Cổ Phiếu OGC : Bao Giờ Cho đến... Ngày Xưa?

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/8, thị giá cổ phiếu OGC ở mức 2.380 đồng/cp, cách quá xa so với “quá khứ vàng son” của những năm 2014.

Ngoài ra, OGC vẫn tiếp tục nằm trong diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2017 là –472,51 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2017 là –2.884,12 tỷ đồng và vẫn còn vấn đề ngoại trừ và nhấn mạnh đã tồn tại trước đây.

Quá khứ đeo bám

Vừa qua, Ocean Group đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niêm năm 2018 (ĐHĐCĐ) lần thứ ba, sau khi hai cuộc họp trước đó không đủ điều kiện tiến hành.

Đã thành thường lệ kể từ ngày ông Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch OGC) bị bắt năm 2014, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của OGC luôn phải tổ chức đến lần thứ ba mới thành công.

Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT, ông Lê Quang Thụ, cho biết đến nay, sự cố năm 2014 vẫn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Ocean Group gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai công tác sản xuất – kinh doanh theo kế hoạch đề ra.

Tình trạng thiếu nguồn vốn, cơ cấu các khoản mục đầu tư, các khoản công nợ đến hạn phải trả lớn, cùng với đó khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay khó khăn là những vấn đề lớn của Ocean Group do uy tín thương hiệu của doanh nghiệp đã sụt giảm nghiêm trọng.

Tổng doanh thu đến năm 2017 của Ocean Group đạt 1.280 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2016 và vượt 6% kế hoạch. Tuy nhiên, do phải trích lập các khoản dự phòng khoảng 844 tỷ đồng, công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 471 tỷ đồng, trong khi kế hoạch lỗ khoảng 14 tỷ đồng.

Năm 2018, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.393 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 188 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng dự kiến thoái vốn ở các đơn vị không hiệu quả như PVR, Fafim, ONRC, OCS, thanh lý một số khoản mục đầu tư để cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động.

Theo ông Thụ, lỗ lũy kế lớn nên cổ phiếu OGC bị Sở GDCK Tp.HCM đưa vào trạng thái kiểm soát đặc biệt do lợi nhuận âm vì thực hiện trích lập dự phòng lớn. Đến nay, việc trích lập dự phòng đã hoàn thành tới 95%, theo đó, tình hình tài chính năm 2018 dự đoán là tương đối khả quan.

Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6/2018, nợ phải trả của OGC vẫn ghi nhận 4.018 tỷ đồng, chiếm 83% tổng tài sản; lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 8 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Như vậy, đã trải qua một nửa năm kinh doanh, công ty vẫn ghi nhận lỗ, tuy mức lỗ không lớn, nhưng mục tiêu lãi 188 tỷ đồng trong năm 2018 có vẻ vẫn “xa vời”.

Đáng chú ý, tại Đại hội, một cổ đông đặt câu hỏi về cơ sở cho kế hoạch lãi 188 tỷ đồng mà ban lãnh đạo đưa ra, trong khi năm 2017 vẫn lỗ 471 tỷ đồng; dự kiến trong kế hoạch này liệu có bao nhiêu phần đến từ lợi nhuận kinh doanh, bao nhiêu đến từ các khoản thoái vốn và cơ cấu các khoản đầu tư.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo im lặng và không đưa ra lý do hay con số cụ thể cho kế hoạch báo lãi tự tin này. Một điểm đáng chú ý khác trong BCTC của OGC là các khoản phải thu rất lớn, lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.

Mập mờ các khoản phải thu

Cũng tại phần chất vấn tại đại hội, cổ đông đã đưa ra ý kiến về các khoản phải thu dài hạn liên quan đến ông Hà Trọng Nam (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT) tại BCTC năm 2015, khoản ứng trước của CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương cho ông Nam và các khoản lãi phát sinh đến ngày 31/12/2014 là 628 tỷ đồng.

Ngày 5/6/2015, Phụ lục hợp đồng số 5 cho biết ông Nam có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ tiền gốc và lãi tối đa trong vòng ba năm kể từ ngày ký kết Phụ lục. Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2018, khoản phải thu liên quan đến ông Hà Trọng Nam vẫn ghi nhận 626,7 tỷ đồng. Như vậy, công tác thu hồi nợ của OGC với trường hợp ông Nam chưa có sự tiến triển nhất định.

Ông Hà Trọng Nam được biết đến là anh trai của ông Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT của Ocean Bank, Ocean Group và một loạt các công ty liên quan đến Ocean Group; Chủ tịch HĐQT CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (mã : OCH), công ty Kem Tràng Tiền (công ty con của OCH).

Ngoài khoản nợ nói trên của cá nhân ông Nam, Báo cáo tài chính của Ocean Group cũng cho thấy công ty có khoản phải thu lên đến 447 tỷ đồng đối với công ty TNHH VNT.

VNT là công ty của tư nhân do ông Hà Văn Thắm thành lập, sở hữu cổ phần chi phối tại một loạt các đơn vị như OceanBank, Ocean Group, OCH, Kem Tràng Tiền,…

Đó là chưa kể hàng loạt các khoản phải thu từ các công ty khác như : CTCP Robot Tosy 28,3 tỷ đồng, công ty do ông Hồ Vĩnh Hoàng, em vợ ông Hà Văn Thắm làm Tổng Giám đốc; CTCP Bảo Linh 75 tỷ đồng…

Từ đó, cổ đông đặt câu hỏi về tính minh bạch về các khoản vay của ông Hà Trọng Nam bởi đây là khoản vay lớn nhưng lại không có tài sản đảm bảo, thậm chí cổ đông còn cho rằng có hiện tượng dung túng của công ty đối với ông Hà Trọng Nam.

Còn nhớ hồi giữa năm 2017, cổ phiếu OGC bất ngờ tạo nên một “cơn sốt” khi tăng trần không ngừng nghỉ 12 phiên liên tiếp từ mức 1.430 đồng/cổ phiếu lên 3.130 đồng/cổ phiếu tương đương mức tăng gần 120%.

Điều này khiến các nhà đầu tư hy vọng cổ phiếu này đang tìm lại “thời vàng son”, tuy nhiên ngay sau đó đã phải chứng kiến cảnh tranh bán mà ít ai mua, “mèo vẫn hoàn mèo”.

Với bối cảnh hiện tại, việc nghĩ đến một tương lai tươi sáng đối với OGC là điều các cổ đông chưa dám kỳ vọng, bình ổn được doanh nghiệp đã là việc khó chứ chưa nói đến việc hồi phục lại giá cổ phiếu như ban đầu.

Từ khóa » Giá Cổ Phiếu Ogc Năm 2015