CỒN KHÔ KHÔNG XẤU HOÀN TOÀN NHƯ BẠN NGHĨ - Twins Skin

Cồn trong mỹ phẩm được chia thành 2 loại chính là cồn khô và cồn béo. Nếu cồn béo đã được công nhận là tương đối lành tính và ít gây tổn hại da. Thì mọi “tiếng xấu” bắt đầu đổ dồn về cồn khô. Đặc biệt có thể kể đến ethanol (ethyl alcohol), SD alcohol hay alcohol denat. Với quan điểm khách quan, hôm nay Twins sẽ giúp bạn nhận ra một điều. Nếu thuộc loại da phù hợp và dùng đúng cách, cồn khô thậm chí còn mang lại nhiều lợi ích không ngờ.

Có gì trong bài viết này

Toggle
  • Cồn là gì?
    • Cồn béo
    • Cồn khô
  • Tại sao cồn khô được sử dụng trong mỹ phẩm?
    • Dung môi
    • Làm sạch
    • Chất bảo quản và kháng khuẩn
    • Cồn khô giúp tăng khả năng thâm nhập
    • Cải thiện kết cấu sản phẩm
    • Ngăn tạo bọt
  • Nhìn nhận lại một số thí nghiệm về tính gây hại của cồn khô
    • Nghiên cứu trong ống nghiệm
    • Nghiên cứu lâm sàng
    • Một số thí nghiệm về tác động của cồn khô trong chăm sóc da
  • Dùng cồn khô đúng cách
    • Tình trạng da
    • Chọn đúng sản phẩm

Cồn là gì?

Trước tiên bạn cần hiểu rõ khái niệm về cồn. Trong hoá học, cồn là bất kỳ hợp chất gốc cacbon nào có chứa nhóm OH hoặc hydroxyl.

Trong mỹ phẩm, người ta chia cồn thành 2 loại chính:

Cồn béo

Cồn béo có tác dụng làm mềm và duy trì độ ẩm cần thiết cho da, đặc biệt thích hợp với da khô. Nhưng bạn cũng cần lưu ý. Khi dùng với liều lượng quá nhiều, chúng có thể làm bít tắc lỗ chân lông và dễ gây ra mụn ẩn. Dù vậy thì đây vẫn được đánh giá là một loại cồn lành tính, ít gây hại nhiều so với cồn khô. Một số loại cồn béo thường gặp:

  • Cetyl Alcohol
  • Stearyl Alcohol
  • Cetearyl Alcohol
  • Arachidyl Alcohol
  • Lanolin Alcohol
  • Acetylated Lanolin Alcohol
  • Behenyl Alcohol
  • Myristyl Alcohol

Cồn khô

Và đây mới là “nhân vật chính” mà Twins muốn nhắc đến. Cồn khô trong mỹ phẩm hầu hết là cùng một loại được tìm thấy trong đồ uống có cồn. Trong đó, Alcohol Denat hoặc SD Alcohol (SD – Specially Denatured) – được xếp vào loại cồn biến tính (Denatured alcohol). Chúng sẽ cần trải qua quá trình đặc biệt để biến nó thành loại cồn không uống được. Hiểu đơn giản là người ta sẽ trộn ethanol với một lượng nhỏ thành phần phụ. Ví dụ như dầu thông hoặc methanol.

Một số loại cồn khô thường gặp:

  • Alcohol
  • Isopropyl Alcohol
  • SD Alcohol
  • Denatured Alcohol
  • Alcohol Denat
  • Ethanol
  • Methanol
  • Ethyl Alcohol
  • Methyl Alcohol
  • Polyvinyl Alcohol
  • Benzyl Alcohol

Từ lâu, cồn khô vẫn là một thành phần với khá nhiều tranh cãi và tai tiếng. Nổi tiếng nhất là tác hại làm khô da, gây kích ứng và tổn hại hàng rào bảo vệ da. Trong những phần tiếp theo, Twins sẽ tập trung phân tích về quan điểm này, đọc tiếp nhé!

Tại sao cồn khô được sử dụng trong mỹ phẩm?

