Con Cá Cô đơn… - Giác Ngộ Online
Có thể bạn quan tâm
GN - Từ lúc nào không rõ, khi bước chân đến nơi làm việc của mình, tôi đã thấy bể cá được đặt trên mặt kệ đá hoa cương; cái kệ vốn là chiếc tủ nhà bếp được tận dụng lại đựng giày dép, vớ tất các loại. Bể nhỏ, bề ngang khoảng bốn tấc, dài hơn nửa thước nên vừa đủ cho hai con cá màu hồng nhạt bơi lội tung tăng.
Ảnh minh họa
Thoạt nhìn, tôi cứ tưởng đó là cá diêu hồng, cho đến khi hỏi người nuôi mới biết đó là cá phát tài, thuộc họ tai tượng. Loài cá này dễ nuôi, có sức bền tốt, nhiều khi hai ba ngày quên cho ăn cũng không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, lại không đòi hỏi môi trường nước phải thật sạch. Để ý, tôi thấy lâu lâu chúng lại nghịch ngợm nhảy lên trên bể cho nước bắn tung tóe ra ngoài. Chúng diễn trò bắn nước này nhiều lần trong ngày.
Cá phát tài rất khôn ranh, biết nhảy múa theo tay người nuôi. Đây là loại cá dữ nên không thể nuôi chung với các loại cá khác.
Bể cá của công ty chỉ có hai con, nuôi cùng một lúc mà chúng lớn không đều nhau, một con phàm ăn thì to xác, còn con kia bé xíu nên giành không lại “người anh em” sống chung với mình, có thể vì vậy mà nó không thể lớn, bị ăn hiếp suốt ngày. Con cá to hơn buồn buồn lại đuổi đánh cá nhỏ, nó tấn công liên tục đến nỗi trên thân thể cá nhỏ bị lủng một vết khá sâu, rách thịt, sứt vảy, một thời gian lành lại nhưng vẫn để sẹo rất rõ. Đánh nhau như vậy nhưng chúng vẫn quấn quýt, con cá nhỏ cứ kè kè bơi sát mình cá lớn, khi vui chúng cùng quẫy thật mạnh rồi tung tăng bơi lượn trong lòng bể nhỏ.
Thời gian lặng trôi, hai con cá cứ cặp kè bên nhau qua năm tháng. Với khả năng hiểu biết hạn hẹp của mình về loài cá, tôi không biết cá nào trống, cá nào mái. Nếu là hai con trống thì chúng sống như bạn bè đồng chí, dù đôi khi đánh nhau đổ máu nhưng rồi lại huề như bản tính nam nhi phóng khoáng, không thèm chấp chuyện nhỏ nhặt chi li. Nếu là hai con mái thì tránh sao khỏi lúc ganh ghét nhau vì đố kỵ, vì giành giựt những cái lợi tủn mủn hàng ngày; nhưng cũng giống như chị em trong nhà, gây gổ, mắng mỏ, thậm chí đánh nhau, rồi cũng tha thứ cho nhau vì tình thương máu mủ ruột rà. Nếu là một trống, một mái thì quyến luyến nhau là chuyện xửa xưa vẫn thường xảy ra, như người ta vẫn nói “thương nhau lắm, cắn nhau đau” có bao giờ sai? Hai con cá này cũng vậy, cắn nhau, đánh nhau rồi tha thứ nhau, khoan dung mà sống trong không gian bó hẹp do con người quy định.
Một ngày, công ty được dọn dẹp sắp xếp lại, bể cá bị chuyển tới góc khác, dưới chân cầu thang. Có phải vì lạ cảnh, lạ chỗ hay bắt buộc bị bứt rời khỏi không gian quen thuộc mà đôi cá mất dần sự nhanh nhẹn vốn có, chúng lờ đờ, u hoài, dật dờ. Lâu lắm rồi không còn nghe tiếng cá quẫy, không có bọt nước bắn tung tóe lên mặt kệ đá như hồi còn ở nơi cũ. Chúng ít ăn hơn trước, cũng không còn giành giựt đớp mồi hay rượt đuổi nhau. Con cá nhỏ bỗng nhiên thay đổi kiểu bơi, nó cứ nằm ngang trên mặt kiếng như giả chết, nhưng chỉ cần lấy ngón tay gõ gõ thì nó lại nổi lên. Ban đầu, nghĩ nó bị bệnh gì đó nên tôi thử thả một nhúm muối vô bể, nhưng sau đó thấy nó vẫn khỏe mạnh bình thường. Nó buồn vì xa nơi ở cũ nên đùa chăng? Nó lặp đi lặp lại trò này rất nhiều ngày, nhiều tuần… cho đến khi không ai chú ý tới nó nữa.
