Cơm “tù” Trên Tàu - PLO

17 năm... vẫn thế!

Anh Hoàng Xuân Lẫm, quê ở Thanh Hóa vẫn còn nhớ như in chuyến hành trình đầu tiên vào Nam trên tàu Thống nhất cách đây 17 năm. Ngày ấy anh được ông chú dẫn vào Nam lập nghiệp, 25 tuổi mới đi xa và được dùng bữa cơm đầu tiên trên tàu ngày ấy với anh mới "xa xỉ" làm sao. Chỉ ba món: cơm trắng, canh rau muống và thịt kho cũng làm cho chàng trai quê như anh Lẫm ngỡ đang hưởng tiệc. Anh bảo, cơm trắng họa hoằn chỉ ngày Tết mới có, còn quanh năm "thực đơn" hằng ngày của gia đình anh vẫn một phần cơm độn ba phần củ.

Cơm "tù" trên tàu và "quà tặng" cũng trên tàu! Ảnh: Đông Hải.
Cơm "tù" trên tàu và "quà tặng" cũng trên tàu! Ảnh: Đông Hải.

Bây giờ, sau 17 năm "tha phương cầu thực" trở về quê trên chuyến tàu vào loại "VIP" nhất Việt Nam (SE 2), anh Lẫm đã là ông chủ của vườn nho trên 20 ha ở Bình Thuận. Tôi hỏi anh về chất lượng của những chuyến tàu, anh nói ngay: "Ngày xưa tàu chạy ồn kinh khủng, bây giờ đi khoang giường nằm, điều hoà không khí, xem ra có "vẻ" hơn, thế nhưng cơm thì vẫn thế, những bữa cơm mà sau 17 năm vẫn chẳng được "cải tiến" gì nhiều, vẫn hộp cơm be bé, chút xíu thịt mỡ kho, một ít dưa và lưng chén canh nhỏ. Một bữa cơm mà nếu ai đã từng ăn cũng chỉ nhận xét: "Ăn cho qua bữa"!.

Trong khoang giường nằm cùng hành trình ra Hà Nội với chúng tôi hôm ấy còn có hai vợ chồng đã lớn tuổi. Ông quê ở Quảng Ngãi tập kết ra Bắc, yêu và lấy bà là người Hà Nội, sau ngày giải phóng miền Nam ông ở lại miền Bắc công tác. Thi thoảng vài ba năm 2 cụ lại về thăm quê và phương tiện được họ chọn vẫn là tàu hỏa.

Nhìn hộp cơm được phát ra, cụ bà thỏm thẻm: "Phần này chỉ đủ cho thằng cháu nội học lớp 7 của tôi nó xơi, mà cũng chỉ tính số lượng" thôi chứ "chất lượng" thế này thì nó bỏ bữa ngay. Cụ ông thì nhận xét về những bữa cơm trên tàu như sau: "Đây là những bữa cơm không thể kháng cự!". Bởi, những phần cơm được phát ra kèm theo một lời "rao" quen thuộc: "mời mọi người dùng cơm" hay "mời mọi người xơi cơm".

Không la hét, không ép buộc, lịch sự luôn có thừa, còn xơi hay không thì tuỳ vì chỉ khoảng 30 phút sau nhân viên nhà tàu đã quay lại "thu dọn chiến trường".

Ẩm thực trên tàu; có tiền là... "tiên"!

Theo tôi, điều "an ủi" lớn nhất trên những chuyến tàu ở khoản ẩm thực là bạn vẫn được hưởng những "tiện ích" vượt trội hơn những bữa cơm "chuẩn" nếu như bạn có... tiền!. Vì song hành ngay sau những chiếc xe đẩy cơm là những chiếc xe chất đầy thức ăn, nóng giòn và thơm phức; chả cá, thịt xiên nướng, trứng gà, trứng lộn... và dĩ nhiên là cả bia, nước ngọt các loại, mà muốn dùng thì xin bỏ tiền ra, tuy có đắt hơn ở dưới "đất" nhưng nếu không dùng kèm thì sẽ đói ngay khi chưa đến bữa ăn chính.

Vì thế ông cụ trong khoang của tôi vừa thưởng thức phần "quà tặng" cụ bà mua, vừa hóm hỉnh: đây là phần tất yếu phải chi thêm trong hành trình!. Và dường như tất cả thực khách trên tàu ít nhất phải dùng một thứ gì đó trong phần "quà tặng" kia vì nhiều lý do, trong đó có một lý do rất "chính đáng" là những bữa ăn do nhà tàu phát ra chưa đủ cả về lượng và chất cho hành khách.

Nếu như khẩu phần ăn cho hành khách trên tàu trong rất nhiều năm qua không hề được "cải tiến" thì ở khoang căng tin của nhà tàu bạn sẽ là "tiên"... nếu như sẵn sàng chi tiền! Vì thế chẳng có gì lạ khi mục sở thị căng tin của nhà tàu hôm ấy mọi người sẽ thấy ngay 5 ông nhân viên của tàu đang quây quần bên 1 con gà bóp chua và thùng bia Ken. Nếu bạn cũng muốn làm "tiên" như 5 ông “thượng khách" kia chẳng gì là khó, chỉ việc chi... tiền ra!.

Bao giờ hết cảnh… cơm "tù"(?)

Khi được hỏi những món ăn "bán thêm" bao giờ sẽ là khẩu phần chính trong bữa ăn của hành khách, cô nhân viên tên Yến nhỏn nhẻn: Anh ra tổng công ty mà hỏi, còn chúng em chỉ biết phát cơm. Anh tưởng bán hàng trên tàu lời lắm sao. Phải qua dăm ba "cửa ải" mới đến lượt mình đấy(?).

Có lẽ với một số người, việc "đổ tội" cho những bữa cơm trên tàu mà hằng ngày hành khách vẫn dùng bằng cái tên "cơm tù" nghe có vẻ hơi quá. Nhưng nếu ai đó đi một chuyến tàu trên hành trình Bắc - Nam vẫn dài lê thê từ 32 đến 34 tiếng và dùng những bữa cơm như vậy mới hiểu khái niệm cơm "tù".

Bởi nếu trong hành trình ấy dù là đi công tác hay du lịch, hành khách muốn thưởng thức một bữa cơm cho "đáng đồng tiền" cũng chẳng đào đâu ra, trong khi đó giá vé mỗi ngày lại tăng chứ không hề giảm và giả sử có tăng thêm nữa để nâng cao chất lượng bữa ăn thì cũng nên làm(?)

Theo ĐÔNG HẢI (CAND)

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Cơm Tù Ra Sao