Có Rất Nhiều ám ảnh Phải Vượt Qua

ShorthandShorthand

Trong tâm dịch khốc liệt ở TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là những khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, áp lực nỗi ám ảnh tăng lên nhiều lần với y, bác sĩ. Những sự ra đi thương tâm của bệnh nhân, tiếng còi phòng cấp cứu, tiếng máy thở, máy theo dõi sinh tồn... đeo bám khiến họ có lúc rơi vào sang chấn tâm lý. Mỗi người đã phải từng ngày, từng giờ rèn luyện sự vững vàng của tâm trí để vượt qua những giây phút ngặt nghèo.

Vượt mệt mỏi, ám ảnh

Lăn lộn qua nhiều ngày dài, để mọi ý nghĩ, ước vọng tốt đẹp nhất của mình dành cho người bệnh, nhưng trở về từ giường cấp cứu, bác sĩ Ngô Đức Hùng, Bệnh viện Bạch Mai vẫn chất chứa bao nỗi niềm. Anh chia sẻ: Dịch đợt thứ 4 này ở TP Hồ Chí Minh tàn khốc hơn mọi lần khác. Rất nhiều nhân viên y tế ở Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng tinh thần nặng nề. Có người phải dùng đến thuốc ngủ mới có thể chợp mắt, nếu không giấc mộng rối bời sẽ kéo về.

Trong những ngày tháng đầu tiên, bản thân bác sĩ Hùng cùng các đồng nghiệp đều ăn không ngon, ngủ không yên. Lượng bệnh nhân vào viện tăng, trở nặng nhiều. Ám ảnh, day dứt, bàng hoàng nhất là có những gia đình tất cả các thành viên đều không qua khỏi. “Có lúc trở về từ phòng hồi sức, tôi cứ lâng lâng như người trên mây vì đau quá. Có gia đình mấy người cùng nguy kịch. Người khỏe hơn cứ hỏi bác sĩ người thân tôi thế nào rồi..., mình còn phải nói dối là người thân họ tốt rồi nhưng thực sự thì họ đã tử vong. Bởi lúc đó nếu nói thật, nỗi đau ập tiếp lên thì sợ họ chịu không nổi. Bản thân làm cấp cứu, tiếp xúc với tử vong hàng ngày và đã có 15 năm kinh nghiệm mà đến giờ vẫn không nghĩ rằng phải chứng kiến quá nhiều thương tâm, tác động mạnh vào tinh thần như thế.

Bàng hoàng nhất là có người tử vong trước mắt mình mà y, bác sĩ không biết bấm máy điện thoại gọi cho ai vì cả nhà họ cũng đã mất rồi. Tôi rất day dứt, cứ tự hỏi không biết mình đã cố gắng hết mức hay chưa. Bệnh nhân ấy còn hy vọng nào cứu không, tầng tầng, lớp lớp bệnh nhân nguy kịch thế này thì phải làm sao... Áp lực đó đã khiến bản thân tôi và các nhân viên khác rơi vào cảm giác như mình không thể vượt qua nổi”, bác sĩ Ngô Đức Hùng bộc bạch.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Huy bên chồng giấy báo tử chia sẻ về nỗi ám ảnh, day dứt

Bác sĩ Nguyễn Thanh Huy bên chồng giấy báo tử chia sẻ về nỗi ám ảnh, day dứt

Sự xót xa, nhức nhối như kim châm với nhân viên y tế khiến họ hiếm có được giấc ngủ sâu dù mệt mỏi đến mấy. Ám ảnh còn là sự bất lực khi chứng kiến bệnh nhân Covid-19 trượt về phía “cửa tử” trong khoảng khắc mà mình không thể níu lại được. Điều dưỡng N.V.T, Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh thẫn thờ chia sẻ: “Có nhiều đêm tôi liên tục giật mình hoảng hốt về những điều đã chứng kiến trong ca làm việc. Bảo hộ nóng bức, môi trường áp lực cộng với những đau thương nối tiếp diễn ra khiến mình có lúc rất hoảng loạn. Nếu không có trợ giúp của chuyên gia tâm lý thì... thật khó vượt qua được”.

Để giữ lại thăng bằng cho tinh thần, nhiều nhân viên y tế đã phải dùng đến thuốc ngủ. Bác sĩ Ngô Đức Hùng thổ lộ: “Mất ngủ quá nên phải dùng đến thuốc ngủ, nhất là trong giai đoạn đầu tiên. Sau đó, chúng tôi phải nhờ các đồng nghiệp chuyên khoa tâm thần hỗ trợ. Có ngày ở phòng cấp cứu về nhà, nằm lên giường ngủ vẫn còn lơ mơ nghe thấy tiếng máy thở, máy báo động... Hơn nữa, bước vào khu này rồi thì tất cả chỉ nhận ra nhau qua cái tên ghi trên đồ bảo hộ. Thêm nữa là nỗi nhớ gia đình... Tất cả điều ấy dồn nén, tác động rất mạnh vào tinh thần, cảm xúc của y bác sĩ”.