Dung môi

Cồn khô chính là dung môi tuyệt vời giúp các hoạt chất dễ dàng hòa tan vào sản phẩm. Đây là điều mà dung môi nước đôi khi không thể làm được. Đặc biệt là với một số hoạt chất không phân cực, khó hòa tan trong nước như BHA (axit beta hydroxy).

Ngoài ra, cồn khô cũng được dùng để hòa tan các chất chiết xuất từ thực vật khó hòa tan trong nước, giúp các hoạt chất được phân bổ đồng đều trong công thức sản phẩm.

Làm sạch

Từ lâu, cồn khô đã được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm tẩy trang với mục đích làm sạch, loại bỏ dầu thừa, bã nhờn, tạp chất trên da.

Tuy nhiên giờ đây chúng đã bị “thất sủng” ít nhiều. Đặc biệt là trước sự xuất hiện của nhiều sản phẩm làm sạch khác dịu nhẹ và ít gây khô da hơn. Twins cũng đồng tình với điều này. Bởi với một sản phẩm làm sạch dùng hằng ngày, chúng ta vẫn còn nhiều sự lựa chọn khác tốt hơn là cồn khô.

Chất bảo quản và kháng khuẩn

Có thể bạn đã biết, cồn khô là một thành phần kháng khuẩn tuyệt vời. Đây là lý do tại sao chúng thường được sử dụng trong nước rửa tay, gạc cồn và các sản phẩm tẩy rửa gia dụng. Với làn da, cồn khô nổi tiếng với khả năng làm giảm sự phát triển của vi khuẩn. Đương nhiên với điều kiện dùng một cách hợp lý.

Cồn khô giúp tăng khả năng thâm nhập

Tác dụng này thì quá rõ rồi. Cồn khô giúp các hoạt chất như Vitamin C, BHA thẩm thấu vào sâu hơn trong da. Bằng cách phá vỡ tạm thời lớp màng bảo vệ da. Và đây cũng chính là tác dụng gây nên tranh cãi nhiều nhất. Khi nhiều ý kiến cho rằng cồn khô sẽ tổn hại hàng rào bảo vệ làm da yếu đi và dễ kích ứng hơn.

Nguồn ảnh: ResearchGate

Twins sẽ nói rõ hơn về nhận định này trong phần dưới nha.

Cải thiện kết cấu sản phẩm

Đặc tính dễ bay hơi của cồn khô giúp cải thiện kết cấu sản phẩm vô cùng hiệu quả. Đặc biệt là với kem chống nắng. Cồn khô sẽ tạo cảm giác thông thoáng, mỏng nhẹ và hạn chế bóng nhờn tối đa.

Ngăn tạo bọt

Tác dụng này hầu hết là do mọi người tự nhận thấy. Đó chính là cồn khô cũng có thể hoạt động như một thành phần chống tạo bọt. Giúp ngăn hình thành bọt khi sản phẩm bị lắc hoặc xóc nảy mạnh.

Nhìn nhận lại một số thí nghiệm về tính gây hại của cồn khô

Trước hết Twins phải công nhận một điều, cồn khô có thể gây khô và làm da nhạy cảm trở nên dễ kích ứng hơn. Nhưng bạn ơi, trong skincare, thành phần nào mà chẳng có khả năng này? Nếu dùng với nồng độ và phương pháp không phù hợp. Bạn hoàn toàn có thể làm một thành phần tưởng chừng lành tính bỗng dưng “trở mặt”. Điển hình là Niacinamide.

Mặc dù có một số thí nghiệm kết luận cồn khô nghe có vẻ đáng sợ. Nhưng nếu xem xét kỹ hơn, bạn sẽ phát hiện ra khá nhiều “lỗ hổng”. Cùng Twins khám phá nhé:

Nghiên cứu trong ống nghiệm

Link: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0741832902001982?via%3Dihub

Nghiên cứu vào năm 2002 kết luận cồn khô có thể làm chết các tế bào da (apoptosis), gây viêm, biến tính protein và làm chậm hoạt động của enzym.

⇒ Tính chính xác: Nghiên cứu này diễn ra trong ống nghiệm. Và bạn cần biết bôi cồn lên da rất khác với việc đổ cồn lên các tế bào trần trong đĩa hoặc lên vi khuẩn được tạo thành từ một tế bào. Thí nghiệm trên lại để các tế bào tiếp xúc với cồn (nồng độ khoảng 0.5%) trong một thời gian dài, khoảng 24 giờ, trong một hộp kín, nơi cồn không thể bay hơi.

