là 1 trong 4 mã thuộc rổ VN30 giảm và là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index, kéo giảm chỉ số chính xuống 0,37 điểm.

VN30-Index tăng 10,73 điểm tương ứng 0,71% lên 1.513,4 điểm và theo đó hỗ trợ VN-Index tăng 8,83 điểm, tương ứng 0,59% lên 1.503,78 điểm. HNX-Index tăng 3,05 điểm, tương ứng 0,67% lên 461,35 điểm và UPCoM-Index tăng 0,62 điểm, tương ứng 0,54% lên 116,8 điểm.

Đà suy giảm của cổ phiếu VNM diễn ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của "bà trùm" ngành sữa có dấu hiệu chững lại.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), năm 2022, Vinamilk vẫn gặp thách thức trong việc tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ phục hồi ở mức thấp hơn kỳ vọng sau Covid-19 mặc dù Chính phủ sẽ không còn thực hiện các biện pháp phong tỏa.

Trong bối cảnh thị trường trong nước tăng trưởng chậm lại do nhu cầu tiêu thụ chậm và xu hướng giảm trong tiêu dùng, Vinamilk đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy bán hàng bằng cách tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia lân cận, xây dựng danh mục sản phẩm mới.

VCBS dự phóng doanh thu thuần năm 2022 của Vinamilk sẽ tăng trưởng 2,5% đạt 62.442 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 11.065 tỷ đồng (tăng 5,1% so với năm 2021).

"Trong giai đoạn 2-3 năm tới Vinamilk không còn nhiều dư địa tăng trưởng, mặc dù Vinamilk đã tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Chiến lược mới như mở rộng sang các mảng khác như thịt bò kỳ vọng đến năm 2023 mới có thể đóng góp nhiều cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp", theo VCBS.

Cổ phiếu giảm về dưới 77.000 đồng, Vinamilk rớt top 10 vốn hóa - 2

Diễn biến cổ phiếu VNM trong một năm trở lại đây (Ảnh chụp màn hình).

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thì cho rằng, triển vọng tăng trưởng trung bình một chữ số của Vinamilk (bao gồm tăng trưởng EPS 4% trong năm 2022) sẽ hạn chế khả năng đánh giá lại với định giá của cổ phiếu.

Tuy nhiên, mức P/E 2022 của VNM là 17 lần (dựa trên dự báo của VCSC) vẫn tương đối hấp dẫn so với mức P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực là 26 lần. VNM cũng có mức lợi suất cổ tức khá cao khoảng 5%.

Theo báo cáo thường niên 2021 vừa được Vinamilk công bố, công ty này dự kiến sẽ nới rộng thị phần thêm 0,5% lên 56% năm 2022 và tổng doanh thu cũng tăng nhẹ gần 5% lên 64.070 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế Vinamilk dự kiến chỉ ở mức 12.000 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với kết quả đạt được năm 2021.

Mục tiêu đến năm 2026, Vinamilk kỳ vọng sẽ đạt 86.200 tỷ đồng tổng doanh thu và 16.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tăng trưởng kép giai đoạn 2021 - 2026 tương ứng ở mức 7,2% đối với doanh thu và 4,4% đối với lợi nhuận.

Từ khóa » Eps Của Vinamilk