Cơ Quan điều Tra Là Gì? Cơ Quan Nào Có Thẩm Quyền điều Tra Các Vụ ...

Mục lục bài viết

  • 1 1. Cơ quan điều tra là gì?
  • 2 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra:
  • 3 3. Cơ quan nào có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự:
  • 4 4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự:

1. Cơ quan điều tra là gì?

Cơ quan điều tra là cơ quan tiến hành tố tụng được ghi nhận trong Bộ luật tố tụng hình sự. Cơ quan điều tra tham gia và có những nhiệm vụ ở các giai đoạn trong quá trình tiến hành tố tụng vai trò rất quan trọng trong quá trình tìm ra tội phạm. Theo đó cơ quan điều tra có nhiệm vụ áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, tiến hành điều tra tất cả các tội phạm xảy ra theo thẩm quyền.

Hệ thống cơ quan điều tra được quy định tại Điều 4 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015. Cụ thể:

” Hệ thống Cơ quan điều tra

1. Cơ quan điều tra của Công an nhân dân.

2. Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.

3. Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.”

– Cơ quan điều tra của Công an nhân dân gồm:

+ Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh).

+ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh); Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện)

– Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân gồm:

+ Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng; Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương.

+ Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực.

– Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

+  Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

+ Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Cơ quan điều tra tên tiếng Anh là : “Investigation agency”.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra:

Cơ quan điều tra trong khi thực hiện có các nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

– Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

– Tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển giao.

– Tiến hành điều tra các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do luật định để phát hiện, xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội; lập hồ sơ, đề nghị truy tố.

– Tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

3. Cơ quan nào có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự:

Căn cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra các vụ án hình sự gồm có:

– Cơ quan điều tra của Công an nhân dân;

– Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

– Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân;

Bên cạnh đó, còn có một số cơ quan được giao có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự như:

“Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm:

a) Các cơ quan của Bộ đội biên phòng;

b) Các cơ quan của Hải quan;

c) Các cơ quan của Kiểm lâm;

d) Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển;

đ) Các cơ quan của Kiểm ngư;

e) Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

g) Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Các cơ quan cụ thể được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại khoản này được quy định tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.” ( Điều 35 Luật tố tụng hình sự 2015)

Về bản chất đây không phải là các cơ quan điều tra, tuy nhiên tùy thuộc vào tính chất công việc, quản lý cũng như yêu cầu phát hiện, xử lý nhanh chóng, kịp thời những hành vi phạm tội nên những cơ quan này cũng được giao nhiệm vụ là cơ quan điều tra.

4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự:

Căn cứ vào Điều 12 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự

Trong hoạt động điều tra hình sự, không chỉ cơ quan điều tra mà các cá nhân, tổ chức và cá nhân đều phải có trách nhiệm cụ thể:

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm, vụ việc phạm tội, kiến nghị khởi tố; có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, quyết định và tạo điều kiện để Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động điều tra hình sự.

– Cơ quan nhà nước có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; có quyền kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra để xem xét khởi tố đối với người có hành vi phạm tội; thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự thực hiện nhiệm vụ điều tra.

– Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, tố giác, báo tin về tội phạm và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.

Vấn đề trách nhiệm được đặt ra đối với cơ quan điều tra, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự nhằm giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ cương trong công tác hoạt động điều tra để tìm ra người phạm tội cũng như có những biện pháp cần thiết kịp thời để bảo vệ người đã tố giác tội phạm.

Giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động điều tra hình sự( Điều 13 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự)

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự theo quy định của pháp luật.

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Trong hoạt động điều tra hình sự không phải lúc nào cũng diễn ra một cách dễ dàng vì đôi khi còn có những khó khăn, vướng mắc khó tránh khỏi những sai sót, bỏ lọt vì vậy trong luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự có quy định về việc giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động điều tra hình sự. Quy định góp phần làm cho quá trình điều tra hình sự của cơ quan điều tra hạn chế tối đa được những vấn đề sai sót hoặc không đầy đủ trong quá trình điều tra của cơ quan điều tra. Điều này góp phần giúp cho hoạt động điều tra nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời, đầy đủ và chính xác.

Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điều tra của cơ quan điều tra hình sự( Điều 14 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự)

Thứ nhất, làm sai lệch hồ sơ vụ án; truy cứu trách nhiệm hình sự người không có hành vi phạm tội; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự; ra quyết định trái pháp luật; ép buộc người khác làm trái pháp luật; làm lộ bí mật điều tra vụ án; can thiệp trái pháp luật vào việc điều tra vụ án hình sự.

– Thứ hai, bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thứ ba, cản trở người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, trợ giúp pháp lý; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.

Thứ tư, cản trở người bào chữa, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện việc bào chữa, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, chống đối, cản trở hoặc tổ chức, lôi kéo, xúi giục, kích động, cưỡng bức người khác chống đối, cản trở hoạt động điều tra hình sự; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người thi hành công vụ trong điều tra hình sự.

Cơ quan điều tra các vụ án hình sự phải hoạt động dựa trên các quy định, nguyên tắc của pháp luật, đảm bảo sự công khai, minh bạch, có sự phân công sắp xếp một cách thống nhất, không có sự chồng chéo hay sự không rõ ràng để đảm bảo hiệu quả trong công tác điều tra chặt chẽ, nhanh chóng, kịp thời, hạn chế những sai sót, rủi ro không đáng có làm giảm đi hiệu quả của công tác điều tra.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

– Bộ luật tố tụng hình sự 2015;

– Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015.

Từ khóa » Diêu Tra