Cơm, Canh Nấu Chín Lên Quầy - Tuổi Trẻ Online

Cơm, canh nấu chín lên quầy - Ảnh 1.

Quầy thực phẩm chế biến sẵn trong siêu thị trên đường Lê Văn Việt, TP Thủ Đức chiều 10-7 - Ảnh: HOÀNG AN

Ngày 10-7, siêu thị Lotte quận 7 đã được mở cửa trở lại sau 3 ngày tạm đóng cửa để phòng chống dịch. Nguồn hàng hóa được nhập về khá dồi dào, đặc biệt gian hàng Delica, chuyên bán thực phẩm chế biến sẵn, khá đa dạng món ăn.

"Chúng tôi cũng đưa gian hàng Delica lên app của siêu thị. Nhưng với lượng khách mua sắm qua ứng dụng, qua kênh online tăng mạnh như hiện nay, khó có thể giao hàng trong ngày" - đại diện siêu thị này thừa nhận.

Theo ghi nhận tại quầy thực phẩm chế biến sẵn Delica của các siêu thị trong hệ thống này, thay cho các món ăn như bánh bèo, xôi gà đến các loại trà sữa, chè ngọt... từng được bày bán trước đó là các phần ăn đã nấu sẵn, chủ yếu là cơm, bún, bánh mì... được đóng gói trong các khay thức ăn, kèm đũa, muỗng để người dân tiện mang đi và dùng ngay bất cứ lúc nào.

Một số siêu thị kê sẵn bàn bán thức ăn phía bên ngoài, khách không có nhu cầu vào mua sắm và đem đi ngay.

Cùng ngày, theo đại diện AEON Việt Nam, khu vực ẩm thực tự chọn tại các siêu thị này bắt đầu bán thêm các món ăn chế biến sẵn để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Trên các ứng dụng, website, ngoài các sản phẩm thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm hằng ngày, khách có thể đặt mua các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn như hoa quả cắt sẵn, bánh mì, sushi...

"Các món ăn được chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh, được đóng gói cẩn thận để đảm bảo an toàn phòng dịch" - đại diện siêu thị này cho biết.

Tại hệ thống Big C, Go! Tops Market, sản phẩm thức ăn nấu chín khá đa dạng từ các món Nhật như sushi, sashimi... đến quầy bánh mì với nhiều loại bánh chế biến khác nhau và quầy thực phẩm nấu chín Delica với nhiều món ngon khác nhau như cơm chiên, bánh cuốn, cánh gà chiên, gỏi cuốn...

"Siêu thị sẽ tăng cường quảng cáo để nhiều người có thể đặt mua qua các nền tảng đi chợ hộ khác nhau" - đại diện Central Retail VN cho biết.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành F&B cho rằng việc các siêu thị đang quá tải phục vụ khách hàng mua sắm lương thực thực phẩm tươi sống, nay phải "gánh" thêm bán thức ăn mang đi cho người dân là không ổn.

Anh Lê Xuân Trường - CEO hệ thống F&B chuyên bán hàng mang đi Tasty kitchen - cho biết rất "sốt ruột" khi thấy khách hàng liên hệ, mong muốn bếp cung cấp thức ăn trong những ngày gần đây.

Theo anh Trường, chỉ nên ngừng bán hàng qua app để tránh tụ tập đông các shipper, nhưng cần cho mở cửa bán hàng mang về với những bếp online, hệ thống F&B có kênh bán hàng riêng và đội ngũ giao hàng riêng.

"Đội ngũ này cũng phải tuân thủ các quy định xét nghiệm COVID-19 một tuần 2 lần. Nếu vi phạm quy định an toàn chống dịch, có thể xử phạt nặng. Chứ như hiện nay, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã quá tải khách mua sắm hàng thiết yếu, khó cung ứng ngay những bữa cơm cho nhiều người" - anh Trường đề xuất.

Sức mua giảm, rau củ tăng giá

qdi_0414 2(read-only)

Người dân mua rau củ quả tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Kiệm, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong ngày cuối tuần 10-7 lượng người dân đi mua tăng hơn nhưng không xảy ra tình trạng tập trung đông đúc, tranh nhau mua khi hàng hóa đầy quầy kệ, đặc biệt nhóm hàng thực phẩm tươi sống.

Tại siêu thị Co.opmart Chu Văn An (quận Bình Thạnh), từ 7h sáng, mặt hàng rau, thịt, cá... đã đầy ắp kệ, giá bán tương đối ổn định so với trước đó, do đó không xảy ra tình trạng khách chờ nhau mua hàng.

Tương tự, các quầy thịt của cửa hàng Vissan cũng khá dồi dào và giá bán ổn định, đến cuối ngày vẫn chưa bán hết.

Ngược lại, một số chợ lẻ, trừ giá thịt và cá tương đối ổn định, giá rau củ đang có xu hướng tăng nhanh, thậm chí giá bắp cải, cải thảo, rau ăn lá, ăn củ... được bán ra ở mức 40.000 - 60.000 đồng/kg tùy loại - cao gấp 2-3 lần ngày thường.

Theo Sở Công thương TP.HCM, nguyên nhân của tình trạng này là do 2/3 số chợ trên địa bàn, bao gồm 3 chợ đầu mối, đã tạm ngưng hoạt động vì liên quan ca nhiễm COVID-19.

Trong khi đó, tiểu thương cũng phải điều chỉnh phương thức giao nhận hàng, xăng dầu tăng giá, xe chuyển từ tải lớn sang tải nhỏ làm chi phí tăng.

"Tiểu thương các chợ không có năng lực tăng lượng cung lên nhiều lần như kênh phân phối hiện đại nên khi hết hàng rất dễ có tâm lý nâng giá. Hiện cơ quan chức năng đang tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý nhằm ổn định giá cả" - ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết.

Tính đến ngày 9-7, toàn TP.HCM chỉ còn 86 chợ truyền thống, 6/106 siêu thị và 94/2.626 cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy vậy, theo Sở Công thương TP, hàng hóa thiết yếu vẫn đổ về TP.HCM qua các kênh thay thế nên nhìn chung vẫn ổn định, người dân yên tâm mua sắm.

N.TRÍ

Sức mua ở TP.HCM hạ nhiệt, siêu thị, cửa hàng bắt đầu Sức mua ở TP.HCM hạ nhiệt, siêu thị, cửa hàng bắt đầu 'trả nợ' hàng online

TTO - Các siêu thị, nhà bán lẻ bắt đầu tăng "giải phóng" các đơn hàng online tồn đọng sau khi sức mua tại điểm bán hạ nhiệt. Mặc dù giá hàng hóa có tăng hơn so với trước, nhưng thị trường đã tương đối ổn định về cân đối cung - cầu.

Từ khóa » Các Món đồ ăn Chín Bán Sẵn