Cổ Phiếu Vận Tải Biển Tạo Sóng Theo Giá Cước Vận Tải

Tuần từ ngày 26/7 đến ngày 30/7, VN-Index hồi phục 41,22 điểm, tương đương 3,25% lên 1.310,05 điểm sau 3 tuần giảm mạnh liên tiếp trước đó. Tổng giá trị giao dịch trên HOSE giảm 7,3% xuống 84.860 tỷ đồng, tổng khối lượng giảm 9,5% xuống 2.585 triệu cổ phiếu.

HNX-Index cũng tăng 13,08 điểm, tương đương 4,33%, lên 314,85 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 2,9% xuống 10.878 tỷ đồng, khối lượng giảm 10,8% xuống 444 triệu cổ phiếu.

Trong tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm sản xuất, phụ trợ là những nhóm tăng trưởng tích cực với mức tăng lần lượt đạt 4,02% và xấp xỉ 5%. Cùng với đó, nhóm vận tải biển cũng được đánh giá đang là xu hướng của giới đầu tư.

Doanh nghiệp lãi lớn, cổ phiếu vận tải biển bật tăng

Không nằm ngoài mong đợi, các ông lớn trong ngành tiếp tục có một tuần giao dịch thuận lợi. Trong đó, Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH) tăng 12,06%; Vận tải Biển Vinaship (mã VNA) tăng 11,17%; Vận tải Đa phương thức Duyên Hải (mã TCO) ghi nhận 6,98%; Vận tải Biển Việt Nam (mã VOS) xấp xỉ 6,29%; Vận tải Dầu khí (mã PVT) tăng nhẹ hơn với 5,11% hay Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (mã PVP) cũng tăng 4,17%.

Mã chứng khoán

Sàn

Giá đóng cửa ngày 23/7 (VNĐ)

Giá đóng cửa ngày 30/7 (VNĐ)

Chênh lệch (%)

SSG

UPCoM

5.400

6.800

25,93

VFR

UPCoM

4.400

5.300

20,45

TJC

HNX

9.400

11.000

17,02

HAH

HOSE

39.400

44.150

12,06

VNA

UPCoM

17.500

19.700

11,17

TCO

HOSE

17.900

19.150

6,98

VOS

HOSE

7.310

7.770

6,29

PVT

HOSE

17.600

18.500

5,11

PVP

UPCoM

14.400

15.000

4,17

Tình hình kinh doanh khấm khá trong quý II được coi là động lực chính giúp nhóm cổ phiếu này thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư thời gian qua. Thậm chí, HAH, PVT hay VOS còn vượt qua kế hoạch lãi cả năm chỉ sau 6 tháng.

Trong quý II vừa qua, HAH ghi nhận doanh thu thuần tăng 72% so với cùng kỳ năm trước, đạt 449,3 tỷ đồng và lãi ròng đạt 97,7 tỷ đồng, tăng 150%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần HAH đạt 808 tỷ đồng và lãi ròng ghi nhận hơn 183,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 49% và 161%. Với kết quả này, HAH mới thực hiện được 49% chỉ tiêu doanh thu (1.661 tỷ đồng), song đã vượt 16% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (157,8 tỷ đồng).

PVT cũng sở hữu những con số ấn tượng với doanh thu quý II đạt 1.873 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ và lãi ròng tăng 8%, đạt 256,5 tỷ đồng. Chỉ trong nửa đầu năm, PVT đã thu về 3.581 tỷ đồng doanh thu thuần, hoàn thành 60% kế hoạch năm (6.000 tỷ đồng) và 438,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 8,6% kế hoạch cho cả năm (404 tỷ đồng).

Mặt khác, tận dụng được sự tăng trưởng của thị trường từ cuối quý I, trong quý II, doanh thu thuần của VOS giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt 325 tỷ đồng, song lãi ròng đạt 242 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 32 tỷ đồng. Kết quả này do Công ty đã ký được hợp đồng với mức cước tương đối cao cho một số tàu hàng khô và tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát chi phí.

Kết thúc nửa đầu năm, VOS ghi nhận doanh thu đạt 580 tỷ đồng, giảm 15% và hoàn thành 47% chỉ tiêu doanh thu (1.227 tỷ đồng). Lợi nhuận trước và sau thuế đạt 222,1 tỷ đồng, gấp 7,4 lần kế hoạch năm (30 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ lỗ 118,2 tỷ đồng. Kết quả này đã giúp lỗ lũy kế tính đến cuối quý II của VOS giảm xuống 699 tỷ đồng (lỗ lũy kế đầu năm là hơn 921 tỷ đồng).

Tuy nhiên, điều khiến nhóm cổ phiếu vận tải biển nóng lên tuần qua là sự bật tăng trở lại của nhiều mã từng bị nhà đầu tư lãng quên. Hơn nữa, các mã này còn có mức tăng trưởng mạnh nhất trên sàn.

Mã SSG của CTCP Vận tải biển Hải Âu đã tăng 25,93% đưa giá cổ phiếu từ 5.400 đồng/CP lên 6.800 đồng/CP. Một thời gian dài trước đó, SSG không có “sóng” và cổ phiếu gần như mất khả năng thanh khoản. Đến phiên ngày 9/6, SSG bất ngờ tăng kịch trần với 12,5% mở ra thời kỳ tăng trần nhiều phiên sau đó. Đến nay, SSG đã tăng 183,3%.

