Cóc Có Là Vị Thuốc Chữa Bệnh? - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
Có thể bạn quan tâm
Gần đây, cùng với trường hợp anh Mai Xuân Khởi ở Quảng Bình ăn gan, mật cóc sống chữa bệnh ung thư gan có kết quả, không ít trường hợp ăn cóc chữa bệnh theo kiểu anh Khởi đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Người thì bị ngộ độc phải đi cấp cứu, người thì bị liệt hai chân, người thì bị tử vong. Việc một số người quá tin vào cách chữa bệnh bằng những phương pháp quá bất thường như chỉ cần mắc võng nằm trong một khu vườn, uống nước từ một cái giếng hay uống nước hòa từ tro đốt vàng mã... mà bách bệnh tiêu tan và gần đây lại truyền nhau nuốt gan, mật cóc sống để chữa bệnh ung thư khiến cho những người có chuyên môn lo lắng.
Trong các loại động, thực vật được dùng làm thuốc chữa bệnh cho con người thì con cóc cũng được nhắc đến. Và trong dân gian cũng như trong một số công trình nghiên cứu chữa bệnh của các danh y, cóc đã được dùng phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa bệnh. Các bậc cao minh trong giới Đông y đều có hướng dẫn rất cẩn thận về việc dùng cóc chữa bệnh. Khi nghiên cứu một số sách y học cổ truyền và một số bài thuốc cụ thể có liên quan đến việc dùng cóc, chưa thấy có bài nào nói về việc ăn gan, mật cóc sống để chữa bệnh.
Trong cuốn sách Thuốc Bắc thường dùng của DS. Nguyễn Văn Quý và BS. Nguyễn Phương do Nhà xuất bản Y học ấn hành năm 2002, ở trang 690 có đề cập đến một vị thuốc tên là thiềm thừ, tên gọi khác là cóc. Các tác giả đã chỉ rõ bộ phận dùng, tính chất, tác dụng, liều dùng và giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh có thiềm thừ. Theo đó, bộ phận dùng là thịt và xương. Dùng cóc da vàng hoặc hơi đen có đốm trắng ở giữa đầu hoặc có chữ bát ở giữa bụng, nặng trên 50g (không được dùng loại cóc mắt đỏ hoặc có hai dọc xanh ở hai bên bụng, đó là loại cóc độc, ăn có khi chết người). Tác dụng sát khuẩn, bạt độc, thuốc phát tán ngoại khoa. Chủ trị kinh can, lở nhọt, đinh độc, trị kinh phong ở trẻ em, trị hen suyễn, suy dinh dưỡng, cam tích. Các tác giả cũng dẫn thông tin về tác dụng chữa bệnh của cóc qua các tài liệu cổ như Bản thảo kinh sơ, sách Yên quyền đời Đường; sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân để minh chứng cho việc cóc làm thuốc chữa bệnh đã được dùng từ cổ xưa. Các tác giả cũng chỉ rõ: phàm không trùng tích, nhiệt độc cấm dùng. Trẻ con không có cam tích và bị tiêu chảy sơ phát thì không nên dùng. Nọc độc cóc ở da và gan, nếu ai ăn phải thì chết người (khi mổ cóc phải bỏ hết da và ngũ tạng).
Dùng cóc làm thuốc chữa bệnh phải đúng cách nếu không sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng . |
Trong cuốn sách Cẩm nang bài thuốc hay cho bệnh thường gặp của các tác giả Thiền sư La Kỳ Hoàng và Trương Anh do Nguyễn Bá Mão dịch, Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 1998, trang 845 có mục Ung thư gan với đơn thuốc chữa là 1-2 tấm da cóc tươi, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, chia 2 lần (khái niệm ung thư trong sách này có đồng nghĩa với khái niệm ung thư hiện nay hay không, người viết chưa có tài liệu so sánh).
