Cờ Tổ Quốc ở Trường Sa - Tiền Phong

Chiến sĩ và cở Quyết thắng trên Trường Sa Lớn. Ảnh trong bài của: Tạ Ngọc Hưng (VOV) và Trần Việt (TTXVN)
Chiến sĩ và cở Quyết thắng trên Trường Sa Lớn. Ảnh trong bài của: Tạ Ngọc Hưng (VOV) và Trần Việt (TTXVN).

Hai chiếc trực thăng mang số hiệu 8423 và 02 của Không quân Việt Nam đưa chúng tôi ra Đảo Trường Sa Lớn vào sáng ngày 5-6-2012.

Đoàn ra đảo gồm Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Đỗ Quý Doãn, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Tiến cùng đại diện lãnh đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải Quân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VPBank, các phóng viên, biên tập viên, ca sỹ và các nghệ sỹ nhiếp ảnh để dự lễ cắt băng khánh thành lá Quốc kỳ bằng Gốm lớn nhất Việt Nam trên nóc nhà hội trường của Đảo vào sáng sớm ngày 6-6-2012.

Thiêng liêng cờ và đất

Suốt chặng đường bay trên trực thăng, tôi cố gắng tưởng tượng và hình dung về Trường Sa, địa danh thiêng liêng ấy của Tổ Quốc, mảnh đất đã được Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đo độ dài, rộng hẹp của Bãi cát từ năm 1711; được sử sách xác nhận trong Đại Nam Thống Nhất toàn đồ - một cuốn bản đồ của Việt Nam hoàn thành năm 1838; được toàn quyền Đông Dương De Lattre cắm cờ, dựng bia chủ quyền vào ngày 14-4-1930 và ngày 21-2-1933 đã được Thống đốc Nam Kỳ sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa. Sốt ruột nhìn trời và biển xanh ngắt qua cửa sổ máy bay, mong 3 tiếng rưỡi đồng hồ trôi qua thật nhanh.

Đến Trường Sa rồi! Từ buồng lái truyền ra. Tất cả chúng tôi cùng nhao ra cửa sổ. Ca sỹ Minh Quân liên tục xoay người bấm máy ảnh. Các phóng viên VOV choàng dây an toàn qua người, nhô hẳn đầu ra cửa sổ để ghi lại hình ảnh Trường Sa từ trên cao.

Cơ trưởng hiểu tấm lòng của đất liền với Đảo… Anh cho máy bay vòng quanh đảo rất nhiều lần trước khi hạ cánh. Tim tôi thắt lại khi từ không trung thấy lá cờ đỏ sao vàng lớn phủ toàn bộ nóc tòa nhà rực lên dưới nắng.

Cờ gốm trên nóc nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn
Cờ gốm trên nóc nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn.

Tôi đã nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trong nắng Ba Đình; trong các buổi chào cờ thời đi học; trên phim ảnh, truyền hình trong các sự kiện đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt; trong đầu các buổi tường thuật các trận đấu thể thao lớn; đã thấy nó rực lên khi phủ trên di cốt các liệt sĩ vừa được tìm thấy sau bao nhiêu năm mong đợi…Mỗi hình ảnh đều gợi nên những cảm xúc sâu xa.

Lá cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất ở Đảo Trường Sa Lớn có kích thước 12,40m x 25 m, diện tích 310m vuông được gép từ 310.000 viên gốm mosaic cỡ 3 x 3 cm. Người có ý tưởng làm lá cờ và cùng các cộng sự thực hiện là họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - người từng đưa ra ý tưởng và chủ trì thực hiện con đường gốm sứ ở Thủ đô Hà Nội. Toàn bộ chi phí làm lá cờ và cải tạo mái Tòa nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn để đặt lá cờ do Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VPBank tài trợ.

Nhưng những gì tôi cảm nhận trong những giây phút may mắn bay trên bầu trời đảo Trường Sa Lớn ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc và mảnh đất thiêng liêng bên dưới quả là chưa từng thấy trong đời.

Tôi sẽ còn được trải nghiệm những cảm xúc thiêng liêng khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc trên cả 4 mặt của Cột môc Chủ quyền, khi nó được kéo lên và tung bay trong gió đại dương trên đỉnh cột cờ trong buổi lễ chào cờ trên đảo, và khi nhìn nó, lá quân kỳ Quyết thắng trên có đề dòng chữ đầy tự hào “Đảo Trường Sa” trong đôi tay rắn chắc, đáng tin cậy của người chiến sĩ Hải Quân can trường.

