Cổ Phiếu Họ Louis: Bài Học đu đỉnh Bắt Bóng Khi Chưa Thấy Hình

Tham vọng lớn

Lần đầu tiên xuất hiện trước giới báo chí của ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Louis Holdings sau chuỗi ngày giảm sâu của các cổ phiếu trong “họ Louis” như BII, TGG, APG, SMT, TDH, DDV, AGM… là tại sự kiện bổ nhiệm Tổng giám đốc Công ty - ông Nguyễn Mai Long, diễn ra vào đầu tuần qua.

Chủ trì chính là ông Long và Ngô Thục Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Louis Capital (mã TGG) - hai nhân sự được giới thiệu là có kinh nghiệm về lĩnh vực tài chính, đầu tư mới tham gia vào hệ sinh thái Louis.

Ông Long, tân Tổng giám đốc cho biết, Louis Holdings định hướng phát triển thành một tập đoàn đa ngành, đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi: nông nghiệp, đầu tư - M&A, bất động sản, công nghiệp. Đặc biệt, Louis AMC sẽ thực hiện mua bán nợ - lĩnh vực được lãnh đạo Louis Holdings dự báo là đầy tiềm năng trong giai đoạn hậu Covid-19.

Đặc điểm chung ở các công ty mà Louis Holdings rót vốn đa phần đều có quy mô nhỏ, kinh doanh không ấn tượng, thậm chí “chỉ còn cái vỏ” - mà theo quan điểm của lãnh đạo Công ty là “khi tham gia đầu tư đều có nhận định chi tiết, các công ty đang gặp khó khăn thì đó là cơ hội”. Ngoại trừ AGM kinh doanh tạm ổn định, DDV đang có sự cải thiện - nhưng ở cả hai doanh nghiệp này, Louis Holdings chưa sở hữu chi phối chính thống - tức thể hiện bằng tỷ lệ sở hữu hoặc được ủy quyền đích danh trên sổ sách.

Một điểm đáng lưu ý là các công ty được hiểu là trong hệ thống Louis Holdings kiểm soát chi phối thì công ty này sở hữu vài phần trăm cổ phần. Liệu có các cổ đông ẩn danh đứng sau Louis Holdings là câu hỏi được cả thị trường quan tâm.

Ông Vũ chia sẻ, Louis Holdings được các cổ đông khác uỷ quyền để tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp thì mới có thể tham gia, như ở SMT, AGM. Còn như APG, Công ty chỉ đầu tư hơn 5%, nếu các cổ đông lớn khác không cùng mục tiêu chiến lược, không ủng hộ thì không thể tham gia sâu hơn.

Như SMT, dù Louis Holdings chỉ nắm hơn 20% nhưng một số cổ đông lớn có đường hướng phát triển phù hợp nên đã ủy quyền cho Công ty tham gia tái cấu trúc nên đây sẽ là khoản đầu tư dài hạn.

Vấn đề tiền đâu?

Kế hoạch phát triển 4 mảng kinh doanh trụ cột kể trên của Louis Holdings cần bộ máy nhân sự, quản trị vận hành chuyên nghiệp, chuyên môn.

Trong khi đó, bản thân ông Nhân và các nhân sự hiện hữu ở các đơn vị thành viên đa phần chưa có kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, M&A, ngoại trừ vài nhân sự mới được tuyển dụng gần đây. Điển hình như tại Louis Capital, cuối tháng 6/2021 chỉ có 4 nhân sự, ít hơn cả số thành viên Hội đồng quản trị Công ty - tín hiệu cho một doanh nghiệp không có hoạt động đáng kể.

Nguồn lực tài chính cho các kế hoạch đầu tư bơm vốn cũng chưa nhìn thấy đâu trên các báo cáo tài chính.

Khi được hỏi về tổng nguồn vốn ước tính để thực hiện các kế hoạch đầu tư ở các đơn vị thành viên, ông Long cho biết, “không có con số tổng thể, mà quản lý theo từng dự án, sẽ đi theo quy luật thị trường và quy luật sản xuất”.

Hiện Công ty có hợp đồng tín dụng và một số nguồn có thể dự trù như tới đây sẽ tăng vốn gấp đôi, lên khoảng hơn 1.300 tỷ đồng. Trong cơ cấu cổ đông của Louis Holdings hiện có ông Vũ Ngọc Long, nguyên Tổng giám đốc, sở hữu khoảng 27%; ông Đỗ Thành Nhân, sở hữu hơn 20%, và các cổ đông khác. Mục tiêu của Louis Holdings là tăng vốn và trở thành công ty đại chúng.

Nguồn vốn thứ hai là trong hệ sinh thái có các đơn vị thành viên ở các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, cũng tạo ra dòng tiền, trong đó có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh gạo rất tốt.

