Còi Xương Do Thiếu Vitamin D ở Trẻ: Dấu Hiệu Và Cách điều Trị

Trungtamthuoc.com - Bệnh còi xương dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Vậy cần làm gì khi trẻ còi xương?

1 Còi xương ở trẻ em là gì?

Bệnh còi xương là tình trạng xương mềm và dễ gãy ở những trẻ thiếu hụt vitamin D, từ đó ảnh hưởng đến quá trình hấp thu của Canxi và phospho. Khi trẻ bị còi xương dinh dưỡng thì sự phát triển thể chất của trẻ kém, làm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt trên đường hô hấp.

Vậy tại sao lại còi xương? Sự thiếu hụt vitamin D có thể do dinh dưỡng kém, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hoặc hội chứng kém hấp thu trong đó ruột không hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng từ thức ăn [1] Vitamin D được bổ sung hàng ngày bị thiếu so với nhu cầu của cơ thể. Nhu cầu Vitamin D cần cho mỗi người, tùy thuộc vào lứa tuổi. Với các bé dưới 15 tuổi thì mỗi ngày cần bổ sung vitamin D với hàm lượng 400UI. Còn với người lớn thì nhu cầu vitamin D mỗi ngày là 200UI. Đối với phụ nữ có thai hoặc cho con bú cần bổ sung nhiều hơn bình thường là 200-300 UI/ngày

Còi xương ở trẻ gây chậm phát triển.

2 Nguyên nhân gây còi xương ở trẻ

2.1 Nguyên nhân của bệnh còi xương

Nguyên nhân chính của bệnh còi xương ở trẻ là do vitamin D. Đồng thời làm rối loạn các hấp thu và chuyển hóa của can xi, phospho.

  • Thiếu vitamin D: Đây là nguyên nhân chủ yếu gây còi xương ở trẻ. Thiếu vitamin D có thể gặp ở các đối tượng là trẻ sinh non, trẻ dùng sữa ngoài không đủ vitamin D, hoặc trẻ bú sữa mẹ nhưng ít vitamin D. Hoặc trẻ có bệnh đường ruột kém hấp thu.
  • Thiếu can xi: Trong chế độ ăn của trẻ thiếu canxi, hoặc canxi bị giảm hấp thu do thiếu vitamin D hoặc một số bệnh lý khác.
  • Thiếu phospho: Thiếu phospho trong chính các bữa ăn hàng ngày của trẻ, hoặc do sử dụng các thuốc kháng acid có chứa hợp chất nhôm. Cũng có thể do giảm phosphat máu chủ yếu do mất phosphat ở thận và còi xương do toan hóa ống thận. [2]

2.2 Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ còi xương của trẻ bao gồm:

  • Da sẫm màu: Da sẫm màu có nhiều sắc tố melanin hơn, làm giảm khả năng sản xuất vitamin D của da từ ánh sáng mặt trời.
  • Sự thiếu hụt vitamin D của mẹ khi mang thai: Trẻ sinh ra từ người mẹ bị thiếu vitamin D nghiêm trọng có thể sinh ra với các dấu hiệu còi xương hoặc phát triển chúng trong vòng vài tháng sau khi sinh.
  • Các vĩ độ Bắc: Trẻ em sống ở những vị trí địa lý ít ánh nắng mặt trời sẽ có nguy cơ bị còi xương cao hơn.
  • Sinh non: Trẻ sinh trước ngày dự sinh có xu hướng có lượng vitamin D thấp hơn vì chúng có ít thời gian hơn để nhận được vitamin từ mẹ khi còn trong bụng mẹ.
  • Thuốc men: Một số loại thuốc chống động kinh và thuốc kháng vi rút, được sử dụng để điều trị nhiễm HIV, dường như cản trở khả năng sử dụng vitamin D của cơ thể.
  • Cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ: Sữa mẹ không chứa đủ vitamin D để ngăn ngừa bệnh còi xương. Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn nên được bổ sung vitamin D. [3]

3 Trẻ bị còi xương có biểu hiện như thế nào?

Khi trẻ bị còi xương sẽ có biểu hiện trên nhiều bộ phận chức năng của cơ thể, từ hệ thần kinh cho đến toàn bộ sự phát triển bình thường của trẻ.

Đầu tiên, là các biểu hiện trên hệ thần kinh. Đây là triệu chứng nhìn thấy sớm nhất, đặc biệt ở những trẻ có thể cấp tính. Ở đây, sẽ thấy trẻ có các biểu hiện như ra mồ hôi trộm nhiều, cả kể khi trời mát. Trẻ hay bị kích thích, dẫn đến khó ngủ, giật mình khi ngủ. Tóc rụng nhiều đặc biệt là ở vùng sau gáy, gây ra hiện tượng gọi là "rụng tóc vành khăn". Với những trẻ còi xương cấp tính còn có thể bị hạ nồng độ Canxi trong máu, gây thở rít thanh quản, nôn, nấc khi ăn.

Tiếp theo là trẻ bị chậm phát triển vận động như chậm biết lẫy, bò hay đi đứng.