Cùng với dùng thuốc ngủ để không bị sang chấn tâm lý mạnh, nhân viên y tế còn phải luôn tự nhủ: Đừng mệt, đừng hoảng hốt. Bác sĩ Hùng cho biết: “Mình phải tự dằn lòng không được phép mệt mỏi, không được thể hiện ra, nếu không người khác sẽ nao núng theo. Rất nhiều đồng nghiệp khác nhắn cho tôi “em muốn khóc lắm”. Khi đó tôi vẫn an ủi họ, hãy vào phòng khóc, đừng khóc trước mặt đồng nghiệp khác để vơi đi sự nặng nề của tinh thần”.

Những cơ thể mới ấm nóng hôm nào giờ lạnh tanh trước mặt mình trong cô độc, không một người thân đến đưa tiễn, y bác sĩ không cầm được nước mắt...

Làm điều tốt nhất... để giữ ấm lòng mình

Chứng kiến mất mát nhiều nhất, hàng ngày bác sĩ Nguyễn Thanh Huy, Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế tại TP Hồ Chí Minh đều phải tìm cách giữ thăng bằng cho tinh thần của mình không trở nên suy sụp. Là Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Huế, bác sĩ Huy được điều động vào lo khâu tắm rửa, vệ sinh, gói gém các tử thi tử vong vì Covid-19. Có người ít ngày trước còn nói chuyện, sau đã vĩnh viễn bất động. Lại có những cuộc gọi dài của người nhà bệnh nhân dồn dập gọi đến và hầu như họ đều chết lặng hoặc thảng thốt không dám tin khi nhận thông báo từ bác sĩ Huy. Mỗi công đoạn cuối cho một bệnh nhân xong, tờ giấy báo tử trước mặt cứ nhòe đi.

“Còn gì đau xót hơn khi mình là người tiếp xúc cuối cùng các ca bệnh vừa chấm dứt sự sống. Lúc đầu tôi và cộng sự rất khó ngủ. Nếu cứ triền miên như thế sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Người nọ chỉ người kia cách giữ cân bằng tâm lý, chặn lại các mệt mỏi kéo dài. Làm công việc này thực sự cảm xúc rất khó diễn tả. Những cơ thể mới ấm nóng hôm nào giờ lạnh tanh trước mặt mình trong cô độc, không một người thân đến đưa tiễn, y bác sĩ không cầm được nước mắt”, bác sĩ Huy nghẹn giọng...

Để không rơi vào khủng hoảng sâu của tinh thần, bác sĩ Huy đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực. Anh chia sẻ: Chúng tôi rèn luyện ý nghĩ xem đó là người thân, là ruột thịt của mình và tự nhủ, đừng hoảng, đừng sốc. Mỗi người nén lòng một chút. Đau nhất là khi liên lạc gia đình để báo tin không ai mong muốn. Nhiều đêm, cả đội lo công đoạn cuối sau khi gói ghém, vệ sinh hàng loạt tử thi nhìn sang nhau ai cũng ướt khẩu trang vì nước mắt. Chúng tôi cầu mong cho người ra đi thanh thản, hãy xem y bác sĩ tiễn đưa cuối này là người thân, cầu cho dịch bệnh sẽ nhanh chóng bị xua tan. Giải pháp tinh thần này cũng giúp tôi vơi bớt nặng nề”.

Bệnh nhân Covid-19 nguy kịch được cứu chữa ở Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế tại TP Hồ Chí Minh

Bệnh nhân Covid-19 nguy kịch được cứu chữa ở Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế tại TP Hồ Chí Minh

Như một “liều thuốc” nữa để cản lại sự sang chấn tâm lý, bác sĩ Huy cùng các đồng nghiệp tìm cách an ủi thân nhân người bệnh vì nếu họ hoảng loạn thì bác sĩ cũng day dứt thêm. Anh bộc bạch: “Chúng tôi còn tìm cách liên lạc với bên hỏa táng lo chu đáo nhất cho người đã mất. Còn ở viện thì chúng tôi làm cẩn thận từng công đoạn nên cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi bao gói, đặt tư thế ngay ngắn người đã mất. Các thông tin về người bệnh phải được làm chính xác nhất để chuyển cho bộ phận đưa đi hỏa táng. Buồn thì kịp thời chia sẻ với nhau. Nhất là khi gặp phải hoàn cảnh quá éo le như chồng vừa mất vợ và mới sinh con được một tháng... Từ các mất mát này, chúng tôi còn động viên, khích lệ nhau dốc hết tâm lực vì người bệnh”.

Niềm an ủi tinh thần lớn nhất cho các y bác sĩ trong tâm dịch là khoảnh khắc chứng kiến các bệnh nhân nguy kịch được xuất viện. Phút giây chia tay ấy giúp họ vững vàng tâm lý hơn để tiếp tục với cuộc chiến giành giật lại sự sống đang bên “cửa tử” cho các bệnh nhân khác. Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân cộng dồn với các áp lực khác được cố gắng gói gém vào một bên để lại tiếp tục từng ngày, từng giờ cống hiến trong môi trường khốc liệt bậc nhất...

Tổ chức thực hiện : Ban Nhân Dân hằng thángNội dung : Khánh Lam - Hà Văn Đạo - Thanh Huyền - Hà Linh - Thái HoàngTrình bày mỹ thuật : Duy ThanhẢnh :Hà Văn Đạo, Đăng Khoa, Trần Hải, internet

Trở về trang chủ TopShorthand logoBuilt with Shorthand

Từ khóa » Hoàng Bác Sĩ Nỗi ám ảnh Của Ngân Hàng