Có Thể Yêu Cầu Bồi Thường Khi Phẫu Thuật Thẩm Mỹ Lỗi được Không?

Trả lời:

Theo như Anh/ Chị trình bày thì vừa qua Anh/ Chị có đi nâng mũi và cắt mí ở một cơ sở thẩm mỹ viện. Sau khi ký hợp đồng dịch vụ và thực hiện thẩm mỹ được 1 tuần thì sống mũi của Anh/ Chị bị sưng và có phần hơi dị dạng. Anh/ Chị đến cơ sở thẩm mỹ này kiểm tra thì họ có nói là do cấu tạo mũi của Anh/ Chị nên mới bị như vậy và họ không chịu trách nhiệm.

Do luật sư chưa được tham khảo các chứng từ, giấy tờ, hợp đồng dịch vụ…từ phía Anh/ Chị nên chưa thể tư vấn chi tiết cho Anh/ Chị.

Trước hết, Anh/ Chị cần tìm hiểu xem cơ sở thẩm mỹ Anh/ Chị tiến hành phẫu thuật có đầy đủ giấy phép hoạt động hay không vì một cơ sở thẩm mỹ phải có giấy phép thành lập và được cấp phép hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ mới có quyền phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng.

Sau đó, Anh/ Chị cần xem xét các điều khoản trong Hợp đồng như các điều khoản về bảo hành, các biến chứng có thể gặp, loại trừ trách nhiệm…Có trong hợp đồng để xác định trách nhiệm của cơ sở thẩm mỹ viện.

Nếu Anh/ Chị cho rằng việc sống mũi của Anh/ Chị bị sưng và có phần hơi dị dạng là do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh của thẩm mỹ viện gây ra thì căn cứ theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Anh/ Chị có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện để được giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh (được quy định tại Chương 7, từ Điều 73 đến Điều 80).

Anh/ Chị tiến hành làm đơn yêu cầu người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh giải quyết. Trường hợp người đứng đầu cơ sở giải không thỏa đáng thì có Anh/ chị có quyền yêu cầu tiếp lên Sở Y tế hoặc Bộ Y tế.

Trong quá trình giải quyết cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế hoặc Bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng chuyên môn để để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật trong việc phẫu thuật thẩm mỹ cho Anh/ Chị.

Trường hợp vẫn không đồng ý với kết luận của hội đồng chuyên môn thì Anh/ Chị có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh là 5 năm (kể từ khi sự việc xảy ra).

Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009:

“Điều 76. Trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh

1. Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh hoặc trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 73 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.

2. Ngoài việc bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 73 của Luật này thì cơ sở”

Để xác định mức bồi thường thì sẽ được căn cứ theo Điều 77 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 có nội dung như sau:

“Điều 77. Xác định mức bồi thường thiệt hại do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh

Việc xác định mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này được thực hiện theo quy định của pháp luật.”

Ngoài ra, vì là một loại hợp đồng dân sự cho nên hợp đồng dịch vụ thẩm mỹ cũng chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015. Nên Anh/ Chị có thể căn cứ theo BLDS 2015 để xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Về việc xác định thiệt hại thì Anh/ Chị có thể tham khảo Điều 590 BLDS 2015 có nội dung như sau:

“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”

Xem thêm: Thủ tục khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại thực hiện thế nào?

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Từ khóa » Sự Kiện Thẩm Mỹ Viện