Coi Chừng Tăng Kali Máu ở Người Suy Thận

Ở người suy thận giai đoạn cuối thường có rất nhiều nguy cơ do thận đã hoàn toàn mất chức năng và một trong những biến chứng nguy hiểm đó là biến chứng do kali máu tăng.

Vai trò của kali trong cơ thể

Kali là một chất điện giải cực kỳ quan trọng của cơ thể với vai trò không thể thiếu trong các hoạt động thần kinh - cơ. Thừa kali luôn là một mối đe dọa tiềm tàng cho tính mạng bệnh nhân do kali máu tăng thường gây triệu chứng loạn nhịp tim nguy hiểm.

Tổng lượng kali trong toàn cơ thể (bao gồm trong tế bào, khoảng kẽ và trong máu vào khoảng 50mEq/kg cân nặng với 98% lượng kali ở trong tế bào. Nồng độ kali máu bình thường dao động từ 3,5 - 5,5mEq/L. Khi lượng kali máu trên 5,5mEq/L được gọi là tăng kali máu và khi lượng kali tăng trên 6,5mEq/L có thể gây những loạn nhịp nguy hiểm cho bệnh nhân.Người suy thận mạn phải tránh những thực phẩm chứa nhiều kali như chuối, đu đủ.

Lượng kali máu thay đổi phụ thuộc vào lượng kali trong, ngoài tế bào và lượng kali mất qua thận, qua mồ hôi, qua phân. Một chế độ ăn bình thường đảm bảo tương đối đầy đủ cho việc bổ sung lượng kali mất hàng ngày.

Kali được đưa vào cơ thể chủ yếu qua thức ăn. Một phần qua việc các tế bào trong cơ thể (như hồng cầu) phân hủy giải phóng ra và đôi khi do tiêm truyền các loại thuốc, dịch có chứa nhiều kali dẫn đến tăng kali máu.

Kali tăng khi nào?

Thận là cơ quan đào thải kali chủ yếu trong cơ thể. Có thể nói, khi chức năng thận còn tốt, lượng kali máu không bao giờ vượt quá ngưỡng tăng. Vì vậy, khi thận bị suy, đặc biệt là những trường hợp thận suy hoàn toàn phải lọc máu chu kỳ hoặc lọc màng bụng, lượng kali luôn có xu hướng tăng cao trong máu.

Loạn nhịp tim sẽ xuất hiện và gây những biến chứng nguy hiểm

Biểu hiện của tăng kali máu nói chung là nghèo nàn, bệnh nhân chỉ thấy cảm giác yếu cơ, liệt cơ, đau mỏi các bắp chân, bắp tay, dị cảm, chuột rút, buồn nôn, nôn. Các triệu chứng tim mạch luôn có và là biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân có cảm giác đánh trống ngực, nhịp tim bị bỏ nhịp (ngoại tâm thu), nặng hơn sẽ có tụt huyết áp, ngừng tim và bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Làm điện tâm đồ để xác định những dấu hiệu của tăng kali máu cũng như những loạn nhịp đặc trưng của tăng kali máu: sóng T cao, nhọn, đối xứng; muộn hơn có phức bộ QRS giãn rộng, hình lưỡi mác... nhịp nhanh thất, rung thất... và xét nghiệm nhanh cho thấy nồng độ kali máu tăng rất cao.

Làm gì khi có biểu hiện tăng kali máu?

Khi bệnh nhân suy thận mạn có các biểu hiện nghi ngờ do tăng kali máu, lập tức dừng tất cả các nguồn đang đưa kali vào cơ thể như các loại thuốc hoặc dịch truyền có chứa kali. Sau đó nhanh chóng xác định xem bệnh nhân có tăng kali máu thực sự hay không. Nếu có tăng kali máu, nhanh chóng làm giảm nồng độ kali bằng các biện pháp:

Đẩy kali từ máu vào trong tế bào (tổng lượng kali toàn cơ thể vào khoảng 3.500mEq trong đó, lượng kali máu chỉ xấp xỉ 20mEq nên khả năng chứa kali của tế bào là rất lớn) bằng truyền insulin nhanh với dung dịch đường glucose (10, 20%); khí dung thuốc kích thích beta 2 giao cảm như salbutamol, albuterol; kiềm hóa máu bằng dung dịch natribicarbonate...

Dùng thuốc đối kháng để làm giảm hoặc mất tác dụng gây loạn nhịp của kali bằng tiêm hoặc truyền canxi.

Tất cả các biện pháp này chỉ làm giảm kali ở máu mà không làm giảm kali thực sự nên khi các thuốc hết tác dụng, lượng kali máu lại tăng cao ngay. Vì vậy, cuối cùng, việc loại bỏ lượng kali thừa ra khỏi cơ thể vẫn là quan trọng hàng đầu. Các biện pháp bao gồm tăng thải kali qua nước tiểu bằng các thuốc lợi tiểu mạnh; lọc màng bụng hoặc chạy thận nhân tạo (lọc máu chu kỳ hoặc lọc máu liên tục) để loại bỏ kali. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng nhựa trao đổi ion để loại bỏ kali qua đường ruột bằng cách cho bệnh nhân uống sodium polystyrene sulfonate resin (kayexalate) với liều 25 - 50g kết hợp với sorbitol để gây tiêu chảy kéo kali ra khỏi cơ thể.

Lời khuyên thầy thuốc

Ở người suy thận mạn, luôn phải cảnh giác việc tăng kali máu nên cần chú ý tới một số biện pháp dự phòng như: không uống, tiêm truyền những thuốc hoặc dung dịch có chứa kali; chế độ ăn hàng ngày cũng phải tránh những thực phẩm có chứa nhiều kali như chuối, đu đủ, sữa có nhiều kali. Thường xuyên chú ý những dấu hiệu của tăng kali máu và làm xét nghiệm thường xuyên để kiểm tra. Tuân thủ đúng lịch lọc màng bụng hoặc lọc máu chu kỳ để loại bỏ lượng kali thừa.

TS.BS. Vũ Đức Định

Cẩn thận kẻo hạ kali máu do thuốc! Cẩn thận kẻo hạ kali máu do thuốc!Phòng rối loạn kali- máu do thuốc Phòng rối loạn kali- máu do thuốcRối loạn kali máu và sự cẩn trọng trong dùng thuốc Rối loạn kali máu và sự cẩn trọng trong dùng thuốc

Từ khóa » Hàm Lượng Kali Trong Máu