Đồng thời khi bị còi xương trẻ sẽ có những biểu hiện trên hệ xương khớp như sau:

  • Trên xương sọ: xương xọ của trẻ mềm hơn bình thường, thóp lâu khít. Hoặc có thể có những biến dạng xương sọ làm đầu to hơn.
  • Trên răng: trẻ bị còi xương có thể có xương hàm biến dạng, răng mọc chậm hoặc mọc không thẳng, yếu ớt và men răng kém.
  • Trên xương ngực: Tạo hiện tượng chuỗi hạt sườn. Lồng ngực bị biến dạng, xương ức nhô ra.
  • Trên xương dài: Trên các xương này thì biểu hiện sẽ muộn hơn. Đầu xương to gây hiện tượng vòng cổ tay, cổ chân, chân cong hình chữ X hoặc hình chữ O. Còi xương gây chậm phát triển thể chất ở trẻ làm trẻ bị lùn. Trẻ bị vẹo xương sống, xương mềm, dễ gãy xương khi có ngoại lực tác động. Thậm chí là gây đau nhức xương ở trẻ.
  • Trên xương chậu: Những trẻ còi xương có biểu hiện xương chậu bị hẹp.

Khi trẻ bị còi xương còn có những biểu hiện trên cơ và dây chằng như trương lực cơ yếu. Khi canxi máu hạ xuống thấp quá gây hiện tượng chuột rút.

Đồng thời, khi còi xương nặng, trẻ còn có thể bị thiếu máu thiếu sắt, gan lá lách to. Không những thế, còn hệ miễn dịch trẻ cũng bị suy giảm dẫn đến trẻ dễ bị nhiễm khuẩn.

Trẻ bị còi xương có biểu hiện trên các cơ quan của cơ thể.

4 Điều trị còi xương ở trẻ

4.1 Mục tiêu của điều trị

Mất triệu chứng của bệnh, điều trị nguyên nhân bằng cách tăng cường can xi, phospho và vitamin D trong chế độ ăn.

Còi xương dinh dưỡng điều trị đơn giản được điều trị bằng bổ sung vitamin D và canxi. Nếu trẻ được cung cấp đủ canxi và vitamin D sớm thì các tổn thương trên xương sẽ được cải thiện nhanh hoặc chậm tùy tình trạng của trẻ.

4.2 Điều trị bằng thuốc cụ thể

Cho trẻ sử dụng vitamin D2 và vitamin D3: Với liều dùng điều trị là mỗi ngày 2000 - 5000UI, dùng liên tục trong vòng từ 4 đến 6 tuần. Sau đó dùng liều dự phòng giảm xuống còn 400UI/ngày với bé dưới 1 tuổi và 600UI/ngày với trẻ từ 1 tuổi trở lên.

Khi có bệnh cấp tính hoặc có nhiễm khuẩn như viêm phổi hay tiêu chảy thì bạn có thể cho bé uống với liều mỗi ngày là 10.000UI, dùng liên tục trong vòng 10 ngày.

4.3 Các liệu pháp điều trị phối hợp

Bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều canxi trong bữa ăn cho trẻ như sữa, tôm, cua

Chế độ có đủ chất béo, dầu, mỡ. Vì vitamin D là một vitamin tan trong dầu, nên trong bữa ăn của trẻ có đủ dầu, chất béo thì vitamin mới được hấp thu đầu đủ.

Bổ sung cho trẻ các chế phẩm chứa canxi như: can xi B1, B2, B6, mỗi ngày cho trẻ dùng từ 1 đến 2 ống. Với các bé lớn hơn, có thể ăn dạng cốm can xi thì mỗi ngày ăn từ 1 đến 2 thìa cà phê.

Bổ sung vitamin D cho trẻ vào bữa ăn.

5 Làm sao để phòng ngừa còi xương cho trẻ?

Ngoài việc sử dụng thuốc và các liệu pháp điều trị trên thì các bà mẹ cần có các biện pháp phòng ngừa còi xương ở trẻ như sau:

  • Với các bà mẹ mang thai cần bổ sung vitamin D hàng ngày với liều mỗi ngày là 1000UI, bổ sung từ tháng thứ 7 hoặc uống 1 lần 100.000UI-200.000UI vào tháng thứ 7 của thai kỳ theo lời khuyên của bác sĩ. Đồng thời người mẹ cần có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý để tránh sinh non.

Bổ sung vitamin D trong thời kỳ mang thai.

  • Sau khi sinh xong, mẹ cần ở nơi thoáng mát, có ánh sáng chiếu vào, cùng với chế độ ăn đủ vitamin D, canxi để bổ sung cho trẻ qua sữa mẹ.

Bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh:

  • Với trẻ bú hoàn toàn từ sữa mẹ, những trẻ đủ 2 tháng tuổi trở lên, bạn có thể cho bé uống vitamin D. Mỗi ngày uống 400UI.
  • Với những trẻ sinh thiếu tháng, suy dinh dưỡng thời thai kỳ, hoặc trẻ phát triển nhanh, không có điều kiện tắm nắng và trẻ từ 1 tuổi trở lên mỗi ngày cho trẻ uống vitamin D liều 600UI. Vitamin D3 Cholecalciferol (D3), dễ hấp thu hơn vitamin D2 Ergocalciferol (D2).

Với gia đình có tiền sử mắc bệnh còi xương thì cần đến gặp bác sĩ, thăm khám cho do chẩn đoán trước sinh xem trẻ có bị còi xương di truyền không.

Qua bài viết này, chúng tôi đã giúp các bạn có thêm kiến thức về bệnh còi xương ở trẻ nhỏ do thiếu vitamin D. Từ đó, các bạn đã có thể nhận biết các dấu hiệu còi xương của bé nhà mình để có các liệu pháp can thiệp kịp thời.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của NORD, Vitamin D Deficiency Rickets, NORD. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021
  2. ^ Tác giả: Manisha Sahayvà Rakesh Sahay, NCBI. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021
  3. ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Rickets, Mayoclinic. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021
Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây

Từ khóa » Còi Xương Thiếu Vitamin D