“Con Ghẻ” - Xã Hội

Nhà cháu có 3 anh em, cháu là con trai ở giữa. Nhiều lúc cháu cảm thấy bị đối xử như “con ghẻ” ngay trong gia đình mình: anh hai được cả nhà tin tưởng, tạo mọi điều kiện học tập, đi bơi, học tiếng Anh, năng khiếu. Bé gái út xinh xắn thì ai gặp cũng cưng chiều, hay đưa đi chơi, giới thiệu với mọi người, thường được nhận quà. Cháu không đủ tiêu chuẩn được hưởng ưu tiên vì là con trai, nhưng cũng không được đào tạo thành “thủ lĩnh” vì là con thứ. Lúc nào cũng điệp khúc “con phải học anh hai”, “con phải nhường em”.

Có phải mọi người không thương cháu? Cháu chẳng biết phải làm gì để bố mẹ và mọi người quan tâm đến cháu?

(Cháu trai giấu tên, Trường PTCS Lý Tự Trọng - Quận Gò Vấp, TPHCM)

Cháu trai thân mến,

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các cặp vợ chồng khá giả thường dồn hết quan tâm vào đứa con đầu lòng, lên kế hoạch, khuyến khích, “đào tạo” các thần đồng phát huy hết khả năng mà Tạo hóa ban tặng. Đa số phụ huynh đặt nhiều kỳ vọng vào đứa con đầu và không chấp nhận chúng thất bại. Thời gian trôi đi và có thêm những đứa con khác thì sự thật mới được chứng minh, rằng con đầu lòng thì cũng như những đứa trẻ bình thường khác.

Cháu biết không? Nếu những anh hai được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi thì mặt khác lại phải chịu những sự thiệt thòi, chẳng hạn từ rất sớm phải đánh đổi những giờ phút chơi đùa vui vẻ bằng những giờ học thêm, luyện tập, chịu áp lực luôn phải dẫn đầu trong mọi việc. Anh hai thường được cha mẹ dành cho nhiều thời giờ để cùng chơi và trò chuyện, kết quả là dễ trở nên người thành đạt hơn, nhưng cũng bị đẩy vào trạng thái luôn bị áp lực từ kỳ vọng của mọi người. Chán nản, bảo thủ và lo sợ bị thất bại là cái giá phải trả từ sự quan tâm không công bằng ấy. Các cụ có câu “trứng đầu lòng thì ngon, con đầu lòng thì dại”, ý nói khi ấy cả cha mẹ lẫn đứa con đều bỡ ngỡ chưa có trải nghiệm và cũng chưa “học” được bao nhiêu trong vai trò mới của mình.

Thực ra cháu đang được phát triển tự nhiên và không bị thiệt thòi. Cháu vừa được làm em để được học kinh nghiệm từ người đi trước, vừa được chỉ bảo, nhường nhịn và làm gương cho em gái mình. Đừng lo nghĩ xem cháu có được mọi người thương hoặc được phát huy được hết tài năng hay không, miễn là cả nhà đều thấy vui vì anh em cháu mỗi người một vẻ.

Đừng tưởng em gái út của cháu suốt ngày được chiều đâu nhé, bé cũng chịu sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới đấy: Trên trang web Netmums.com, trong số 2.672 bà mẹ được hỏi thì khoảng hơn 400 người (tỷ lệ 15%) thừa nhận dành sự ưu ái cho con trai gấp đôi con gái. Có tới hơn 22% các bà mẹ thường dễ dàng tha thứ cho các sai lầm của con trai, trong khi nếu đó là lỗi do con gái gây ra thì họ sẽ phạt, thậm chí phạt nặng. Các bà mẹ giải thích rằng: bản chất con trai là hiếu động và nghịch ngợm nên việc chúng làm đổ vỡ, làm hư hỏng đồ vật là chuyện bình thường và có thể tha thứ được, trong khi con gái là phải ngoan hiền và nữ tính, nên khi phạm sai lầm thì sẽ phải “uốn nắn kịp thời”. Tuy nhiên, tư tưởng thiên vị con trai hơn con gái là sai lệch, con cái phải được yêu thương và đối xử bình đẳng như nhau, phải không cháu?

Các nhà khoa học đã chứng minh sự phân biệt đối xử giữa con cái trong gia đình là nguyên nhân gây ra các bệnh tâm lý. Một nghiên cứu gần đây nhất phân tích khoảng 300 mối quan hệ giữa người mẹ và con cái tại Boston (Mỹ) cho thấy, con cái sống trong gia đình có sự thiên vị rất dễ mắc bệnh trầm cảm, stress. Đặc biệt, những anh chị em trong gia đình có cha mẹ phân biệt đối xử với con cái sẽ có xu hướng không thân thiện với nhau.

Gia đình là nơi hình thành cho con người phần lớn những khái niệm về cuộc sống từ những lời nói, hành vi, ứng xử hằng ngày giữa các thành viên trong nhà. Là cha mẹ, ai cũng đều mong muốn con cái có tri thức và nhân cách, cháu đừng mặc cảm chuyện phân biệt con cả con thứ, đừng đặt nặng chuyện con trai con gái, mà hãy bằng mọi cách rủ các anh chị em, cả trai lẫn gái tự nguyện tham gia vào các hoạt động gia đình, biết yêu thương và chia sẻ với nhau.

THS-BS LAN HẢI

Từ khóa » định Nghĩa Về Ghẻ