Trong cuốn sách Bí quyết điều trị các chứng u bằng Đông y do Lăng Diệu Tinh và Lý Ích Nhiên chủ biên được Nguyễn Hải Ngọc và Nguyễn Trọng Kiên dịch theo nguyên bản tiếng Trung, Nhà xuất bản Đại học Trung y dược Thượng Hải – 1997, Nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành năm 2001, có ghi một số bài thuốc chữa, trong đó có một số bài trong thành phần có cóc. Chẳng hạn, trang 47 có mục U gan dạng cục to và trang 49 có ghi 3 bài thuốc cơ bản, trong đó có bài Giải độc chống ung thư, ngoài một số vị thuốc thảo mộc có thêm da cóc khô 9g; trang 70 có mục U gan và trong số các vị thuốc của bài thuốc Thanh nhiệt giải độc ở trang 72 có vị da cóc khô 10g...
Trong cuốn sách Đông y trị ung thư của PGS. Trần Văn Kỳ, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 1994, trang 52 có ghi bài thuốc Hạc thiềm phương (bệnh viện trực thuộc Học viện Trung y Quảng Châu, Trung Quốc), trong các vị thuốc của bài thuốc nói trên có vị thiềm tô. Trang 76 có ghi bài thuốc Trị vị nham (Triết Giang), trong các vị thuốc của bài này có vị thiềm bì (da cóc khô). Trang 98 có bài thuốc Bánh trị ung thư, trong các vị thuốc của bài này có vị thiềm tô. Trang 112 ghi bài thuốc Thiềm hùng giải độc phương (Bệnh viện Trung y Bắc Kinh), thành phần của bài thuốc này có vị thiềm tô 15g. Một số bài thuốc ở trang 113, 115 cũng có vị thiềm tô trong thành phần.
Từ các nguồn tư liệu trên, người viết bài này thiển nghĩ cóc là một trong những vị thuốc được dùng trong Đông y từ lâu. Tuy nhiên vì nó có độc nên việc sử dụng cần rất thận trọng. Vả lại khi sử dụng các bài thuốc có thành phần cóc như trên đã nêu, người ta đều đun kỹ, chưa thấy có trường hợp nào nói là nuốt sống và chưa thấy trường hợp nào sử dụng gan, mật cóc sống. Trường hợp có ai đó nuốt gan, mật cóc sống mà đạt được kết quả, thiết nghĩ đó chỉ là trường hợp cá biệt do cơ địa có những cơ chế hấp thu đặc biệt, giống như những trường hợp nằm nổi trên mặt nước hàng giờ, hay cầm tay làm cho bóng điện sáng, bịt mắt đọc được chữ... Không phải ai cũng có khả năng đặc biệt đó do vậy không thể trở thành phổ biến. Và một khi không phải là phổ biến thì việc chữa bệnh phải tuân thủ tính khoa học, an toàn, hiệu quả dù là Đông y hay Tây y. Không thể xem thường sinh mạng của con người qua cách chữa phi khoa học theo một hiện tượng bất thường được.
Bùi Hòa Bình
Từ khóa » Cóc Mắt đỏ
-
Phát Hiện Loài Cóc Mắt đỏ Rực Như Máu | Báo Lạng Sơn
-
Cẩn Thận Khi Dùng Cóc Chữa Bệnh - Báo Thanh Niên
-
Phát Hiện Loài Cóc Mắt đỏ Rực Như Máu - Khoa Học - VietNamNet
-
Con Cóc: Vị Thuốc Cổ Truyền được Sử Dụng Từ Lâu Trong Dân Gian
-
Vị Thuốc Từ Con Cóc | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Cóc | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Ngộ độc Do độc Tố Của Cóc Rất Dễ Tử Vong - Báo Lao động
-
Cách Phòng Tránh Ngộ độc Khi Sử Dụng Thịt Cóc
-
MA SÓI ĐIỀU TRA CON MA MẮT ĐỎ BẮT CÓC DÂN LÀNG TRONG ...
-
Cẩn Trọng Với Món Thịt Cóc
-
Cẩn Thận Khi Dùng Cóc Chữa Bệnh | Sức Khỏe | Báo Nghệ An điện Tử
-
Phòng Tránh Ngộ độc Do độc Tố Cóc - Báo An Giang Online