Con đê Và Dòng Lũ - Báo Thái Bình điện Tử

Theo các tài liệu nghiên cứu về sông ngòi và hệ thống đê điều ngăn lũ của Thái Bình thì các con sông lớn, nhỏ chảy ven hoặc qua đất Thái Bình đặc biệt là sông Hồng hàng năm chuyên chở khoảng 1 tỷ m3 nước đổ ra biển và ước 100 triệu tấn phù sa bồi lên bờ bãi. Tuy nhiên, nước sông khi mùa lũ tràn về cũng luôn là mối đe dọa “khủng khiếp” đối với sức chịu đựng của những con đê và thực tế trong lịch sử đã từng có nhiều trận vỡ đê gây nên tình trạng ngập lụt tàn phá mùa màng, hoa lợi kéo theo bệnh dịch và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân...

Trong chuyến điền dã về xã Hồng An (Hưng Hà), tôi có dịp gặp ông Trần Xỉu, 87 tuổi, người làng Tư Cương (nay là thôn Bắc Sơn), lớp người “hiếm” còn nhớ được cảnh vỡ đê năm 1945. Trầm lặng hồi lâu, ông hồi tưởng lại cảnh vỡ đê Đìa năm 1945. Khi đó ông khoảng 10 tuổi, đang chơi trong nhà, ông nghe tiếng gọi thất thanh của “ông cụ thân sinh” chạy từ đầu làng báo động đê sắp vỡ, “ông cụ” hối giục vợ con nhanh chạy lên chỗ cao tránh lũ. Lúc sau có một tiếng động rất lớn, nghe như tiếng nổ âm trong lòng đất, rồi nước lũ tràn vào làng, xoáy nước “lao đi” gào thét, cuốn phăng cây cối, nhà cửa… Trâu, bò, lợn, gà phần lớn không kịp “chạy” đều bị cuốn trôi. Làng xóm bỗng chốc chìm trong biển nước.

Theo các nguồn sử liệu, tháng 8/1945, vùng đồng bằng Bắc Bộ trời chuyển mưa to, gió lớn, nước lũ thượng nguồn đổ về, đê tả sông Hồng (đoạn chảy qua hai huyện Hưng Nhân, Thư Trì (nay là Hưng Hà và Vũ Thư), đê sông Luộc thuộc hai huyện Hưng Nhân và Quỳnh Côi (nay là Hưng Hà và Quỳnh Phụ) thẩm lậu nhiều nơi, nước sủi bọt trắng ở các ao hồ trong làng cạnh đê, nguy cơ đê vỡ là khó tránh khỏi. Đây là hậu quả nghiêm trọng của sự lơ là trong việc phòng hộ đê điều của chế độ thực dân nửa phong kiến. Đêm ấy, trống giục dồn dập, dân làng đốt đuốc đào đất hàn khẩu đê vỡ, bắt chạch những đoạn đê thẩm lậu. Tiếng người “dô hò” động viên nhau đào đất, chuyển đất đắp đê vọng vang trên sóng nước đỏ ngầu.

Với những cổ vật khai quật được ở huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ cho thấy, cách ngày nay khoảng 2000 năm, người Việt cổ từ trên miền núi cao đã tràn xuống đồng bằng phì nhiêu, trong đó có vùng đất cổ của tỉnh ta, họ đã có những tác động đến vùng đất bằng cách khai hoang, trồng trọt lúa nước và đã biết làm thủy lợi, đó là thời kỳ vua Hùng Vương thứ XVIII, đến thời Hai Bà Trưng. Công cuộc khẩn hoang đã tích cực góp phần xây dựng nền văn minh nông nghiệp. Thời vua Tiền Lý (Lý Nam Đế - Lý Bí) nhà nước Vạn Xuân cũng hết sức chú ý đắp đê ngăn lũ, thau chua, rửa mặn tạo nên những mùa vàng. Khoảng thế kỷ VIII - IX, thời Ngô Vương Quyền, nhà nước quân chủ đầu tiên đã chú trọng việc xây dựng quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ, thống nhất nên việc khẩn hoang được tiến hành khẩn trương nhằm tạo ra nhiều lương thực cho quốc kế dân sinh. Kết quả của cuộc khẩn hoang này để lại dấu ấn sâu đậm ở vùng Kỳ Bố Hải Khẩu, nay là địa phận phường Kỳ Bá, Trần Lãm và một phần phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) và một số xã thuộc huyện Vũ Thư. Đến thời Lý, vua Lý đã về Kỳ Bố Hải Khẩu cày tịch điền, khuyến khích phát triển nông nghiệp.