Và trong buổi lễ Khánh thành Lá Quốc kỳ Bằng Gốm lịch sử trang nghiêm sáng ngày 6-6-2012, tất cả chúng tôi thành kính trước Cột mốc Chủ quyền, trước lá cờ Tổ quốc, thành kính hát vang Quốc Ca Việt Nam… Chưa bao giờ hai chữ Tổ Quốc lại vang lên trong tôi mạnh mẽ, xúc động và thiêng liêng như giây phút này.

Những điều bình dị lớn lao

Đặt chân xuống Trường Sa Lớn trong sự tiếp đón yêu thương của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, dù cách xa đất liền hơn 300 hải lý, nhưng tôi cứ ngỡ như đang đến một xóm làng nào đó trên đất liền.

Trẻ nhỏ trên đảo chơi cạnh các bức tường gốm được xây dựng đồng thời với lá cờ
Trẻ nhỏ trên đảo chơi cạnh các bức tường gốm được xây dựng đồng thời với lá cờ. Ảnh: Tạ Ngọc Hưng (VOV) và Trần Việt (TTXVN)

Giữa muôn trùng sóng nước là những cánh cò chao nghiêng trong gió mặn, là những chú lợn con lon ton chạy trong rậm cỏ, là những chú chó lăng xăng chạy quanh chân người, là tiếng gà chợt giật mình cất tiếng gáy sau trưa, là bóng cong của mái Chùa Trường Sa in dấu trời chiều….

Tôi bước dọc theo đường băng ra biển. Sóng bạc đầu trắng xóa chồm lên bờ cát. Cát Trường Sa trắng mịn với vô vàn những chú ốc biển đầy màu sắc, những mảnh san hô đỏ thấp thoáng, lạo xạo dưới chân.

Đại tá Hoàng Viết Quang - Cục Tác Chiến, Bộ Quốc Phòng như trở về thời trai trẻ, chìm sâu trong ký ức cuộc đời người lính. Ông mải miết đi tìm, mải miết nhặt những viên ốc, mảnh trai lấp lánh, nhẹ nhàng sắp xếp trong lòng bàn tay.

Tôi lặng người nhìn người chiến sỹ- bộ đội Cụ Hồ, không cầm súng, không khói thuốc… Một người lính với tất cả sự tinh tế với màu sắc, hình khối, với tình yêu Tổ Quốc bao la trong mỗi nắm cát ông trân trọng nắm cầm...

Thượng tá Phạm Quang Trung- Chính trị viên của Đảo cao to với nước da sạm đen vì nắng, gió, giọng nói ồm ồm nhưng rất đỗi hiền lành và tốt bụng. Anh tận tình giúp chúng tôi ổn định chỗ ăn ở, chu đáo hỗ trợ chúng tôi tổ chức lễ cắt băng khánh thành.

Anh lo từng cái kéo, từng chiếc khăn đỏ, từng chiếc khay đựng hoa. Một sự kiện chu đáo, đầy đủ và chuyên nghiệp không kém gì những sự kiện trên đất liền.

Thượng úy Nguyễn Văn Duy- Đội trưởng Phân đội Pháo, người đã hơn 1 năm không được về đất liền thăm mẹ, rất bình thản nói với tôi: “Chúng em đã xác định ra đây là để hy sinh vì Tổ Quốc. Gia đình em, bố mẹ em cũng sẵn sành tinh thần đó. Một ngày kia, nếu em vì Tổ Quốc mà phải bỏ thân nơi đất này, em cũng sẵn sàng ở lại với đồng đội em, với đất biển Trường Sa, chuyện đó rất bình thường chị ạ... Sao chị lại khóc?”.

Tác giả cạnh Cột mốc Chủ quyền trên Trường Sa Lớn
Tác giả cạnh Cột mốc Chủ quyền trên Trường Sa Lớn.