Tại ĐHĐCĐ năm 2021, Công ty đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu vận tải đạt 23,4 tỷ đồng và lỗ sau thuế 200 triệu đồng. Tuy nhiên, có 32,85% không đồng ý và yêu cầu điều chỉnh doanh thu lên 24,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1,3 tỷ đồng. SSG đã giao Ban điều hành điều chỉnh lại kế hoạch một cách hợp lý, nhưng đến nay, Công ty vẫn chưa công bố con số cụ thể cùng với báo cáo tài chính quý I và II năm 2021.

Tương tự, mã VFR của CTCP Vận tải và Thuê tàu cũng bật tăng 20,45% trong tuần, theo đó, cổ phiếu đã tăng từ 4.400 đồng/CP lên 5.300 đồng/CP. Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu VFR vẫn ở mức rất thấp với trung bình chỉ đạt 760 đơn vị/phiên trong tuần.

Mới đây, VFR đã công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu thuần đạt 37,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 7,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 7,4 tỷ đồng. Nguyên nhân do Công ty đã chuyển đổi hình thức kinh doanh tại Công ty mẹ và tình hình kinh doanh các công ty liên kết tốt lên.

6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VFR đạt 78,6 tỷ đồng, giảm 5,1%; lợi nhuận sau thuế mang về 1,3 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ âm 21,9 tỷ đồng). Năm nay, Công ty đặt chỉ tiêu kinh doanh với doanh thu đạt 30,75 tỷ đồng và lỗ trước thuế 24,74 tỷ đồng. Như vậy, trong nửa đầu năm, Công ty đã chuyển từ lỗ sang lãi thành công.

Ngoài ra, mã TJC của CTCP Dịch vụ Vận tải và Thương mại cũng ghi nhận tăng trưởng tốt với 17,02%. Ngoài phiên cuối tuần giảm 0,9%, 4 phiên còn lại, TJC đều tăng nhẹ cho đến kịch trần, theo đó, giá cổ phiếu từ 9.400 đồng/CP đã được kéo lên 11.000 đồng/CP.

Trong quý II vừa qua, doanh thu thuần của TJC đạt 33,8 tỷ đồng, tăng 42%; lợi nhuận sau thuế chuyển từ lỗ 678 triệu đồng sang lãi 3,1 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 62,9 tỷ đồng, tăng 22,1%. Lợi nhuận trước và sau thuế đạt 4,7 tỷ đồng, gấp 899 lần cùng kỳ. Với mục tiêu lãi trước thuế là 2,5 tỷ đồng, Công ty đã vượt kế hoạch được giao cả năm.

Giá cước vận tải biển chưa đạt đỉnh

Từ tháng 7/2020, giá thuê tàu trên toàn thế giới đã bắt đầu tăng mạnh và đà tăng mạnh nhất là đối với các loại tàu có tải trọng lớn (trên 4.000 TEUs/chuyến).

Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam đã cập nhật thông tin từ các hãng tàu trong nước. Theo đó, giá cước vận tải biển (đã bao gồm phụ phí) từ Việt Nam đi Mỹ với container 40 feet cao nhất là 14.250 USD/container; thấp nhất là 8.000 USD/container. Đến thời điểm này đã có ít nhất 4 lần điều chỉnh tăng, gấp 14 lần so với đầu năm 2020.

Tuy nhiên, Hội đồng Vận tải Thế giới (WTC) trước đó đã đưa ra nhận định sẽ rất khó để biết khi nào chi phí vận tải biển tạo đỉnh khi chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn.

SSI Research cho rằng, có rất nhiều yếu tố tác động đến thị trường vận tải biển. Một số yếu tố chỉ mang tính chất tạm thời và chắc chắn sẽ đảo chiều trong thời gian thích hợp, còn một số yếu tố khác là khá dài hạn và sẽ không sớm thay đổi. Đồng nghĩa, sự leo thang của các yếu tố ngắn hạn có thể đẩy giá cước vận chuyển lên mức cao mới, song không bền vững trong dài hạn.

Theo đó, SSI dự báo giá cước có thể đạt đỉnh vào quý IV/2021, sau đó sẽ điều chỉnh nhẹ vào nửa đầu năm 2022. Giá cước có thể giảm đáng kể trong năm 2023 khi nguồn cung tàu mới đi vào hoạt động, nhưng duy trì ở mức cao hơn mặt bằng trước dịch Covid-19.

“Theo Drewry, giá cước bình quân có thể tăng 23% trong năm nay và có thể giảm nhẹ khoảng 9% trong năm 2022 do nhu cầu trở lại mức bình thường, trong khi giá cước dài hạn dự kiến sẽ vẫn cao hơn mức trước dịch Covid-19, vì các hãng vận tải có nhiều kinh nghiệm hơn trong quản lý nguồn cung và tăng hợp tác”, SSI nhấn mạnh.

Công ty Chứng khoán Agriseco cũng đưa ra nhận định, việc giá cước vận tải bị đẩy lên cao đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác tàu và kho bãi.

Cụ thể, tốc độ lưu thông hàng hóa chậm lại sẽ làm gia tăng nhu cầu lưu kho hàng hóa, giúp các doanh nghiệp sở hữu đội tàu quy mô lớn được hưởng lợi. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có thể thu được khoản lợi nhuận đột biến từ việc thanh lý những con tàu có tuổi đời cao. Nguyên nhân do tăng giá thuê tàu giúp giá thị trường của đội tàu tăng lên đáng kể.

Từ khóa » Giá Cổ Phiếu Ngành Vận Tải Biển