Con Hổ Trong Tục Ngữ, Thành Ngữ Của Người Tày, Nùng

Hình ảnh con hổ gợi lên cho chúng ta liên tưởng về sức mạnh, sự thanh thế, oai linh, vẻ đẹp rực rỡ nhưng đầy bí hiểm, sự uyển chuyển nhẹ nhàng, nhanh nhẹn với cơ thể có những vằn vện thấp thoáng lượn sóng cũng như tính hung hãn, thú tính của một dã thú săn mồi hàng đầu, là một biểu tượng của đẳng cấp người quyền uy. Miêu tả hiện tượng ỷ thế lực, cậy quyền hành của người khác, mượn oai hổ để dọa nạt, để làm người khác sợ, người Tày có câu: Thang slưa tẻm tỉ nẳng (Lấy đuôi hổ lót chỗ ngồi).

Về bản chất tự nhiên, hổ là dã thú có sức mạnh, to khỏe, nhanh nhẹn, thuần thục về kỹ thuật chiến đấu, thành thạo về kỹ năng săn mồi, loài vật này còn đặc trưng bởi tính hung dữ, táo bạo, liều lĩnh, dám tấn công hay đối địch nhiều thú to khỏe khác cùng với tiếng gầm rống rung chuyển núi rừng gây khiếp đảm cho muôn loài và còn là động vật tinh khôn. Từ đó, hổ được người ta tôn lên vị trí Chúa tể của rừng xanh. Một số nơi, bà con còn coi hổ là con vật linh thiêng, e sợ khi nhắc đến tên. Trong đối nhân xử thế, nhiều người chọn lối sống ngay thẳng: Nhẳn slưa gòa, Bấu nhẳn đa đát (Thà chịu hổ vồ, Chứ không chịu điên đảo). Đồng thời lại phải sống cao thượng, kiên quyết không bao giờ làm điều xấu xa để rơi xuống vũng bùn tội lỗi. Nhưng có người lại: Càm cón slưa dằng, Càm lăng slưa bắc (Đi trước hổ gầm, bước sau hổ vồ). Đó là những kẻ ham sống sợ chết, không làm được việc gì. Và trong làng bản, không thiếu những người lười biếng nhưng ăn uống như hổ đói: Hất bặng hân. Kin bặng slưa (Làm như cáo. Ăn như hổ). Tương tự câu: “Ăn như rồng cuốn, làm như cà cuống lội sông”. Những người có chí hướng, không quản ngại hiểm nguy luôn được đề cao trong xã hội, hình ảnh của họ được bà con xây dựng: Tàng bốc khúy slưa. Tàng lừa khúy ngưởc (Đường bộ thì cưỡi hổ, đường thủy cưỡi thuồng luồng). Ở đời, lắm kẻ bất lương thường phao tin đồn nhảm để thực hiện mưu đồ đen tối của mình, tìm cơ hội để trục lợi: Tồn slưa hết lẳc. Tồn slấc hết puôn (Đồn có hổ để ăn trộm. Đồn có giặc để đi buôn). Chúng ta cần nâng cao ý thức cảnh giác với hạng người như vậy. Có người lại tái phạm sai lầm, lúc nào cũng lẩn tránh như Slưa kha tắc (Hổ chân gãy). Ở chốn sơn lâm, Hổ là chúa. Muôn loài đều sợ khi chúng đi qua. Nhưng khi sa bẫy, chân bị gẫy, trông thấy bóng người, hổ rất sợ. Thành ngữ miêu tả nỗi sợ đến cực điểm về một việc gì đó khi ta phạm sai lầm. Có người không nhìn xa trông rộng đã Pjói slưa mừa pù (Thả hổ về rừng): Một công việc làm nguy hiểm, chưa xem xét đến hậu họa.

Trong đời sống người Tày, Nùng, hình ảnh con hổ đã ăn sâu trong tâm thức, những đặc tính của hổ được so sánh với những gì được cho là tốt, mạnh mẽ như: Slưa làu pjếng năng. Cần nhằng ăn tiểng (Hổ chết còn để lại tấm da. Người còn danh tiếng để đời). Theo nhân sinh quan của người Tày, con người khi chết đi còn lưu lại tiếng thơm cho con cháu đời sau, như chúa sơn lâm oai hùng một thủa khuất núi còn để lại tấm da quý. Trên bàn thờ của người Tày còn có bức hoành phi ghi bốn đại tự: “Tổ đức lưu phương” (Đức của tổ tiên còn mãi tiếng thơm). Người Tày, Nùng quan niệm rằng: Mọi sự việc đều có nguyên nhân: Mì slưa dẳng mì ròi. Mì hoi chắng mì má (Có hổ mới có vết chân, có ốc mới có mò) Tương tự như câu: Có lửa mới có khói.

Trong 12 con thú, hổ hội đủ các đặc chất như dũng mãnh, can trường, hiên ngang, dám tấn công cả những con thú to khỏe hơn nó. Nhờ những đặc chất ấy mà hổ là một trong những loài trở thành biểu tượng của sự hùng cường và sức mạnh vô song:

Pỏ pền cúc, lủc pền hân

Lan, lân pền chỏn, roỏc

(Bố là hổ, con là cáo, cháu chắt là sóc là chồn). Đây là lời người già thường nhắn nhủ con cháu, sống ở trên đời, nếu không tu chí phấn đấu thì các thế hệ cháu chắt đều tụt lùi, mất cả thế oai phong, danh tiếng và địa vị của tiền nhân. Con cháu không nghe lời khuyên của cha mẹ cũng dễ gặp khó khăn trong cuộc sống: Ma bấu tỉnh chủa lẻ khỉ slưa. Lủc bấu tỉnh pỏ tỉnh mẻ lẻ lưa. (Chó không nghe chủ hổ ăn thịt. Con không nghe cha mẹ thì ế chồng).

Đôi khi, hình ảnh con hổ còn được đúc kết trong kinh nghiệm sản xuất của bà con phù hợp với địa hình canh tác ở vùng cao: Khinh lao ngưởc, phước lao slưa (Gừng sợ thuồng luồng, khoai sọ sợ hổ). Thuồng luồng là loài sống dưới vực sâu. Hổ là loài sống trên rừng sâu núi thẳm. Người ta không bao giờ vùi gừng sâu, chỉ cần gài nông thì gừng mọc tốt. Còn khoai sọ thì vùi nông, cho nhiều củ.

Hổ cũng là đối tượng nghệ thuật hấp dẫn thể hiện trên các vật dụng sinh hoạt thường ngày, nhà cửa, nơi thờ tự…

Từ khóa » Tiếng Cọp Người