Cổ Tử Cung: Vị Trí, Chức Năng, Các Bệnh Lý Thường Gặp - YouMed
Có thể bạn quan tâm
Nội dung bài viết
- Vị trí của cổ tử cung (CTC)
- Cấu tạo của CTC?
- Chức năng của CTC
- Các bệnh lý thường gặp
Cổ tử cung là phần nối tử cung và âm đạo. Nó có nhiều vai trò trong sức khỏe sinh sản phụ nữ như: tạo nút nhầy ngăn chặn vi khuẩn vào bên trong tử cung, giữ em bé khi mang thai và trở nên mỏng (mở rộng) dần khi cần sinh em bé.
Hiện nay, một trong những điều đáng lo ngại về bệnh liên quan đến cổ tử cung là ung thư cổ tử cung. Đây là loại bệnh ung thư ở nữ chỉ đứng sau ung thư vú. Ngoài ra, còn có các bệnh lý khác về cổ tử cung cũng cần quan tâm như: loạn sản cổ tử cung, viêm cổ tử cung… Vì thế, hiểu biết về vị trí, chức năng và các bệnh lý ở cổ tử cung là điều vô cùng cần thiết. Qua đó, phụ nữ có thể tự bảo vệ sức khỏe sinh sản cá nhân.
Vị trí của cổ tử cung (CTC)
CTC là một phần của hệ thống sinh sản nữ. Hệ thống sinh sản nữ được tạo thành từ hai nhóm:
- Hệ thống sinh dục trong, bao gồm: Âm đạo, tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng. Những cơ quan này nằm trong khung chậu – phần bụng dưới.
- Hệ thống sinh dục ngoài (âm hộ), bao gồm: Âm vật, môi âm đạo lớn, bé và tiền đình âm đạo.
CTC là phần hẹp của tử cung. Nó giống như một cái kênh kết nối tử cung và âm đạo.
Cấu tạo của CTC?
CTC dài khoảng 3 cm đến 4 cm. Nó được tạo thành chủ yếu từ các mô liên kết và cơ, được chia thành 2 phần chính:
- CTC trong là phần bên trong của CTC, hướng vào CTC.
- CTC ngoài là đầu còn lại của CTC. Đầu CTC ngoài có hình tròn, có lỗ ở giữa, giống như hình bánh rán (donut). Đầu hướng ra ngoài âm đạo.
Có 2 loại tế bào chính trong CTC:
- Các tế bào tuyến nằm trong kênh tử cung. Tế bào hình dạng có hình dạng cột cao, còn gọi là tế bào trụ.
- Các tế bào vảy ở cổ ngoài tử cung và âm đạo. Tế bào hình phẳng và mỏng như vảy cá.
Các tế bào vảy kết hợp với các tế bào trụ trong một khu vực của CTC được gọi là vùng biến đổi. Đây còn được gọi là vùng biến đổi vì các tế bào cột bị thay đổi thành tế bào vảy. Đặc biệt là trong những năm tuổi dậy thì và sinh con. Những thay đổi tiền ung thư của CTC và hầu hết các bệnh ung thư CTC thường là do bất thường từ vùng biến đổi này.
Chức năng của CTC
CTC kết nối tử cung với âm đạo. Một phần của niêm mạc CTC chứa các tuyến tiết ra chất nhầy. Trong hầu hết các chu kỳ kinh nguyệt và trong khi mang thai, chất nhầy tiết có dạng đặc dính. Chất này còn gọi là nút nhầy cổ tử cung. Nút nhầy có tác dụng ngăn không cho tinh trùng xâm nhập vào tử cung. Nút nhầy cũng giúp bảo vệ tử cung và cơ quan sinh sản bên trong khỏi vi khuẩn có hại.
Khi trứng trưởng thành được phóng ra khỏi buồng trứng mỗi tháng (gọi là rụng trứng), chất nhầy sẽ thay đổi và trở nên mỏng hơn. Chúng lỏng ra và mỏng hơn, cho phép tinh trùng đi qua CTC vào tử cung.
Hằng tháng, ngoại trừ khi mang thai hoặc mãn kinh, niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) rụng đi và đổ qua cổ tử cung vào âm đạo. Quá trình này được gọi là hành kinh.
Trong quá trình sinh nở, kênh CTC sẽ mỏng dần và mở rộng ra. Điều này tạo điều kiện cho em bé chào đời.
Các bệnh lý thường gặp
Ung thư cổ tử cung
Ung thư CTC là loại ung thư thường gặp thứ hai ở phụ nữ. Tần suất ung thư CTC chỉ đứng sau ung thư vú. Tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do ung thư CTC hiện nay giảm xuống nhiều, nhờ chiến lược tầm soát và điều trị sớm.
