Cổ Phiếu PHR: 'ngôi Sao' Khó Sáng Lâu? - Vnbusiness

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2020 ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, giữa bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn vượt qua "bão Covid-19", ghi nhận mức tăng trưởng bằng lần trong quý II.

Trong khi đó, theo báo cáo của Chứng khoán Mirea Asset, làn sóng Covid-19 thứ 2 trở lại đã tiếp tục tác động đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, dòng tiền có khả năng sẽ phân hoá và tập trung vào nhóm cổ phiếu có câu chuyện thật sự tích cực, duy trì được đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khả quan năm 2020, hoặc có nền tảng cơ bản tốt thu hút được dòng tiền đầu tư trong nửa cuối năm.

"Cú hích" trăm tỷ

CTCP Cao su Phước Hoà (mã: PHR) là một cái tên đáng chú ý trong thời gian qua khi doanh nghiệp này ghi nhận hơn 274,5 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 1,3% so với quý II/2019; lợi nhuận sau thuế đạt 344,6 tỷ đồng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của Cao su Phước Hoà đạt 495 tỷ đồng, giảm 13%; lợi nhuận sau thuế đạt 556 tỷ đồng, tăng 213% so với cùng kỳ.

Cao su Phước Hoà trong biết, sở dĩ khoản lợi nhuận quý II/2020 tăng đột biến là do trong quá trình hợp tác thực hiện các dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2, công ty và CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đã ký kết hợp đồng đền bù, hỗ trợ thiệt hại.

Cao su Phước Hòa đã ghi nhận một phần tiền trong hợp đồng này là 456 tỷ đồng trong quý II vừa qua, phần còn lại theo kế hoạch sẽ nhận chậm nhất trong tháng 10/2020. 

cao-su-phuoc-hoa-7348-1597057752.jpg

Cuộc phiêu lưu mang tên bất động sản khu công nghiệp đang dẫn dắt Cao su Phước Hòa bước vào một lãnh địa mới đầy lệ thuộc

Trong một báo cáo đánh giá mới đây của Chứng khoán Mirae Asset đã đưa ra dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Cao su Phước Hòa sẽ đạt khoảng 1.370 tỷ đồng (giảm 16% so với năm 2019) và 1.031 tỷ đồng (tăng 111,4%).

Dự báo này được đưa ra dựa trên giả định giá bán cao su thành phẩm giảm 20% so với năm 2019 xuống còn 26,7 triệu đồng/tấn trước áp lực suy thoái toàn cầu do dịch bệnh. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ dự kiến tăng 15% nhờ sản lượng gia tăng từ Phước Hòa Kampong Thom.

Ngoài ra, với dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng và được ký thu hồi đất giúp cho Cao su Phước Hòa có thể ghi nhận 864 tỷ đồng, phần này hạch toán vào thu nhập khác. Thêm vào đó, doanh thu tài chính của công ty ước đạt 224 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019 nhờ khoản tiền gửi gia tăng cũng như cổ tức từ CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên và Khu công nghiệp Tân Bình.

Trong Đại hội đồng cổ đông năm 2020, Cao su Phước Hoà cho biết chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, công ty sẽ chuyển đổi khoảng 10.000 ha đất cao su để phát triển sang các lĩnh vực như phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ khoảng 6.000 ha; đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao khoảng 2.500 ha và khoảng 1.500 ha bàn giao địa phương sử dụng đầu tư phát triển kinh tế xã hội.

Cuộc phiêu lưu nhiều rủi ro

Từ những tiềm năng của doanh nghiệp, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PHR lâu nay đã trở thành một cái tên nổi bật với mức sinh lời ấn tượng. Theo số liệu thống kê trong 4 năm gần nhất, bình quân trong giai đoạn 2016-2019, cổ phiếu PHR tăng giá 51%. Trong đó, năm 2017, nhờ sự ủng hộ của thị trường chung, giá cổ phiếu PHR tăng hơn 79,5%. Trong 7 tháng đầu năm 2020, giá cổ phiếu PHR đã tăng 30,9%.

Tại báo cáo vừa qua, Chứng khoán Mirae Asset đã đưa ra đánh giá tích cực cho cổ phiếu PHR khi dự kiến thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2020 của PHR đạt khoảng 7.609 đồng/cp, tương ứng P/E ở mức 6,6 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm của PHR cũng như thấp hơn trung bình ngành bất động sản khu công nghiệp.

Nhìn vào đây có thể thấy, Cao su Phước Hòa hay cổ phiếu PHR đang có một tương lai tươi sáng, đáng để đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều về sức hấp dẫn của mã cổ phiếu này bởi những dự án không thuộc ngành cao su ngày càng dày đặc đang dần làm mờ nhạt hình ảnh của Cao su Phước Hòa với vai trò một doanh nghiệp giàu truyền thống trong ngành cao su.

Ngoài ra, cuộc phiêu lưu mang tên bất động sản khu công nghiệp đang dẫn dắt Cao su Phước Hòa bước vào lãnh địa mới với nhiều lệ thuộc. Bởi lẽ, các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp của Cao su Phước Hòa đều phải thực hiện thông qua hợp tác với một đối tác khác, doanh nghiệp bị mất thế chủ động.

Hơn nữa, trữ lượng đất có hạn, việc chuyển đổi đất trồng cao su sang bất động sản khu công nghiệp có thể giúp công ty ghi nhận những khoản bồi thường và lợi tức “kếch xù” nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất - kinh doanh cao su.

Trong bối cảnh này, giới chuyên gia tỏ ra lo ngại về một tương lai bấp bênh của Cao su Phước Hòa khi một ngày nào đó không còn đất để bán và cho thuê. Theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đối Khối phân tích và tư vấn đầu tư Chứng khoán Tân Việt, về dài hạn, Cao su Phước Hòa cần tìm giải pháp cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi và có những định hướng hợp lý nhằm đảm bảo cho phát triển bền vững trong tương lai.

Linh Đan

Từ khóa » đánh Giá Cp Phr