Con đường Thiêng Liêng Hằng Sống. - Caodaiyeuluan

“Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống” là quyển sách do Đức Hộ Pháp viết và Ban Tốc Ký ghi lời tựa có đoạn:

“Con Đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống” là một quyển tài-liệu đầu tiên nêu rõ vấn đề siêu-hình mà từ xưa tới nay chưa có một bộ sách nào diễn tả được tận cùng chơn-lý.

Quyển tài-liệu này không những là một ánh đuốc soi đường cho người học Đạo, mà còn là một tài-liệu chép lại đầy-đủ những cuộc đối-thoại giữa các chơn- linh cao siêu nhưng thiếu đạo-đức với các Đấng Trọn-Lành nơi cảnh Thiêng-Liêng Hằng-Sống. Ngoài ra, tài-liệu nầy có thể được xem là một biểu-đồ ghi rõ sự biến- thiên về cá tính cùng trình-độ tiến-hóa của con người qua không gian và thời gian”.

Hơn nữa, theo Đức Hộ Pháp thuyết, con đường thiêng liêng hằng sống theo chơn pháp của Đức Chí Tôn là con đường mà các đẳng chơn hồn thoát xác, trở vào lòng của Đức Chí Tôn để định vị hoặc thăng giáng. Quyển sách do chính Đức Hộ Pháp thuyết và Ban Tốc đã tích góp kỹ lưỡng để làm một cẩm nang cho toàn thể con cái của Đức Chí Tôn, lưu truyền vạn đại trong kho tàng tâm linh thuộc cảnh giới siêu hình mà chính Đức Hộ Pháp đã chầu kiến, hội diện, đi từng cung, từng cảnh.

“Con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống là gì? Nếu hiểu theo Chơn-Pháp của Đức Chí-Tôn thì con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống là: Con đường dành cho các chơn-hồn khi thoát xác, rồi quay về với Đức Chí-Tôn để được định vị, thăng hay đọa” [Thuyết Đạo của ĐHP, bài 1 về CĐTLHS].

Cụm từ “con đường thiêng liêng hằng sống” đã trở thành một thuật ngữ thông dụng trong cửa Đạo. Có lẽ khi học lời dạy của Đức Hộ Pháp, không sao tránh khỏi những sự ngộ nhận khi chỉ đọc thoáng qua. Bằng một danh từ chứa

đựng hai chữ “thiêng liêng”, người ta hiểu ngay là chơn hồn đã được hội kiến cảnh giới vô hình và đạt kiếp vĩnh sanh nhờ vào hai chữ “hằng sống” trong danh từ đó. Chúng ta quay ngược lại phần trích định nghĩa của Đức Hộ Pháp, Đức Ngài nói các chơn hồn quay về với Đức Chí Tôn được định vị, thăng hay đọa. Ngài còn nói thêm “Nhưng nếu hiểu theo triết-lý nhà Phật, thì con đường Thiêng-Liêng Hằng-

Sống là con đường của Luân-Hồi”. Vì vậy, con đường thiêng liêng hằng sống là

chỉ trạng thái vĩnh sanh, hằng sống của các đẳng chơn hồn, được định vị thiêng liêng thoát sinh tử luân hồi hoặc phải chịu đọa, tức là phải tái kiếp trong vòng luân hồi.

Từ khi Đức Chí Tôn hiện ngự và phân tánh, tạo lập càn khôn vũ trụ cùng vạn linh thì mọi vật từ tinh tú, địa cầu đều vận chuyển và thay đổi không ngừng, kể cả những vật thể vi tế bào cũng tiến hóa, sanh sôi, chết sống để thay đổi trạng thái mới. Còn người cũng theo luật ấy mà biến đổi theo dòng thời gian và không gian, học hiểu, tiến hóa không ngừng. Thế thì vạn vật luôn dịch biến và có thể tiêu hủy và thay đổi, thân thể cũng già và chết, tái sinh theo một hình thể mới. Linh Tánh của con người do Đức Chí Tôn phú ban vẫn luân chuyển theo kiếp sanh và học hỏi nên chưa hề đứng ở một trạng thái ngừng nghỉ vì khi đoạt pháp, thì sự tấn bộ và khôn ngoan chí thánh, sáng suốt vô cùng.

Nên con đường mà Đức Hộ Pháp muốn nói đến “hằng sống” là đang đề cập về nguồn Đạo Pháp bất biến, chân lý bất dịch và vĩnh tồn. Con người có tam thể xác thân, phải nương theo ánh Linh Quang của Đức Thượng Đế, phải nương vào giáo pháp ân xá trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để về với Đức Chí Tôn. Sự trở lại bổn nguyên nhờ vào sự tu học là chân lý, Thượng Đế là Đấng Chí Linh là chân lý. Không tu hành, không nương tựa vào pháp giới giải thoát thì phải chịu luân hồi nhân quả là chân lý. Do đó, con đường giụt tấn của các đẳng chúng sanh là một “con đường thiêng liêng hằng sống”. Nếu bỏ xác phàm, chơn hồn được định vị thiêng liêng tức là hằng sống. Ngược lại, nếu chết đi mà chơn hồn không đắc quả, phải tái kiếp trả quả hoặc tu hành tiếp tục, đó là lẽ hằng sống theo lời Đức Hộ Pháp dạy.

Theo biện chứng của Hiền Tài Nguyễn Long Thành, Ngài có biện chứng về lẽ hằng sống trong cõi thăng, lẽ hằng sống trong cõi đọa và lẽ hằng sống trong thế giới vật chất để minh chứng cái “hằng sống” mà Đức Chí Tôn ban phát trong Bát Hồn trong càn khôn. Dẫu hiểu theo một địa hạt hay chiều hướng nào, “Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống” của Đạo Cao Đài muốn minh tả là con đường giụt tiến, một hành trình tìm về chính mình, chính cái Ta tự hữu linh diệu, cái Ta của sự giải thoát khỏi những ràng buộc của thế gian tính mà đoạt cơ vĩnh sanh, hằng sống hòa hợp cùng ánh diệu quang Thái Cực mà Chí Đức Chí Tôn luôn luôn lập những mối đạo để đưa chúng sanh tu hành, xa lìa huyễn mộng, trở về bến giác. Đó là nhiệm

mầu và con đường tấn hóa thiêng liêng đạt sự hằng sống theo ước vọng của Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu.

Đạo Cao Đài ra đời, Đức Chí Tôn cho mở Hội Yến Diêu Trì Cung, ban pháp giới tận độ con cái Ngài. Đó cũng là vì tình thương của hai Đấng Đại Từ Bi mong muốn chúng sanh quy hồi cửa “Phạm”, tô vẽ và chạm khắc dấu chân của môn đệ Cao Đài hầu giụt tấn không ngừng trên con đường thiêng liêng hằng sống để đạt được “hằng sống”.

Từ khóa » Cõi Thiêng Liêng Hằng Sống