Còn đâu “bờ Xôi, Ruộng Mật”

Một vấn đề rất nhức nhối trong thực tiễn đã được các phương tiện thông tin đại chúng nêu lên rất nhiều nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết triệt để, thậm chí có nơi, có lúc còn diễn ra nghiêm trọng hơn. Đó là tình trạng bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp. Nhiều tỉnh có diện tích đất bỏ hoang lên tới vài trăm héc-ta, thậm chí không ít huyện có diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang lên tới hàng trăm héc-ta.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: laodong.vn

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng đáng suy ngẫm nhất là nguyên nhân nông dân khó sống và làm giàu bằng nông nghiệp. Chi phí sản xuất nông nghiệp quá cao so với tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp mà nông dân thu được. Nông dân Việt Nam vẫn có câu nói quen thuộc: “Lấy công làm lãi” để ám chỉ rằng làm nông nghiệp không hề mang lại lợi nhuận, dù rằng “công” của nông dân thuộc hàng cực kỳ thấp. Lợi nhuận gần như không có, trong khi lao động vất vả, lại phải đối mặt với quá nhiều rủi ro, từ thiên tai, dịch bệnh cho đến sự bấp bênh của thị trường tiêu thụ, dẫn tới nhiều nông dân không còn mặn mà với ruộng vườn. Không ít nông dân bỏ lại nhà cửa, đất đai, vườn tược, ruộng nương để tìm cơ hội việc làm ở lĩnh vực khác, ở nơi khác cho thu nhập cao hơn. Những thửa ruộng một thời là “bờ xôi, ruộng mật” bị bỏ hoang, trở thành những vùng đất cằn cỗi bạc màu. Trong khi, những “bờ xôi, ruộng mật” ấy từng là niềm ao ước của biết bao thế hệ, thậm chí “người cày có ruộng” trở thành khẩu hiệu và là mục tiêu của nhiều cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập, tự do, chủ quyền cho đất nước.

Ai là người chịu trách nhiệm về vấn đề này? Do nông dân; do quản lý, tổ chức sản xuất chưa tốt hay do khách quan mà thành? Lẽ nào chúng ta cứ bất lực trước tình cảnh này?

Chúng ta thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu lao động là đúng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn. Vì thế, một lượng lớn nông dân chuyển sang làm công nhân ở các khu công nghiệp, thậm chí khởi nghiệp kinh doanh để trở thành những ông chủ phi nông nghiệp cũng là chuyện đương nhiên. Nhưng điều chúng ta mong muốn là tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất lao động trong nông nghiệp, để giảm dần lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng thêm nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế khác. Chúng ta hoàn toàn không mong muốn sản xuất nông nghiệp bị bỏ bê, ruộng đồng bị bỏ hoang hóa vì không có người làm, hay không có người muốn làm.

Đánh giá một cách thẳng thắn thì cả ngành nông nghiệp, ngành tài nguyên và chính quyền địa phương đều có trách nhiệm trong vấn đề này.

Một vấn đề lớn như vậy, nhưng rất tiếc, tại nghị trường chiều 7-6, chưa có đại biểu Quốc hội nào lưu tâm tới. Hy vọng, trong 30 phút còn lại dành cho phần chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan vào sáng 8-6, vấn đề này sẽ được đặt ra để phân tích, đánh giá và tìm ra giải pháp.

Chúng tôi cũng hy vọng, trong thời gian tới, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát về vấn đề này. Không thể để những “bờ xôi, ruộng mật”, thành quả đấu tranh bằng cả máu xương của cha ông mới giành được mà nay bị bỏ hoang phí!

CHIẾN THẮNG

Từ khóa » Thế Nào Là Bờ Xôi Ruộng Mật