Human Papiloma Virus (HPV – virus sinh u nhú ở người) đã được biết là thủ phạm gây ra hơn 90% ung thư CTC.
Các xét nghiệm chẩn đoán, bao gồm:
- Khám phụ khoa: Nhằm quan sát tổng quan vùng âm hộ, âm đạo và CTC.
- Xét nghiệm Pap: Các tế bào lấy được vùng chuyển tiếp ở CTC, được nhuộm và soi dưới kính hiển vi để xem hình dạng tế bào.
- Xét nghiệm HPV.
- Soi cổ tử cung + sinh thiết.
- Nạo kênh CTC.
Các biện pháp phòng ngừa:
- Tiêm ngừa vaccin HPV.
- Tầm soát bệnh bằng xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV: Tất cả phụ nữ trên 29 tuổi đã quan hệ tình dục nên được tầm soát ung thư CTC bằng xét nghiệm HPV mỗi 3 năm hay bằng xét nghiệm Pap mỗi năm.
Xem thêm: Làm thế nào để tầm soát ung thư cổ tử cung?
Hở eo tử cung
Hở eo tử cung là một trong những nguyên nhân gây sẩy thai hoặc sinh non từ 3 tháng giữa thai kỳ trở đi. Tình trạng này thường xảy ra vào 3 tháng giữa hoặc đầu 3 tháng cuối thai kỳ. Thời gian tùy thuộc vào mức độ suy yếu của CTC.
Nguyên nhân có thể do bẩm sinh hoặc có các yếu tố nguy cơ gây hở eo tử cung như: tiền sử nong nạo thai, bị rách CTC trong lần sinh trước hoặc tiền sử liên quan đến thủ thuật lên CTC…
Khi hở eo tử cung được xác định, người mẹ sẽ được cho nhập viện và tiến hành khâu eo lại. Điều này giúp giữ được em bé trong bụng mẹ đến khi chào đời, ở thời điểm phù hợp.
Viêm cổ tử cung
Viêm CTC là tình trạng viêm ở CTC. Biểu hiện của viêm CTC thường giống với viêm âm đạo, bao gồm: Tiết dịch âm đạo (huyết trắng) bất thường, ngứa âm đạo hoặc đau khi giao hợp.
Viêm CTC có thể do nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng. Với nguyên nhân nhiễm trùng, tác nhân hay gặp nhất là Chlamydia và lậu. Đây là loại vi khuẩn thường lây truyền qua đường tình dục.
Xem thêm: Những bệnh có thể lây qua đường tình dục.
Phần lớn viêm CTC không biểu hiện rõ rệt ra bên ngoài. Chúng thường được phát hiện do vô tình đi khám các bệnh lý sản phụ khác.
Viêm CTC được điều trị bằng kháng sinh, có thể được áp dụng trước khi có kết quả xét nghiệm nếu người bệnh có các yếu tố nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục.
Loạn sản cổ tử cung
Loạn sản CTC là một tình trạng tiền ung thư. Trong đó, sự phát triển của tế bào bất thường xảy ra trên lớp lót bề mặt của CTC. Tình trạng này còn được gọi là viêm lộ tuyến CTC (CIN).
Loạn sản CTC có liên quan chặt chẽ với nhiễm trùng papillomavirus ở người (HPV) lây truyền qua đường tình dục. Bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ dưới 30 tuổi nhưng có thể phát triển ở mọi lứa tuổi.
Loạn sản CTC thường không gây ra triệu chứng và thường được phát hiện bằng xét nghiệm Pap thông thường. Tiên lượng tốt cho những phụ nữ được theo dõi và điều trị thích hợp. Tuy nhiên, những phụ nữ không được chẩn đoán hoặc không được chăm sóc phù hợp có nguy cơ mắc ung thư CTC cao hơn.
Loạn sản CTC nhẹ đôi khi tự khỏi mà không cần điều trị và sẽ tiếp tục theo dõi sát với xét nghiệm Pap mỗi 3 hoặc 6 tháng. Nhưng loạn sản CTC từ trung bình đến nặng – và loạn sản CTC nhẹ kéo dài trong 2 năm – thường cần điều trị để loại bỏ các tế bào bất thường – giúp giảm nguy cơ ung thư CTC.
Polyp cổ tử cung
Đây là một khối tăng trưởng trên kênh CTC. Polyp thường có màu đỏ, đỏ tía hoặc hơi xám. Chúng có thể có hình dạng như một khối tròn nhỏ giống nhú, hoặc giống ngón tay. Polyp có nhiều kích thước từ vài mm đến vài cm.
Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ trên 20 tuổi đã sinh nhiều con. Hầu hết các polyp CTC là lành tính (không phải ung thư).
Polyp CTC có biểu hiện gì?