Thời nhà Lý (1010 - 1225), chính sách phát triển nông nghiệp được chú trọng, vì thế việc đắp đê trị thủy được ưu tiên. Sông Hồng được đắp đê to và tôn cao, sông Luộc được khơi thông và đắp đê khá vững chãi. Khu vực Tân Lễ, Canh Tân ngày nay vẫn còn dấu vết con chạch ngăn nước thẩm lậu mang tên Hoàng Xá, cao 1,5m, dài khoảng 5 - 6km, tạo nên vùng đất canh tác phì nhiêu, chuyên canh lúa nước. Cũng thời đó, ba vị Quốc sư nhà Lý là Nguyễn Minh Không, Giác Hải và Dương Không Lộ đã về khu vực Lưu Xá, đất “Quan Hà” triều Lý dựng chùa chiền, vận động nhân dân “Cơi đê sông Hồng/Khơi thông sông Luộc/Mở rộng sông Sinh/Cắt phình sông Hóa”. Thời nhà Trần (1226 - 1400) một số đoạn đê biển được xây dựng nhằm ngăn mặn đồng thời làm tuyến phòng thủ quân sự. Đê sông Hồng đoạn từ làng Đông đến làng Vân Lang (thuộc huyện Vũ Thư) dài khoảng 24km được đắp và tôn cao nhằm bảo vệ khu vực dân cư phía Nam, giáp biển. Tương truyền, khi giặc Nguyên Mông tràn vào nước ta, Thái sư Trần Thủ Độ đã đánh nghi binh nhử quân giặc vào vùng đầm lầy thuộc các lộ Long Hưng, Thần Khê, Kiến Xương (nay thuộc huyện Hưng Hà, Đông Hưng và Vũ Thư), giặc chủ quan sa bẫy, lúc đó Thái sư cho đánh vỡ đê, nước tràn vào ngập lụt cả vùng, ngựa chiến của giặc không quen môi trường nước đã sa lầy. Toàn bộ quân giặc bị tiêu diệt. Theo các nguồn khảo luận, dưới đời nhà Trần, những con đê được đắp chỉ cốt giữ cho nước lũ không tràn vào đồng ruộng để kịp làm vụ lúa chiêm, sau khi mùa màng thu hoạch xong thì nước được “tự do” tràn vào đồng ruộng, vì vậy phù sa các con sông cũng bồi lắng dần tạo nên những cánh đồng màu mỡ. Tháng 3 năm Mậu Thân (1248), vua Trần Thái Tông sai quan các lộ đắp đê ở hai bên bờ sông Hồng từ đầu nguồn tới biển, gọi là Đê Quai Vạc. Triều đình còn đặt chức quan để coi việc đê gọi là “Hà Đê chánh, phó sứ”. Hễ chỗ nào đê đắp vào ruộng của dân thì nhà nước cứ chiếu theo giá ruộng mà bồi thường cho chủ ruộng. Mỗi năm, sau vụ mùa triều đình còn ra lệnh cho quân sĩ đắp đê hay đào lạch, hào, giúp đỡ dân chúng. Triều đình cũng cho phép các vương, hầu có quyền chiêu tập những người nghèo khó, lưu lạc đi khai khẩn đất hoang mở mang thêm ruộng nương. Hệ thống đê sông Hồng được hoàn chỉnh dưới thời vua Trần Thái Tông.

Thời nhà Lê thế kỷ XV, hệ thống đê điều ở địa phận tỉnh ta ngày càng được củng cố, phát triển. Năm 1467, bão biển tràn vào, nước biển dâng cao, đê biển vỡ, hai phủ Thái Bình và Kiến Xương ngập lụt, lúa màu chìm trong biển nước, vua Lê truyền chỉ toàn dân tập trung “hàn khẩu” đê vỡ. Thời Lê - Trịnh mặc dù nội chiến liên miên nhưng các quan lại được cắt cử trông coi đê điều vẫn cẩn trọng nên hệ thống đê ngăn lũ vẫn bảo đảm an toàn cho đời sống dân nghèo. Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) tiếp tục duy trì chức quan “Hà Đê” để lo đê điều và thêm quan “Khuyến nông” để phát triển nông nghiệp. Dưới triều Lê sơ (1428 - 1527) những con đê lớn hơn được đắp mới và tân tạo hệ thống đê cũ trên hai bờ sông Nhị Hà (sông Hồng) bằng đá vững chắc. Kết quả trái ngược là sông Hồng trở nên hung dữ hơn, phá vỡ đê và gây ngập lụt triền miên trong thời nhà Nguyễn, nảy sinh nhiều ý kiến đề nghị xem xét vấn đề bỏ hay giữ đê. Trận lũ năm 1969 và 1971 được các chuyên gia ghi vào lịch sử bởi vỡ đê hàng loạt, gần 100.000 dân đồng bằng sông Hồng đã chết vì trận lũ này…

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, các năm tiếp theo, nước ta liên tục gặp thiên tai, bão lũ, đê vỡ nhiều nơi. Trong những lần thăm, động viên đồng bào vùng bị lũ bão tàn phá, đê điều bị vỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Giặc đói, giặc lụt cũng nguy hiểm như giặc ngoại xâm. Không bị lụt lội thì không bị mất mùa. Được mùa thì dân no. Dân có no thì mới đánh thắng giặc ngoại xâm được… Người ta thường nói “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm… Muốn chống đói thì phải chống lụt. Muốn chống lụt, thì phải kịp thời đắp đê, giữ đê”.

Trong thư “Gửi đồng bào huyện Quỳnh Côi”, nay là huyện Quỳnh Phụ tháng 8 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra một phép tính thật đơn giản để mọi người thấy được những cái lợi và hại trong việc giữ đê. “Đê ấy đã bảo vệ được non 400 gia đình và hơn 700 mẫu ruộng. Tính đổ đồng thì đê giữ gìn an toàn một gia đình và gần hai mẫu ruộng, chỉ tốn chừng 4.400 đồng bạc mà một mùa thu hoạch đã bù lại số tiền dùng để đắp đê. Thế là có lợi”. Người cũng nhắc nhở lãnh đạo các cấp: “Đưa tiền của dân và sức của dân để làm việc ích lợi cho dân, thì bao giờ dân cũng hăng hái, việc cũng thành công”.

Quang Viện

Từ khóa » đê Và