Tháng mười một, trời đã lập đông nhưng vẫn còn những cơn bão rớt kéo về hoành hành đâu đó trên dải đất miền Trung thân yêu, gây bao thảm cảnh cho người dân vốn đã chịu nhiều thiệt thòi nay lại càng khó khăn hơn. Mùa này vẫn chưa ngớt mưa, chiều về, con phố nhỏ vẫn đong đầy những hạt nước bám vào khung cửa kính của dãy nhà cao tầng; từng dòng người xe vẫn lũ lượt lướt qua, đèn xanh, đèn đỏ chớp tắt liên hồi… Thời gian vô tình phủ bụi mờ lên vạn vật. Cuộc sống bận rộn trôi qua, có ai quan tâm đến sự sống nhỏ nhoi của hai con cá cảnh dưới chân cầu thang?...
Sáng nay, cô đồng nghiệp đứng bần thần rất lâu trước bể khi thấy con cá nhỏ trôi lềnh bềnh trên mặt nước, nó đã ngừng thở từ lúc nào không ai biết. Chắc là khi bóng tối ngập tràn công ty, chỉ còn ánh sáng le lói đo đỏ của chiếc đèn quả ớt nơi góc thờ ông Địa tỏa ra, mọi người về hết, cá nhỏ buồn buồn lại chơi trò bơi ngang trong đêm, và không còn ai quan tâm nữa, nên nó cứ vậy mà “chơi mãi mãi”.
Từ khi con cá nhỏ chết đi, con cá lớn chẳng buồn bơi lội như mọi hôm, nó cứ rề rà quanh mặt kiếng, tư lự. Thấy con cá bơ vơ, lẻ loi, thiêu thiếu một điều gì đó, chúng tôi đồng lòng cho nó về với tự nhiên khoáng đạt. Lúc hút nước ra khỏi bể, nó đã quẫy rất mạnh, động tác phản kháng cuối cùng không muốn đi hay là bản năng khi sắp bị bắt? Từ bây giờ, cá đã về sông, đoạn tiếp theo không thể hình dung được nó sẽ thế nào? Tiếp tục sống hay lềnh bềnh nơi bến bờ xa lạ? “Thôi thì khuất mắt, biết nó về đâu, hy vọng nó sẽ bơi lượn nơi sông dài biển rộng”. Chúng tôi an ủi nhau như vậy rồi quay về với nhịp sống thường ngày. Bể cá đã được lau rửa, đổ đầy nước chờ đón thành viên mới hoặc sẽ nằm một xó nào đó mặc cho lớp bụi thời gian bao phủ...
Từ khóa » Cá Có Biết Buồn Không
-
Cá Có Biết đau Không ?
-
Tại Sao Cá Là Loại 'thú Cưng' đáng Buồn Nhất - Bird Eyes - Ohay TV
-
Sự Thật đáng Buồn Về Những Chú Betta!
-
Khoa Học Cùng Với Bé: Cá Có Ngủ Không? | Báo Dân Trí
-
1001 Thắc Mắc: Loài Cá Nào Không Biết Bơi Nhưng Săn Mồi Siêu ...
-
Cá Gì Không Bao Giờ Buồn? - Những Câu đố Vui Dân Gian - Lazi
-
Cách Thực Hiện Giấc Ngủ Của Cá Vàng - Nuôi Tép Cảnh
-
Cách để Nhận Biết Chú Cá Của Bạn đã Chết - WikiHow
-
Cá Chết, Buồn Quá! - NGÀY MỚI
-
Kỳ Lạ điều Luật Phạm Pháp Nếu Nuôi Một Con Cá Vàng