Con Lợn - Biểu Tượng ấm No, Sung Túc Trong Tranh Dân Gian Việt Nam

Gắn bó với các gia đình Việt, nên con lợn cùng một số loài vật thân quen khác như gà, cá chép xuất hiện trong rất nhiều mẫu tranh dân gian. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, các bức tranh vẽ gà hay lợn đều dễ treo, dễ cảm với tất cả tầng lớp nhân dân, dù trí thức hay nông dân, thợ thủ công... Tranh tạo cảm giác thân quen mộc mạc, gợi nhớ về quê nhà hoặc những vùng nông thôn từng đi qua.

Trong dòng tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) có rất nhiều mẫu về lợn: lợn ăn ráy, lợn nái, lợn độc, lợn đàn. Đó là những chú lợn béo tốt, xoáy tròn tạo hình âm dương.

Hình ảnh đàn lợn trong tranh Đông Hồ.

Đàn lợn trong tranh Đông Hồ.

Tranh lợn đàn là hình ảnh một lợn mẹ với năm lợn con, mỗi con một tư thế, nhìn rất sinh động và vui mắt. Nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Phan Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), phân tích: "Trong tranh lợn đàn Đông Hồ, con số năm chú lợn con quây quần bên lợn mẹ là một con số đẹp. Trong khi đó, xoáy âm dương trên thân lợn thể hiện sự tuần hoàn, sinh sôi nảy nở". Nhiều người cho rằng con số năm thể hiện ý "ngũ phúc" như trong một số loại tranh dân gian khác. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Phan Văn Tuấn phản bác, cho rằng lợn là con vật rất đời thường, tuổi thọ của lợn cũng thấp, không thể hiện được chữ "thọ" trong "ngũ phúc".

Lợn trong tranh Đông Hồ gắn bó với người dân cả một vùng đồng bằng Bắc Bộ, đã đi vào thơ của Hoàng Cầm với nỗi xót xa khi chứng kiến "mẹ con đàn lợn âm dương, chia lìa đôi ngả" trong những ngày chiến tranh, khói lửa. Nét tiêu biểu của tranh Đông Hồ là in trên nền giấy điệp, có thể nhuộm thêm màu vàng nhạt, cam... nên tranh có sự lấp lánh, như Hoàng Cầm viết: "Tranh Đông Hồ gà, lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" (Bên kia sông Đuống). Hình ảnh lợn cũng đa sắc với màu trắng, vàng, đỏ, xanh lá cây...

Còn trong dòng tranh Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội), vẫn là những chú lợn béo tốt, nhưng là lợn ỉ màu đen và được cách điệu nhiều hơn, như tai hình xoáy ốc, mõm được đặt hình vân mây hay những nét sóng lượn theo dọc thân mình.

Khác với màu nền vàng, hồng của tranh Đông Hồ, tranh lợn Kim Hoàng đặt trên nền đỏ của giấy hồng điều, màu sắc ấm áp báo hiệu một năm mới nhiều may mắn. Tranh Kim Hoàng vì thế còn được gọi là tranh đỏ. Lợn trong tranh Kim Hoàng ít màu sắc hơn tranh Đông Hồ, chỉ có ba màu trắng, đỏ và đen, trong đó màu da đen là chủ đạo.

Chú lợn ỉ trong tranh Kim Hoàng.

Chú lợn ỉ trong tranh Kim Hoàng.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, người dành nhiều tâm huyết và thời gian để khôi phục dòng tranh Kim Hoàng - lý giải tranh có nền đỏ nên màu sắc để phối lên át được màu đỏ hoặc hòa sắc là khó. Có một số màu cơ bản như vàng nhạt, trắng, xanh nhạt, tím... đã được thử nhưng không nổi bật và ấn tượng như màu đen. Khi in tranh lợn, các nghệ nhân làng Kim Hoàng chỉ in mảng đen trên nền giấy đỏ, rồi thỏa sức vẽ bằng tay các chi tiết mắt, tai, mõm, vân mây.

Tranh lợn Đông Hồ và Kim Hoàng được người dân mua để treo chơi, trang trí nhà cửa ngày Tết cũng như cầu một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Giải thích về hình ảnh những con lợn béo tốt trong tranh dân gian, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hòa dẫn câu ca dao: "Con lợn có béo cỗ lòng mới ngon".

Theo bà Thu Hòa, thời xưa và đến tận thời bao cấp, con lợn có thể làm kinh tế nhỏ trong gia đình cũng như cải thiện cuộc sống nên người nông dân Việt Nam luôn mong muốn hình ảnh "lợn đầy nhà, gà đầy chuồng", con nào cũng béo tốt thì cả nhà cùng vui.

Bà Thu Hòa cho biết trong quá trình nghiên cứu về tranh dân gian, ngoài tranh lợn Đông Hồ và Kim Hoàng, bà đã sưu tầm được mẫu tranh lợn ở làng Sình (Huế), tranh khắc gỗ của dân tộc Dao. Trong đó, tranh lợn làng Sình thường được người dân Thừa Thiên Huế dùng trong lễ cúng chuồng để cầu mong lợn nuôi không ốm đau bệnh tật. Lợn trong tranh làng Sình chỉ có một màu đen, hình ảnh gần với hiện thực, không cách điệu. Các cụ già ở làng Kim Hoàng cho biết trước đây tranh lợn Kim Hoàng cũng dùng để cúng chuồng.

Họa sĩ Đức Hòa nhận xét tranh dân gian trước khi phục vụ cho nhu cầu trang trí thì thường xuất hiện dưới dạng phục vụ tín ngưỡng, tôn giáo như tranh đồ thế, tranh thờ... Vì vậy, ngoài các bức tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, đồ thế hình lợn còn được các nghệ nhân dân gian đưa vào tranh cho người đã khuất (tranh lợn của dân tộc Dao), cúng chuồng (Trung bộ), tranh người khiêng lợn (đồ thế Nam bộ)...

Lê Tiên Long

  • Sách Tết Kỷ Hợi gợi tinh thần Tết xưa
  • Tranh dân gian ngày Tết phổ biến trong gia đình Việt

Từ khóa » Hình ảnh đàn Lợn đang ăn