Nhưng bạn biết đấy, trong thực tế, cồn rất dễ bay hơi. Trong một sản phẩm chăm sóc da với tối đa khoảng 10% cồn thì đã có hơn 97% trong số đó bay hơi. Thêm nữa, muốn tác động đến các tế bào da sống như trong nghiên cứu ống nghiệm, cồn khô phải vượt qua rào cản của lớp sừng, với 15-20 lớp tế bào da chết chứa đầy chất sừng keratin, được bao quanh bởi các lipid được giải phóng vào “khoảng không” giữa các tế bào. Với cả nồng độ này phải được giữ trong da trong thời gian khá dài mà không bị chuyển hoá.

Nói tóm lại, nghiên cứu này đã vẽ ra một điều kiện lý tưởng đến mức khó tin và kết luận cồn khô là kẻ tội đồ. Trong khi với cách chúng ta skincare hằng ngày, giả thuyết này là điều không tưởng.

Nghiên cứu lâm sàng

Như những gì Twins vừa trình bày, nghiên cứu trong ống nghiệm có vẻ bất khả thi trong việc kết luận cồn khô xấu hay không. Vậy còn những nghiên cứu bôi cồn khô trực tiếp lên da người sẽ như thế nào?

Link: https://www.ajicjournal.org/article/S0196-6553(16)00157-7/fulltext

Đây một nghiên cứu vô cùng phổ biến trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Bắt nguồn từ việc nhân viên y tế sử dụng thuốc xoa tay có cồn (thuốc rửa tay) để ngăn ngừa lây lan bệnh tật. Kết quả là rất nhiều y tá phải chịu đựng tình trạng da nứt nẻ, kích ứng, nổi mụn nước và phát ban sau quá trình vệ sinh lặp đi lặp lại này. Nhận thấy điều này có thể làm mọi người không muốn tuân thủ quy trình vệ sinh tay, thế là nghiên cứu lâm sàng so sánh tác dụng của xà phòng và nước so với cồn xoa tay ra đời.

Hầu hết các nghiên cứu này được thực hiện khá giống nhau:

  • Nước rửa tay có cồn hoặc hỗn hợp cồn và nước (thường chứa 60-100% nồng độ etanol)
  • Cồn được xoa vào bên trong cẳng tay 5-100 lần một ngày, mô phỏng theo tần suất vệ sinh tay của các y tá.
  • Quá trình này diễn ra liên tục trong 7-14 ngày.
  • Các phương pháp đo tình trạng da sẽ được thực hiện vài ngày một lần.

Và bạn cũng thấy, việc chăm sóc da với cồn khô chưa bao giờ đạt đến những điều kiện khắc nghiệt như trên. Do đó, nếu kết luận cồn khô hoàn toàn có hại trong skincare thì vẫn chưa thuyết phục.

Một số thí nghiệm về tác động của cồn khô trong chăm sóc da

Song song đó, chúng ta vẫn có những nghiên cứu cho thấy cồn khô không hẳn là “thủ phạm” cho những vấn đề viêm da, phá vỡ hàng rào bảo vệ da và mất nước xuyên biểu bì:

  • Cartner et al. (2017): https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/ics.12364
  • Löffler et al. (2007): https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/j.1365-2133.2007.07944.x
  • Kramer et al. (2002): https://www.journalofhospitalinfection.com/article/S0195-6701(02)91223-5/pdf

Thêm vào đó, một nghiên cứu năm 2005 còn cho thấy rằng việc thêm các thành phần dưỡng ẩm như glycerin và cồn béo vào hỗn hợp xoa tay bằng propanol có thể làm giảm khô và kích ứng (propanol dễ làm khô và kích ứng hơn ethanol). Mà loại thành phần này hầu như luôn được tìm thấy trong các sản phẩm chăm sóc da có chứa ethanol.