Khoảng 2/3 phụ nữ có polyp CTC không có triệu chứng. Thường chỉ phát hiện khi khám tầm soát CTC định kỳ hoặc có các vấn đề sức khỏe khác cần thăm khám.
Ở 1/3 đối tượng còn lại có thể có các biểu hiện như:
- Chảy máu sau khi quan hệ.
- Chảy máu sau mãn kinh.
- Tiết dịch âm đạo nhiều, có thể bốc mùi khi nhiễm trùng.
- Chảy máu giữa các chu kỳ kinh nguyệt.
Nếu bác sĩ của bạn tìm thấy polyp CTC trong khi khám phụ khoa định kỳ qua xét nghiệm Pap. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị lấy một mẫu mô (sinh thiết) và gửi nó đến phòng thí nghiệm để chắc chắn rằng đó không phải là ung thư.
Nếu cần thiết, polyp sẽ được lại bỏ. Bác sĩ sẽ sử dụng một công cụ gọi là kẹp polyp giúp xoắn chân polyp và cắt bỏ nó.
Với những polyp lớn, bác sĩ có thể đề nghị sẽ loại bỏ nó trong phòng mổ và cần sử dụng thuốc gây tê.
Hầu hết các polyp CTC là lành tính, không gây ra vấn đề gì và thường không tái phát.
Tôi có thể ngăn ngừa polyp CTC không?
Hầu như không có cách nào để ngăn chăn sự phát triển của Polyp. Tuy nhiên, kiểm tra vùng chậu thông thường và xét nghiệm Pap có thể giúp phát hiện và điều trị polyp CTC trước khi chúng gây ra các triệu chứng.
Bệnh viêm vùng chậu (PID)
Viêm CTC có thể lan vào tử cung và ống dẫn trứng và dẫn đến viêm vùng chậu.
Các triệu chứng được liệt kê sau đây là các triệu chứng thường thấy nhất của viêm vùng chậu:
- Sốt.
- Lạnh run.
- Ra dịch vùng kín bất thường hoặc ra dịch nhiều, có thể kèm theo mùi khó chịu.
- Ra máu âm đạo bất thường, đặc biệt trong hoặc sau khi quan hệ hoặc ra huyết giữa kỳ kinh.
- Đau khi khám phụ khoa.
- Đi tiểu khó, buồn tiểu nhiều lần, tiểu đau.
Viêm vùng chậu có thể dẫn đến hậu quả:
- Hiếm muộn.
- Thai ngoài tử cung.
- Đau vùng chậu mạn tính.
- Áp-xe phần phụ.
Tình trạng này có thể được điều trị với kháng sinh và các điều trị nâng đỡ khác.
Bài viết cho thấy, các bệnh lý CTC hầu hết đều diễn tiến âm thầm và chỉ một phần nhỏ có biểu hiện. Những tình trạng lành tính như polyp CTC, đến tình trạng có thể dẫn đến ác tính như loạn sản CTC, thậm chí ung thư CTC hầu hết đều phát hiện được khi tầm soát qua xét nghiệm Pap định kỳ. Để bảo vệ sức khỏe sinh sản tốt ở phụ nữ, cần tiêm ngừa vaccin HPV phòng ngừa ung thư CTC. Nên kiểm tra thăm khám phụ khoa ở phụ nữ từ 29 tuổi trở lên mỗi năm một lần.
Từ khóa » Vị Trí Kẹp Cổ Tử Cung
-
Kế Hoạch Hóa Gia đình DỤNG CỤ TRÁNH THAI TRONG TỬ CUNG
-
Dụng Cụ Tử Cung (IUDs) - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Vị Trí Và Chức Năng Cổ Tử Cung | Vinmec
-
Phương Pháp Xử Lý Rách Cổ Tử Cung | Vinmec
-
Kẹp Cổ Tử Cung - Dụng Cụ Phẫu Thuật Sản Phụ Khoa – Siêu Thị TBYT ...
-
CHỤP TỬ CUNG VÒI TỬ CUNG - Health Việt Nam
-
Tư Vấn Và Cung Cấp Biện Pháp Tránh Thai: Dụng Cụ Tử Cung
-
Dụng Cụ Tử Cung | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
THỦ THUẬT CẶP KÉO CỔ TỬ CUNG XỬ TRÍ BĂNG HUYẾT SAU ...
-
Thai ống Cổ Tử Cung: Ca Lâm Sàng, Tổng Quan Chẩn đoán Và điều Trị
-
Khâu Tử Cung Do Nạo Thủng Hãy Tìm Hiểu Những Thông Tin Sau
-
Chuẩn Bị đặt Dụng Cụ Tử Cung (vòng Tránh Thai) - Chị Em Cần Lưu ý Gì?
-
[PDF] QUY TRÌNH KỸ THUẬT KHOA PHỤ SẢN