Cội Khế Già - Báo Long An Online

Trước nhà tôi có trồng cây khế ngọt. Không biết khế bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ lúc tôi cắp sách đến trường thì cây khế đã cao chót vót. Bà kể, hồi đó cây khế bỗng dưng mọc hoang trước nhà. Rồi vì thấy nó tươi tốt nên bà cặm từng nhánh củi khô rào lại và tưới nước mỗi ngày. Khế lớn nhanh, chẳng mấy chốc đơm hoa, kết trái.

Dưới gốc khế, ba tôi đặt một chiếc bàn tròn và những chiếc ghế gỗ. Lúc nhỏ, những trưa hè oi bức, tôi hay ra ngồi dưới gốc khế học bài. Bà là người sát cánh cùng tôi trên những trang sách, trang vở. Ba mẹ vì bận việc đồng áng nên ít quan tâm đến việc học của tôi. Sau những giờ học căng thẳng, tôi được giải lao bằng những câu chuyện ly kỳ. “Ăn khế trả vàng” là truyện cổ tích đi suốt tuổi thơ tôi. Thỉnh thoảng bà vẫn đem câu chuyện con quạ ăn khế trả vàng để dạy tôi lối sống ở đời, không nên tham những thứ không thuộc về mình. Lúc ấy, tôi ngây thơ đến mức ngồi hàng giờ dưới cây khế chỉ để chờ con quạ đến hái trái mang đi. Quạ không bao giờ đến. Còn tôi thì bị đánh đòn vì bỏ bữa cơm trưa.

Ảnh minh họa. Internet

Khế cũng như người, lúc giận lúc vui. Khi vui, khế cho quả ngọt đầy cành. Khi giận, trái thưa thớt, nhạt thếch. Theo kinh nghiệm dân gian, bà lấy phân tro ủ sau nhà đem bón gốc khế. Rồi sau những giờ tan học, tôi long nhong khắp xóm tìm mấy tổ kiến vàng thả lên cây. “Vài tháng sau nó sẽ ngọt lịm cho mà xem”, bà quả quyết như thế. Kỳ diệu thay, đúng như lời bà nói, khế nhiều nước và ngọt đậm đà.

Khi kinh tế phát triển, rất nhiều thương lái đi lùng sục khắp làng để tìm mua những cây kiểng lâu năm, quý giá. Cây khế của gia đình tôi cũng nằm trong tầm ngắm. Nhiều thương lái tìm đến, nhìn thấy khế như thấy vàng, kỳ kèo kêu bán. Ba tôi phân vân. Thực ra nếu có sự lựa chọn, ba sẽ không nỡ bán cây khế. Vì đối với ba, khế là người bạn, người thân gắn bó từ thuở thiếu thời cho đến bây giờ. Nhưng vì vụ mùa thất bát, sắp đến hạn trả tiền ngân hàng mà ba không xoay xở đâu ra. Biết ba có ý định bán cây khế, bà buồn lắm, bỏ ăn mấy ngày. Bà ra ngồi dưới gốc khế, trầm ngâm nhìn vào khoảng không vô định, rồi khóc. Người già là thế. Họ luôn sâu nặng với kỷ niệm, da diết về mặt tinh thần. Ngay cả trẻ con như tôi cũng biết buồn, biết giận. Tôi giận ba, không thèm nói chuyện, quyết tuyệt thực theo bà để bảo vệ cây khế. Cuối cùng, bà quyết định mang số vàng cưới mà mình gói ghém bao lâu nay đưa cho ba đi cầm để có tiền trả nợ. Hơn tháng sau, ngân hàng duyệt cho vay lại, cả nhà mừng như trúng số. Số vàng cưới lại về với bà. Cây khế vẫn còn đó, xum xuê tỏa mát.

Sau bao năm gắn bó với gia đình tôi, buồn vui đều nếm trải, cây khế vẫn tươi xanh tràn đầy sức sống như cô gái đương tuổi xuân thì. Bà vẫn cần mẫn xách từng thùng nước tưới mỗi ngày. Thỉnh thoảng bà dùng tay vỗ vào thân khế như hỏi thăm sức khỏe. Trong những lần họp mặt gia đình, bà luôn nhắc chuyện cây khế suýt bị bán để nhắc nhở con cháu về một thời cơ cực. Sống phải biết phấn đấu vươn lên, đừng thấy khó khăn mà chùn bước, bế tắc. Ánh sáng sẽ tỏa rực phía cuối đường hầm nếu như ai đó dám đương đầu với bao thử thách nguy nan. Bà như cội khế dang tay tỏa mát, chở che cho cả gia đình bình an, hạnh phúc mỗi ngày./.

Đặng Trung Thành

Từ khóa » Khế Già