Con Dâu Phải ăn Tết Nhà Chồng? - Báo Phụ Nữ

Tôi lấy chồng hồi cuối năm ngoái, khi cái tết cận kề. Tôi biết phận làm dâu phải chuẩn bị tết nhà chồng.

Ngay từ ngày mới về, mẹ chồng đã nói bản thân bà làm dâu mấy chục năm nay, có năm nào được ăn tết nhà mẹ ruột, đó là nền nếp từ ngàn xưa, bố mẹ nào sinh con gái đều hiểu.

Rồi bà nói luôn: “Tết nào phải một ngày, đâu cứ phải Ba mươi giao thừa mới là tết, nên mùng Hai mùng Ba về nhà có sao?”.

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Tôi im lặng, dù rất muốn cãi, nếu ngày nào cũng là tết sao mẹ không cho con dâu về nhà đêm Ba mươi đi. Rồi mùng Hai mùng Ba nó về nhà mẹ, xem thử khi ấy mẹ cảm giác con về ăn tết hay khách ghé chơi?

Mẹ ruột tôi thì động viên, năm nay là năm đầu tiên làm dâu, cũng cần đi chúc tết họ hàng bên chồng để còn nhận bà con.

Nhưng tôi đã mắt tròn mắt dẹt và ​​ganh tỵ đến phát khóc khi sáng Hai chín, vợ chồng anh Hai về, mang theo nào gà, nào giò rồi hoa trái, bày biện đâu ra đấy. Ăn trưa xong, anh chị rút phong bao mừng tuổi trước cho bố mẹ và vợ chồng tôi. Chị dâu còn đưa tôi cái phong bì dày nhất, nói chào mừng em dâu mới. Và rồi anh chị cùng hai đứa con dắt nhau... về ngoại. Tôi càng chưng hửng hơn khi mẹ chồng không nói lời nào.

Cái lý thuyết con dâu về nhà chồng “phải lo giang sơn nhà chồng” bà mới dạy tôi đâu rồi? Rồi thì “bản thân bà cũng làm dâu” đâu rồi? Thế vợ anh Hai là gì, không phải con dâu hay sao? Tôi thấy chị về nhà rất đĩnh đạc. Cái cần lo thì lo, việc cần làm thì làm...

Sau này tôi mới biết, anh Hai là con riêng của ba chồng, mẹ chồng tôi chỉ là mẹ kế, nên… tay bà vươn không tới. Chưa kể, anh Hai từ hồi 17 tuổi đã sống xa nhà, nên vụ làm dâu gì đó, miễn đi! Đã vậy chị Hai còn là chủ doanh nghiệp khá lớn, chị có bao chuyện phải lo. Bên họ nhà chị toàn người vai vế, tết nhất chị phải ngoại giao. Đâu như tôi...

Chồng tôi đã an ủi: “năm đầu nên chịu khó chút“, nhưng tôi biết xuất phát điểm của mình thấp, dù năm thứ 20 cũng không thể đàng hoàng đĩnh đạc như chị Hai.

Chị Hai thành đạt giỏi giang vậy, chứ chị không có tính kiêu căng hay chỉ tay năm ngón. Chị luôn quan tâm đến gia đình dù mẹ chồng là mẹ kế. Về nhà là chị xắn tay áo xông vào làm, lắm khi vừa nhổ lông gà vừa chỉ đạo chuyện cơ quan. Lạ là với tôi, mẹ chồng hay nói chuyện kiểu “bắt nạt”, chứ với chị Hai, bà chỉ cười cười, không nói gì.

Tôi không ít lần tủi thân, nghĩ một ngày nào đó mình cũng “vững” như chị Hai. Không phải tôi muốn “chống” lại mẹ chồng, mà muốn bà suy nghĩ thoáng một chút. Con nào cũng là máu thịt mẹ cha, cớ gì sinh con gái lại chịu thiệt thòi? Mấy ngày tết nhà người ta đông vui, thêm con thêm cháu, còn nhà mình lại vắng vẻ quạnh hiu?

Tết năm nay, ngày dự sinh của tôi vào sát tết. Dù không nói ra, nhưng tôi vẫn hy vọng được mẹ chồng đồng ý cho “con so về mẹ đẻ”, và tôi sẽ được ở nhà ăn tết với bố mẹ. Bố mẹ chỉ có mình tôi, năm ngoái vì là dâu mới nên mãi mùng Bốn vợ chồng tôi mới được “thả” về ngoại. Nhìn nhà bố mẹ mười cái bánh chưng còn nguyên cả mười, gà cúng đêm giao thừa, cúng sáng mùng Một, cúng chiều mùng Ba còn nguyên cả ba con, tôi rớt nước mắt.

Chồng tôi hiền, anh hứa sẽ nói chuyện với mẹ, nhưng tôi biết bà khó mà đồng ý. Vợ chồng anh Hai không ở nhà, bình thường có chồng tôi ăn tết cùng, có con dâu dễ gì bà “thả”. Mà “thả” dâu đồng nghĩa là con trai đi theo, lúc ấy nhà còn hai ông bà, vắng vẻ làm sao bà chịu được.

Tôi vào viện sớm hơn ngày dự sinh nửa tháng. Phụ nữ đi sinh thì lo lắng sợ đau, nhưng tôi còn thêm chán nản. Sinh sớm, có nghĩa là đến tết tôi đã có thể xuống giường làm gì đó, cũng có nghĩa là hy vọng được về nhà mẹ ruột tan tành.

Anh chị Hai không nề hà kiêng cữ. Cả hai anh chị ùa vào phòng sinh. Trong khi mẹ chồng có vẻ không vui vì con tôi là con gái, anh chị xúm vào tranh nhau sờ má sờ chân con tôi, bảo có con gái là nhất rồi, còn nói: “Bà nội không thương thì có bác Hai thương, mai bác đón hai mẹ con về nhà bác ở!”.

Mẹ chồng vội vàng: “Sao lại không thương, máu mủ nhà mình mà!”.

Chị Hai tủm tỉm cười: “Nội phải thương cháu gái nhiều nha, mai kia con đi lấy chồng là mất con mất tết luôn đó!”.

Thấy mẹ chồng có vẻ “nhột nhột”, chồng tôi chọc: “Chị ráng sinh đứa con gái mà ẵm”. Tôi không dám nhìn mẹ chồng, chỉ thấy anh chị Hai và chồng tôi nhìn nhau đầy ẩn ý.

Tôi ra viện, không nghĩ xe lại chạy thẳng về ngoại. Anh Hai lái xe, chị Hai ẵm con gái tôi. Chồng tôi, bố mẹ chồng và mấy giỏ đồ đi một xe khác.

Trên xe, chị Hai cười khanh khách: “Là anh chị “lập mưu” đấy. Không phải vì mẹ không là mẹ ruột của anh Hai mà chị dám “gân”. Bên nhà chị đầy trai đầy gái, có ai giữ rìn rịt con dâu như nhà mình đâu. Cô dì chú bác chị cứ thả cho đám con thích bay đâu thì bay. Thời nào rồi, tết nhất phiên phiến đi, thương nó thì nó thương lại. Cứ nặng hình thức câu nệ này kia rồi khó nhìn nhau”.

Tôi nhìn con gái ngủ ngoan trong tay bác dâu, nghĩ sau này cô gái nào làm dâu anh chị Hai quả là may mắn. Mong con gái tôi cũng có được bà mẹ chồng thoáng và hiểu biết, nhân hậu như chị Hai.

Thái Phan

Từ khóa » Dâu Mới ăn Tết Nhà Chồng