Cơ Quan Tiếp Nhận Và Thẩm định Hồ Sơ Là Gì ? Có Thể Nộp Hồ Sơ ...

Giao khu vực biển là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho tổ chức, cá nhân được phép sử dụng một hoặc nhiều khu vực biển nhất định (sau đây gọi là khu vực biển) trong khoảng thời gian xác định để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển; công nhận khu vực biển; gia hạn thời hạn giao khu vực biển; trả lại khu vực biển;… Chỉ khi được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận xem xét, thẩm định, giải quyết và thông báo kết quả.

Vậy, Cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ là gì ? Có thể nộp hồ sơ bằng những hình thức nào ?

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 25 của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2021 quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, Chính phủ quy định cơ quan tiếp nhận hồ sơ gồm:

a) Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị giao, công nhận, trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị giao, công nhận, trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp chưa có Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh thì Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tiếp nhận hồ sơ;

c) Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị giao, công nhận, trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trường hợp chưa có Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thì Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tiếp nhận hồ sơ.

Cơ quan thẩm định hồ sơ

Căn cứ theo Khoản 2, Điều 25 của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2021 quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, Chính phủ quy định cơ quan thẩm định hồ sơ gồm:

a) Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị giao, công nhận, trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển và thu hồi khu vực biển thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị giao, công nhận, trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển và thu hồi khu vực biển thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị giao, công nhận, trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển, thu hồi khu vực biển thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Hình thức tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ

Căn cứ theo Điều 26 của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2021 quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, Chính phủ quy định hình thức tiếp nhận hồ sơ như sau:

a. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp, nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến hoặc gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ; trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, ngày nhận hồ sơ là ngày dịch vụ bưu chính chuyển cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ.

Nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến:

+ Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị giao, công nhận, trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển đối với từng thủ tục hành chính dưới hình thức hồ sơ điện tử là những loại giấy tờ, tài liệu ở dạng điện tử được tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính nộp, bổ sung cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định hoặc giấy tờ, tài liệu kèm theo được chuyển đổi từ tài liệu giấy ở dạng điện tử gửi đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ;

+ Hồ sơ, tài liệu điện tử phải ký bằng chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hợp pháp cấp theo quy định của pháp luật về chữ ký số;

+ Hồ sơ, tài liệu điện tử có giá trị tương đương hồ sơ, tài liệu giấy;

+ Hồ sơ, tài liệu điện tử phải được lập, đáp ứng yêu cầu quy định của pháp luật chuyên ngành;

+ Hồ sơ, tài liệu điện tử phải bảo đảm tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin từ thời điểm thông tin được khởi tạo và phải bảo đảm truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh;

+ Việc gửi, nhận, lưu trữ và giá trị pháp lý của hồ sơ, tài liệu điện tử được thực hiện theo quy định pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và các quy định pháp luật có liên quan;

+ Việc tạo lập, chuyển đổi hồ sơ, tài liệu điện tử thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến từ hồ sơ hành chính giấy và ngược lại được thực hiện theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử và pháp luật chuyên ngành.

b. Kết quả thực hiện thủ tục hành chính là hồ sơ giấy, hồ sơ điện tử hoặc bao gồm cả hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử.

c. Việc trả kết quả giải quyết hồ sơ được thực hiện trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc bằng hồ sơ, tài liệu điện tử cho tổ chức, cá nhân. Việc trả kết quả bằng hồ sơ, tài liệu điện tử được áp dụng phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của cơ quan thực hiện và tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ công trực tuyến.

Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã trình bày về cơ quan tiếp nhận, cơ quan thẩm định hồ sơ và các hình thức tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ.

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » Số Hồ Sơ Là Gì