Link: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16364124/

Dùng cồn khô đúng cách

Tình trạng da

Đầu tiên, mọi thứ phải luôn xuất phát từ tình trạng da của bạn. Nếu bạn thuộc loại da cực kỳ nhạy cảm, hàng rào bảo vệ da bị tổn thương nặng do kem trộn thuốc rượu, cồn khô sẽ không phù hợp. Còn lại thì rất khó để nói loại da nào không được dùng cồn khô. Điều này còn tuỳ thuộc vào quy trình kết hợp, nồng độ, công thức sản phẩm và mục đích skincare của bạn.

Chẳng hạn như bạn dùng Retinol và đang trong giai đoạn “tấn công”. Mục đích của bạn là muốn tăng tốc quá trình bạt sừng, thay mới tế bào da. Khi đó, một số sản phẩm có cồn khô vẫn có thể chấp nhận được. Và quy trình này cũng phải phù hợp với ngưỡng chịu đựng của làn da.

Nói tóm lại, hãy hiểu da mình cần gì và tình trạng da có đáp ứng được không mà điều chỉnh bạn nhé! Nếu vẫn còn khá mơ hồ, bạn có thể nhờ đến sự tư vấn từ những người có chuyên môn như Twins nè.

Chọn đúng sản phẩm

Với những sản phẩm chăm sóc da hằng ngày như tẩy trang, sữa rửa mặt, toner, bạn vẫn còn nhiều phương án thay thế khác tốt hơn cồn khô mà vẫn đảm bảo da được làm sạch và cân bằng tốt.

Theo đó, bạn có thể cân nhắc dùng các sản phẩm chứa cồn khô khi da cần đặc trị một vấn đề. Và chỉ có cồn khô mới giúp mang lại hiệu quả tốt nhất trong trường hợp đó. Chẳng hạn như dùng BHA để trị mụn, cồn giúp BHA thấm sâu vào da và diệt khuẩn tốt hơn. Đương nhiên là với một tần suất và cách dùng hợp lý cùng sự hướng dẫn kỹ càng từ hãng.

Ngoài ra, một sản phẩm đâu phải chỉ có mỗi cồn với hoạt chất. Nếu cần phải dùng đến sản phẩm chứa cồn, bạn nên ưu tiên lựa chọn hệ nền có thêm cả các chất dưỡng ẩm, phục hồi khác như Glycerin, Butylene Glycol, Propylene Glycol. Bởi chúng sẽ giúp làm giảm mức độ gây khô da và kích ứng của cồn.

Nhìn vậy chứ hệ nền cũng quan trọng không kém hoạt chất chính đâu nè. Chúng giống như một “người hùng thầm lặng” tạo điều kiện cho hoạt chất chính hoạt động tốt hơn, đôi khi còn làm giảm độ kích ứng cho da như ví dụ về cồn khô Twins vừa đề cập. Vậy nên khi nhìn vào bảng thành phần, bạn cũng hãy tìm cho mình một sản phẩm có các thành phần hỗ trợ tốt, bên cạnh hoạt chất chủ đạo nữa nhé!

Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn cái nhìn khách quan hơn về cồn khô – thành phần tranh cãi bậc nhất trong giới skincare. Chúc bạn sớm tìm được phương pháp dành riêng cho làn da mình.

Nguồn tham khảo: https://labmuffin.com/how-bad-is-alcohol-in-skincare-really/

Twins Skin - Scientific SkincareTwins Skin - Scientific Skincare

Twins Skin là thương hiệu mỹ phẩm chuẩn khoa học đầu tiên của Việt Nam, tiên phong ứng dụng các công nghệ bọc tiên tiến, dựa trên nền tảng khoa học đã được nghiên cứu chứng nhận. Đội ngũ nghiên cứu của Twins Skin gồm: kỹ sư hoá sinh, kỹ sư hoá dược, sự tham vấn từ bác sĩ da liễu và bác sĩ da liễu thẩm mỹ.

Mỗi khách hàng đến với Twins Skin đều sẽ được thiết quy trình cá nhân hoá dựa vào lịch sử da và vấn đề da. Twins Skin cam kết đảm bảo quyền lợi của bạn với chính sách bảo hành/đổi trả miễn phí. Tìm hiểu và kết nối cùng Twins tại:

Từ khóa » Thành Phần Cồn Khô Trong Mỹ Phẩm