Louis Holdings sẽ không chỉ dựa vào nguồn lực nội tại, mà thông qua các dự án đầu tư sẽ kết nối các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư tham gia, quan trọng là cách làm. Ông Long cho biết, hiện nay, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến Louis Capital và mong muốn phối hợp với Louis Capital cùng đầu tư phát triển trong lĩnh vực mua bán nợ tại Louis AMC và các dịch vụ tài chính.

Danh tính các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tài chính tham gia vào hệ sinh thái Louis Holdings chưa được công bố, vì chưa được sự đồng ý của các bên.

Nhìn vào kế hoạch phát hành của các đơn vị thành viên cũng có thể thấy, đây là nguồn đáng kể, đặc biệt đặt trong bối cảnh giá cổ phiếu tăng mạnh ở tất cả các cổ phiếu thành viên thời gian qua.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng, các cổ phiếu này cần lấy lại niềm tin ở cổ đông sau khi đã tăng quá nóng và điều chỉnh, gây thua lỗ nặng cho nhiều nhà đầu tư, trước khi tính đến chuyện huy động vốn.

Dấu hỏi về sở hữu tại AGM

Theo kế hoạch, Louis Holdings sẽ nâng sở hữu chi phối 51% tại AGM. Điều này gây ngạc nhiên, bởi hồi tháng 6/2021, ông Nhân từng chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, Louis Holdings sở hữu 62% cổ phần AGM, có quyền chi phối doanh nghiệp này, còn cá nhân ông Nhân sở hữu 8,16% vốn. Hiện ông Nhân đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị AGM.

Bản công bố thông tin về cơ cấu cổ đông của AGM cũng chưa xuất hiện cổ đông lớn Louis Holdings, chỉ mới có tên ông Nhân và TGG (đang đăng ký thoái toàn bộ). Ngoài ra, AGM còn có cổ đông lớn khác là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ 28,17% cổ phần. SCIC có kế hoạch thoái vốn tại AGM trong năm 2021.

Câu hỏi đặt ra, nếu Louis Holdings thực sự muốn chi phối AGM thì cơ hội mua lại lô thoái vốn của Nguyễn Kim được đánh giá là phù hợp nhất, bởi lúc đó, AGM chưa được thị trường chú ý, giá cổ phiếu trên sàn cũng rất thấp, khoảng 10.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu.

Thêm một diễn biến trái ngược là, trước diễn biến tăng giá ấn tượng của cổ phiếu AGM, cổ đông lớn cũng nằm trong hệ sinh thái Louis Holdings là TGG (tên cũ là Công ty cổ phần Xây dựng và đầu tư Trường Giang) đăng ký thoái sạch 4,6% vốn ở AGM.

Ông Vũ lý giải, với TGG thì AGM là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.Khi quan sát thấy giá cổ phiếu thấp hơn so với giá mua vào của nhóm cổ đông lớn vào ngày 27/5/2021, TGG đã đầu tư AGM và thu về lợi nhuận không nhỏ trong quý III/2021.

Còn nhà đầu tư trong cơn say cổ phiếu họ Louis không biết đâu là khoản đầu tư dài hạn, ngắn hạn của TGG nên đã khá sốc khi TGG bán ra cổ phiếu AGM.

Ông Long cho biết, Louis Holdings muốn đầu tư chi phối là TGG, BII và sắp tới là AGM. Nhưng có những khoản đầu tư do đặc thù thị trường, như giá lên quá cao, hay cổ đông lớn nắm giữ cổ phần không muốn bán ra nên không thể đầu tư chi phối.

Còn các khoản khác, nói là ngắn hạn cũng không hoàn toàn đúng, vì có các khoản đầu tư đang trong lộ trình tìm kiếm các cơ hội để mua thêm, gia tăng tỷ lệ sở hữu.

Với riêng TGG, trong định hướng phát triển là định chế đầu tư thì chuyện đầu tư ngắn hạn hay dài hạn, theo ông Long, là kế hoạch rất uyển chuyển, vì có thể thông tin tại thời điểm đầu tư là dài hạn nhưng không mua được thì chuyển thành ngắn hạn; hay có khoản dự định đầu tư ngắn hạn, nhưng khi vào đầu tư thấy các cơ hội kinh doanh tuyệt vời thì chuyển thành dài hạn.

Như vậy, câu trả lời cho các nhà đầu tư đu đỉnh cổ phiếu họ Louis vừa phải cắt lỗ hay còn chờ “về bờ” đã rất rõ ràng. TGG chỉ là một công ty đầu tư mới, nếu không muốn nói là tay mơ trong đầu tư và M&A, không thể viết nên câu chuyện sức mạnh Phù Đồng cho chính họ cũng như cho các doanh nghiệp mà họ đầu tư vào tương ứng với đà tăng giá cổ phiếu vừa qua.

Từ khóa » Các Công Ty Họ Louis