Tôi đứng dưới những tán bàng vuông, loài cây đặc trưng của Đảo, giữa tiếng ê a học bài của trẻ nhỏ, con các gia đình thường dân sống trên đảo, tiếng líu lo của những chú chim họ hàng với sáo, loài chim mà tôi ngỡ chỉ có trong đất liền, giữa tiếng gà lích chích gọi nhau về chuồng, tiếng lợn con ủn ỉn đòi ăn và nghĩ về những người lính trẻ hàng năm trời không được về với mẹ như Duy, những người chồng quá lâu chẳng được gặp vợ như Trung tá Phạm Văn Hiến- Phó đảo trưởng, những người cha mà con trai được gần 1 tuổi nhưng chưa hề gặp mặt như Trung úy Nguyễn Tài Tuyền… Họ chưa bao giờ phàn nàn, đòi hỏi, chỉ một ý chí sẵn sàng hy sinh cho Tổ Quốc.

“Các anh đứng như Tượng đài Quyết tử

Thêm một lần Tổ Quốc được sinh ra

Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt

Đang bồn chồn, thao thức với Trường Sa…”

Thơ Nguyễn Việt Chiến

Trong đêm khuya tĩnh lặng, ca sỹ Thành Lê đã hát tặng những người chiến sỹ Trường Sa những khúc dân ca mang đậm tình yêu quê nhà.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã xúc động sáng tác bài “Nghe em hát ở Trường Sa” ngay trên Đảo để tặng các chiến sỹ, nhân dân Trường Sa.

Không thể không nhắc đến Chùa Trường Sa và Sư thầy Thích Giác Nghĩa với tất cả lòng biết ơn và sự thành kính. Sư thầy là một trong 6 vị chư tăng đầu tiên tình nguyện ra Đảo trụ trì Chùa Trường Sa.

Viên đá lát trước ban thờ Phật đã mòn đi vì mỗi ngày, hai bàn tay và vầng trán của thầy đã áp lên đó để cầu nguyện.

Thầy cầu mong cho Tổ Quốc được an lành, một thế giới không có chiến tranh, để lãnh thổ đất nước được vẹn toàn, để người với người biết sống yêu thương nhau. Sống ở trên Đảo đã là yêu nước.

Cầu nguyện bình an, truyền bá tâm lành, ý Phật, giảng pháp đọc kinh cho những người dân yêu nước, cho các chiến sỹ vững tâm, bền chí, cho Tổ Quốc yên lành thì còn vĩ đại đến nhường nào.

Sư thầy chia sẻ: “Chúng tôi nguyện là người kế tiếp bảo vệ Tổ Quốc và tri ân những người đã ngã xuống dưới lòng biển khơi. Sau này khi tôi về đất liền thì tôi và học trò vẫn sẽ thường xuyên ra Đảo để đóng góp sức mình cho Trường Sa”…

Tôi chợt nhớ tới lời nhà văn Xô Viết Ilia Êrenbua: “Tình yêu Tổ Quốc ban đầu là tình yêu những điều bình dị nhất. Yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái ngõ nhỏ đổ ra bờ sông hay yêu hương vị thảo nguyên lẫn mùi lúa mạch của ly rượu mạnh…”.

Vâng, Tổ Quốc tôi, đồng bào tôi, những con người bình dị, những con người dù ở vùng quê nào, nghề nghiệp nào, tôn giáo hay không tôn giáo, cũng đều chỉ hướng về một điều duy nhất: Sự bình an cho Tổ Quốc, sự vẹn toàn của lãnh thổ, hòa bình cho cả thế giới này, cho các thế hệ hôm nay và mai sau được sống trong tình yêu thương.

Tôi đứng đây, giữa bao la trời biển, giữa tiếng sóng và gió mặn, trong tiếng chuông Chùa ngân vang, trong khói hương thiền tịnh, trong linh thiêng trời đất Việt Nam, nắm trong tay viên đá có chữ ĐỨC Sư thầy ban, chắp tay khấn Phật: “Xin Người phù hộ cho con, dù chỉ một lần nữa trong đời, được trở lại Trường Sa”.

Nguyễn Thị Hồng Lan Hà Nội, 30-8-2012

(*) Tác giả là Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Thương hiệu Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VPBank - Đơn vị tài trợ toàn bộ chi phí xây Lá Cờ Gốm trên Đảo Trường Sa

Theo Báo giấy

Từ khóa » Hình ảnh Tổ Quốc ở Trường Sa